Cập nhật: Thứ 5, 26/11/2015 | 01:44 GMT+7

Đóng góp ý kiến về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi)

(QT) - Sáng ngày 23/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Đại biểu HOÀNG ĐỨC THẮM, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tham gia phát biểu thảo luận. Sau đây là ý kiến phát biểu của đại biểu. Về phạm vi điều chỉnh của luật, theo dự thảo bao gồm quyền và bổn phận của trẻ em, nguyên tắc và biện pháp bảo vệ quyền của trẻ em và trách nhiệm của nhà nước, gia đình, xã hội đối với quyền trẻ em. Đại biểu đề nghị, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật này đến việc quy định trách nhiệm của nhà nước, gia đình, xã hội đối với bổn phận trẻ em. Trong dự thảo mới quy định trách nhiệm này đối với quyền trẻ em, còn chưa quy định trách nhiệm của các tổ chức đó đối với bổn phận trẻ em. Nếu có quy định này thì trẻ em mới có điều kiện để làm tốt bổn phận của mình.

Đại biểu Hoàng Đức Thắm phát biểu tại hội trường - Ảnh: PHN

Về quyền và bổn phận của trẻ em ở Chương II, đại biểu tham gia 3 nội dung sau đây: Trước hết, đề nghị chia chương này thành hai mục: Mục 1, về quyền trẻ em từ Điều 10 đến Điều 37 và Mục 2, về bổn phận của trẻ em từ Điều 38 đến Điều 41. Đề nghị chia rõ chương này thành 2 mục như vậy. Hai, về quyền của trẻ em, đề nghị đưa các Điều 31, 33 xuống sau Điều 37 bởi vì hai điều này nói về quyền của hai đối tượng trẻ em đặc biệt, đó là trẻ em khuyết tật và trẻ em không có quốc tịch, cũng như trẻ em lánh nạn, tị nạn. Vì thế nên phải nói hết các quyền trẻ em nói chung, sau đó mới bổ sung thêm quyền cho một số đối tượng đặc biệt này. Ba, về bổn phận của trẻ em, trong các Điều từ 38 đến Điều 41, Ban soạn thảo thiết kế mục này khác với mục về quyền trẻ em. Theo đó không xác định bổn phận chung của trẻ em mà là xác định bổn phận của trẻ em trong mối quan hệ với 4 môi trường đó là gia đình, nhà trường, xã hội và quê hương đất nước. Với cách thiết kế này có mấy hạn chế: Hạn chế thứ nhất, có những bổn phận rất cơ bản của trẻ em như bổn phận trẻ em phải học tập thì chỉ được nhắc đến trong mối quan hệ với nhà trường, như vậy là chưa đủ. Bởi vì đối với gia đình, xã hội, quê hương, các em đều có bổn phận là phải học tập. Hoặc là bổn phận “trung thực, khiêm tốn’’ của trẻ em cũng mới được nhắc tới trong mối quan hệ của trẻ em với gia đình tại Điều 38. Nhưng rõ ràng bổn phận này rất cần thiết đối với trẻ em khi các em ở trong nhà trường cũng như khi các em ra ngoài xã hội. Hạn chế thứ hai là với cách thiết kế này nên một số bổn phận của các em cứ phải lặp đi lặp lại trong cả 4 điều, nhưng nếu bỏ ở điều nào đi thì lại thiếu. Ví dụ, bổn phận của trẻ em là phải biết yêu thương, giúp đỡ, tôn trọng mọi người. Nếu nói như vậy là đủ rồi. Nhưng vì thiết kế như vậy cho nên khi đặt trẻ em vào môi trường nào cũng đều nhắc đến bổn phận này. Ví dụ, đối với gia đình, phải biết yêu thương quý trọng ông bà, cha mẹ. Đối với nhà trường phải tôn trọng giáo viên. Đối với xã hội phải lễ phép với người lớn, giúp đỡ người già... Với những lý do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để thiết kế lại mục này giống như Mục 1, tức là xác định bổn phận chung của trẻ em chứ không nên đặt bổn phận của trẻ em trong mối quan hệ với các môi trường cụ thể như trong dự thảo luật hiện nay. Đề nghị dựa vào nội dung 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng để xác định các bổn phận cơ bản cho trẻ em, tức là trẻ em phải có bổn phận “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt, lao động tốt. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt. Giữ gìn vệ sinh thật tốt. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em xác định 3 nhiệm vụ lớn của nhà nước, gia đình, xã hội đối với trẻ em. Đó là chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Vì vậy, đề nghị không nên ghép trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thành một chương như dự thảo hiện nay (Chương III) mà nên tách thành những chương riêng. Trong Chương IV về bảo vệ trẻ em, đại biểu có 3 đề nghị: Thứ nhất, trong chương này có Mục 2 (Mục chăm sóc thay thế), đề nghị chuyển mục này lên Chương III, bởi vì tên của Chương III là về chăm sóc trẻ em. Thứ hai, một số điều đặt trong Mục 1, tức là mục về hệ thống bảo vệ trẻ em là không phù hợp. Ví dụ, Điều 52 bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng và Điều 55 trách nhiệm của người được làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã. Đề nghị đưa Điều 55 về Điều 90, vì đây chính là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã. Về Điều 52, trách nhiệm phải bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng, việc này là rất cần thiết, cho nên phải đặt nó thành một mục riêng trong chương này, không nên ghép như hiện nay. Vì nó rất quan trọng, nên đặt nó tương đương với Mục 3, đó là mục bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng dân sự, hình sự và xử lý vi phạm hành chính. Thứ ba, tại Điều 48 về hệ thống bảo vệ trẻ em, đề nghị sửa lại Điểm c, Khoản 2 này là: Về cấp độ can thiệp là ngăn chặn hành vi xâm phạm trẻ em, chăm sóc, phục hồi trẻ em khi bị xâm hại, bỏ dòng “có hoàn cảnh khó khăn”, vì đây là chung đối với trẻ em chứ không phải chỉ có trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ý kiến cuối cùng, nhất trí như nhiều đại biểu đã phát biểu, đổi tên luật này thành Luật Trẻ em và nâng độ tuổi trẻ em lên đến dưới 18 tuổi. PHẠM HỒNG NAM (lược ghi)



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

Chú trọng công tác giảm nghèo bền vững
23:17 22/11/2015

* Đồng chí LY KIỀU VÂN, TUV, Bí thư Huyện ủy Đakrông (Quảng Trị) trả lời phỏng vấn-Thưa đồng chí, là một huyện đặc biệt khó khăn, công tác giảm nghèo và giảm nghèo bền vững...

Thời tiết

25°C - 35°C
Có mây, không mưa
  • 29°C - 36°C
    Ít mây, trời nắng nóng
  • 28°C - 34°C
    Có mây, có mưa rào và dông
POWERED BY
Việt Long