Cập nhật:  GMT+7

Giải trình, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm

(QT) - Tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Quảng Trị khoá VI, được sự uỷ quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã trả lời, làm rõ nhiều vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm. Sau đây phóng viên Báo Quảng Trị lược ghi một số nội dung trên. Vấn đề khôi phục sản xuất sau bão lũ; chủ trương, chính sách đối với cây công nghiệp dài ngày và kết quả, tiến độ xây dựng nông thôn mới

>>> Bế mạc kỳ họp thứ 10- HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VI >>> Đoàn kết phấn đấu, quyết tâm hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 2014, xây dựng quê hương Quảng Trị ngày càng giàu đẹp(*) >>> Ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 10 - HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VI: Nghe báo cáo kết quả hoạt động, giám sát của HĐND tỉnh; thảo luận tại hội trường và giải trình của các sở, ngành liên quan >>> Báo cáo kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri >>> Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội năm 2013; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2014 >>> Đề ra những nhiệm vụ, giải pháp đúng đắn, tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014(*) >>> Khai mạc kỳ họp thứ 10- HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VI

- Đồng chí NGUYỄN VĂN BÀI, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết: Ngày 2/10/2013 sở đã có công văn gửi các địa phương đề nghị lập danh sách để hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nhưng đến nay chính quyền các cấp vẫn chưa tổng hợp, chưa có số liệu gửi đến sở để hỗ trợ. Trách nhiệm này thuộc về UBND các huyện, thị xã, thành phố. Chính phủ cũng đã cấp cho tỉnh 500 tấn giống lúa, 80 tấn ngô, 8 tấn giống rau màu các loại. Cùng với các giống lúa của địa phương cơ bản đáp ứng giống cho sản xuất, đảm bảo chất lượng, kịp thời vụ. Về chủ trương, chính sách phát triển cây công nghiệp dài ngày, cơn bão số 10, 11 gây thiệt hại lớn nhất là về cây cao su tiểu điền, sau đó có nhiều ý kiến nêu vấn đề nên tiếp tục trồng cao su hay không? Qua hội thảo được tổ chức mới đây đã khẳng định cây cao su vẫn là thế mạnh của tỉnh, được trồng từ năm 1958, đến nay cao su tiểu điền đã phát triển với diện tích gần 20.000 ha, mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình. Vấn đề cần làm là rà soát lại quy hoạch, quy mô phát triển, chọn giống, mật độ trồng, làm vành đai chắn gió. Đối với những nơi thiệt hại trên 70% thì nên chuyển đổi sang cây trồng khác. Đối với cây cà phê, tổng diện tích đã trồng gần 5.000 ha, trong đó nhiều diện tích trồng đã lâu năm, cây già cỗi, năng suất thấp. Hiện nay giá cà phê thấp nhất so với nhiều năm trước nên ảnh hưởng đến người trồng, đơn vị kinh doanh. Sở Nông nghiệp-PTNT đang xây dựng đề án tái canh cây cà phê ở Hướng Hóa, Chính phủ cũng đang có chủ trương hỗ trợ cho những người trồng cà phê, khi chủ trương này được thực hiện tạo thuận lợi cho việc trồng mới, tái canh. Bên cạnh đó, sở đang cùng với các đơn vị vận động xây dựng Hiệp hội cà phê của tỉnh nhằm bảo vệ quyền lợi cho những người trồng loại cây này, tránh việc mua bán ép giá… Về xây dựng nông thôn mới, đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Trong thời gian qua các đơn vị, địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng đạt được những kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới, đã có hơn 5.000 tỉ đồng đầu tư cho nông thôn mới, toàn tỉnh có 4 xã đạt trên 15 tiêu chí, 31 xã đạt trên 10 tiêu chí, tuy nhiên một số xã vẫn đang gặp khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí, do nguồn lực hạn hẹp. Vấn đề đặt ra là lồng ghép các nguồn vốn như thế nào để đạt hiệu quả cao. Mong muốn của nhiều người là HĐND tỉnh có một nghị quyết về nông thôn mới, thể hiện quyết tâm, trách nhiệm đối với nông dân, nông thôn. Vì sao nhiều sinh viên cử tuyển ra trường chưa được giải quyết việc làm; vấn đề tuyển biên chế ngành giáo dục cấp huyện thực hiện như thế nào? - Đồng chí HỒ NGỌC AN, Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng: Theo các văn bản quy định của Nhà nước việc cử tuyển chỉ thực hiện ở các vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn và các dân tộc thiểu số chưa có hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, thiếu nguồn cán bộ, công chức. UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 2533, ngày 27/9/2011 gửi các huyện Hướng Hoá, Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh yêu cầu UBND huyện căn cứ nhu cầu của địa phương để bố trí công tác cho sinh viên cử tuyển tốt nghiệp theo đề xuất của huyện về tuyển chọn học sinh cử tuyển. Trong những năm qua sinh viên người dân tộc thiểu số tốt nghiệp ra trường đã được tuyển dụng vào làm việc là 145 người, trong đó Hướng Hoá 42, Đakrông 87; Gio Linh và Vĩnh Linh 10... Kỳ thi tuyển công chức 30/2012 cũng đã tuyển 2 công chức diện cử tuyển. Mặc dù đã được quan tâm nhưng đến nay nhiều sinh viên cử tuyển ra trường vẫn chưa có việc làm, do số sinh viên trường sư phạm, trung cấp y ra trường quá nhiều không bố trí hết. Mặt khác, trách nhiệm của UBND huyện trong việc xác định nhu cầu cần bổ sung cán bộ, công chức, viên chức để cử học sinh đi học. Nếu cử đi nhiều mà không bố trí được việc làm là trách nhiệm của UBND huyện. Để tránh tình trạng nhiều sinh viên cử tuyển ra trường không có việc làm, gây tốn kém cho gia đình và lãng phí kinh phí đào tạo, các huyện cần rà soát nhu cầu mà huyện đang thiếu trong những năm tới, đề xuất Hội đồng xét và cử học sinh đi đào tạo theo ngành nghề phù hợp, đảm bảo khi ra trường bố trí được việc làm. Về công tác tuyển dụng biên chế ngành giáo dục, hiện nay chưa có sự thống nhất giữa các ngành liên quan về số lượng và quan điểm, phương pháp tuyển dụng. Giám đốc Sở Nội vụ cho biết trên cơ sở các văn bản quy định của nhà nước, ngày 15/7/2013 UBND tỉnh đã có Quyết định số 19 quy định thẩm quyền quyết định về tổ chức bộ máy, biên chế, tuyển dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó việc tuyển dụng viên chức trong cơ sở giáo dục THCS, tiểu học và mầm non do UBND huyện tuyển dụng ( đối với các đơn vị, trường học trực thuộc Sở GD-ĐT thì do sở tuyển dụng). Quy định này là phù hợp vì đơn vị giáo dục cấp huyện không có bộ máy làm công tác tổ chức cán bộ chuyên trách vì thế việc tuyển dụng gặp khó khăn khi số người dự tuyển quá lớn. Nếu tuyển dụng cùng một lúc số lượng đông, không tuyển chọn kỹ sẽ không có đựơc người giỏi. Hiện nay các tỉnh phân cấp cho trường tuyển chọn đều phải rút lại vì nhiều bất cập. Việc phân cấp cho UBND huyện tuyển chọn sẽ tận dụng bộ máy Phòng GD-ĐT và Phòng Nội vụ để thực hiện công tác này thuận lợi hơn. Việc tuyển dụng có Hội đồng của huyện, còn việc bổ nhiệm thực hiện theo quy trình. Các công việc khác như thuyên chuyển nội bộ, tiếp nhận, tiền lương do huyện phân cấp thực hiện. Về quan điểm, phương pháp tuyển tuyển dụng: Ở tỉnh Quảng Trị do có số lượng giáo viên hợp đồng lâu năm trong các cơ sở giáo dục, đặc biệt là ở trường mầm non còn nhiều và có sự mất cân đối về đội ngũ giữa các cấp học; giữa giáo viên- nhân viên nên Sở Nội vụ thống nhất với đề xuất của các huyện quan điểm phương pháp tuyển dụng như sau: Áp dụng Nghị định 29/2012/CP để ưu tiên tuyển trước (tuyển đặc cách) những người có thời hạn hợp đồng 3 năm trở lên ở các cơ sở giáo dục công lập, bán công chuyển đổi, sau đó mới tuyển mới. Khi có giáo viên dôi dư nghỉ hưu, sử dụng số biên chế này để tuyển dụng ngành học, bậc học còn thiếu ở huyện, ưu tiên ngành học mầm non. Bố trí một số giáo viên dôi dư đảm nhận vị trí nhân viên còn thiếu (trừ các chức danh có yêu cầu nghiêm ngặt về chuyên ngành đào tạo như y tế học đường, kế toán) mà chưa tuyển số nhân viên này. Thống nhất với ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh đề nghị các huyện, thị xã, thành phố chấm dứt tình trạng hợp đồng khi chưa tuyển dụng hết biên chế được giao (trừ trường hợp hợp đồng ngắn hạn giải quyết nghỉ sinh, đi học…). Kết quả đạt được và những hạn chế qua thực hiện Nghị quyết 06/2012 của HĐND tỉnh - Đồng chí LÊ KHƯỚC, Trưởng ban Dân tộc tỉnh trao đổi về vấn đề này nêu rõ: Nghị quyết 06 ngày 13/4/2012 của HĐND tỉnh về giảm nghèo bền vững cho các xã và thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn có ý nghĩa hết sức to lớn về giảm nghèo cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Nghị quyết ban hành thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong công tác xoá đói giảm nghèo của HĐND, UBND tỉnh, được nhân dân vùng dự án phấn khởi, hưởng ứng. Thời gian qua UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã chỉ đạo triển khai một số hoạt động nhằm tăng cường nhận thức của cấp uỷ đảng, chính quyền và các ngành, địa phương về nội dung nghị quyết này. Đã lồng ghép các nguồn vốn, kêu gọi các tổ chức tài trợ vào các xã trong thực hiện đề án, một số địa phương cũng đã quan tâm ưu tiên bố trí nguồn lực tập trung giúp các địa bàn này và tạo được một số chuyển biến. Qua gần 2 năm thực hiện tổng kinh phí đã đầu tư cho 9 xã và 23 thôn bản là 115 tỉ/177,188 tỉ đồng, đạt 64,9% vốn kế hoạch. Mục tiêu nghị quyết đề ra là hàng năm giảm gấp 2 lần hộ nghèo bình quân của 9 xã và 23 thôn, bản thuộc đề án, kết quả giảm được 9,53%, (từ 60,03% đầu năm 2012, giảm còn 50,51% cuối năm 2013). Tỉ lệ hộ nghèo bình quân của 9 xã giảm đựơc 10,16%; tỉ lệ hộ nghèo bình quân của 23 thôn, bản giảm đựợc 8,04%; tỉ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 93%; 100% xã đạt phổ cập THCS; 100% thôn, bản có lớp mẫu giáo nhà trẻ; trên 95% thôn bản có điện lưới phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Tuy vậy để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững cần quy hoạch vùng sản xuất, điểm dân cư, phát huy lợi thế từng vùng trong trồng trọt, chăn nuôi, đồng thời có kế hoạch khai thác, sử dụng, duy tu bảo dưỡng các công trình đã đầu tư nhằm mang lại kết quả lâu dài. Rà soát việc cấp đất cho các tổ chức, cá nhân sử dụng không đúng mục đích hoặc hiệu quả thấp để cấp cho dân trong vùng dự án; ưu tiên tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho người dân; sử dụng có hiệu quả cán bộ khuyến nông, khuyến lâm phục vụ cho phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo… Cân đối vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sắn, cao su, chế biến gỗ đã được thực hiện như thế nào? -Đồng chí QUỐC HỒ HIỆP NGHĨA, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: hiện nay diện tích trồng sắn trên địa bàn tỉnh gần 11.000 ha, sản lượng mỗi năm khoảng 170.000-180.000 tấn sắn củ, cung cấp đủ nguyên liệu cho 2 nhà máy tinh bột sắn trên địa bàn hoạt động hiệu quả, hàng năm đóng góp cho ngân sách trên 30 tỉ đồng. Đối với cây sắn thời gian thu hoạch tập trung trong 5 tháng, hoạt động chế biến cũng nằm trong thời gian trên, với công suất của 2 nhà máy khoảng 250 tấn tinh bột ngày thì mỗi năm sử dụng khoảng 140.000 tấn sắn củ. Theo quy hoạch của ngành Nông nghiệp-PTNT sẽ giữ diện tích trồng sắn đến năm 2015 là 10.000 ha, cùng với đầu tư thâm canh, áp dụng các biện pháp KHKT để tăng năng suất lên 25 tấn/ha, sản lượng sắn sẽ đạt 250.000 tấn. Thời gian qua một số doanh nghiệp xin phép xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn và được UBND tỉnh đồng ý về chủ trương xây dựng nhà máy chế biến ở Cam Lộ. Việc xây dựng thêm 1 nhà máy là hoàn toàn có khả năng đáp ứng về nguyên liệu. Mặt khác qua theo dõi tình hình tiêu thụ sắn, cho thấy nông dân gặp khó khăn trong mùa cao điểm, hoạt động tiêu thụ sắn cho người dân chưa đáp ứng kịp thời vụ, vì thế việc UBND tỉnh đồng ý cho xây dựng nhà máy là phù hợp. Đối với cơ sở chế biến cao su, trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở chế biến mủ với tổng công suất thiết kế chế biến trên 30.000 tấn/ năm trong lúc sản lượng mủ chưa đáp ứng được 1/2 công suất, dẫn đến tình trạng tranh mua bán, ép giá, một số cơ sở chế biến lâm vào hoàn cảnh khó khăn do thiếu nguyên liệu, thiếu vốn phải giải thể. Trong tương lai cũng không đủ nguyên liệu cho các nhà máy này hoạt động. Đối với các nhà máy chế biến gỗ, trên địa bàn tỉnh tuy có nhiều nhà máy chế biến nhưng năng suất, chất lượng và hiệu quả chế biến nhìn chung còn thấp do quy mô nhỏ, manh mún, công nghệ lạc hậu, sản phẩm làm ra khó cạnh tranh (trừ nhà máy gỗ MDF), gây ô nhiễm môi trường do đó cần rà soát, sắp xếp cơ cấu lại cho hợp lý. Có hay không việc vay vốn để đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh đã tăng 4,5 lần so với quy định của Luật Ngân sách? Vấn đề xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; dự án đóng tàu phục vụ du lịch, đi lại ở đảo Cồn Cỏ với đất liền đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được triển khai, vì sao? -Đồng chí TRẦN ĐỨC TÂM, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết: Theo quy định tại Điều 26, Nghị định 60/2003 thì tại thời điểm hiện tại dư nợ cho phép của tỉnh là 450,69 tỉ đồng, so với tổng các khoản nợ vay và tạm ứng từ ngân sách của tỉnh là 491,58 tỉ đồng, chênh lệch 40,89 tỉ đồng, vẫn nằm trong ngưỡng cho phép của Luật Ngân sách, chứ không vượt quá 4,5 lần như có ý kiến của đại biểu nêu ra. Trong quá trình điều hành ngân sách, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo thực hiện việc xử lý nợ phù hợp với tình hình thực tế, ngay trong kế hoạch năm 2014 bên cạnh tiếp tục kiến nghị với Trung ương cho giản nợ, khoanh nợ và chuyển từ ứng sang cấp, UBND tỉnh đã bố trí trả nợ 73,5 tỉ đồng, bao gồm trả nợ kiên cố hóa giao thông nông thôn và kênh mương 31 tỉ đồng; trả nợ tạm ứng ngân sách tỉnh 3 tỉ đồng, trả nợ ứng trước ngân sách tỉnh cho cầu sông Hiếu 7 tỉ đồng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu; trả nợ vay theo Nghị quyết 02 là 12,5 tỉ đồng; bố trí thu hồi về ngân sách Trung ương do thực hiện Nghị quyết 11/ CP là 20,165 tỉ đồng. Đến kế hoạch 2014 dư nợ vay và tạm ứng từ ngân sách của tỉnh chỉ còn 398,18 tỉ đồng . Về xử lý nợ đọng XDCB, ngay sau khi có Chỉ thị 27/2012 của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng XDCB tại các địa phương, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện nghiêm túc quy định của Thủ tướng là “hàng năm trước ngày 20 tháng 5 phải xử lý được ít nhất 30% khối lượng nợ đọng XDCB”. Theo đó trong kế hoạch vốn năm 2013 tỉnh đã xử lý được 32,66/113,878 tỉ đồng nợ đọng XDCB, đạt 29% tổng nợ đọng XDCB của tỉnh, trong dự kiến kế hoạch năm 2014 tiếp tục xử lý 73,507/131,973 tỉ đồng, chiếm 55,7% tổng nợ đọng XDCB của tỉnh tính đến ngày 30/6/2013. Lũy kế 2 năm 2012-2013 tỉnh đã bố trí kế hoạch vốn để xử lý nợ đọng là 106,167 tỉ đồng, đạt 64,48% tổng số nợ đọng, góp phần tạo điều kiện giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh vật tư. Dự kiến kế hoạch năm 2015 bố trí xử lý nợ đọng 58,466 tỉ đồng, như vậy về cơ bản Quảng Trị đã thực hiện hoàn thành việc xử lý nợ đọng theo tinh thần Chỉ thị 27 và Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ . Về kiến nghị của cử tri đảo Cồn Cỏ: Sở KH-ĐT cho rằng đây là nguyện vọng chính đáng, trong những năm qua sở đã chủ động phối hợp với UBND huyện đảo và các sở, ngành liên quan trong việc tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương để thực hiện nguyện vọng này. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh ngày 9/8/2013, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh kết luận: Tỉnh rà soát các phương tiện hiện có của các đơn vị đóng trên địa bàn để phối hợp sử dụng. Khi nhu cầu đi lại tăng cao, tỉnh báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc hỗ trợ kinh phí để đóng tàu. Mặt khác Sở KH-ĐT cho rằng việc đầu tư một con tàu không chỉ liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư là UBND huyện đảo mà còn liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều ngành như về ngân sách đảm bảo hoạt động thường xuyên của tàu (Sở Tài chính), đội ngũ thủy thủ quản lý và vận hành tàu (Sở Nội vụ), khai thác cảng và tuyến vận tải (Sở GTVT). Vì vậy đề nghị UBND huyện đảo chủ động lập dự án đầu tư trên cơ sở tính toán kỹ về các vấn đề đã nêu cùng với Sở KH&ĐT làm việc với các bộ, ngành Trung ương xin bố trí vốn kế hoạch đầu tư... HOÀNG NAM BẰNG (lược ghi)



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Khúc tráng ca Bộ đội Trường Sơn

Khúc tráng ca Bộ đội Trường Sơn
2024-05-17 06:19:00

QTO - Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn là lực lượng hiệp đồng quy mô lớn bao gồm nhiều binh chủng làm nhiệm vụ chiến đấu mở đường, đảm bảo tuyến giao thông...

Hiệu quả của quỹ tín dụng quay vòng

Hiệu quả của quỹ tín dụng quay vòng
2013-12-07 08:37:27

* Đồng chí NGUYỄN KIM VĂN, Phó Chủ tịch Hội Từ thiện tỉnh Quảng Trị Khi bắt tay thực hiện dự án Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (PHCNDVCĐ) cho người khuyết tật tỉnh Quảng...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết