Cập nhật:  GMT+7

Nền kinh tế huyện Triệu Phong đạt được nhiều kết quả nổi bật

Thời gian qua, huyện Triệu Phong đề ra mục tiêu vừa tập trung thực hiện tốt phòng, chống COVID-19, vừa phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH). Với quyết tâm đó, cấp ủy, chính quyền huyện Triệu Phong tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, nỗ lực phát triển sản xuất, kinh doanh nên đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 17%; tổng giá trị sản xuất các ngành đạt hơn 3.200 tỉ đồng; thu ngân sách nhà nước hơn 394 tỉ đồng, đạt 86% dự toán tỉnh giao. An sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt. Quốc phòng- an ninh đảm bảo ổn định. Chỉ đạo 3 xã vùng biển đẩy nhanh tiến độ về đích nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm 2022 có 100% xã về đích nông thôn mới, năm 2023 Triệu Phong đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Chú trọng kiên cố hóa kênh mương để đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp- Ảnh: T.V

Để đạt được kết quả đó, huyện Triệu Phong quan tâm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đó, đối với sản xuất nông nghiệp, huyện Triệu Phong đẩy mạnh sản xuất lương thực theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa, đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp như lúa chất lượng cao, lúa canh tác tự nhiên, sản phẩm tôm nuôi nước mặn - lợ, sản phẩm cây có múi, cây dược liệu, gỗ rừng trồng FSC. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức sản xuất theo quy trình hữu cơ, VietGAP, an toàn thực phẩm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Nhằm đa dạng hóa nền nông nghiệp, UBND huyện Triệu Phong tập trung chỉ đạo thực hiện sản xuất cánh đồng lớn, duy trì diện tích lúa canh tác tự nhiên cũng như phối hợp với các trung tâm giống cây trồng, vật nuôi trong và ngoài tỉnh để liên kết sản xuất giống lúa Bắc Thơm số 7, NA2, ST24. Tổ chức sản xuất lúa ST24 theo tiêu chuẩn VietGAP, triển khai khảo nghiệm một số giống lúa mới như HANA số 7, ADI 28, Hà Phát 3, DH12, trồng cây tràm năm gân, trồng bưởi da xanh, mít Thái Lan… theo tiêu chuẩn VietGAP.

Về chăn nuôi, phát triển đàn trâu, tăng quy mô đàn bò, đàn gia cầm và một số vật nuôi mới, chú trọng phát triển chăn nuôi bò theo hướng thâm canh, kết hợp trồng cỏ, trồng ngô sinh khối tạo nguồn thức ăn chủ động cho bò, đồng thời phát triển mô hình nuôi bò thịt từ tinh bò ngoại như 3B, Droughmaster, Charolais. Khuyến khích người dân tập trung tái đàn, phục hồi đàn lợn, đầu tư mô hình nuôi lợn công nghệ cao, nuôi lợn liên kết, đảm bảo an toàn sinh học, vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh. Nhân rộng, phát triển mô hình nuôi gà, lợn theo phương pháp canh tác tự nhiên tạo sản phẩm mang thương hiệu gà sạch, lợn sạch Triệu Phong, nhất là các hộ chăn nuôi quy mô nông hộ.

Về ngư nghiệp, các địa phương ven biển đẩy mạnh triển khai dự án nuôi tôm 2 giai đoạn, áp dụng quy trình nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học, men vi sinh, hạn chế sử dụng kháng sinh cũng như phát huy hiệu quả tổ cộng đồng nuôi tôm, có quy chế quản lý giám sát xử lý dịch bệnh. Đối với vùng nuôi cửa lạch, người dân chủ động hoán đổi diện tích, xây dựng và bố trí hệ thống ao hồ nuôi hợp lý, đồng thời dự trữ chủ động nguồn nước cấp khi cần thiết nhằm hạn chế dịch bệnh.

Đối với thủy sản nước ngọt, trên cơ sở đã quy hoạch và chuyển đổi diện tích sang nuôi thủy sản, huyện Triệu Phong tiếp tục đầu tư xây dựng cơ bản hệ thống ao hồ, cấp thoát nước đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Đa dạng hình thức nuôi thâm canh nhằm tăng năng suất, sản lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Khuyến khích ngư dân tăng cường ra khơi bám biển, đầu tư nâng cấp cải hoán tàu thuyền, đầu tư ngư lưới cụ vươn ra ngư trường xa bờ. Hiện nay, các xã vùng biển có hơn 500 chiếc tàu, thuyền đánh bắt hải sản. Bên cạnh tăng cường đánh bắt nuôi trồng, người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến thủy sản thành các mặt hàng như như ruốc, nước mắm được thị trường ưa chuộng.

Đối với vùng gò đồi, bên cạnh việc thực hiện chủ trương di giãn dân xây dựng vùng kinh tế mới, xây dựng mô hình trang trại có quy mô lớn, huyện Triệu Phong thực hiện tốt chủ trương trồng mới 5 triệu ha rừng, nâng độ che phủ lên 42%. Tổng diện tích đất có rừng của huyện hơn 15.000 ha, trong đó đất rừng tự nhiên 1.026 ha, còn lại là đất rừng trồng.

Chất lượng rừng trồng phát triển tốt, có hơn 1.040 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, VFCS, sản lượng gỗ khai thác hằng năm khoảng 210.000 m3 . Các xã vùng gò đồi, vùng cát từng bước cải tạo vườn tạp, đưa nhiều cây trồng có giá trị như bưởi thanh trà, cây chanh dây, cây dây thìa canh, tràm năm gân, tràm gió vào trồng bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện các xã vùng gò đồi trồng được hơn 670 ha cao su, trong đó hơn một nửa diện tích đã khai thác mủ, năng suất hằng năm đạt 2,3 tấn/ ha. Hỗ trợ kinh phí, khuyến khích những nơi có điều kiện chuyển đổi đất rừng sang trồng các cây ăn quả, cây dược liệu.

Về phát triển công nghiệp- TTCN, huyện tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng của COVID19, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Để các dự án triển khai xây dựng thuận lợi, UBND huyện Triệu Phong thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại Cụm công nghiệp Đông Ái Tử; phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai đầu tư tại Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh.

Cùng với đó, UBND huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống chợ, các điểm kinh doanh thương mại để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, văn minh, hiệu quả. 6 tháng đầu năm 2022, có 1 dự án được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với số vốn 25 tỉ đồng.

Đến nay, Cụm công nghiệp Ái Tử có 11 doanh nghiệp (DN) đầu tư dự án, trong đó có 7 dự án sản xuất, kinh doanh ổn định, thu hút trên 500 lao động. Cụm công nghiệp Đông Ái Tử có 5 DN đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động, 13 DN được UBND tỉnh quyết định cho thuê đất, trong đó có 9 DN đã được phê duyệt thiết kế cơ sở, triển khai xây dựng dự án, 2 DN được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đang thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định...

Tuấn Việt



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Phát triển kinh tế gia trại ở xã Tân Lập

Phát triển kinh tế gia trại ở xã Tân Lập
2022-09-14 05:26:12

QTO - Những năm trở lại đây, nhiều nông dân ở xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa đã tập trung chuyển đổi những diện tích đất sản xuất kém hiệu quả để phát triển...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết