Cập nhật:  GMT+7

Hồng xiêm

Tháng Chạp, nắng lưng chừng trên những hàng cây hai bên con phố nhỏ, ướp vàng vừa đủ những hàng rào rêu phong. Bên ô cửa ngắm lá vàng từng đợt xuôi theo chiều gió, tôi chợt nghe mùi hương dịu ngọt, lạ mà quen, thoảng qua. Những trái hồng xiêm (sapoche) anh họ ở quê gửi cho tôi tuần trước đã bắt đầu chín. Mùi hương ấp áp, ngọt lành gợi những tháng Chạp xa xôi.

Tuổi thơ chị em tôi gắn với mảnh sân và vườn nhà được trồng nhiều hồng xiêm. Sau ngày thống nhất đất nước, ba mẹ tôi cưới nhau ở miền Bắc và được chuyển công tác về quê hương. Nội tôi cũng từ miền Bắc trở về quê cấp tập dựng nhà, gây vườn để có chỗ cho các cháu nội tương lai chơi đùa. Sân và vườn nội trồng nhiều cây ăn quả, chủ yếu là giống hồng xiêm tròn mang từ miền Bắc vào. Khi đàn cháu nội vừa lớn thì hồng xiêm cũng cho quả trĩu cành.

Hồng xiêm

Hương vị tuổi thơ -Ảnh: T.L

Nội tôi kể, hồi đó chỉ duy nhất vườn nhà tôi trồng hồng xiêm, người dân quanh vùng chưa có nên chưa biết đến quả này. Có nhiều năm hồng xiêm được mùa, trái nhiều hơn. Thanh niên đi chơi khuya về, nhiều lần leo vào vườn vặt trái ăn tại chỗ vì nghĩ trái ăn ngay được như ổi hoặc xoài, không ngờ đắng chát nên đành bỏ lại giữa vườn.

Sáng ra, nội chỉ mỉm cười thay vì giận. Mùa đó, khi trái đủ già, nội ủ một thúng quả chín bằng lá xoan rồi mang biếu khắp xóm. Ai cũng tấm tắc khen trái cây ngọt thanh tao, mát lành, từng thớ thịt mịn màng tan dần trên đầu lưỡi .

Hồng xiêm cho trái quanh năm nên thức quà vặt của chúng tôi chủ yếu là loại trái cây này, ngọt lành, thơm tho. Trái hồng xiêm rất đỏng đảnh, nên ít khi để chín cây, nếu để chín cây thì bị chim ăn và rụng hỏng hết. Nên cứ thấy trái đủ độ già là nội sai chị em chúng tôi trèo hái.

Chúng tôi sung sướng nhất vẫn là mỗi buổi đi học về, bụng đói, lần giở từng lớp lá xoan có mùi ngai ngái trong chiếc thùng là có vài quả chín, ăn ngay tại chỗ rồi tiếp tục đi chơi. Thế nhưng chúng tôi vẫn thèm thuồng một cây kem mát lạnh hay vài chiếc bánh tráng nướng vàng của trẻ con bên nhà hàng xóm vì hiếm khi chúng tôi được ba mẹ mua cho.

Tháng Chạp, khi những quả hồng xiêm đi qua mùa bão giông, chắt chiu đủ nắng, ngậm đủ sương, bắt đầu già đi, lớp cám nâu trên vỏ bong ra để lộ lớp da mịn màng, xám vàng nhạt là cho thu hoạch. Nhiệm vụ nặng nề của chúng tôi không phải là trèo cây hái quả, mà hái xong phải lấy khăn khô lau từng quả cho lớp cám rụng hết để quả có màu sáng, nhìn đẹp mắt hơn.

Tôi nhớ cứ mỗi độ gần Tết như thế, chúng tôi phải cố ngồi hàng giờ kỳ cọ cho hết vài thúng trái sapoche, một công việc vất vả đối với những đứa trẻ ham mê chạy nhảy như chúng tôi hồi đó. Nội tôi sẽ chọn những quả đẹp nhất bày bàn thờ tổ tiên, biếu họ hàng, bà con lối xóm và bán để chưng mâm ngũ quả ngày Tết. Số còn lại mới ủ chín ăn dần.

Quả ngon, cây dễ trồng, mỗi mùa xuân đến, sau khi cây cho thu hoạch xong, ba tôi thường chiết vài cành để tăng thêm số lượng trong vườn, biếu bạn bè, thông gia. Sân nhà tôi hồi đó rợp bóng hồng xiêm, cây cho quả và cho bóng mát. Nhưng biến cố gia đình buộc chúng tôi phải rời xa ngôi nhà và vườn cây trái sum suê này.

Cuộc mưu sinh cuốn chúng tôi vào guồng quay không ngừng nghỉ để rồi chỉ vào những dịp Tết mới được sum họp cùng gia đình nhưng thiếu vắng mùi vị hồng xiêm, mùi vị của tuổi thơ hồn hậu. Từ đó, ba mẹ tôi luôn trăn trở gây dựng lại khu vườn với thật nhiều hồng xiêm để các cháu được chơi đùa, hái quả nhưng vẫn chưa thành.

Để rồi chiều nay tháng Chạp, bổ quả hồng xiêm rám màu bày lên đĩa, thấy tuổi thơ ngọt ngào bỗng chốc ùa về. Rồi nhớ quay quắt. Vậy mà tôi nhầm tưởng mình đã đánh mất hương vị thức quà tuổi thơ tự thuở nào.

Tuệ Linh

Tin liên quan:
  • Hồng xiêm
    Mùa Cỏ hồng Đà Lạt

    Mùa mưa, Cỏ hồng ken dày như thảm nhung xanh khổng lồ, mùa khô hồng rực như làn môi thiếu nữ. Cảm kích trước tình yêu bất diệt của KaHồng, sau khi qua đời K’Sương biến thành hạt sương, hằng đêm vương trên Cỏ hồng “như lời xin lỗi” khôn nguôi.

  • Hồng xiêm
    Những “bóng hồng” làm thủy lợi

    Với nhiệm vụ quản lý, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, những năm qua, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị luôn nỗ lực khắc phục khó khăn để thực hiện tốt việc tưới tiêu, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Để hoàn thành sứ mệnh này, có sự đóng góp không nhỏ của những nữ cán bộ, công nhân viên (CBCNV) thủy lợi. Bước chân của những “bóng hồng” ấy đã đi đến mọi vùng miền, không quản nắng, mưa, thiên tai để điều tiết mạng lưới tưới tiêu rộng khắp, dẫu điều kiện làm việc còn nhiều vất vả.


Tuệ Linh

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long