Cập nhật:  GMT+7

Hãy để những cánh diều trở thành “sứ giả” hòa bình

Hãy để những cánh diều trở thành “sứ giả” hòa bình

“Những cánh diều không chỉ là hiện thân của tuổi thơ mà còn trở thành “sứ giả” kết nối, chở ước nguyện hòa bình bay lên trời cao”, đó là thông điệp ý nghĩa mà Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa diều thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam muốn mang đến Lễ hội Vì hòa bình năm 2024 tại Quảng Trị. Phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa diều Việt Nam Hoàng Văn Điệp để tìm hiểu về hoạt động ý nghĩa này.

-Thưa ông! Xin chào và cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn của chúng tôi. Ông có thể giới thiệu với độc giả Báo Quảng Trị đôi nét về Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa diều Việt Nam?

-Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa diều Việt Nam thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam được thành lập từ năm 2014, có trụ sở tại 91 Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Trung tâm được thành lập nhằm mục đích bảo tồn văn hóa chơi diều - một trong những nét văn hóa độc đáo có từ lâu đời trong dân gian Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh phong trào chơi diều trên toàn quốc.

Tại trung tâm, chúng tôi xây dựng một nhà trưng bày tập hợp các tài liệu, hiện vật liên quan đến di sản diều truyền thống như lịch sử phát triển của các loại diều, các loại chất liệu làm diều từ truyền thống đến hiện đại, các loại diều và sáo diều ở địa phương...

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức các chuyến điền dã về những vùng quê có truyền thống, câu lạc bộ chơi diều để hỗ trợ mọi người về thông tin, kỹ thuật, quy tắc chơi diều an toàn, từ đó góp phần đẩy mạnh phong trào chơi diều, tiến tới tổ chức các hội thi với quy mô lớn.

Trung tâm hiện có sự tham gia của các nghệ nhân diều đến từ nhiều địa phương khác nhau. Ngoài các hoạt động thiết thực kể trên, thời gian qua, trung tâm là cầu nối để các nghệ nhân diều truyền thống tham gia các cuộc thi, quảng bá di sản văn hóa diều Việt Nam đến bè bạn quốc tế.

-Đề nghị ông cho biết vài nét đặc trưng của diều Việt Nam?

-So với một số nước trên thế giới, diều Việt Nam có nét đẹp lôi cuốn, độc đáo rất riêng. Mỹ thuật và kỹ thuật của diều Việt Nam tương đối tốt, bay cao và theo ý muốn. Lấy cảm hứng từ cuộc sống thường nhật, dáng hình con diều chủ yếu mô phỏng lại những đồ vật, con vật thân thuộc xung quanh chúng ta như cá, bướm, quạ, rồng và mặt trăng.

Đặc biệt, người Việt Nam còn đưa diều lên một đỉnh cao với diều sáo: không chỉ chú tâm tạo hình mà còn mang bộ sáo gắn vào lưng diều, để khi bay cao, con diều cất lên âm hưởng độc đáo của gió lộng thinh không. Thú chơi diều có ở nhiều nước trên thế giới nhưng Việt Nam là nước duy nhất mà người xem có thể vừa được ngắm cánh diều bay lại vừa được nghe tiếng sáo.

Vì vậy, diều sáo Việt Nam luôn được bạn bè quốc tế quan tâm và đón nhận. Những năm gần đây, thông qua các lễ hội thả diều quy mô lớn, có giao lưu với các nghệ nhân quốc tế, người ta biết và tìm hiểu nhiều hơn về cánh diều cũng như con người, văn hóa Việt Nam. Điều này đã góp phần nâng diều Việt Nam lên một tầm cao mới.

Hãy để những cánh diều trở thành “sứ giả” hòa bình

Du khách hào hứng khi xem hoạt động giao lưu diều tại Quảng Trị - Ảnh: T.P

-Hoạt động giao lưu diều quốc tế do Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa diều Việt Nam tổ chức tại biển Cửa Việt trong những ngày tháng 7 vừa qua thật ý nghĩa. Quy mô của lễ hội này như thế nào, thưa ông?

-Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa diều Việt Nam đã tham gia và đóng góp một phần nhỏ trong chuỗi sự kiện Lễ hội Vì hòa bình năm 2024 diễn ra tại Quảng Trị vào tháng 7 vừa qua với hoạt động giao lưu diều quốc tế.

Có 6 nghệ nhân tham gia biểu diễn. Tại bãi tắm Cửa Việt, trong 3 ngày từ 12 - 14/7, chúng tôi liên tục thả tất cả các loại diều, tạo nên một bầu trời rực rỡ màu sắc với nhiều hình dáng diều khác nhau. Vào buổi tối, những con diều được gắn đèn led thả lên trời, thu hút người dân đến tham gia lễ hội. Song song với hoạt động trình diễn diều, trung tâm cũng tổ chức các hoạt động hướng dẫn làm diều, cách chơi diều an toàn cho trẻ em và khách tham quan.

Đến với chương trình giao lưu diều quốc tế tại Quảng Trị, trung tâm ưu tiên lựa chọn các mẫu diều mới nhất năm 2024, những mẫu diều mang theo hình ảnh của làng quê, lá cờ Việt Nam... Trong đó, diều rồng thiêng dài 60 m đặc biệt gây ấn tượng với khán giả. Đối với mỗi người dân Việt Nam, cánh diều trở thành biểu tượng cho những ước mong, khát vọng về hạnh phúc, hòa bình, ấm no. Cánh diều mang những khát vọng đó bay lên không trung, mang theo tình yêu đối với quê hương, xóm làng của những người nông dân chân chất.

-Được đánh giá là địa phương có điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động trình diễn diều, thời gian tới, trung tâm hẳn sẽ có kế hoạch quay trở lại Quảng Trị?

-Chắc chắn rồi. Đây là lần đầu tiên chúng tôi đến với Quảng Trị nhưng thực sự bất ngờ trước cảnh sắc xinh đẹp của thiên nhiên nơi đây. Hình ảnh biển xanh, cát trắng, cánh diều đa sắc màu bay trong sắc nắng vàng tươi khiến không chỉ người xem mà cả chúng tôi, những người thực hiện hoạt động cũng không khỏi rung động, thổn thức. Có thể nói, hoạt động giao lưu diều quốc tế tại Quảng Trị lần này là một trong những hoạt động có quy mô lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay, hội tụ 3 miền và mang đẳng cấp quốc tế, thu hút không chỉ người dân trên địa bàn mà còn cả những vị khách nước ngoài.

Với những điều kiện tự nhiên lý tưởng tại Quảng Trị, chúng tôi đã đề xuất UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu tổ chức hoạt động trình diễn diều trong thời gian tới, biến hoạt động này trở thành hoạt động thường niên, sản phẩm du lịch của địa phương.

Về phía trung tâm, chúng tôi sẽ xây dựng các kế hoạch để có thể quay trở lại Quảng Trị trong thời gian gần nhất. Khi ấy, chúng tôi sẽ mang đến thêm nhiều cánh diều có hình ảnh đặc trưng của mảnh đất này. Thông qua những cánh diều được thả lên vùng trời Quảng Trị, chúng tôi hy vọng viết lên những câu chuyện của quá khứ - hiện tại - tương lai cũng như câu chuyện về khát vọng hòa bình của mảnh đất, con người nơi đây.

-Xin cảm ơn ông!

Trúc Phương (thực hiện)

Tin liên quan:
  • Hãy để những cánh diều trở thành “sứ giả” hòa bình
    Tôn vinh những “sứ giả của hòa bình” qua sách ảnh

    Mất gần 9 tháng với 3 chuyến vào Quảng Trị, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á (sinh năm 1968), trú tại TP. Hồ Chí Minh đã cho ra đời cuốn sách ảnh mang tên “Biệt đội giữ bình yên đất lửa”. Thông qua cuốn sách này, ông đã giúp mọi người thấy rõ hơn nhiệm vụ nguy hiểm, sự hy sinh thầm lặng của những người chuyên rà phá, xử lý bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh.

  • Hãy để những cánh diều trở thành “sứ giả” hòa bình
    Những “sứ giả” đặc biệt

    Trong khoảng 600 vận động viên (VĐV) tham gia Ngày hội Đạp xe Vì Hòa bình tổ chức tại Quảng Trị năm 2024 có 36 VĐV đến từ các nước Lào, Campuchia, Thái Lan. Các VĐV mang quốc tịch nước ngoài đã đến Quảng Trị bằng tất cả niềm đam mê, tình yêu thể thao và trái tim yêu chuộng hòa bình; với mong muốn được gặp gỡ, giao lưu và kết nối tình hữu nghị xuyên biên giới. Những “sứ giả” đặc biệt này còn truyền đi nhiều thông điệp tích cực, khi trở về nước sẽ lan tỏa sâu rộng khát vọng chung tay kiến tạo thế giới hòa bình!



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết