Cập nhật: Thứ 3, 01/12/2015 | 00:20 GMT+7

Hành lang kinh tế Đông – Tây, động lực thúc đẩy Việt Nam và cộng đồng kinh tế ASEAN phát triển toàn diện (Kỳ 1)

(QT) - Vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Liên đoàn các Hội Khoa học- kinh tế Đông Nam Á lần thứ 40 (FAEA - 40). Thạc sĩ Hồ Ngọc Hy, chuyên viên cao cấp, Ủy viên BCH Hội Khoa học- kinh tế Việt Nam đã có tham luận tham gia hội thảo khoa học tại hội nghị. Sau đây là nội dung tham luận tại hội thảo. Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) có vị trí, vai trò chiến lược rất quan trọng, động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của các quốc gia trong khu vực ASEAN, trực tiếp là các tỉnh, thành phố của 4 quốc gia (Myanma, Thái Lan, Lào, Việt Nam), trong đó có Quảng Trị là tỉnh “đầu cầu” của hành lang phía Việt Nam. EWEC được hình thành từ năm 1998, nối liền 4 nước, từ Myanma đi qua địa phận 7 tỉnh Đông Bắc (Thái Lan), tỉnh Savannakhet (Lào) và 3 tỉnh miền Trung (Việt Nam), với mục đích liên kết, hỗ trợ lẫn nhau khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh kinh tế giữa các tỉnh trên cùng một dải theo trục giao thông, thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, liên kết và kết nối kinh tế giữa các vùng liền kề với hành lang. Từ đó đến nay, EWEC được mở rộng trong khu vực nội khối các quốc gia ASEAN, tiểu vùng sông Mê Kông.

Nhà ga cửa khẩu Thà Khẹt (Khăm Muộn, Lào) nối Nakhon Phanom (Thái Lan) qua cầu Hữu Nghị 3 - Ảnh: PV

Về phía Việt Nam, EWEC chạy qua khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế về đất đai, rừng, biển, đồng bằng, tài nguyên, khoáng sản, lao động, truyền thống, văn hóa, du lịch...phong phú, đa dạng; có giao thông đường bộ, đường hàng không, đường sắt Bắc – Nam, cảng biển, cửa khẩu quốc tế. Đó là những tiềm năng, lợi thế mang tính tương đồng của các tỉnh duyên hải miền Trung, kết nối với các vùng, khu kinh tế động lực của Việt Nam. Trong đó, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Quảng Bình là những địa phương trên tuyến hành lang và cận kề có những tiềm năng, lợi thế nổi trội so sánh của mình, bước đầu được khai thác, phát huy góp phần vào sự phát triển chung của tuyến, của quốc gia và của quốc tế. Quảng Trị nằm ở vị trí trung tâm của cả nước, đầu cầu của EWEC, có Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay, Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo; kết nối với lợi thế của hai đầu di sản thế giới: Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), Cố đô Huế (Thừa Thiên- Huế), động Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); kết nối với các thành phố, nhất là thành phố Đà Nẵng. Rõ ràng EWEC có vị trí, vai trò chiến lược rất quan trọng, động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của các quốc gia trong khu vực, trực tiếp là các tỉnh, thành phố của 4 quốc gia (Myanma, Thái Lan, Lào, Việt Nam) nói chung và Quảng Trị - đầu cầu hành lang phía Việt Nam nói riêng. Lùi về quá khứ, cũng có những sự kiện minh chứng, gợi mở cho việc xác định vai trò, vị trí chiến lược “đầu cầu” của Quảng Trị trên tuyến EWEC hiện tại và tương lai. Trong các thư tịch cổ của Việt Nam thường nói đến 4 khu vực quan trọng nối liền kề khối dân cư hai nước Việt Nam - Lào. Trong đó, khu vực Quảng Trị được đề cập nhiều nhất, được xem là khu vực buôn bán sầm uất nhất đối với Lào ở khu vực miền Trung… Từ khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và Lào, con đường mòn thương mại trên đất Quảng Trị mà các thư tịch cổ đã đề cập, trở thành con đường 9 (1893). Hơn một thế kỷ qua, đường 9 trở thành tuyến đường xuyên Á trên EWEC. Đông Hà trở thành một trong những thành phố của miền Trung nối liền các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, 2 cửa khẩu quốc tế và Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo. Bên cạnh đó, Đông Hà còn có các đô thị làm vệ tinh như thị trấn Cam Lộ, Cửa Việt, Gio Linh, Ái Tử, thị xã Quảng Trị,… và các khu công nghiệp như: Quán Ngang, Đông Gio Linh, Cửa Việt, Nam Đông Hà, Cam Lộ. Điều đó cho thấy, Quảng Trị đã và sẽ là một khu vực kinh tế sôi động, một trung điểm của đường xuyên Á. Vào những năm 1994 - 1997, song song với việc thành lập Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo theo hiệp định giữa Lào và Việt Nam, Quảng Trị còn lập đề án xây dựng Khu thương mại tự do (giữa Việt Nam và Lào) gọi là khu “Thương mại tự do Lao Bảo - Đensavan” ở cửa khẩu biên giới thuộc địa phận hai huyện Hướng Hóa (Việt Nam) và Sêpôn (Lào). Sau đó, đề án chuyển sang thành lập “Khu thương mại đặc biệt Lao Bảo”, gắn việc xây dựng thủy điện Rào Quán, xây dựng đường giao thông kết nối cảng Cửa Việt, nâng cấp Quốc lộ 9. Năm 2009, một số công trình, dự án lớn trọng điểm của Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt bổ sung vào quy hoạch, kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Trị như: Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, cảng biển Mỹ Thủy, khai thác và chế biến khí đốt,... Cuối năm 2010, khi đến thăm Cửa khẩu quốc tế Lao bảo và Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo, làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến vị trí, tầm quan trọng của Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo và Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đối với khu vực ASEAN và các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Một khi hạ tầng giao thông giữa các nước trên EWEC đã được kết nối, đặc biệt sau khi cầu Hữu Nghị 2 nối Thái Lan với Lào được khơi thông thì đường 9 và Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đảm trách một nhiệm vụ vô cùng nặng nề đưa Việt Nam tiếp cận với khu vực. Do đó, Quảng Trị phải nắm lấy “cơ hội vàng” để thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, ý thức được trách nhiệm vô cùng nặng nề đối với công việc hội nhập toàn diện ở khu vực và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người và hàng hóa thông qua cửa khẩu đặc biệt quan trọng này, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác giữa Việt Nam - Lào, Việt Nam - Thái Lan và các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông nhằm xây dựng một cộng đồng ASEAN phát triển bền chặt và thắm tình đoàn kết, hữu nghị. Gần 17 năm qua, Chính phủ và các địa phương Việt Nam có nhiều nỗ lực, quyết tâm triển khai theo các hiệp định, chương trình mục tiêu, dự án cam kết quốc tế trên tuyến hành lang đã đạt được một số kết quả nhất định. Chẳng hạn việc thúc đẩy EWEC bắt đầu trong lĩnh vực giao thông vận tải như việc phê chuẩn “Hiệp định vận tải xuyên biên giới (CBTA) xây dựng nâng cấp một số công trình giao thông và dịch vụ dọc biên giới; giảm lược thủ tục thông quan cửa khẩu theo cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN với quy chế “Kiểm tra một cửa - một lần dừng”; áp dụng hệ thống hải quan điện tử, nghiên cứu triển khai hệ thống bảo hiểm ô tô bắt buộc của 3 nước; ký kết biên bản (sửa đổi) mở rộng quyền lưu thông, triển khai thực hiện Dự án phát triển đô thị trên tuyến EWEC và tiểu vùng sông Mê Kông; xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, tổ chức các hội thảo, hội chợ triển lãm, lễ hội quốc tế, đẩy mạnh hợp tác và tăng cường kết nối song phương giữa Việt Nam với các quốc gia trên tuyến nhằm hiện thực hóa cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Đó là những chủ trương, giải pháp thực hiện không chỉ trước mắt mà còn có ý nghĩa đón đầu, khơi dậy tiềm năng to lớn, năng lực sáng tạo, tiếp thêm sinh lực mới đưa các địa phương trên tuyến phát triển mạnh mẽ hơn của một định hướng, tầm nhìn trong tiến trình mới cao hơn sau năm 2015 khi AEC được thành lập. Qua đó cho thấy, khả năng phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, giao thương hàng hóa, dịch vụ, du lịch và trao đổi văn hóa các quốc gia EWEC là rất lớn. Theo Sở Công thương và Cục Hải quan Quảng Trị cho biết, chỉ tính riêng trên lĩnh vực xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh năm 2014, Hải quan Quảng Trị đã thông quan thuận lợi 81,5 nghìn lượt phương tiện vận tải xuất cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo với hơn 721,56 nghìn lượt hành khách xuất nhập cảnh; đăng ký làm thủ tục cho 29 nghìn tờ khai hàng hóa xuất - nhập khẩu với 939 nghìn tấn hàng hóa ; đạt kim ngạch 677 triệu USD. Theo dự báo về du lịch, lượng khách quốc tế đến các quốc gia trên EWEC đến năm 2015 là 40 triệu lượt; năm 2020 là 55 triệu lượt (trong đó khu vực miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam khoảng 30 triệu lượt). Về đầu tư, hiện tại Thái Lan là nước đầu tư đứng thứ 10 trong số quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký gần 6,8 tỷ USD. Giữa tháng 1/2015, Đoàn công tác Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đến Quảng Trị, nhằm thảo luận tiến độ thực hiện dự án hỗ trợ sinh kế cho các đô thị dọc hành lang tiểu vùng Mê Kông, với tổng mức viện trợ không hoàn lại là 2,5 triệu USD cho 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Tại Việt Nam, Đông Hà là thành phố duy nhất được lựa chọn tham gia dự án. Dự án này được thực hiện song song với dự án phát triển đô thị dọc hành lang GMS. Tại hội nghị cấp cao Mê Kông - Nhật Bản lần thứ 7, lãnh đạo các nước thuộc khu vực Mê Kông đánh giá cao việc cam kết cho hợp tác Mê Kông - Nhật Bản trong giai đoạn 2012 - 2015 và có khoảng 1.000 doanh nghiệp Nhật Bản đăng ký tham gia làm hội viên của Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản tại khu vực Mê Kông. Năm 2014, kim ngạch đầu tư trực tiếp (FDI) của Nhật Bản vào khu vực đạt 6,8 tỷ USD. Trong 3 năm tiếp theo Nhật Bản sẽ dành 750 tỷ yên vốn ODA cho các nước thuộc khu vực Mê Kông. (Còn nữa) HỒ NGỌC HY


 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Đông Hà phát triển nông nghiệp đô thị

Đông Hà phát triển nông nghiệp đô thị
10:05 tối Thứ 5

QTO - Để nâng cao chất lượng, giá trị sản xuất nông nghiệp, thành phố Đông Hà đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, qua đó tạo động lực thúc đẩy...

Sáng kiến REDD+ với Quảng Trị

Sáng kiến REDD+ với Quảng Trị
17:24 29/11/2015

* Một số hoạt động của dự án REDD+ tại Quảng Trị (QT) - Với lợi thế từ diện tích đất, rừng và tài nguyên rừng phong phú, Quảng Trị là một trong ba tỉnh được lựa chọn thí điểm...

Nông dân Hướng Hóa thu nhập khá nhờ cây hồ tiêu

Nông dân Hướng Hóa thu nhập khá nhờ cây hồ tiêu
06:31 29/11/2015

(NDĐT) -Thời gian qua, cùng với việc giá tiêu hạt trên thị trường liên tục đứng ở mức cao, diện tích hồ tiêu ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) không ngừng được mở rộng nhờ...

Xây dựng nông thôn mới ở xã Triệu Ái

Xây dựng nông thôn mới ở xã Triệu Ái
01:56 27/11/2015

(QT) -Triệu Ái (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) là xã nằm sát thành phố Đông Ha, chỉ cách con sông Vĩnh Phước và liền kề với trung tâm huyện lỵ Triệu Phong, có...

Ghi ở miền chân sóng

Ghi ở miền chân sóng
01:45 27/11/2015

(QT) - “Với đặc thù là xã vùng biển bãi ngang, trong những năm qua xã Triệu Lăng (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) đã nỗ lực tìm hướng khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa...

Thời tiết

20°C - 24°C
Nhiều mây, có mưa vừa
  • 18°C - 24°C
    Nhiều mây, có mưa dông
  • 17°C - 22°C
    Nhiều mây, có mưa, mưa rào
POWERED BY
Việt Long