Một đám cưới trước ngày mở màn chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tại căn cứ Sở chỉ huy ở Mường Phăng với một niềm tin chắc thắng. Niềm tin ấy trở thành sự thật vào chiều 7/5/1954. Trong niềm vui chung của dân tộc với chiến thắng Điện Biên, một đám cưới khác cũng đã được tổ chức ở bên kia chiến tuyến - hầm chỉ huy tướng De Castries.
Và đúng 70 năm sau, ngay giữa mùa hoa ban nở trắng núi rừng Điện Biên, một mối lương duyên của đôi bạn trẻ Việt – Pháp đã đơm hoa kết trái sau hành trình vượt qua những rào cản về khoảng cách.
Điện Biên Phủ - chiến trường ác liệt năm xưa đang đổi thay từng ngày - trở thành nơi nảy mầm của tình yêu - hạnh phúc lứa đôi và khát vọng về một nền hòa bình.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Toản thăm lại hôn trường của mình tại hầm chỉ huy của tướng De Castries sau đúng 70 năm giải phóng.
Điện Biên Phủ những ngày đầu tháng 3 đón một người phụ nữ đặc biệt. GS.TS Nguyễn Thị Ngọc Toản – người mà cách đây 70 năm trước đã nên duyên cùng đại tá – sau này là Thiếu tướng Cao Văn Khánh. Đám cưới của ông bà được tổ chức ngay tại căn hầm tướng De Castries – tổng chỉ huy quân đội Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ vào ngày 22/5/1954.
Đã 94 tuổi, ước nguyện cuối cùng của bà là được trở lại chiến trường xưa, thắp hương cho đồng đội và thăm nơi bà cùng chồng đã nên duyên vợ chồng. Những cảm xúc trong ngày cưới hôm ấy lại ùa về trong bà với niềm xúc động và những giọt nước mắt lăn dài trên má: "Cảm xúc đầu tiên, là lúc bấy giờ mọi người bảo, Cao Văn Khánh và Ngọc Toản là hai đồng đội với nhau hôn nhau trước mặt mọi người để trở thành vợ chồng. Thế là ông cũng phấn khởi, ông hôn tôi. Tôi cũng đỏ mặt tía tai. Nhưng lúc đó, tôi rất xúc động."
Tấm ảnh cưới của cô dâu Nguyễn Thị Ngọc Toản và chú rể Đại đoàn phó đại đoàn quân Tiên phong Cao Văn Khánh đã được trao tặng lại cho Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên.
Trong cuốn sách Tướng Cao Văn Khánh – nhà tham mưu chiến lược cho biết chi tiết về đám cưới: Chiến dịch kết thúc, hầm De Castries được những người lính dọn dẹp sạch sẽ trang trí làm phòng cưới của Cao Văn Khánh và Nguyễn Thị Ngọc Toản.
Căn hầm dưới lòng đất của tướng Đờ Cát được ban tổ chức lễ thành hôn trang hoàng bằng các loại dù chiến lợi phẩm đủ màu sắc. Bàn ghế tận dụng tại chỗ đủ cho bốn mươi, năm mươi khách mời, bàn cũng được phủ loại dù hoa. Trang trí thật đơn giản. Phía trước căng một tấm dù đỏ, đính dòng chữ cắt bằng giấy bản đồ rách địch bỏ lại: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ - 22/5/1954”.
Không hoa, không áo cưới, đám cưới giữa chiến trường Điện Biên, cô dâu chỉ biết vội vàng ra suối vuốt lại mái tóc và thay bộ áo cánh giản dị, chú rể thì nghiêm ngắn trong bộ quần áo lính. Vậy mà vẫn đẹp, vẫn thiêng liêng.
Trong tình yêu riêng của họ có chung một tình yêu thiêng liêng với Tổ quốc. Trong niềm vui của ngày cưới có niềm vui chiến thắng của đất nước. Trong thời khắc ấy, họ hiểu hơn ai hết giá trị của hai chữ “hạnh phúc”. Hai chữ giản dị mà cả dân tộc đã mất bao xương máu để có được.
Cánh đồng Mường Thanh thật thanh bình nhưng trước đó không lâu, nhiều đồng đội của họ đã ngã xuống và chưa một lần yêu. Và đó chính là điều mà những người đã đi qua cuộc chiến luôn trân trọng hạnh phúc của mình.
Cũng 70 năm trước, giữa lúc chiến dịch Điện Biên Phủ đang vô cùng ác liệt, một đám cưới khác đã diễn ra ngay tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ với niềm tin về ngày chiến thắng, giữa một người là Trưởng Ban Tuyên huấn Mặt trận Điện Biên Phủ kiêm Thư ký riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ nhiệm Báo Quân đội nhân dân (chức vụ tương đương Tổng Biên tập ngày nay) với một cô văn công trẻ trung.
Trong thời gian 3 tháng rưỡi tại khu rừng Mường Phăng có một đám cưới đã diễn ra của Chủ nhiệm Báo Quân đội nhân dân Hoàng Xuân Tùy và cô văn công Tổng cục Chính trị Song Ninh. Chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng ra làm chủ hôn cho đôi uyên ương này. Năm 1955 sinh ra cô con gái đặt tên là Hoàng Song Biên. Hoàng là họ cha, Song là họ mẹ và Biên chính là Điện Biên Phủ.
Ông Hoàng Xuân Tùy - bà Song Ninh
Căn nhà nhỏ trên phố Trần Quí Khoách (Phường Tân Định, Quận I, TPHCM) - nơi ông Hoàng Xuân Tùy và bà Song Ninh từng gắn bó cả cuộc đời giờ đã vắng bóng ông bà nhưng những hình ảnh và câu chuyện của ông bà vẫn luôn được người con gái Hoàng Song Biên lưu giữ.
Bà Hoàng Song Biên, bố mẹ bà kể lại lúc hai người gặp nhau thì bà 24 tuổi, còn ông 32, tuổi đó ngày xưa cũng cứng rồi. Lúc ấy Tuỳ đang làm chính ủy sư đoàn, về công tác tuyên huấn và tư tưởng cho bộ đội. Bà Ninh là văn công Tổng cục chính trị đi các mặt trận phục vụ chiến sỹ. Trong chiến dịch Điện Biên thì đoàn của bà có đợt công tác lên sư đoàn của ông Tuỳ. Ông trực tiếp tiếp đón đoàn, ông bà có tiếp xúc và cảm mến nhau.
"Thì lúc đó anh em trong đơn vị rất quan tâm, ủng hộ và vun vào. Đơn vị tổ chức đám cưới cho bố mẹ trước 7/5/1954, chứng tỏ mọi người rất tin vào chiến thắng. Ông kể là, đám cưới dù ở chiến trường rất đông vui, có Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chủ hôn vì Điện Biên xa quá nên họ hàng, gia đình không ai lên được. Sau đám cưới thì mọi người lại lao vào chiến dịch. Sau đó, bố mẹ tiếp tục phục vụ trong quân đội, bắt tay xây dựng đại học Bách Khoa, mẹ thì về Đài Tiếng nói Việt Nam" - bà Hoàng Song Biên kể.
Hai ông bà sau này sống rất hạnh phúc và trân trọng nhau. Hai ông bà rất quan tâm nhau, yêu thương nhau. 80 tuổi vẫn xưng anh em. Bà sau này bị bệnh alzheimer nhưng ông vẫn rất chiều bà.
70 năm đã qua nhưng câu chuyện về hai đám cưới đặc biệt ở lòng chảo Điện Biên năm xưa vẫn được kể lại. Nó như một thông điệp rằng trên mảnh đất bom đạn của chiến tranh ngày hôm qua, hôm nay đã hòa bình hạnh phúc. Một cuộc sống mới, một sự thay đổi đã thực sự bắt đầu sau chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trong dòng người đến với Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên phủ dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ có những vị khách cũng thật đặc biệt: hai gia đình Việt – Pháp. Họ đến đây thăm bảo tàng trước khi tổ chức đám cưới cho đôi bạn trẻ Trần Ngọc Quỳnh Anh và Guiaume Richard. Đây cũng chính là nơi khởi nguồn cho tình yêu của hai bạn cách đây 7 năm khi Quỳnh Anh tham gia tình nguyện viên ở bảo tàng.
Gia đình Quỳnh Anh – Guiaume trong lễ cưới đôi trẻ
Quỳnh Anh chia sẻ: "Em sinh ra và lớn lên ở thành phố Điện Biên Phủ. Tụi em gặp nhau khi em là tình nguyện viên ở Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ. Khi anh ấy đến đây du lịch, tụi em đã gặp cũng có trao đổi rất nhiều về lịch sử, văn hóa. Gia đình của anh ấy là gia đình có truyền thống yêu hòa bình. Trong chiến tranh Đông Dương, ông bà nội anh ấy có tham gia vào các phong trào đình công, bãi công để phản đối chiến tranh.
Ở chúng em có một điểm chung là yêu chuộng hòa bình. Bản thân em sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước. Ông nội em là chiến sỹ Điện Biên Phủ, ông ngoại em là một trong những thanh niên xung phong ở Hà Nội đến dạy con chữ cho người dân bản làng nơi đây. Đối với em, mảnh đất này nó ý nghĩa và nó như một phần máu thịt của em.
Khi gặp Guiaume em cảm thấy có điểm chung và từ đó nhận ra có nhiều thứ trong cuộc sống chúng em muốn khám phá cùng nhau. Đây là mảnh đất nơi em sinh và cũng là nơi bắt đầu mọi thứ đối với chúng em".
Chính những câu chuyện lịch sử hào hùng về chiến thắng Điện Biên Phủ “lẫy lừng năm châu – chấn động địa cầu” cách đây gần 2/3 thế kỷ, những kỷ vật lịch sử trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã thắp lên tình yêu trong hai bạn, xóa bỏ mọi khoảng cách về địa lý, sắc tộc và những quá khứ trong chiến tranh.
Khi những bông hoa ban nở trắng núi rừng Điện Biên cũng là thời điểm đôi bạn trẻ Quỳnh Anh – Guiaume nên duyên vợ chồng
Anh Guiaume Richard chia sẻ: "Đúng là định mệnh cuộc đời đã đưa chúng tôi đến với nhau và tổ chức đám cưới đúng vào dịp 70 năm Điện Biên Phủ. Tình yêu của chúng tôi bắt đầu khi tôi lựa chọn đến thăm địa điểm lịch sử đặc biệt này giữa nước Pháp và Việt Nam. Sau đó chúng tôi yêu nhau 4 năm, xa cách bởi khoảng cách địa lý và dịch bệnh Covid. Nhưng định mệnh đã đưa chung tôi lại gần nhau khi Quỳnh Anh sang Pháp học tập và chúng tôi cùng nhau quyết định đi đến đám cưới. Thực sự đó là định mệnh."
Khi những bông hoa ban nở trắng núi rừng Điện Biên cũng là thời điểm đôi bạn trẻ Quỳnh Anh – Guiaume nên duyên vợ chồng. Chú rể Guiaume quyết định đưa ông bà nội từ Pháp tới quê hương của cô dâu ngay trước ngày cưới, thăm các di tích lịch sử như một cách để gắn kết tình cảm giữa hai gia đình, để hiểu hơn về văn hóa, lịch sử Việt Nam nói chung và Điện Biên nói riêng. Đó cũng là điều mà bậc sinh thành của Quỳnh Anh – anh Trần Ngọc Sương – cùng ông nội của Guiaume - Michel Gagne Richard mong muốn.
Anh Trần Ngọc Sương chia sẻ: "Sau 50 năm, quan hệ Việt – Pháp đã đưa chúng ta sang một chặng đường mới. Chiến tranh đã lùi về quá khứ. Chúng ta không quên được chiến tranh bởi vì các thế hệ ông bà, cha mẹ chúng ta đã phải hy sinh. Có được ngày vui và hạnh phúc hôm nay, cái giá phải trả là máu và nước mắt. Nên chúng tôi hết sức trân trọng. Hy vọng qua chuyến đi này, ông bà thông gia sẽ hiểu biết về Điện Biên, về vùng Tây Bắc nhiều hơn. Gia đình nhà mình cũng mong muốn làm sao con cháu sau có nhiều tình cảm gắn kết tốt hơn."
Ông Michel Gagne Richard cho biết: "Chúng tôi rất yêu quý Quỳnh Anh ngay khi con bé đến với gia đình. Cô ấy rất đáng yêu và cả gia đình thông gia cũng rất dễ mến và hòa hợp với chúng tôi. Rồi tôi nghĩ đến lịch sử đặc biệt giữa hai đất nước và truyền thống yêu chuộc hòa bình của gia đình chúng tôi. Chúng tôi đã xuống đường nhiều lần để phản đối chiến tranh trên thế giới. Thực sự là duyên số đã gắn kết giữa cháu tôi với cô gái trẻ đáng yêu trong gia đình cách mạng ở Điện Biên, như một sự gắn kết và hòa hợp giữa hai đất nước chúng ta và mở ra một tương lai đầy hy vọng."
Những câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa vẫn tiếp tục được nối dài trên mảnh đất từng ghi dấu lịch sử về sự thất bại của chủ nghĩa thực dân. Một cuộc sống mới, một sự thay đổi đã thực sự bắt đầu sau chiến thắng Điện Biên Phủ. 70 năm đi qua, hai dân tộc Việt Nam và Pháp đã khép lại quá khứ để Điện Biên Phủ từ “điểm hẹn trong chiến tranh” trở thành “điểm hẹn của hòa bình, hữu nghị và hợp tác”.