Cập nhật: Thứ 4, 07/10/2009 | 10:11 GMT+7

Dù khó khăn đến đâu, cũng không để người dân Đakrông thiếu đói

(QT) - Dù bão đã tan, nước đã rút nhưng đến 10 giờ sáng ngày 5/10/2009, chúng tôi mới tiếp cận được xã Tà Rụt và các xã phía nam huyện Đakrông (Quảng Trị) vì đường Hồ Chí Minh nhánh tây từ cầu treo Đakrông vào đến xã Tà Rụt, A Bung có trên 50 điểm sạt lở với hàng chục nghìn khối đất đá vùi lấp, băm nát mặt đường. Bằng phương tiện xe máy, theo sát đoàn xe cứu hộ giao thông của Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ Quảng Trị, nhích dần từng đoạn một nhưng phải hơn 1 ngày chúng tôi mới tiếp cận được Tà Rụt. Một quang cảnh đổ nát, tang thương trải dài suốt hơn 60 km từ cầu treo vào đến A Bung. Có lẽ không có ngôn từ nào để diễn tả hết sự tàn khốc của thiên tai đã để lại trên vùng đất vốn đã nghèo nàn, khốn khó này. Thầy giáo - Anh hùng lao động Hà Công Văn, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS xã Húc Nghì vẫn còn bàng hoàng khi nhớ lại những giây phút khủng khiếp nhất mà anh đã chứng kiến.

Công nhân Công ty CP QL&SC giao thông Quảng Trị khẩn trương khôi phục giao thông trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Đakrông
Đó là vào khoảng 17 giờ chiều ngày 29/9, trời mưa như trút, nước sông Đakông dâng cao, nước từ thượng nguồn ào ạt đổ về, trong phút chốc toàn bộ dân cư sinh sống ven đường tại Km 30 và khu vực nhà trường ngập chìm trong biển nước. Với kinh nghiệm lâu năm sống trong vùng nước dữ, thầy Văn và những giáo viên có mặt hôm đó chỉ kịp đưa 28 em nhỏ đang sống nội trú tại trường lên vùng cao, vội vàng quàng những tấm ni long cho các em đỡ ướt, khi quay về trường thì nước sông đã dâng cao và lũ quét đã cuốn theo nó toàn bộ tài sản của nhà trường cùng 8 gia đình giáo viên đang sống tại đây. Bây giờ khi nước đã rút, không ai có thể hình dung nổi ngay tại nơi đây đã từng tồn tại một ngôi trường, có nhà ở giáo viên, có khu nội trú của học sinh. Củi, rác, bùn đất đã bao trùm tất cả. Chưa biết đến bao giờ trường Húc Nghì mới mở cửa trở lại để đón các em đến lớp? Cách đó không xa, trường mầm non Húc Nghì giờ chỉ còn là một đống đổ nát. Cô giáo Nguyễn Thị Hiền và Hồ Thị Trà chỉ kịp thoát thân mà không kịp mang theo bất cứ một thứ gì, khi quay trở lại tất cả đã trôi theo dòng nước dữ. Bản Húc Nghì với hơn 70 hộ thì có đến 28 nhà bị cuốn trôi, 26 nhà bị xiêu vẹo, tốc mái. Nhà của Chủ tịch UBND xã Húc Nghì Hồ Văn Đàm ngay bên đường và các nhà lân cận giờ chỉ còn trơ nền đất, khi chúng tôi ghé thăm, cả nhà anh với 11 nhân khẩu đang tá túc bên nhà hàng xóm, sống bằng sự dùm bọc của người trong bản khi nguồn cứu trợ từ bên ngoài chưa đến kịp. "Lũ quét tràn qua, nhiều gia đình chỉ biết bỏ của chạy lấy người, không ai kịp mang theo bất cứ một tài sản gì, cũng còn may là cả xã chỉ thiệt hại nặng nề và nhà cửa, tài sản, nhưng không có ai thiệt mạng, người còn là mừng lắm rồi", anh Đàm cho biết. Không riêng gì ở cụm dân cư Km 30, mà ở Km 32, ngay bên cạnh trụ sở UBND xã quang cảnh cũng xơ xác tiêu điều, trụ sở xã nước ngập hết tầng một, toàn bộ giấy tờ, máy móc bị nhấn chìm trong lũ.

Chủ trương của huyện Đakrông (Quảng Trị) là dù khó khăn đến đâu cũng không để người dân thiếu đói, dù phải gùi thồ cũng phải mang được lương thực, dầu thắp sáng, thuốc men đến cho bà con ở những địa bàn giao thông đang bị chia cắt". Thực hiện ý kiến chỉ đạo của huyện các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện đang tìm cách tiếp cận các thôn bản mà các phương tiện cơ giới hiện chưa tiếp cận được. Ngay chiều 5/10 chúng tôi đã gặp đoàn cán bộ ở Trung tâm y tế huyện gùi thuốc phòng, chữa bệnh và hoá chất tiêu độc khử trùng vượt đường rừng vào A Vao, nơi có hơn 2000 người dân đang từng ngày mong được tiếp cứu.

Anh Hồ Văn Hậu, cán bộ xoá đói giảm nghèo xã đang loay hoay dọn dẹp và tìm con dấu của xã không biết có còn hay đã bị lũ cuốn trôi. Cạnh đó, nhà bà Nguyễn Thị Diệu vừa được cho vay hộ nghèo để làm nhà cũng chỉ còn trơ bộ khung và bị nước đẩy ra cạnh đường. Thôn 37 (cụm dân cư tại Km 37) cũng có tới 22 nhà bị nạn, trong đó có 3 nhà đã bị lũ cuốn trôi, trường học cũng không còn gì từ bàn ghế, sách vở, đồ dùng giảng dạy đều đã trôi theo dòng nước lũ. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Húc Nghì - Hồ Văn Ngọc, cả xã có 254 hộ nhưng có đến 144 hộ bị thiệt hại nặng nề do lũ quét, khó khăn lớn nhất của người dân ở đây là lương thực, nước sinh hoạt và vật dụng sinh hoạt gia đình. Để giúp đỡ người dân vượt qua thời điểm khó khăn trước mắt khi nguồn cứu trợ từ bên ngoài chưa vào được, chính quyền đã huy động người dân các thôn không bị ảnh hưởng giúp đỡ bà con bị nạn, đã có 50 người ở bản Cựp, 30 người ở La Tó tự nguyện đến Húc Nghì giúp bà con dựng lại nhà cửa, dọn dẹp đống đổ nát. Người dân trong xã cũng đã quyên góp được gần 3 triệu đồng cùng 200 lon gạo, 29 cái nồi, 12 cây rựa cùng nhiều áo quần, chăn màn và các vật dụng sinh hoạt khác để ủng hộ cho những gia đình bị thiên tai. Đến bây giờ nhiều người dân ở thôn A Vương ( xã Tà Rụt) vẫn chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra với mình, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn chưa đầy 30 phút mà dòng nước lũ đã cuốn theo nó tất cả những gì cóp nhặt được qua mấy chục năm của 34 gia đình đang sinh sống tại đây, vườn tược, ruộng đồng xác xơ, tan nát hoặc bị cát đá, cây cối vùi lấp. Ông Kôn Chợ chỉ cho chúng tôi xem mấy viên đá kê chân cột còn sót lại trên một bãi đất trống trải, đó là tất cả những gì còn lại của một gia đình 5 người vốn có cuộc sống khá giả ở trong thôn, ông cho rằng, nếu lũ vào ban đêm thì có thể còn khủng khiếp hơn, với gần 200 khẩu trong đó có đến 75 trẻ em, chỉ riêng việc đưa dân ra khỏi vùng lũ dữ được an toàn là điều quá may mắn. Xã Tà Rụt là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất do lũ quét, đã có 5/9 thôn bị san phẳng với 144 nhà bị thiệt hại, trong đó trôi 44 hộ, sập 26 hộ, số còn lại bị xiêu vẹo tốc mái, theo ước tính ban đầu, tổng tài sản bị thiệt hại trên 2,5 tỷ đồng, trong đó bao gồm tài sản của nhân dân và nhiều công trình hạ tầng bị xoá sổ. Anh Mai Anh Tuấn, một hộ kinh doanh trên địa bàn cho biết, trước khi lũ xảy ra, nếu chính quyền địa phương không bám sát cơ sở, không có hành động kiên quyết di dân ra khỏi vùng nguy hiểm thì hậu quả sẽ khôn lường, và khi lũ lụt đi qua, chính quyền lại có những giải pháp rất cụ thể để cùng người dân khắc phục thiên tai. Chỉ sau một ngày, những gia đình có nhà bị trôi, sập đều được xã huy động dân bản và lực lượng dân quân địa phương dựng lại để không ai phải chịu cảnh màn trời chiếu đất. Xã cũng vận động bà con cứu trợ kịp thời để những gia đình bị nạn sớm ổn định cuộc sống và ra thông báo yêu cầu các hộ kinh doanh trên địa bàn nêu cao tinh thần tương thân tương ái, không được lợi dụng cơ hội hàng hoá khan hiếm do giao thông tắc nghẽn để đầu cơ, trục lợi. Với những việc làm kịp thời đó, dù bị thiệt hại, mất mát vô cùng to lớn nhưng những người dân trong vùng thiên tai cũng được ấm lòng. Từ Tà Rụt chúng tôi có ý định đi A Vao nhưng cầu tràn qua sông nối Tà Rụt với A Vao chỉ còn 3 nhịp giữa, hai bên mố cầu đã bị lũ làm hư hỏng nặng nề, giao thông hoàn toàn tắc nghẽn, để khắc phục giao thông tạm thời, người dân đã bắc tạm bằng bè nứa, thông tin từ một số người dân trong vùng cho biết đường vào A Vao đã bị lũ đánh sập nhiều đoạn, đi lại rất khó khăn, kể cả đi bộ vì nhiều chỗ nước xói thành vực rất sâu. Không thể vào A Vao, chúng tôi đành theo đường Hồ Chí Minh về A Ngo, nơi cũng là tâm điểm của lũ quét. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Miền đang cùng các cán bộ sắp xếp, dọn dẹp lại tài liệu đã bị ngâm nhiều giờ trong nước. Thông tin cho biết, có đến 5/10 thôn đã bị lũ quét tràn qua gây thiệt hại vô cùng nặng nề, 28 nhà dân bị trôi, sập, 67 nhà khác bị hư hỏng nặng. Khó khăn nhất của địa phương là nguồn lương thực của người dân cũng như nguồn dự trữ đã bị ướt hoặc bị lũ cuốn trôi, nếu không có sự ứng cứu kịp thời sẽ có hàng trăm dân bị đói. Đến nay thôn A Ngo và La Lay vẫn còn bị chia cắt do đường bị sạt lở, cầu bị lũ cuốn, hàng chục ha ruộng lúa, nương, vườn của bà con bị đất đá vùi lấp khó có thể khôi phục trở lại, các công tình thuỷ lợi, nước sinh hoạt trên địa bàn đã bị hư hỏng hoàn toàn, một số thôn vẫn chưa có nước sinh hoạt. Theo Phó Bí thư Thường trực huyện Đakrông, Trần Quang Chiến, trận "đại hồng thuỷ" lần này đã gây cho huyện thiệt hại vô cùng nặng nề, đưa nhiều xã trở về thời kỳ khó khăn như những ngày đầu mới thành lập. "Mấy ngày qua, trước những hậu quả nặng nề do thiên tai để lại, địa phương đã hết sức cố gắng lại được tỉnh chi viện kịp thời nhưng đến nay vẫn còn hai xã là A Vao, A Bung đang bị chia cắt. Chủ trương của huyện là dù khó khăn đến đâu cũng không để người dân thiếu đói, dù phải gùi thồ cũng phải mang được lương thực, dầu thắp sáng, thuốc men đến cho bà con ở những địa bàn giao thông đang bị chia cắt". Thực hiện ý kiến chỉ đạo của huyện các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện đang tìm cách tiếp cận các thôn bản mà các phương tiện cơ giới hiện chưa tiếp cận được. Ngay chiều 5/10 chúng tôi đã gặp đoàn cán bộ ở Trung tâm y tế huyện gùi thuốc phòng, chữa bệnh và hoá chất tiêu độc khử trùng vượt đường rừng vào A Vao, nơi có hơn 2000 người dân đang từng ngày mong được tiếp cứu. Bài và ảnh: Hoàng Đức.



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Đồng hành, chung sức xây dựng nông thôn mới

Đồng hành, chung sức xây dựng nông thôn mới
11:15 tối Thứ 6

QTO - Thực hiện phương châm “Hướng mạnh về cơ sở”, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Quảng Trị luôn đồng hành, chung sức với...

Vĩnh Linh: Diện tích cây cao su đạt 6.000 ha

Vĩnh Linh: Diện tích cây cao su đạt 6.000 ha
12:19 06/10/2009

(QT) - Nhờ có chính sách phát triển hợp lý nhằm khai thác tiềm năng đất bazan trên địa bàn, khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư trồng mới cây cao, nên đến năm 2009 diện tích...

Quy chế mới về cụm công nghiệp

Quy chế mới về cụm công nghiệp
12:18 06/10/2009

(QT) - Trước tình trạng nhiều địa phương ồ ạt thành lập các cụm công nghiệp theo kiểu tự phát, thiếu quy hoạch, hiệu quả sử dụng đất chưa cao, ảnh hưởng đến quỹ đất nông...

Hải Lăng dồn sức khắc phục hậu quả lụt bão

Hải Lăng dồn sức khắc phục hậu quả lụt bão
04:38 05/10/2009

(QT) - Do ảnh hưởng cơn bão số 9, từ đêm 27 đến sáng ngày 3/9/2009 trên địa bàn Hải Lăng (Quảng Trị) đã có mưa to và rất to kèm theo gió lớn, giật mạnh, lốc xoáy đã làm nhiều...

Thời tiết

21°C - 27°C
Nhiều mây, không mưa
  • 22°C - 28°C
    Có mây, không mưa
  • 22°C - 28°C
    Có mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long