Cập nhật:  GMT+7

Đến với bài thơ hay: Núi đôi

Nhà thơ Vũ Cao tên thật là Vũ Hữu Chỉnh quê ở Nam Định. Ông làm thơ viết văn khá sớm. Ông có nhiều năm làm việc ở tạp chí Văn nghệ quân đội và giữ chức vụ Tổng biên tập. Sau năm 1975, Vũ Cao rời quân ngũ làm Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội. Ông đã từng được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam. “Sớm nay”; “Đèo trúc”, “Núi Đôi” là tên ba tập thơ của Vũ Cao nhưng có lẽ bài thơ “Núi Đôi” được bạn đọc biết đến nhiều hơn cả.

Bảy năm về trước em mười bảy

Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng

Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa

Bữa thì anh tới bữa em sang.

Lối ta đi giữa hai sườn núi

Đôi ngọn nên làng gọi Núi Đôi

Em vẫn đùa anh sao khéo thế

Núi chồng, núi vợ đứng song đôi.

Bỗng cuối mùa chiêm quân giặc tới

Ngõ chùa cháy đỏ những thân cau

Mới ngỏ lời thôi đành lỡ hẹn

Ai ngờ từ đó mất tin nhau.

Anh vào bộ đội lên Đông Bắc

Chiến đấu quên mình năm lại năm

Mỗi bận dân công về lại hỏi

Ai người Xuân Dục, Núi Đôi chăng?

Anh nghĩ quê ta giặc chiếm rồi

Trăm nghìn căm uất bao giờ nguôi

Mỗi tin súng nổ vùng đai địch

Sương trắng người đi lại nhớ người.

Đồng đội có nhau thường nhắc nhở

Trung du làng nước vẫn chờ trông

Núi Đôi bốt dựng kề ba xóm

Em vẫn đi về những bến sông.

Náo nức bao nhiêu ngày trở lại

Lệnh trên ngừng bắn anh về xuôi

Hành quân qua tắt đường sang huyện

Anh nhớ thăm nhà thăm Núi Đôi.

Mới đến đầu ao tin sét đánh

Giặc giết em rồi, dưới gốc thông

Giữa đêm bộ đội vây đồn Thứa

Em sống trung thành chết thủy chung.

Anh ngước nhìn lên hai dốc núi

Hàng thông, bờ cỏ, con đường quen

Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói

Núi vẫn đôi mà anh mất em.

Dân chợ Phù Linh ai cũng bảo

Em còn trẻ lắm, nhất làng trong

Mấy năm cô ấy làm du kích

Không hiểu vì sao chẳng lấy chồng.

Từ núi qua thôn đường nghẽn lối

Xuân Dục Đoài Đông cỏ ngút dày

Sân biến thành ao nhà đổ chái

Ngổn ngang bờ bụi cánh dơi bay.

Cha mẹ dìu nhau về nhận đất

Tóc bạc thương từ mỗi góc cau

Nứa gianh nửa mái lều che tạm

Sương trắng khuây dần chuyện xót đau.

Anh nghe có tiếng người qua chợ:

Ta gắng, mùa sau lúa sẽ nhiều

Ruộng thấm mồ hôi từng nhát cuốc

Lòng ta rồi đẹp biết bao nhiêu!

Nhưng núi còn kia, anh vẫn nhớ

Oán thù còn đó, anh còn đây

Ở đâu cô gái làng Xuân Dục

Đã trọn niềm tin gửi đất này.

Ai viết tên em thành liệt sĩ

Bên những hàng bia trắng giữa đồng

Nhớ nhau anh gọi em: đồng chí

Một tấm lòng trong vạn tấm lòng.

Anh đi bộ đội, sao trên mũ

Mãi mãi là sao sáng dẫn đường

Em sẽ là hoa trên đỉnh núi

Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm.

Vũ Cao

Đến với bài thơ hay: Núi đôi

Nhà thơ Vũ Cao tên thật là Vũ Hữu Chỉnh quê ở Nam Định. Ông làm thơ viết văn khá sớm. Những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Vũ Cao làm Báo Chiến sĩ ở Liên khu 4, sau đó trở thành phóng viên Báo Vệ quốc quân, Báo Quân đội nhân dân. Từ năm 1957, ông làm việc ở tạp chí Văn nghệ quân đội và nhiều năm giữ chức vụ Tổng biên tập.

Sau năm 1975, Vũ Cao rời quân ngũ làm Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội. Ông đã từng được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam. “Sớm nay”; “Đèo trúc”, “Núi Đôi” là tên ba tập thơ của Vũ Cao nhưng có lẽ bài thơ “Núi Đôi” được bạn đọc biết đến nhiều hơn cả.

Bài thơ có 16 khổ gồm 64 câu. Trước hết, đấy là câu chuyện cảm động về tình yêu của cô du kích và anh bộ đội. Vũ Cao sáng tác bài thơ này dựa trên câu chuyện có thật, nguyên mẫu của nhân vật “em” là cô du kích Trần Thị Bắc quê ở Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội đã hy sinh vào ngày 21/3/1954 khi lọt vào ổ phục kích của địch và nhân vật “anh” là chiến sĩ Trịnh Khanh (cùng xã với chị Bắc). “Núi Đôi” được viết vào năm 1956, lúc Vũ Cao về công tác ở Sư đoàn 312 đóng quân ở Sóc Sơn sau khi ông nghe dân làng kể lại câu chuyện trên.

Nhà thơ đã có lý khi hóa thân vào nhân vật anh trong bài thơ để diễn đạt thấm và sâu tình cảm của mình đối với người hy sinh vì đất nước trên nền cảm xúc rất đẹp là tình yêu đôi lứa: “Bảy năm về trước em mười bảy/Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng/Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa/Bữa thì anh tới bữa em sang”. Đừng ai bắt bẻ một cách máy móc vì sao tuổi mười bảy, đôi mươi là trẻ nhất làng. Cái tuổi ấy mới hội tụ đầy đủ nhất sự trẻ trung, tươi mới, tinh khôi của tình yêu trai gái.

Hay, bởi tại niềm yêu dào dạt trước “hai cánh lúa” của vùng quê Xuân Dục, Đoài Đông mà tác giả nói quá đi một chút thì cũng chả sao cả. Thơ luôn mang trong nó sự huyền ảo. Tình yêu của chàng trai và cô gái trẻ nhất làng ấy được gắn vào một không gian quá lãng mạn: “Lối ta đi giữa hai sườn núi/Đôi ngọn nên làng gọi Núi Đôi/ Em vẫn đùa anh sao khéo thế/Núi chồng, núi vợ đứng song đôi”. Núi đôi ngọn đứng bên nhau, gắn bó khăng khít muôn đời giữa bao mưa nắng bão giông ắt phải là núi chồng núi vợ rồi, vậy anh và em... không cần nói ra hết cũng đủ hình dung nó phải thế nào.

Tình yêu đẹp như thế lẽ ra phải được ra hoa kết trái, cô thôn nữ và chàng trai làng sẽ sớm thành vợ thành chồng, sống bình yên trong miền quê có ngõ chùa, bóng cau và hương lúa chiêm thoang thoảng bay đến từ cánh đồng mùa gặt. Lẽ ra, núi vẫn đôi và anh chẳng mất em...Thế mà, mọi cái đã xảy ra không như ý muốn bắt đầu từ khi: “Bỗng cuối mùa chiêm quân giặc tới/Ngõ chùa chảy đỏ những thân cau/Mới ngỏ lời thôi đành lỡ hẹn/ Ai ngờ từ đó mất tin nhau”. Chàng trai vào bộ đội, cô gái trở thành du kích.

Cuộc chiến tranh kéo dài dằng dặc. Ở hai đầu xa cách đôi người vẫn dành trọn vẹn tình yêu cho nhau. Tình riêng hòa quyện trong tình chung, cùng góp sức đánh giặc giải phóng đất nước quê hương. Và, đau đớn thay, khi hòa bình lập lại, chàng trai trở về quê thì cô gái không còn nữa: “Mới đến đầu ao tin sét đánh/Giặc giết em rồi, dưới gốc thông/Giữa đêm bộ đội vây đồn Thứa/Em sống trung thành chết thủy chung”...

Câu chuyện được kể bằng những hình ảnh, ngôn từ đặc sắc kết hợp tài tình chất tự sự và trữ tình trong một thi phẩm đầy rung động. Không hiếm những câu thơ hay, rất hay ghim vào trí nhớ, tâm hồn người đọc: “Mỗi tin súng nổ vùng đai địch/Sương trắng người đi lại nhớ người”. Hay “Anh ngước nhìn lên hai dốc núi/Hàng thông, bờ cỏ, con đường quen/Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói/Núi vẫn đôi mà anh mất em”.

Bi kịch mà không u ám, đau thương mà không ủy mị là đặc điểm viết về sự hy sinh trong thơ ca kháng chiến. Cái chết gieo mầm sự sống, đó là ý tưởng chung cho những bài thơ viết về liệt sĩ. Có người cho rằng thơ ca kháng chiến đã thi vị hóa cuộc sống gian khổ, mất mát đau thương của chiến sĩ và Nhân dân ta.

Theo tôi, nếu thơ ca kháng chiến đánh mất lòng lạc quan và niềm tin thì sẽ không làm được nhiệm vụ “đánh giặc” của mình. Lúc đó, rất cần những vần thơ động viên cổ vũ chiến sĩ và Nhân dân biết gạt nước mắt để nhìn rõ mặt quân thù. Nhà thơ viết ra điều đó cũng rất thật lòng mình, nói chính xác hơn là người cầm bút tin vào chiến thắng của dân tộc, tin vào những giá trị tốt đẹp của sự cống hiến hy sinh sẽ sống mãi với non sông đất nước này: “Anh đi bộ đội sao trên mũ/Mãi mãi là sao sáng dẫn đường/Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/ Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm”.

Ngôi sao trên mũ, bông hoa trên đỉnh núi là những hình tượng đẹp về anh bộ đội Cụ Hồ, về nữ liệt sĩ đã biết sống trung thành, chết thủy chung cho đất nước. Cái đẹp ấy không chỉ tỏa sáng một thời mà nó còn lấp lánh dài lâu cùng các thế hệ mai sau trong công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta.

Nguyễn Hữu Quý


Vũ Cao

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Hàm Nghi - vị vua yêu nước, nghệ sĩ tài hoa

Hàm Nghi - vị vua yêu nước, nghệ sĩ tài hoa
2024-11-07 21:11:00

QTO - Ngày 7/11, tại Khu di tích quốc gia Thành Tân Sở, huyện Cam Lộ, diễn ra lễ mắt sách “Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong - nghệ sĩ ở Alger” và khai trương...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long