Cập nhật:  GMT+7

“Hạt ngọc” giữa đại ngàn

(QT) - Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi trong hành trình đi tìm hiểu về cây lúa nước giữa đại ngàn Trường Sơn là xã Hướng Linh, một trong những địa bàn có diện tích lúa nước khá lớn của huyện miền núi Hướng Hóa. Với khoảng 50 ha vào năm 2010, thời gian qua nhờ đẩy mạnh khai hoang nên diện tích lúa nước ở xã Hướng Linh đã tăng lên 120 ha, tập trung vào các thôn như: Làng Mới, Miệt Cũ, Coóc…

Bên cạnh việc chú trọng mở rộng diện tích, bà con đồng bào Vân Kiều ở xã Hướng Linh nay đã thay đổi tư duy trong trồng trọt, chăm sóc cây lúa nước nên năng suất ngày càng tăng cao, tỉ lệ mất mùa giảm xuống rất thấp. Nói về việc canh tác cây lúa nước trên địa bàn, anh Hồ Văn Ngại, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Linh cho hay: “Hướng Linh là một xã thuần nông với 460 hộ dân và trên 2.200 nhân khẩu, trong đó đại đa số là người đồng bào Vân Kiều sinh sống. Những năm qua, để đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn, chúng tôi đã tăng cường vận động, khuyến khích người dân mở rộng diện tích đất đai để phát triển cây lúa nước, bên cạnh việc duy trì, nhân rộng các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả khác.

Ngày mùa ở vùng cao. - Ảnh: ĐỨC NGHĨA

Thời gian qua, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa máy móc cơ giới vào canh tác cây lúa nước nên năng suất, chất lượng ngày càng được nâng cao và tiết kiệm được rất nhiều công sức trong sản xuất”. Anh Hồ Văn Ngại giới thiệu chúng tôi tìm đến thôn Coóc, địa bàn chiếm đến hơn một nửa diện tích lúa nước của xã. Được biết, đây còn là nơi đầu tiên trên địa bàn xã Hướng Linh người dân mạnh dạn đầu tư máy móc cơ giới vào canh tác và thâm canh có hiệu quả diện tích cây lúa nước.

Từ trung tâm xã Hướng Linh, sau 15 phút chạy xe máy, chúng tôi cũng đến được thôn Coóc. Trưởng thôn trẻ Hồ Văn Du (sinh năm 1990) niềm nở đón khách rồi cho biết: “Thôn Coóc hiện có 84 hộ dân và 500 nhân khẩu. Toàn thôn hiện có trên 60 ha lúa nước, mỗi năm canh tác hai vụ đông xuân và hè thu. Những năm qua, nhờ thay đổi nhận thức trong trồng và chăm sóc cây lúa nước nên năng suất lúa đã tăng lên 42 tạ/ ha, tình trạng mất mùa do lũ quét, sâu bọ hại cây không còn xảy ra thường xuyên như trước đây nữa.

Bây giờ, để việc canh tác lúa nước thuận lợi, hiệu quả hơn, thời gian qua người dân trên địa bàn đã đầu tư nhiều máy móc cơ giới để giảm sức lao động trong khâu làm đất, gặt và bảo vệ, quản lý tốt hệ thống thủy lợi, kênh mương trên địa bàn. Người dân thôn Coóc bây giờ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác cây lúa nước, biết bón phân để nâng cao năng suất, biết gieo cấy, gặt hái theo lịch thời vụ và quan trọng nhất là đã đẩy lùi được những suy nghĩ, tập tục lạc hậu trong sản xuất lúa nước…”.

Trong các địa phương miền núi của tỉnh, có lẽ xã Hải Phúc (huyện Đakrông) là nơi thâm canh cây lúa nước có hiệu quả nhất. Được biết, đây là địa bàn đầu tiên ở huyện miền núi áp dụng “mô hình mẫu lớn” vào canh tác cây lúa nước. Anh Lê Tiên Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Phúc nói: “Toàn xã hiện có khoảng 40 ha lúa nước với năng suất bình quân mỗi năm đạt 54 tạ/ ha. Những năm qua, nhờ không ngừng thâm canh cây lúa nước nên đời sống của người dân trên địa bàn được nâng lên rõ rệt, tình trạng thiếu ăn trong mùa giáp hạt không còn nữa. Từ một nơi tồn tại nhiều tập tục lạc hậu trong sản xuất, giờ đây người dân xã Hải Phúc không những biết bón phân mà còn biết gieo cấy theo lịch thời vụ, thay thế giống lúa lâu ngày đã thoái hóa sang sử dụng các loại giống lúa mới, nguyên chủng, có năng suất và chất lượng cao.

Bên cạnh đó, người dân Hải Phúc còn tiến hành đưa một giống lúa vào trồng tập trung, bón phân, diệt sâu bệnh, chuột bọ cùng thời điểm theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ở miền xuôi nên tiết kiệm được chi phí, công sức và thuận lợi rất nhiều trong việc thu hoạch, áp dụng cơ giới vào sản xuất”. Thời gian qua, để tạo thuận lợi trong việc phát triển cây lúa nước trên địa bàn, cùng với việc tổ chức các lớp tập huấn, phân bổ giống lúa có năng suất, chất lượng cao đến người dân, chính quyền xã Hải Phúc còn chú trọng xây dựng, bảo vệ tốt hệ thống kênh mương thủy lợi.

Hiện tại, xã Hải Phúc có 3 công trình thủy lợi chính đó là Tà Lang, Khe Lau, Khe Su cùng với hệ thống kênh mương nội đồng dài khoảng 6 km, đảm bảo cho việc luân chuyển, cung cấp nguồn nước đều đặn cho gần 40 ha lúa nước trên địa bàn xã, ngay cả trong mùa khô hạn.

Trong những ngày đi tìm hiểu về cây lúa nước, chúng tôi có dịp tham dự lễ mừng tết lúa mới của đồng bào Vân Kiều ở bản Trỉa, xã Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa). Đối với người dân nơi đây, tết lúa mới là dịp để bà con tạ ơn trời đất, thần núi, tổ tiên… và được tổ chức vào thời điểm trước khi bắt tay vào thu hoạch mùa vụ. Già làng bản Trỉa Hồ Ta Lê nói rằng, để chuẩn bị cho lễ mừng tết lúa mới, ngay từ tháng trước bản làng đã phân công công việc cụ thể cho mỗi gia đình. Từ khâu cắt cử người có kinh nghiệm ủ men rừng chưng cất rượu ngon, lựa chọn vật tế phù hợp đến việc theo dõi những ruộng đồng bội thu nhất để tiến hành gặt lúa mới dâng lên tổ tiên khi lễ cúng tết lúa mới diễn ra. “Trước ngày tổ chức tết lúa mới khoảng một tuần lễ, bản làng sẽ cắt cử người có uy tín nhất đứng ra gặt những nhánh lúa mới trĩu hạt để chuẩn bị cho lễ cúng. Số lúa mới khi gặt xong, phải phơi đủ 3 cái nắng mới mang đi giã hạt, sau đó tiến hành loại bỏ hết hạt lép, hạt vỡ để chọn ra những hạt gạo tròn, đầy; việc này sẽ do chị phụ nữ đứng tuổi gánh vác. Còn khi lễ cúng tết lúa mới diễn ra, phần nghi lễ thiêng liêng sẽ do già làng đảm nhận…”, già làng Hồ Ta Lê kể.

Lễ cúng tết lúa mới là nét văn hóa độc đáo, được lưu truyền từ xưa đến nay của người đồng bào Vân Kiều, Pa Kô giữa đại ngàn Trường Sơn. Đó là cách để bà con vùng cao thể hiện sự trân trọng đối với “hạt ngọc” và tỏ lòng biết ơn quà tặng vô giá mà tổ tiên trao gửi. “Bây giờ, lễ cúng tết lúa mới đã được đồng bào tổ chức giản tiện hơn và chỉ gói gọn trong một buổi chứ không phung phí, kéo dài ngày này qua ngày khác như trước kia nữa. Có được thay đổi này cũng nhờ sự vận động, tuyên truyền của các cấp chính quyền và hơn nữa cuộc sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, cho nên tiết kiệm được chừng nào hay chừng ấy, miễn sao sự thành kính, biết ơn trời đất, tổ tiên trong chúng tôi vẫn đong đầy…”, già làng, nghệ nhân Hồ Văn Tư, ở bản Cựp, xã Húc Nghì (huyện Đakrông) tâm sự. Sự đổi thay về nhận thức trong canh tác cây lúa nước cùng việc lưu giữ nét văn hóa độc đáo gắn liền với “hạt ngọc” của người đồng bào Vân Kiều, Pa Kô là bài ca tràn đầy hy vọng ngân lên giữa núi rừng Trường Sơn.

Rồi đây, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao sẽ tươi mới, phát triển hơn khi tiếp tục đẩy lùi, thay đổi dần những tập tục lạc hậu trong phát triển kinh tế, trong sinh hoạt cộng đồng…

ĐỨC NGHĨA



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tà Rụt xa mà gần

Tà Rụt xa mà gần
2017-01-15 19:53:36

(QT) - Trước đây, xã miền núi Tà Rụt (huyện Đakrông) được ví von như một “ốc đảo” nằm heo hút giữa miền biên ải xa xôi với vô vàn khó khăn, thử thách.Từ khi cung đường Hồ Chí...

Cần chú trọng tiêm phòng cho gia súc, gia cầm

Cần chú trọng tiêm phòng cho gia súc, gia cầm
2017-01-15 19:48:53

(QT) - Tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm là một trong những biện pháp hiệu quả giúp vật nuôi phòng tránh các loại dịch bệnh. Tuy nhiên hiện nay, một bộ phận người dân...

Đưa giống rau Đà Lạt vào trồng ở Tân Pun

Đưa giống rau Đà Lạt vào trồng ở Tân Pun
2017-01-15 15:10:53

(QT) - Những năm gần đây, mô hình rau an toàn của ông Nguyễn Thủy ở thôn Tân Pun, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa được nhiều người quan tâm bởi ông lựa chọn các loại giống rau...

Đằng sau nhánh lan rừng

Đằng sau nhánh lan rừng
2017-01-15 15:07:16

(QT) - Để thưởng thức vẻ đẹp cùng làn hương dịu nhẹ, quyến rũ của lan Nghinh xuân, Giả hạc, Ý thảo, Trúc lan, Giáng hương, Thủy tiên, Trường kiếm, Đoản kiếm…nhiều người sẵn...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết