Cập nhật: Thứ 6, 14/01/2011 | 13:10 GMT+7

Đồng chí Trần Hữu Dực- người chiến sĩ cách mạng kiên cường, một cán bộ lãnh đạo mẫu mực của Đảng

(QT) - Đồng chí Trần Hữu Dực sinh ngày 15/1/1910 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Dương Lệ Đông, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Hơn 60 năm hoạt động cách mạng đầy sôi nổi, trải qua những chặng đường đấu tranh oanh liệt và đầy gian khổ, hy sinh, đồng chí luôn nêu cao khí phách kiên trung của người cộng sản, luôn đứng ở vị trí hàng đầu trong cuộc đấu tranh anh dũng của Đảng và nhân dân ta. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, cha và ông của đồng chí là những nhà nho giàu lòng yêu nước, thương người. Chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, người dân quê quần quật cày thuê, cuốc mướn mà quanh năm trong cảnh đói rách, bất công. Tình cảnh ấy đã hằn sâu trong tâm thức đồng chí, nung nấu một mối hận thù sâu sắc đối với thực dân xâm lược và bọn tay sai bán nước. Ý thức được nỗi nhục của người dân mất nước, từ truyền thống của dân tộc, của gia đình và ảnh hưởng của phong trào yêu nước thời bấy giờ, đồng chí Trần Hữu Dực đã sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng năm 1925, khi mới 15 tuổi.

Nhà lưu niệm Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực tại xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong. Ảnh: TC

Tháng 11/1926, sau một quá trình chuẩn bị, tại làng Dương Lệ Đông, đồng chí Trần Hữu Dực chủ trì Hội nghị thành lập tổ chức yêu nước “Ái hữu dân đoàn”. Dốc toàn tâm, toàn lực cho tổ chức, đồng chí Trần Hữu Dực hăng say lăn lộn với phong trào, chủ động biên soạn tài liệu, mở nhiều cuộc nói chuyện tiếp xúc với từng đoàn viên, từng nhóm đoàn viên. Tuy mới thành lập nhưng “Ái hữu dân đoàn” đã nhanh chóng tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân trong tỉnh tham gia. Sự ra đời của tổ chức “Ái hữu dân đoàn” đã khép lại thời kỳ đấu tranh dò dẫm, mở ra một bước ngoặt mới trên con đường cách mạng của người chiến sĩ cộng sản trẻ. Tổ chức “Ái hữu dân đoàn” đã tạo ảnh hưởng tích cực mở đường cho tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội năm 1927 xâm nhập lan rộng vào Quảng Trị, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng của huyện Triệu Phong nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung. Đầu năm 1929, đồng chí Trần Hữu Dực chuyển lên An Tiêm, xã Triệu Thành để dạy học nhưng thực chất là để móc nối với các tổ chức yêu nước khác hoạt động cách mạng ráo riết hơn. Chính thời gian này đồng chí có thêm điều kiện tìm hiểu về các cuộc cách mạng trên thế giới như cách mạng Pháp, Mỹ, đặc biệt, đồng chí đã nhận rõ hơn tính ưu việt của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga. Với tấm lòng yêu nước, thương dân, quyết chí ra đi làm cách mạng, tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Trần Hữu Dực gắn liền với phong trào đấu tranh oanh liệt của nhân dân ta trong giai đoạn cam go nhất trước và sau khi thành lập Đảng. Ngày 16/6/1929, đồng chí Trần Hữu Dực vinh dự trở thành 1 trong 7 đảng viên cộng sản trong nhóm Cộng sản đầu tiên tại Quảng Trị khi chưa tròn 20 tuổi. Tháng 10/1930, đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ chính thức, đồng thời tham gia xây dựng, củng cố cơ sở đảng ở Quảng Bình và nước bạn Lào. Từ năm 1929 đến năm 1945, đồng chí bị thực dân Pháp 3 lần bắt, kết án với tổng số 29 năm rưỡi tù giam và 22 năm 6 tháng quản thúc, từng trải qua các nhà tù khét tiếng tàn ác của đế quốc thực dân, như nhà tù Quảng Trị, nhà đày Lao Bảo, Buôn Ma Thuột. Trước mọi đòn roi tra tấn của kẻ thù, đồng chí không một chút nao núng tinh thần, kiên định giữ vững bản lĩnh, biến nơi giam cầm thành trường học cộng sản. Thoát ra khỏi nhà tù thực dân, với sự nhạy bén tình hình, trước thời cơ mới của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8/1945 sắp nổ ra, đồng chí trở về ngay Quảng Trị để gấp rút tổ chức lực lượng chuẩn bị nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 23/8/1945, cuộc khởi nghĩa ở Quảng Trị thắng lợi, chính quyền về tay nhân dân, đồng chí Trần Hữu Dực, Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh trở thành vị chủ tịch UBND tỉnh đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Bước sang giai đoạn mới của cách mạng, vốn là một trí thức yêu nước, có tầm nhìn xa, trông rộng, vận dụng sáng tạo lý luận cách mạng vào hoàn cảnh cụ thể, đồng chí Trần Hữu Dực từng đảm đương nhiều chức vụ quan trọng: Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị; Xứ uỷ viên Xứ uỷ Trung kỳ phụ trách các tỉnh Nam Trung bộ; Chủ tịch UBND lâm thời tỉnh Quảng Trị; Chủ tịch Uỷ ban hành chính Trung bộ; Ủy viên Thường vụ Xứ uỷ Trung kỳ; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Uỷ viên Quân uỷ Trung ương. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách, như Trưởng ban công tác nông thôn Trung ương; Bộ trưởng Bộ Nông trường; Bộ trưởng Phủ Thủ tướng; Bí thư Khu uỷ Trị Thiên- Huế; Phó Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao... Đồng chí là uỷ viên BCH Trung ương Đảng khoá III và khoá IV, liên tục được bầu làm đại biểu Quốc hội từ khoá I đến khoá VI. Dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, dù được giao bất cứ nhiệm vụ gì, đồng chí Trần Hữu Dực cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó. Đặc biệt, đồng chí rất trăn trở trước những yếu kém, khuyết điểm trong quản lý nền kinh tế, đau lòng khi tệ quan liêu, tham nhũng trở thành “quốc nạn”. Đồng chí đã cùng với Chính phủ chú trọng tăng cường công tác bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ đảng viên, giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, thực hiện tốt mối quan hệ máu thịt giữa dân với Đảng, Đảng với dân. Hơn 60 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, ở nhiều cương vị và trọng trách trên nhiều lĩnh vực và địa bàn khác nhau, đồng chí Trần Hữu Dực luôn tỏ rõ khí tiết trung kiên của người cộng sản và nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng, một lòng một dạ phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Những năm tháng cuối đời tuy tuổi cao, đồng chí vẫn nhiệt tình đóng góp công sức và trí tuệ vào sự nghiệp chung, với niềm tin sắt son vào thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa xã hội. Trong công tác và trong cuộc sống hàng ngày, đồng chí luôn gần gũi nhân dân, tin tưởng vào sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân. Đồng chí luôn nêu gương sáng về đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản, về truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, về đức tính thuỷ chung và lòng thương yêu đối với đồng bào, đồng chí, với bạn bè và những người thân trong gia đình. Với những cống hiến và công lao đóng góp vào sự nghiệp chung của cách mạng Việt Nam, đồng chí Trần Hữu Dực đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Trần Hữu Dực đã nêu một tấm gương ngời sáng về đạo đức cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo. TỪ QUANG HÓA



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Nhớ mùa thu cách mạng
21:33 02/09/2022

Mùa thu của những năm đầu thập kỷ 40 thế kỷ XX có thể nói là kỳ lạ. Thời thăng hoa của các anh tài phát tiết trong văn nghệ. Thơ Mới, tân nhạc lẫy lừng với ...

Thời tiết

29°C - 36°C
Ít mây, trời nắng nóng
  • 28°C - 34°C
    Có mây, có mưa rào và dông
  • 27°C - 37°C
    Ít mây, trời nắng nóng gay gắt
POWERED BY
Việt Long