Cập nhật:  GMT+7

Gành Đá Đĩa, kiệt tác thiên nhiên kỳ thú ở Phú Yên

Không chỉ nổi tiếng với những bãi biển đúng chất “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”, Phú Yên còn được biết đến với danh thắng Gành Đá Đĩa, một trong những kiệt tác thiên nhiên kỳ thú về cảnh quan và độc đáo về địa chất nhất Việt Nam. Với vẻ đẹp độc đáo, giá trị địa chất và văn hóa đặc sắc, Gành Đá Đĩa không chỉ là điểm đến yêu thích của du khách mà còn là niềm tự hào của vùng đất “hoa vàng trên cỏ xanh”.

Gành Đá Đĩa, kiệt tác thiên nhiên kỳ thú ở Phú Yên

Gành Đá Đĩa rất lý tưởng để du khách tham quan, chụp ảnh “check-in” - Ảnh: L.A

Nằm nép mình bên bờ biển, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 35 km về phía Bắc, Gành Đá Đĩa thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, là một bãi đá ba dan độc đáo, hình thành từ hoạt động núi lửa cách đây khoảng 200 triệu năm ở vùng cao nguyên Vân Hòa, phía Bắc tỉnh Phú Yên. Khi dung nham nóng chảy từ núi lửa tràn xuống gặp nước biển lạnh, chúng nhanh chóng đông cứng và co ngót, tạo ra các khe nứt dọc, ngang.

Kết quả là tạo thành những cột đá ba dan hình lăng trụ, chủ yếu là lục giác, xếp chồng lên nhau như những chiếc đĩa khổng lồ. Khu vực này rộng khoảng 50 m, dài hơn 200 m, với khoảng 35.000 cột đá đen huyền, bóng loáng, tạo nên một khung cảnh kỳ vĩ, giống như tổ ong khổng lồ giữa đại dương. Nhìn từ xa, những cột đá nhấp nhô giữa sóng biển, ánh lên màu đen huyền bí dưới ánh nắng, khiến bất kỳ ai cũng phải trầm trồ trước sự sáng tạo của thiên nhiên.

Không chỉ có giá trị về mặt cảnh quan, Gành Đá Đĩa còn là một “bảo tàng địa chất” sống động. Các nhà khoa học đánh giá đây là một trong những gành đá badan đẹp nhất thế giới, sánh ngang với những kỳ quan đá nổi tiếng như Giant’s Causeway ở Bắc Ireland hay Fingal’s Cave ở Scotland. Năm 1997, Gành Đá Đĩa được công nhận là Di tích thắng cảnh quốc gia và đến ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng nơi đây là Di tích quốc gia đặc biệt, khẳng định giá trị vượt thời gian của kỳ quan này.

Gần gành đá, người dân xây dựng Lăng Đá Đĩa, nơi thờ thần Nam Hải (Cá Ông) - vị thần bảo hộ cho ngư dân vùng biển. Lăng được xây dựng từ thời vua Tự Đức (giữa thế kỷ 19) và là nơi diễn ra các lễ hội cầu ngư, cầu mùa truyền thống.

Vào những ngày lễ, ngư dân tụ họp, tổ chức hát bả trọi, thả thuyền rồng và dâng lễ vật để cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy thuyền. Những nét văn hóa này không chỉ làm phong phú thêm giá trị của Gành Đá Đĩa mà còn tạo nên một không gian tâm linh đặc biệt, thu hút du khách muốn tìm hiểu về đời sống của người dân miền biển. Ngoài ra, các lễ hội tại đây còn là dịp để du khách trải nghiệm văn hóa dân gian, thưởng thức các điệu múa truyền thống và cảm nhận sự gắn bó của người dân với biển cả.

Một đồng nghiệp của chúng tôi ở Báo Phú Yên chia sẻ, để trở thành điểm đến nổi tiếng như ngày nay, Gành Đá Đĩa đã phải trải qua một hành trình dài. Trước đây, nơi này chỉ là một bãi đá hoang sơ, ít người biết đến, chủ yếu là ngư dân địa phương lui tới. Từ khi được công nhận là Di tích thắng cảnh quốc gia vào năm 1997, Gành Đá Đĩa bắt đầu thu hút sự chú ý của du khách và các nhà nghiên cứu.

Mỗi năm Gành Đá Đĩa đón hàng trăm nghìn lượt khách. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những cột đá ba dan độc đáo mà còn tận hưởng không khí trong lành, lắng nghe tiếng sóng vỗ rì rào và ngắm hoàng hôn buông xuống trên biển. Những tảng đá đen bóng, xen kẽ với màu xanh của nước biển và màu trắng xóa của bọt sóng tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, rất lý tưởng để chụp ảnh “check-in”. Nhiều du khách chia sẻ khoảnh khắc đứng trên gành đá, cảm nhận gió biển thổi qua và nghe tiếng sóng vỗ vào đá là một trải nghiệm khó quên, mang lại cảm giác yên bình, thư thái và gần gũi với thiên nhiên.

Để tạo thuận lợi cho du khách, địa phương đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường, bãi đỗ xe... Giá vé tham quan chỉ khoảng 20.000 - 40.000 đồng/người, rất hợp lý để trải nghiệm một danh thắng thiên nhiên kỳ vĩ. Thời điểm lý tưởng để tham quan Gành Đá Đĩa là từ tháng 3 đến tháng 9, khi thời tiết khô ráo, nắng đẹp, thuận tiện cho việc di chuyển và ngắm cảnh.

Tuy nhiên, do địa hình đá gồ ghề, du khách nên mang giày đế mềm để dễ di chuyển. Ngoài Gành Đá Đĩa, du khách có thể kết hợp tham quan các điểm xung quanh như Hải đăng Gành Đèn, Nhà thờ Mằng Lăng hay Bãi Bàng... Những địa điểm này đều nằm trên cung đường ven biển, rất thuận tiện để khám phá trong một ngày.

Bên cạnh đó, khi đến Gành Đá Đĩa, du khách không nên bỏ qua cơ hội thưởng thức hải sản tươi ngon tại Bãi Bàng gần đó. Các món như sò huyết Ô Loan, cá ngừ đại dương, tôm hùm, ghẹ đầm Cù Mông được chế biến đơn giản nhưng đậm đà hương vị biển.

Một bữa ăn bên bờ biển, vừa thưởng thức hải sản, vừa ngắm sóng vỗ là trải nghiệm mà bất kỳ du khách nào cũng nên thử. Nếu muốn mua đặc sản làm quà, bò khô một nắng, khô cá ngừ, hay bánh tráng Hòa Đa là những lựa chọn tuyệt vời, vừa ngon, vừa mang đậm nét đặc trưng của Phú Yên. Những món quà này không chỉ là món ăn mà còn là cách để mang một phần hương vị Phú Yên về nhà.

Lê An

Tin liên quan:

Lê An

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Hạt nhân thể thao quần chúng

Hạt nhân thể thao quần chúng
2025-04-12 06:10:00

QTO - Xây dựng và nhân rộng mô hình gia đình thể thao là một trong những nội dung trọng tâm trong phát triển sự nghiệp thể dục thể thao (TDTT). Gia đình...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long