Cập nhật:  GMT+7

Hoa cuối năm

Kể từ ngày chú Từ vào cơ quan nhận chân bảo vệ đến nay cũng được hai mươi năm rồi. Hai mươi cái tết chú không đón giao thừa ở nhà với vợ, những ngày xuân cũng chỉ ghé về nhà cùng vợ đi thăm mấy người xung quanh rồi lại gấp gáp đến cơ quan để trực.

Hoa cuối năm

Minh họa: THANH SONG

Chú Từ vốn là bộ đội xuất ngũ, chuyện đánh đấm ngày xưa ít khi chú kể với ai. Hình như đối với chú thì chiến tranh là một nỗi sợ sệt và chiến thắng chẳng bao giờ trọn vẹn. Ngày giải phóng chú về quê, chân trái đi cà nhắc, so với nhiều bạn bè đồng đội thì như thế vẫn còn may. Làng mạc tiêu điều, người thân ruột thịt không còn ai, chú ở nhờ nhà một người bạn. Rồi người ta mai mối chú với một chị thợ may, hạnh phúc vá víu. Họ nên vợ nên chồng chóng vánh. Sống với nhau mấy năm trời hai vợ chồng không sanh được con. Nghe người ta bàn ra bàn vào đau đầu, hai vợ chồng chú quyết định lên phố sống. Cái buổi ấy phố xá mới sơ sài thôi, hai vợ chồng chú mướn một phòng trọ cũng sơ sài, rồi tằn tiện mua được căn phòng ấy.

Từ khi lên phố, vợ chú may vá tại nhà trọ, chú được vào làm bảo vệ cho cơ quan này. Hai mươi năm, phố xá đông nghìn nghịt mà gia đình chú vẫn hẻo, đơn mảnh một vợ một chồng. Vợ chồng làm được bao nhiêu tiền thì lo cho bữa ăn từng ngày, lâu lâu cái chân của chú trở chứng lại đem đi bệnh viện, thành ra chẳng bao giờ dư dật. Chú Từ an ủi vợ, thôi em ạ, mình chẳng con cái thì cũng bày ra nhà cửa mà chi. Khách khứa cũng chả bao sản mà cần sang trọng với đời. Vợ chú thương chồng, cũng cố tỏ ra đùa cho vui, nói anh có cái nhà ba tầng to nhất thị xã này rồi còn gì, phòng nào trong đó anh cũng mở được hết đấy thôi. Rồi hai vợ chồng ôm nhau cười giòn hạnh phúc. Đôi vợ chồng đã ngấp nghé tuổi năm mươi vẫn xưng hô anh em ngọt xớt, chắc là tại không có con, cứ ngỡ còn là vợ chồng son.

Ở cơ quan một năm có đến mấy chục cái lễ lược hội nghị, kỷ niệm chào mừng. Thật ra, lễ của cơ quan thì ít nhưng các phòng ban khác đến mướn hội trường để tổ chức. Chú Từ đảm nhiệm luôn cái vụ trang trí phong màn bầy biện. Rồi việc người ta bồi dưỡng cho dăm ba chục. Ai cũng khen nói chú Từ nhiệt tình, lại có nhiều tài lẻ, từ cắt chữ đến bài trí hoa hòe. Chú cười, nói bộ đội mà lại, việc gì cũng phải nhạy bén tiếp thu, cái thời ở rừng khốn khó chúng tôi còn tổ chức được bao nhiêu lễ cũng hoành tráng lắm.

Mỗi lần việc xong thể nào cũng còn lại ở hội trường vài lẵng hoa, giỏ hoa. Hoa bó tặng cá nhân thì người ta đem về, còn mấy cái lẵng hoa chào mừng thì cứ để đấy. Chú Từ dọn dẹp hội trường xong xuôi, đứng khựng trước mấy lẵng hoa, chẳng biết xử sự sao. Đem vứt đi thì tiếc, hoa tươi roi rói tiền cả đấy mà bỏ vào thùng rác thật phí.

Chị bán hoa trên chợ ghé vào, nói chú Từ cho con xin đem về. Chú hỏi làm gì? Chị nói con sửa sang lại chút ít, tháo cái băng vải đỏ đi là có lẵng hoa mới để bán. Chú Từ trợn mắt lên, bảo không được đâu, làm thế chẳng khác nào nải chuối mình cúng xong đem ra chợ bán lại cho người ta đem về cúng. Chị hàng hoa chống chế, chuối khác hoa khác chú ơi. Chuối người ta cúng thì hương hồn ông bà hưởng rồi, đem cúng lại thì thất lễ. Nhưng hoa tươi này chỉ để ngắm thôi, mà chắc gì người đến hội nghị đã ngắm hoa, họ nghe là chính à. Thành ra mấy lẵng hoa này cũng giống cái bàn cái ghế, bưng đi bưng lại thế thôi. Chú Từ nghe nói cũng có lý, nếu không cho chị ấy, đem vứt đi chẳng phải phí của giời à. Thế là chú bảo chị lấy đi.

Có lần hai hội nghị tổ chức cách nhau một ngày. Lẵng hoa hôm sau chính là lẵng hoa hôm trước, chỉ thay cái băng vải khoác chéo bằng dòng chữ khác. Chú Từ ngó là biết ngay nhưng chẳng nói ra, nghĩ bụng ừ thì người ta bán buôn, kiếm được đồng nào hay đồng đó. Mà hoa này chỉ chưng lên có hai tiếng đồng hồ thôi, có ít tươi một chút cũng được, còn hơn bày ra hoa tươi hoa thắm để rồi đem vứt đi.

Độ gần Tết cổ truyền dân tộc cũng là dịp đầu năm dương lịch, lễ lược lại càng nhiều. Phòng này tổ chức tổng kết năm cũ định hướng năm mới, ban này hội nghị tuyên dương điển hình. Ở cái xứ mình hội hè quanh năm, hội truyền thống chưa đã, ngày Tết tự dưng bày thêm những hội khác nữa. Ừ, thì ngày tết chẳng ai cấm được cái sự làm vui lòng nhau. Hoa cứ thế mà bê vào hội trường từng lẵng từng lẵng. Chú Từ đứng ngó, miệng đếm thầm, năm “xị”, một “chai”... Tiền ơi là tiền. Hoa ngày thường một giá thì ngày tết đắt lên ba bốn giá. Lương bảo vệ của chú mỗi tháng chỉ bằng giá một lẵng hoa dùng hai tiếng đồng hồ kia thôi. Tự dưng chú Từ thấy mình bèo bọt quá, hèn gì ngày tết người ta ra đường đi đây đi đó, còn chú thì ngồi một xó.

Qua hai mươi cái Tết, chú nhận ra một điều là cứ tết năm sau lễ lược lại nhiều hơn, hoa cho mỗi lần lễ cũng tăng lên. Cái chị xin hoa hồi ấy bữa nay con cái đã lớn, tết kéo thêm hai đứa con đến bê hoa về quầy tút tít lại. Nhìn những lẵng hoa vàng đỏ tươi tắn chú chợt thương cái cảnh ở trọ của mình. Mỗi lần Tết, vợ chú mua ở chợ vài nhành cúc Đà Lạt đem về cắm vào cái lọ đặt lên chiếc am thờ nhỏ trong nhà. Còn giữa bàn thì chẳng có hoa. Cái bàn con nho nhỏ, đặt lên đó đĩa mứt kẹo với ấm trà là hết chỗ. Mà ngày Tết nhà chú chỉ đón độ dăm người quanh hẻm đến chơi thôi à, bày biện làm chi cho nhọc.

* * *

Năm nay, chú Từ định bụng bưng một giỏ hoa ở sau buổi lễ cuối cùng đem về nhà mình chưng cho vui, cũng có cái để làm đẹp lòng vợ. Chú thương vợ quá, ngày tết mà hai vợ chồng chỉ gặp nhau được chút ít thời gian, cứ y như thời đạn bom ngái ngôi cách trở không bằng. Nhưng bê cái giỏ hoa ấy về rồi nói thế nào với vợ. Nếu nói hoa này người ta dùng xong anh bê về thì có khi vợ buồn, nghĩ dùng đồ thừa mứa của thiên hạ. Còn nói mua ở quầy thì chắc vợ sẽ xuýt xoa tiếc tiền suốt mấy ngày tết cho mà xem. Ừ, cũng có thể nói dối vợ là người ta tặng. Nhưng, ai mà đi tặng hoa cho bảo vệ làm gì. Cơ quan tặng chẳng hạn? Khó tin, cơ quan thì biếu cho cân đường, gói mứt, chai rượu màu, thiết thực hơn. Chú Từ nghĩ mãi chẳng ra một lý do gì hay hay để mang hoa về mà vợ mình vẫn yên tâm vui vẻ. Trong khi đấy chị hàng hoa đã bê lẵng hoa sau rốt ra ngang cửa hội trường.

- Này!

- chú Từ khẽ kêu như để níu chân chị ấy lại.

Chị quay lại, bất ngờ.

- Chi vậy chú Từ?

- Để lại cho tôi... - Nói ngang đấy thì chú Từ khựng đi. Giờ mà bảo chị ấy để lại thì ngại quá. Mấy bận trước có bao giờ chú kèo nài như thế đâu. Chao ôi, cả đời chú không xin xỏ ai cái gì giờ mở miệng ra xin lại một lẵng hoa, mà nhẽ ra nó là của chú, cũng thấy khó khăn. Thế mới biết làm người thật thà chẳng phải dễ chút nào.

Rồi chú buột miệng:

- ... À, mà thôi, không có gì đâu.

Chị hàng hoa chẳng rõ chú định nói chuyện gì, đứng thần ra một chốc rồi khẽ gật đầu chào chú Từ rồi bưng hoa ra cổng.

Hôm ấy là ngày làm việc cuối cùng của năm, cái lễ lúc chiều là tất niên của cơ quan. Có nghĩa giờ muốn lấy hoa đem về nhà chú Từ cũng không thể có nữa rồi, trừ khi chạy lên quầy hoa mua thôi. Mua hoa, chú tiếc tiền một thì vợ chú tiếc mười. Thôi đừng bày vẽ ra nữa.

Từ chiều đến tối chú cứ lởn vởn ý nghĩ về hoa. Chà, năm nay cũng giống mọi năm rồi, cũng căn phòng trọ cũ không chút màu mè ngày tết. Biết thế hồi chiều đánh liều, chịu “nhục” một chút bê lẵng hoa về nhà thì hay biết mấy.

Ngoài phố dậy lên mùi nhang thơm. Những giờ phút cuối năm chú ở lại cơ quan trực một mình, thương thân thì ít mà thương vợ ở nhà thì nhiều. Cũng sắp giao thừa rồi đấy nhỉ? Chú tự hỏi với lòng mình rồi ngó qua chiếc đồng hồ. Mười một giờ bốn lăm. Giờ này chạy ù về nhà vẫn kịp đấy. Không lẽ giao thừa người ta còn vào cơ quan này trộm phá mà phải giữ cho mệt.

Thế là chú chạy bộ ra cổng để về nhà. Chạy như thể bị ai rượt đuổi. Trên phố lác đác vài người về nhà muộn, ngó thấy chú chạy đâm nghi nghi, nhưng chẳng ai hoài tâm làm gì, trong lúc cái không khí xuân đang tới gần thế này.

Vừa đi vừa chạy cho kịp giao thừa, nhưng đầu óc chú vẫn cứ nghĩ về hoa. Chú thấy day dứt, ân hận, biết thế lúc chiều đánh liều mua một giỏ hoa đem về nhà, chắc vợ sẽ vui lắm. Và chú tưởng tượng ra căn phòng trọ của vợ chồng mình, giờ này và cả tết này sẽ lạnh lẽo biết bao vì thiếu hoa. Sẽ thêm một mùa xuân trong căn phòng không hoa hòe trưng phô. Mắt chú ươn ướt, không phải vì sương đêm trừ tịch, cũng chẳng phải chạy mệt mồ hôi vã ra. Chú khóc, nhẹ tâng vì tiếc nuối và cả tủi thân.

Đúng mười hai giờ, ti vi bên nhà hàng xóm phát ra tiếng pháo hoa nổ lùng bùng. Chú biết mình đã về tới nhà vừa kịp giao thừa nhưng lòng lại chưng hửng. Chú đứng trước phòng trọ, thấy vợ đã soạn xong mâm hoa quả, đang ngồi tựa tay lên vai ghế vẻ buồn ngủ.

Gặp chồng, vợ chỉ nói được mấy chữ mà nghẹn đi “anh mới về...”. Chú Từ mỉm cười gật đầu. Ngó sang bên bàn chợt thấy một bình hoa rất to và đẹp, tươi tắn. Trông cánh hoa còn phẳng mềm, chú Từ biết hoa này mới bóc bọc ni lon đây. Chú chưa kịp hỏi gì thì vợ cất tiếng:

- Có bình hoa phòng mình tết hẳn anh nhỉ? Hồi chiều lúc cô ấy bưng đến em bất ngờ quá, chẳng biết người ta có nhầm địa chỉ không. Hóa ra cô ấy nói là con của chị bán hàng hoa trên chợ, chú Từ mua hoa nhờ cháu mang về nhà.

Chú Từ ngớ ra, mình có nhờ vả ai chuyện hoa hòe đâu. Chưa kịp hoàn hồn thì vợ tiếp lời:

- Em cũng muốn mua ít hoa về bày biện trong nhà cho có không khí Tết. Nhưng... cứ sợ anh trách tốn kém, nên thôi. Ai dè anh mua rồi.

Chú Từ cũng định nói với vợ như thế. Mà thôi. Nói làm chi khi xuân đang ăm ắp tình hoa như thế.

Hoàng Công Danh


Hoàng Công Danh

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Hoa gió

Hoa gió
2023-12-30 13:15:00

QTO - Hoa gió

Trìa nướng ngày đông

Trìa nướng ngày đông
2023-12-30 13:05:00

QTO - Trìa nướng là món ăn dân dã nhưng rất hấp dẫn đối với những người dân trên cù lao Bắc Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong. Trìa nướng thưởng...

Lê Đàn- người dùng chữ vẽ tranh

Lê Đàn- người dùng chữ vẽ tranh
2023-12-30 06:20:00

QTO - Hơn 20 năm qua, ông Lê Đàn (70 tuổi) đã vẽ hàng trăm bức tranh về các chủ đề: chân dung, phong cảnh, 12 con giáp... trên nhiều chất liệu khác nhau....

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết