Cập nhật: Thứ 4, 09/03/2016 | 00:02 GMT+7

Để người dân miền núi sống được với rừng

(QT) - Nhằm nâng cao độ che phủ rừng, tỉnh Quảng Trị đã triển khai công tác bảo vệ và phát triển rừng đồng bộ và hiệu quả. Đặc biệt là tiến hành giao, khoán, cho thuê đất lâm nghiệp với tổng diện tích 72.541 ha; đã cấp giấy CNQSD đất và tài sản gắn liền trên đất cho hơn 15.000 hộ gia đình và 22 tổ chức với tổng diện tích là 35.153 ha; giao rừng tự nhiên cho cộng đồng và hộ gia đình quản lý với diện tích gần 5.000 ha; giao khoảng 100.000 ha cho lực lượng vũ trang, các đơn vị thực nghiệm, nghiên cứu và các BQL dự án đầu tư phát triển lâm nghiệp quản lý, sử dụng… Bên cạnh đó ngành lâm nghiệp đã quản lý, bảo vệ tốt nên diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng và độ che phủ rừng tăng qua các năm. Nếu tính từ năm 1989 độ che phủ rừng là 21,5% thì đến năm 2015 độ che phủ rừng đã được nâng lên 49,5%. Việc giao khoán bảo vệ rừng trong những năm qua đã thực hiện được 101.451 lượt/ha/năm, bình quân mỗi năm giao khoán bảo vệ rừng 20.000 lượt/ha/năm. Khoanh nuôi phục hồi rừng đạt 1.419 ha/năm; làm giàu, nâng cấp rừng trồng 1.700 ha. Riêng trồng rừng tập trung trong năm 2015 là 5.530 ha và 2.500 ha cây phân tán. Nhờ vậy, từ một vùng đất khô cằn, dày đặc đạn bom còn sót lại sau chiến tranh, đến nay màu xanh của rừng đã bao phủ kín, môi trường sinh thái ở Quảng Trị được cải thiện đáng kể.

Người dân miền núi tích cực trồng rừng nhưng chưa có thu nhập ổn định từ rừng

Chính sách giao đất, giao rừng cho dân sử dụng, quản lý đã tích cực giải quyết nhu cầu về đất sản xuất của người dân, hạn chế nạn phá rừng và nâng độ che phủ rừng. Nhưng có một nghịch lý đang diễn ra là, trong khi ở đồng bằng nhiều người giàu lên nhờ trồng rừng thì ở miền núi phần lớn người dân chưa có thu nhập ổn định từ trồng rừng. Việc sử dụng đất rừng và công tác bảo vệ rừng tại 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa ít nhiều đã không mang lại hiệu quả như mong muốn. Gia đình ông Pả Hinh ở xã A Vao, huyện Đakrông nhận 2 ha đất để trồng rừng. Hơn 5 năm qua, ông đã đầu tư gần 70 triệu đồng cho 2 ha rừng trồng nhưng đến khi khai thác, trừ các khoản chi phí gia đình ông Hinh không lãi được đồng nào, bởi tiền bán gỗ rừng chỉ đủ bù đắp chi phí đầu tư chăm sóc, trả công khai thác vận chuyển. Tìm hiểu sâu hơn chúng tôi được biết không riêng gì gia đình ông Hinh mà hầu hết người dân ở đây đều thất thu từ trồng rừng. Bởi thực tế đất rừng hầu hết nằm ở tận trên núi cao, đến mùa khai thác, phải thuê người chặt cây, khiêng vác hoặc thuê trâu kéo gỗ từ rừng ra bãi tập kết. Bán gỗ, thu tiền, trừ chi phí khai thác, vận chuyển, mỗi gia đình chỉ còn vài triệu đồng. Hiện nay, bình quân mỗi năm tỉnh Quảng Trị khai thác từ 6.000 ha đến 10.000 ha rừng trồng, chủ yếu là keo lá tràm; giá 1 khối gỗ keo hơn 1 triệu đồng, do đó mỗi héc ta rừng trồng sau khi trừ các khoản chi phí cũng thu được 50 triệu đồng từ tiền bán gỗ. Tính ra, mỗi năm tỉnh Quảng Trị thu về khoảng 400 tỷ đồng từ rừng trồng, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động và tạo ra chuỗi giá trị kinh tế lớn. Nhiều gia đình đã giàu lên nhờ trồng rừng. Tuy nhiên, bài toán này chỉ đúng với người trồng rừng ở vùng đồng bằng hoặc nơi có đường vận chuyển thuận tiện, còn tại miền núi, địa hình cách trở thì tiền bán gỗ không đủ chi phí cho đầu tư, chăm sóc, khai thác. Bà Hồ Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông trăn trở: “Chủ trương giao đất, giao rừng cho đồng bào sản xuất, quản lý bảo vệ rất đúng đắn, hợp lòng dân. Tuy nhiên, đất rừng giao cho dân quản lý nằm tận rừng sâu, xa đường, địa hình cách trở nên hiệu quả sử dụng đất rừng không cao. Do vậy, nếu nhà nước không kịp thời có chính sách hỗ trợ đặc thù thì người dân miền núi, đặc biệt là dân ở các vùng sâu, vùng xa rất khó sống được trên đất rừng của mình”. Theo số liệu của các ngành chức năng, hiện nay tỉnh Quảng Trị còn hơn 20.000 ha đất rừng do UBND các xã quản lý. Vì vậy, ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đang tiến hành rà soát lại quỹ đất rừng để giao cho dân, với mục tiêu giải quyết đất sản xuất, tạo việc làm, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống người dân ở gần rừng, hạn chế nạn chặt phá, đốt rừng, bảo vệ môi trường. Thế nhưng, ở miền núi hiệu quả sử dụng đất rừng không cao, tiền công bảo vệ rừng tự nhiên quá thấp nên người dân chưa thực sự gắn bó với rừng. Đây quả là bài toán khó không chỉ riêng ở tỉnh Quảng Trị. Ông Hoàng Đức Doanh, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh cho biết: “Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2006-2010 tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành công tác rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng, với mục tiêu xác định cụ thể diện tích từng loài rừng trên bản đồ và kết hợp phân định ranh giới giữa các công ty lâm nghiệp, BQL rừng phòng hộ, đặc dụng với các chủ rừng khác, góp phần tích cực cho công tác quản lý bảo vệ rừng bền vững và hiệu quả. Tiến hành sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn. Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015, hàng năm hỗ trợ khoảng 2.000-3.000 ha cho các hộ gia đình trồng rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là xây dựng thành công mô hình cấp chứng chỉ rừng trồng FSC. Tính đến nay, tỉnh Quảng Trị có 20.966 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC. Mặc dù diện tích rừng được cấp chứng chỉ chưa nhiều nhưng đã có những thay đổi trong tư duy sản xuất đối với các chủ rừng, góp phần tích cực cho công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ ra thị trường quốc tế và đáp ứng mục tiêu tái cơ cấu ngành lâm nghiệp trong giai đoạn 2016-2020”. Tuy nhiên để người dân thực sự bám đất, bám rừng, làm chủ về rừng thì điều quan trọng nhất là giúp cho dân được hưởng lợi từ rừng, từ đó họ mới chuyên tâm với nhiệm vụ bảo vệ rừng với tư cách là người làm chủ. Trước thực trạng hiệu quả kinh tế từ rừng trồng ở vùng núi cao hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa còn thấp, ngành Kiểm lâm đã khuyến cáo người dân chuyển diện tích đất rừng ở xa sang trồng cây bời lời. Cây bời lời chỉ khai thác vỏ, phơi khô dễ vận chuyển, giá vỏ từ 20.000-22.000 đồng/kg thì bà con có thể sống được từ rừng. Thế nhưng, đất rừng ở huyện Đakrông lại không phù hợp với cây bời lời và đầu ra chưa thật ổn định. Hiện nay, việc hình thành các nhà máy chế biến gỗ đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết đầu ra ổn định cho người nông dân, thúc đẩy phát triển trồng rừng nguyên liệu. Ngành lâm nghiệp cũng đã hình thành và tiến hành mô hình chuỗi liên kết trong việc sản xuất, bao tiêu sản phẩm gỗ rừng trồng cho hộ gia đình. Mô hình được thực hiện giữa Hội các nhóm hộ chứng chỉ rừng Quảng Trị với Công ty CP Tổng Công ty thương mại Quảng Trị là mô hình mang lại hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp và người dân. Thực tế cho thấy sự phát triển lâm nghiệp thông qua việc trồng rừng kinh tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trên địa bàn. Vậy nhưng so với tiềm năng về lao động, đất đai thì sự phát triển kinh tế rừng, kinh tế lâm nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Mặc dù diện tích rừng trồng tăng nhanh hàng năm nhưng năng suất, chất lượng rừng còn thấp, thu nhập từ rừng mang lại chưa cao. Mặt khác do thị trường tiêu thụ không ổn định, việc thu mua chủ yếu dựa vào thương lái, gây ra sự chèn ép, cạnh tranh giá cả làm thiệt hại đến kinh tế của người dân làm nghề rừng. Vì vậy, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp cần phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch đất lâm nghiệp theo hướng ưu tiên mở rộng diện tích đất quy hoạch phát triển rừng sản xuất, rừng nguyên liệu. Nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp đầu tư chất lượng, hiệu quả kinh doanh rừng, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu các sản phẩm hàng hóa từ gỗ, sản xuất các mặt hàng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Tạo cơ chế ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tích cực liên kết với người trồng rừng ở các địa bàn vùng sâu vùng xa. Có như vậy mới đem lại hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng. Đây chính là đáp án chính xác nhất cho bài toán bảo vệ và phát triển rừng hiện nay. Bài, ảnh: HỒ NGUYÊN KHA



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Đồng hành, chung sức xây dựng nông thôn mới

Đồng hành, chung sức xây dựng nông thôn mới
11:15 tối Thứ 6

QTO - Thực hiện phương châm “Hướng mạnh về cơ sở”, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Quảng Trị luôn đồng hành, chung sức với...

Ngư dân thị trấn Cửa Việt được mùa cá cơm

Ngư dân thị trấn Cửa Việt được mùa cá cơm
17:00 08/03/2016

(QT) - Những ngày này, tại thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị), hàng chục tàu thuyền lớn nhỏ của ngư dân đang tấp nập ra khơi trong niềm vui được mùa cá cơm. Với...

Chuyện thoát nghèo ở thung lũng Cù Bai (Bài 1)

Chuyện thoát nghèo ở thung lũng Cù Bai (Bài 1)
17:29 07/03/2016

Bài 1: Xanh lại núi rừng (QT) - “Bây giờ khác xưa nhiều lắm rồi. Chỉ cần đặt chân đến các bản làng như bản Cuôi, Tri, Xa Lỳ, A Xóc, Xê Pu, Tà Păng (xã Hướng Lập) hay đến bản...

Giữ đê để giữ làng

Giữ đê để giữ làng
17:18 07/03/2016

(QT) - Thôn Hưng Nhơn, xã Hải Hòa là vựa lúa của huyện Hải Lăng (Quảng Trị), do nằm trong vùng trũng nên hàng năm thường bị mưa bão đe dọa. Bên cạnh hệ thống thủy lợi, tuyến đê...

Cần quan tâm hơn cán bộ thú y cơ sở

Cần quan tâm hơn cán bộ thú y cơ sở
17:15 07/03/2016

(QT) - Trong những năm qua, với những chính sách cụ thể, thiết thực, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ thú y cơ sở trên địa bàn đã có bước chuyển biến tích cực, đóng góp...

Thời tiết

20°C - 30°C
Nhiều mây, có mưa nhỏ
  • 21°C - 27°C
    Nhiều mây, không mưa
  • 22°C - 28°C
    Có mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long