Giúp dân nâng cao nhận thức pháp luật
(QT) - Cuộc sống khó khăn khiến phần đông người dân huyện Đakrông (Quảng Trị) còn xem nhẹ việc tìm hiểu kiến thức pháp luật. Ở các bản làng vùng sâu, vùng xa, bà con chỉ nghiêm túc thực hiện những phong tục, tập quán vốn đã lạc hậu. Xuất phát từ thực tế ấy, các cấp, ngành đã nhanh chóng vào cuộc giúp người dân “xóa nghèo pháp luật”. Buổi chiều hôm ấy Đakrông trời mưa xối xả, thế nhưng người dân xã Mò Ó vẫn lặn lội đến trụ sở UBND xã để nghe cán bộ tư pháp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật. Tham dự buổi sinh hoạt, bà con được giới thiệu các văn bản pháp luật mới ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung cũng như những quy định sát với thực tế cuộc sống. Đặc biệt, ai cũng háo hức khi tham gia hoạt động tìm hiểu kiến thức pháp luật thông qua trả lời câu hỏi tình huống, hái hoa dân chủ, thảo luận nhóm...
 |
Người dân xã Mò Ó, huyện Đakrông tìm hiểu kiến thức pháp luật thông qua tờ rơi do cán bộ tư pháp cung cấp |
Ông Hồ Văn Lành, một người dân bản Khe Luồi, chia sẻ: “Trước kia, chúng tôi không nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử... Hầu hết các quy định pháp luật cũng chỉ được bà con hiểu lờ mờ. Giờ thì ai cũng ý thức tầm quan trọng của việc trau dồi kiến thức pháp luật”. Cũng chung mục đích nâng cao nhận thức cho người dân vùng cao, các cán bộ, cộng tác viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã tổ chức hàng trăm chuyến công tác lên huyện Đakrông. Với phương châm “không tuyên truyền sơ sài, trợ giúp qua loa”, họ lắng nghe từng ý kiến nhỏ, nhiệt tình tư vấn cho người dân thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Qua đó, các cán bộ, cộng tác viên đã tư vấn, góp phần giúp dân bản giải quyết rất nhiều vấn đề liên quan đến chế độ - chính sách, hôn nhân – gia đình, tranh chấp đất đai.... Ông Kôn Thanh, một người dân địa phương cho biết: “Mình tham gia cách mạng và bị thương nhưng lại không được hưởng chế độ nhiều năm nay. Nghe tin cán bộ từ dưới xuôi lên trợ giúp pháp lý, mình đến đây để hỏi cho rõ ngọn ngành. Nhờ được hướng dẫn tận tình, mình mới hiểu tường tận các quy trình, thủ tục cần làm để xét chế độ của người có công với cách mạng”. Đakrông là 1 trong 62 huyện nghèo theo Quyết định 30a của Thủ tướng Chính phủ. Cuộc sống người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Ở các bản làng vùng sâu, vùng xa, bà con ít có cơ hội tiếp xúc với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, họ thường lấy “luật bản” để giải quyết mọi vấn đề. Thế mới có chuyện bà con tốn rất nhiều tiền để làm lễ mừng sức khỏe, đặt tên cho con nhưng không mảy may nhớ đến việc đi đăng ký khai sinh cho trẻ. Hễ mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra, người dân lại căn cứ lệ làng để phân giải. Thực tế đáng trăn trở ấy chỉ được giải quyết khi có sự vào cuộc của đội ngũ cán bộ tư pháp, trợ giúp viên pháp lý và các đơn vị, ban, ngành liên quan. Với phương châm “Dân không đi thì cán bộ tìm đến”, thời gian qua, Phòng Tư pháp huyện Đakrông triển khai kế hoạch tuyên truyền cho người dân văn bản pháp luật xoay quanh các vấn đề về đất đai, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, chế độ chính sách... Công tác phổ biến kiến thức pháp luật được tiến hành dưới nhiều hình thức như: xây dựng “Tủ sách pháp luật”; tuyên truyền thông qua các buổi tập huấn, họp thôn; truyền thông trên loa phóng thanh; huy động sự vào cuộc của hòa giải viên cơ sở... Bên cạnh đó, Phòng Tư pháp huyện còn đôn đốc hoạt động của các câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc của người dân. Trong năm 2012, phòng tổ chức hơn 200 điểm tuyên truyền pháp luật, thu hút hơn 11.000 lượt người tham gia. Các câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Riêng Tổ Trợ giúp pháp lý tại huyện đã tư vấn pháp luật cho gần 100 đối tượng có nhu cầu. Ngoài sự nỗ lực của cán bộ Phòng Tư pháp Đakrông, thời gian qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh cũng tích cực triển khai nhiều hoạt động giúp người dân trên địa bàn huyện nâng cao nhận thức. Trung tâm đã phối hợp với Phòng Tư pháp huyện tổ chức nhiều hội nghị, lớp tập huấn nghiệp vụ, về từng thôn bản trợ giúp pháp lý cho bà con. Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người dân ở huyện nghèo giai đoạn 2011 – 2020, riêng trong năm 2012, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức 14 hội nghị phổ biến, giáo dục và truyền thông pháp luật tại các xã trên địa bàn huyện Đakrông. Qua đó, gần 900 đối tượng là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã được phổ biến các văn bản pháp luật liên quan thiết thực đến quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức 2 lớp tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý tại huyện Đakrông cho các cộng tác viên, thành viên chủ chốt của câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý trên địa bàn. Sau tập huấn, các học viên có thể tham gia tư vấn, hướng dẫn, cung cấp cho người dân những thông tin pháp luật cần thiết nhất. Đặc biệt, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi trợ giúp pháp lý lưu động cho người dân huyện miền núi Đakrông. Trong quá trình làm việc, các trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên đã phát hiện một số sai phạm cần giải quyết; giúp nhiều người dân được hưởng chế độ theo đúng diện ưu tiên; hướng dẫn bà con tiến hành những thủ tục pháp lý cần thiết... Hoạt động trợ giúp pháp lý càng hiệu quả khi được lồng ghép với việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Năm 2012, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã phối hợp với Phòng Tư pháp huyện Đakrông tổ chức 33 đợt trợ giúp pháp lý lưu động đến các xã, thị trấn trên địa bàn. Qua đó, Trung tâm đã trợ giúp cho hơn 750 đối tượng về các vấn đề liên quan đến chế độ - chính sách, hôn nhân và gia đình, đất đai... Bà Hồ Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh cho biết: “So với ngày đầu anh em lên trợ giúp pháp lý tại huyện Đakrông, có thể dễ dàng thấy nhận thức của người dân nơi đây đã nâng lên rõ rệt. Với các vụ việc nhỏ diễn ra hàng ngày, bà con đã biết lấy pháp luật làm căn cứ để phân xử đúng sai. Gặp trường hợp khó giải quyết, họ tự giác tìm hỏi các thành viên trong Tổ trợ giúp pháp lý ở địa phương, hòa giải viên cơ sở hoặc cán bộ tư pháp, cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh... Tuy nhiên, với chúng tôi, đó chỉ mới chỉ là những thành công ban đầu trong nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân. Anh em còn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa”. Góp phần vào sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về pháp luật, không thể không nhắc đến sự quan tâm, chỉ đạo của Sở Tư pháp tỉnh, UBND huyện Đakrông. Xuất phát từ thực tế của địa phương, Sở Tư pháp tỉnh và UBND huyện Đakrông đã phê duyệt chương trình công tác; có sự hỗ trợ kinh phí kịp thời; vận động sự vào cuộc của nhiều đơn vị liên quan như: Hội LHPN, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Người cao tuổi... Nhờ thế, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến với người dân trên địa bàn huyện Đakrông ngày càng nhanh chóng, hiệu quả. Đặc biệt, bà con đã nhận thức được rằng, ngày nay, nếu thiếu hiểu biết về pháp luật thì chắc chắn họ sẽ đi thụt lùi so với thời đại. Tại các buổi trợ giúp pháp lý lưu động với các trợ giúp viên pháp lý tỉnh và cán bộ Phòng Tư pháp huyện Đakrông thực hiện luôn chật kín người. Không chỉ đến xem và nghe, bà con còn thể hiện sự chủ động trong việc tìm hiểu kiến thức pháp luật thông qua cách đặt câu hỏi, thảo luận chung, trích dẫn những quy định từng được giới thiệu... Tín hiệu đáng mừng ấy đã thể hiện một cách sinh động bước tiến lớn trong công tác nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân ở huyện Đakrông. Bài, ảnh: QUANG HIỆP