Gặp lại người đầu tiên hát Câu hò trên bến Hiền Lương
(QT Xuân) - Từ thuở ấu thơ, bên bờ Bến Hải tôi đã được nghe bài hát Câu hò trên bến Hiền Lương trong niềm khắc khoải mong chờ ngày đất nước hoà bình thống nhất, Bắc Nam sum họp…Tuy hãy còn là một cậu bé nhưng nhiều lần tôi đã cãi nhau với các anh chị về người hát đầu tiên bài Câu hò trên bến Hiền Lương là một… nam ca sĩ.
|
Nghệ sĩ Văn Hanh. Ảnh: T.L |
Nhiều lần như vậy tôi bị thua và chỉ biết nuốt nước mắt vì …tức. Từ đó đến nay, mỗi khi nhớ đến bài ca về nỗi niềm cắt chia đất nước ấy, tôi vẫn nuôi ước vọng đi tìm người hát đầu tiên bài hát ấy mà giọng ca đã làm tôi ám ảnh suốt tuổi thơ qua một đĩa hát chạy bằng dây cót. Tôi muốn đi tìm để chứng minh mình đúng. Nhưng đến hôm nay, sau gần 50 năm tôi mới tìm được người hát ấy, thì cái mục đích để chứng minh cho sự đúng của tôi đã không còn ý nghĩa là vì anh tôi, bạn tôi, những người tôi muốn chứng minh xưa, giờ đã ra đi hoặc xiêu bạt phương trời nào… Ngày hôm nay, khi đương ở nhà ông Văn Hanh, người ca sĩ làm tôi cay đắng thua bạn ngày nào lẽ ra tôi phải vui lắm mới phải. Nhưng tôi quá bâng khuâng. Bâng khuâng bởi lẽ câu chuyện của ông đã kéo tôi trở về những ngày thơ bé bên sông Bến Hải lòng ngây thơ trông sang bờ Nam mà nước mắt chảy ròng cùng những người chồng, người vợ miền Nam trên đất Bắc về bên sông bắt mặt ngóng vô Nam lắng bài ca Tình trong lá thiếp và Câu hò trên bến Hiền Lương…Và bâng khuâng có lẽ vì những người cá cược với tôi rằng, ai là người hát bài ca ấy đầu tiên, giờ đâu còn bên tôi để mà nghe câu chuyện tôi đương bắt đầu kể dưới đây… Người ca sĩ có tên là Văn Hanh nay đã ngoài tám mươi xuân. Ông là một trong những ca sĩ nổi tiếng ở đài Tiếng nói Việt Nam những năm 50 của thế kỷ XX. Trong căn hộ nhỏ thuộc khu Tập thể Đài TNVN phố Đại La, nơi cứ trú của nhiều nghệ sĩ tên tuổi, nghệ sĩ Văn Hanh bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cái việc đính chính về tên bài hát ấy. Ông bảo: Bài hát ấy nguyên bản có tên là Câu hò bên bờ Hiền Lương. “ Hoàng Hiệp và tác giả lời thơ Đằng Giao khi ấy mới ngoài tuổi hai mươi, là chàng trai miền Nam tập kết ra Bắc, chính vì vậy mà trong lời ca đã có nỗi lòng tác giả… Chính tôi là người đầu tiên cầm lên bản nhạc ấy từ Ban biên tập của Đài. Cái bản nhạc chép tay nét mực tươi rói nhảy nhót trước mắt tôi và ngay phút ấy tôi gần như nhập đồng luôn với bài ca đó. Bài ca mang đề tài về nỗi đau chia cắt với bao nhiêu nỗi niềm ly tán kẻ Bắc người Nam. Lúc đầu tôi ái ngại vì trong lúc chúng ta đang kêu gọi đấu tranh thống nhất hai miền, phải hát những bài ca hùng tráng, thúc giục kêu gọi đấu tranh. Trong khi bài hát này đượm một khúc buồn, nỗi buồn của cả một đất nước bị cắt chia sau Hiệp nghị Giơnevơ. Nhưng bài hát lôi cuốn tôi, ám ảnh tới mức tôi tự hỏi hay là bản này ông Hoàng Hiệp viết cho chính tôi hát. Gia điệu lời ca cứ thế được cất lên từ tâm hồn mình, một người con miền Bắc nhưng trong tim vẫn là khát vọng về hoà bình thống nhất. Đêm ấy, tôi đã tự đệm đàn và tập hát một mình cho đến gần sáng thì thuộc. Bài hát mang hơi hướng dân ca Trị Thiên nhưng cái chính là lời ca mượt mà, mang nặng tình cảm nhớ nhung của người đôi bờ. Nói thật, thời ấy, viết được bài ca như Câu hò trên bến Hiền Lương… của Hoàng Hiệp thật là khó, và phải thật bản lĩnh mới viết nổi. Đất nước cần những hùng ca mạnh mẽ, xốc tới, đằng này bài ca Câu hò trên bến Hiền Lương nếu không uỷ mị thì cũng gợi nỗi đau chia cắt, gợi nhớ thương trong xa cách. Nhưng tôi đã quyết là hát bằng được, dù có thể sẽ khó được biểu diễn…Bài Câu hò trên bến Hiền Lương cùng với các nhạc phẩm nổi tiếng khác, Hoàng Hiệp đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000 về VHNT…
|
Xin gửi tấm lòng về Nam. Ảnh: Sĩ Sô |
Ông vào phòng trong lôi ra một cái cặp tài liệu trong đó có “bảo vật” đối với ông là những cái đĩa hát ghi giọng ca của chính ông cách nay 50 năm…Lời ca của một nam ca sĩ khoẻ khoắn, tha thiết cất lên: Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về…Ông Văn Hanh như đương sống lại cái thời trai trẻ: Sáng hôm sau tôi lên gặp các đồng chí phụ trách Ban ca nhạc của Đài, xin được hát thu âm bài hát và sau khi hát thử, ông trưởng đoàn đã đồng ý. Tôi vui sướng như muốn khóc. Vui vì đây là bài hát quá thiết tha tình cảm, thể hiện tấm lòng với đồng bào hai miền đang bị xa cách bởi quân thù muốn chia cắt đất nước lâu dài. Vui vì mình đã có thể có một bài hát yêu thích, phù hợp chất giọng của mình. Ông nhớ lại: Lẽ ra theo đúng bài bản thì bài hát phải được duyệt nội dung, đưa sang để soạn tổng phổ xong rồi mới đưa cho nhạc công và ca sĩ tập xong mới ráp với ban nhạc xong mới tiến hành thu âm, Nhưng với bài Câu hò trên bến Hiền Lương hình như đây là một ngoại lệ. Sau khi nghe tôi hát thử các anh cho ráp nhạc luôn tại chỗ với nhạc công. Tôi bắt đầu hát, anh Hoàng Mãnh, một pianst có tiếng phụ trách đệm đàn. Chỉ vài lần là việc thu âm đã xong. Đó cũng là một kỷ lục về sự phối hợp và thời gian cho một bài hát mới. Chỉ ít sau bài hát do tôi trình bày đã được phát lên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi phát sóng được ít lâu, Ban biên tập của Đài đã nhận được nhiều thư yêu cầu phát lại bài hát này. Nhiều lá thư cảm ơn tác giả và ca sĩ đã đem đến cho khán giả một bài hát hay và cảm động. Lá thư mà ông được Ban biên tập cho xem lá thư của một cô gái người miền Nam tập kết ra bắc. Cô gái viết: “Khi nghe bài hát mấy chị em chúng tôi đã ôm lấy nhau mà khóc. Nỗi nhớ quê hương làm mấy chị em nghẹn ngào không nói nên lời. Thay mặt anh chị em tập kết ra miền Bắc, cảm ơn Đài Tiếng nói (Việt Nam - TG) đã mang đến cho chúng tôi những lời ca tuyệt vời…”. Có nhiều giọng ca nữ hát Câu hò trên bến Hiền Lương sau đó, có người hát hay nhất là nữ NSƯT Tân Nhân, hay sau đó là Thu Hiền, Bảo Yến, Hương Mơ… nhưng người đầu tiên làm nên kỷ niệm với Câu hò trên bến Hiền Lương phải nói là Văn Hanh. Với Tân Nhân, chị đã hát Câu hò trên bến Hiền Lương như rút ruột mình, bởi chị là đứa con đất Quảng Trị, cũng bởi chị đã có cùng hai nỗi đau: nỗi đau chia cắt đất nước và nỗi đau ly biệt với người tình bên kia chiến tuyến. Bài hát ấy cùng với Xa Khơi của Nguyễn Tài Tuệ đã đưa chị lên hàng những danh ca một thời… Nghệ sĩ kể cho chúng tôi nghe chuyện biểu diễn lần đầu ở vườn hoa Chí Linh, Hà Nội, khi ông đương hát Câu hò trên bến Hiền Lương… thì bên dưới khán giả nhiều người đã khóc. Tiếng hát của ông càng thao thiết bao nhiêu, tiếng khóc càng nức nở bấy nhiêu. Một cộng cảm chưa từng thấy trong nghệ thuật. Tự nhiên người hát cũng để cho nước mắt lăn dài trên má. Và lạ lùng là khi nhìn thấy nước mắt người ca sĩ, họ lại ngừng khóc và xúc động ngắm nhìn ông với tất cả sự ngưỡng mộ. “Lần ấy tôi đã hát đi hát lại bài ấy ba lần. Mỗi lần hát xong thì tiếng vỗ tay râm ran không muốn dứt.” – Ông kể. Từ đó về sau, lần nào đi biểu diễn phục vụ địa phương hoặc đơn vị bộ đội, khán giả đều cũng chỉ yêu cầu ông hát bài Câu hò trên bến Hiền Lương Tên tuổi Văn Hanh nổi lên từ đó như một hiện tượng âm nhạc một thời. Trong cuộc đời nghệ sĩ của mình, ca sĩ Văn Hanh coi đó là một kỷ niệm đẹp suốt đời không quên. Và chiều nay cùng với người ca sĩ năm xưa, chúng tôi lại hát Câu hò trên bến Hiền Lương lòng ai cũng rưng rưng thương đất nước một thời…
Tân Linh