Cập nhật: Chủ nhật, 28/02/2016 | 00:17 GMT+7

Độc đáo hội cướp cù làng Cẩm Phổ

(QT) - Sau những ngày đón tết ấm cúng bên gia đình, người dân làng Cẩm Phổ, xã Gio Mỹ (huyện Gio Linh, Quảng Trị) lại tập trung về bãi cát rộng giữa làng để tham gia hội cướp cù truyền thống. Hội cướp cù làng Cẩm Phổ không chỉ là dịp nêu cao tinh thần thượng võ, rèn luyện thể dục, thể thao mà đây còn là ngày hội cầu an, cầu phúc, cầu cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, con cháu trong làng học hành thành tài.

Hội cướp cù làng Cẩm Phổ thu hút đông đảo người dân tham gia

Đúng 12 giờ trưa ngày mồng 7 tháng Giêng, chúng tôi có mặt tại bãi cát rộng nhất của làng Cẩm Phổ, nơi hội cướp cù chuẩn bị diễn ra. Ông Lê Văn Bảy, một bậc cao niên của làng Cẩm Phổ cho biết, hội cướp cù xuất hiện ở làng Cẩm Phổ khoảng vào thế kỷ XVII, từ đó đến nay, cướp cù trở thành lễ hội truyền thống, mang đặc trưng riêng của làng Cẩm Phổ. Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa có hai ông bà giàu có, sống dưới một gốc cây cổ thụ gần đồi cát của làng, không có con nhưng rất vui tính và thích chơi với trẻ con. Mỗi lần mang quà cho lũ trẻ chăn trâu trong làng, ông bà thường tung quà lên trời rồi bọn trẻ tranh nhau cướp quà. Trò chơi “cướp cù” của làng Cẩm Phổ bắt nguồn từ đó. Hàng năm, cứ đúng vào trưa ngày mồng 7 tháng Giêng, lúc qua khỏi giờ ngọ, dù trời mưa hay nắng thì hội cướp cù vẫn diễn ra. Để chuẩn bị cho hội cù, ngay từ những ngày giáp tết, những người được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho hội cù đã đào gốc cây chuối sứ già, sau đó gọt tròn nhẵn tạo thành quả cầu đặc nặng khoảng 3,5-4 kg. Để hòn cầu được bền và có độ đàn hồi tốt, người ta đem nướng quả cầu bằng lửa trấu rồi bọc bên ngoài bằng giấy màu đỏ. Trước khi hội cướp cù diễn ra, cả 3 hòn cù được các cụ bô lão, bậc cao niên trong làng đặt lên miếu gần bãi ném cù làm lễ cúng cùng với các lễ vật khác như hoa quả, cau trầu, bánh, qua đó cầu nguyện năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con em trong làng học hành đỗ đạt, làm ăn phát tài, phát lộc. Theo quan niệm của người dân trong làng Cẩm Phổ thì năm nào hòn cù được ném vào sọt thì năm đó mùa màng bội thu, dân làng làm ăn khá giả, mọi điều thuận lợi. Bãi cát làm sân cướp cù được cắm cờ phướn đủ màu sắc làm ranh giới thi đấu, cầu thủ cướp cù chính là những thanh niên, trung niên của các xóm trong làng Cẩm Phổ, càng nhiều người càng tốt, không giới hạn số lượng, tuổi tác. Hai đầu sân là hai cây tre được cắm sâu xuống cát, chiều cao khoảng 4,5- 5m, được buộc rọ đan bằng tre, miệng và thân rọ có đường kính 35-40 cm treo trên cao, trên đỉnh cây tre cắm cờ Tổ quốc. Hai rọ tre của hai cột sẵn sàng hứng quả cù của phe mình ném vào, trong lúc ném thì phe kia rung chuyển cây tre để quả cù không thể lọt vào trong rọ, còn phe kia cũng làm ngược lại, họ cứ giành giật, đuổi, ngăn cản nhau, chặn đường để cướp được quả cù như chơi bóng rổ. Công việc khó khăn nhất là đưa được quả cù vào trong rọ đội mình, cứ như thế, hết phần sân bên này rồi đến phần sân bên kia, có lúc phải chạy ra khỏi vùng giới hạn để thoát khỏi vòng vây của đội bạn. Hội cướp cù thường diễn trong 3 hiệp đấu, mỗi hiệp kéo dài khoảng 30 phút, giữa mỗi hiệp mỗi đội được nghỉ khoảng 5 phút rồi lại tiếp tục bằng hiệu lệnh của ba hồi trống. Một tiền lệ đặc biệt là trong ba hiệp đấu cướp cù, nếu có đội nào đưa được hòn cù vào rọ đội mình thì xem như bàn thắng vàng và cuộc chơi kết thúc. Tại hội cướp cù không có trọng tài như các môn thể thao khác nhưng trận đấu luôn diễn ra trong sự đoàn kết của người chơi thỉnh thoảng xen vào lời khen ngợi các vận động viên có lối chơi đẹp, chơi tốt, nhắc nhở tránh bị chấn thương hoặc không được ra khỏi ranh giới của sân đã được ấn định. Từ thời phong kiến, giải thưởng dành cho đội thắng cuộc thường được làng thưởng 8 quan tiền, đến nay, đội thắng cuộc thường được thưởng một khoản tiền nhỏ hay món quà xuân của người dân trong làng như mứt, bánh... Sau cuộc chơi, cả 2 đội đều được làng mời uống những ly rượu nồng lấy lộc đầu xuân. Không phải năm nào hòn cù cũng được đưa vào rọ song mọi người đều tham gia rất đông bởi theo quan niệm của người dân làng Cẩm Phổ, được chạm tay vào hòn cù sẽ mang lại nhiều may mắn trong năm mới. Tuy hội cướp cù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đây là lễ hội được người dân làng Cẩm Phổ chờ đợi nhất trong suốt cả năm. Cùng với nhiều trò chơi dân gian khác, hội cướp cù làng Cẩm Phổ được người dân trong làng trân trọng, gìn giữ như một phong tục tập quán đặc trưng của làng. Ông Lê Văn Bảy cho biết thêm: “Cùng với thời gian, mặc dù hiện nay có rất nhiều trò chơi mới hiện đại hơn song hội cướp cù vẫn thu hút đông đảo thế hệ trẻ tham gia. Dù đi đâu về đâu, những người con của làng Cẩm Phổ vẫn nhớ đến ngày hội cướp cù để trở về đoàn tụ với gia đình, với quê hương trong mỗi dịp tết đến, xuân về”. Bài, ảnh: THANH LÊ



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

La - pê, tục đẹp của người Vân Kiều
22:50 15/12/2023

Người Vân Kiều sinh sống ở dãy Trường Sơn hùng vĩ có nhiều phong tục đẹp, độc đáo. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, các phong tục ấy vẫn được đồng bào nơi ...

Ấn không thể dùng bừa bãi

Ấn không thể dùng bừa bãi
07:02 27/02/2016

(SGGP) - Ngày 16-2 vừa qua, Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội đã tổ chức thử nghiệm lễ khai ấn tại khu vực điện Kính Thiên. Sự việc này ngay lập tức vấp phải...

Lung linh Disney on Ice tại Việt Nam

Lung linh Disney on Ice tại Việt Nam
07:01 27/02/2016

TTO - Tái hiện sinh động một cách kinh ngạc những trích đoạn hoạt hình nổi tiếng của Disney, đặc biệt là câu chuyện về những nàng công chúa Disney cá tính và xinh đẹp là “đặc...

Trước thềm SEA Games 29-2017: Tái hiện “ao làng”

Trước thềm SEA Games 29-2017: Tái hiện “ao làng”
06:17 27/02/2016

(SGGP) - Trước việc môn điền kinh bị loại bỏ một số nội dung như marathon, 10.000m, 3.000m chướng ngại vật, 7 môn phối hợp nữ, 10 môn phối hợp nam… lãnh đạo môn điền kinh cũng...

Thời tiết

24°C - 34°C
Có mây, không mưa
  • 24°C - 33°C
    Có mây, không mưa
  • 25°C - 31°C
    Có mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long