Cập nhật:  GMT+7

Đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, hiệu quả ở địa bàn miền núi trong mùa mưa bão

Vùng núi Quảng Trị có 44 xã, thị trấn, là địa bàn hiểm trở, điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên khó khăn trong đầu tư kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của ngành điện nên hạ tầng lưới điện ở địa bàn miền núi Quảng Trị đã được đầu tư hoàn thiện, tỉ lệ hộ dân dùng điện ngày càng tăng nhưng công tác quản lý, vận hành lưới điện luôn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, ngành điện đang nỗ lực để đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, hiệu quả ở địa bàn miền núi, nhất là trong mùa mưa bão.

Thường xuyên kiểm tra, kịp thời xử lý các sự cố, đảm bảo an toàn cấp điện trong mùa mưa bão ở địa bàn miền núi - Ảnh: T.N

Hiện nay, Công ty Điện lực Quảng Trị (PC Quảng Trị) giao cho 3 đơn vị quản lý, vận hành và kinh doanh điện ở địa bàn miền núi. Điện lực Khe Sanh quản lý, vận hành 403,180 km đường dây từ 22kV đến 35kV, 373,966 km đường dây hạ áp, 57 trạm cắt từ 22kV đến 35KV và 67 trạm biến áp (TBA). Điện lực Đakrông quản lý hệ thống lưới điện có tổng chiều dài 210 km đường dây trung thế, gần 200 km đường dây hạ thế, 123 TBA. Ngoài ra, đơn vị còn cấp một phần điện cho xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế và bán điện sang Lào qua TBA trung gian ở Cửa khẩu quốc tế La Lay. Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Quảng Trị quản lý hệ thống lưới điện 110kV với hơn 340 km đường dây cùng 8 TBA 110kV.

Hoạt động trong điều kiện toàn bộ lưới điện trải rộng trên địa hình đồi núi bị chia cắt, phạm vi cấp điện cho toàn huyện Đakrông có bán kính 80 km, nơi xa nhất gần 120 km nên rất khó khăn trong công tác quản lý, vận hành lưới điện. Đặc biệt ở Điện lực Đakrông hiện đang quản lý 1.977 vị trí cột trung thế, trong đó số vị trí nằm trên các khu vực đồi dốc cao, xa dân cư, thời gian di chuyển từ trục đường chính đến vị trí từ 15 - 30 phút. Đường dây truyền tải đang sử dụng là dây nhôm lõi thép chiếm đến 98% dẫn đến sự cố do hành lang va quệt vào đường dây khi gió to, mưa lớn thường xuyên xảy ra.

Bên cạnh đó, hành lang lưới điện đường dây 35 kV phức tạp, các tuyến đi qua khu vực rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh và rừng tái tạo có một số cây cao ngoài hành lang thường xuyên ngã đổ, va quệt vào đường dây. Ngoài ra, việc trồng cây ngoài hành lang lưới điện là cây sinh kế của người dân địa phương nên quá trình vận động chặt hạ cây có khả năng ảnh hưởng, nguy cơ gây sự cố đường dây 35 kV gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện Đakrông đã xảy ra 45 vụ sự cố lưới điện nhưng đơn vị đã nhanh chóng khắc phục, đảm bảo cấp điện trở lại cho người dân.

Do đặc thù là địa bàn miền núi nên ở hai huyện Hướng Hóa, Đakrông thường xảy ra hiện tượng giông sét, gió lốc, mưa lớn gây ra sạt lở đất, đá. Đặc biệt, hậu quả từ mùa mưa bão cuối năm 2020 dẫn đến địa chất một số khu vực đã bị tác động, đứt gãy gây sạt lở đất làm cây ngã đổ vào đường dây khi xảy ra mưa lớn.

Từ nhiều năm qua, nhiệm vụ phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai đã được PC Quảng Trị triển khai đồng bộ, nhất là tại hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông, nơi thường xảy ra những diễn biến bất thường của thời tiết gây khó khăn trong việc đảm bảo an toàn vận hành lưới điện trong mùa mưa bão. Để chủ động ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão năm 2022, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, ngay từ đầu năm lãnh đạo đơn vị đã rút kinh nghiệm, hoàn thành phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Đơn vị đã chú trọng tập huấn thường xuyên cho lực lượng xung kích các phương án ứng phó với những tình huống rủi ro do thiên tai gây ra. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho toàn thể cán bộ, công nhân viên trong đơn vị cũng như người dân trong vùng có lưới điện đi qua.

Giám đốc Điện lực Khe Sanh Phan Gia Dương cho biết: “Đánh giá đúng thực trạng khó khăn và chủ động dự báo về những diễn biến phức tạp của thời tiết, Ban lãnh đạo Điện lực Khe Sanh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phải tích cực chuẩn bị, chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Khẩn trương hoàn thành các công trình đầu tư xây dựng, sửa chữa lưới điện; tăng cường kiểm tra xử lý các điểm xung yếu lưới điện trước mùa mưa bão; chú trọng phát quang lưới điện. Đơn vị còn tăng cường kiểm tra hành lang tuyến, xử lý các trường hợp có nguy cơ ngã đổ vào lưới điện, tổ chức các đợt diễn tập nhằm chủ động ứng phó với mọi tình huống xảy ra”.

Ngoài hệ thống lưới điện do Điện lực Khe Sanh và Đakrông quản lý, vận hành thì hệ thống đường dây và TBA 110kV đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải điện từ lưới điện quốc gia và các nhà máy thủy điện, điện gió, điện mặt trời… để cung cấp điện năng cho tỉnh Quảng Trị và một số địa phương giáp biên giới của nước bạn Lào. Những năm qua, sự cố do giông sét đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự vận hành an toàn của lưới điện. Tại Quảng Trị, kết quả đo trị số điện trở tiếp đất tại các vị trí cột đều đạt yêu cầu kỹ thuật, đường dây 110kV Đông Hà - Lao Bảo và đường dây 110kV Khe Sanh - Tà Rụt cũng đã được lắp đặt hệ thống chống sét van bảo vệ.

Tuy nhiên số vụ sự cố thoáng qua do giông sét trên khu vực này vẫn còn cao. Để đảm bảo lưới điện vận hành an toàn trong mùa mưa bão năm 2022, đơn vị đã thực hiện bổ sung thêm cọc và tia vào hệ thống tiếp địa đường dây tại các vị trí trên đồi cao, các vị trí có lắp chống sét van và các vị trí đã từng bị sự cố do giông sét. Với các vị trí có kè móng, đơn vị đã hoàn thành việc kiểm tra, xử lý các kè móng bị nứt vỡ, các điểm dễ bị sạt lở đất, tiến hành nạo vét mương thoát nước, nắn dòng chảy ra xa chân cột, các cung đoạn đường dây đi qua những vùng bị ngập lụt... Với trường hợp cây cao ngoài hành lang tuyến có nguy cơ ngã đổ vào đường dây, đơn vị đã tuyên truyền vận động người dân để chặt tỉa dần.

Trước mùa mưa bão, PC Quảng Trị luôn phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân phát quang hành lang lưới điện. Đối với các đơn vị quản lý vận hành đều được trang bị đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc, vật tư dự phòng cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Với phương châm “4 tại chỗ”, các đơn vị trực thuộc PC Quảng Trị đã sẵn sàng đối phó với các tình huống thiên tai, đặc biệt là ở địa bàn miền núi, hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo nguồn lưới điện vận hành an toàn, ổn định.

Tân Nguyên



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Phát triển kinh tế gia trại ở xã Tân Lập

Phát triển kinh tế gia trại ở xã Tân Lập
2022-09-14 05:26:12

QTO - Những năm trở lại đây, nhiều nông dân ở xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa đã tập trung chuyển đổi những diện tích đất sản xuất kém hiệu quả để phát triển...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết