Cập nhật: Thứ 3, 22/11/2011 | 11:12 GMT+7

Đakrông đổi mới công tác cán bộ cơ sở

(QT) - Biết tôi có ý định tìm hiểu thức trạng đội ngũ cán bộ cơ sở, đặc biệt là các xã vùng sâu vùng xa nơi có đông đồng bào Vân kiều, Pa kô sinh sống, Bí thư Huyện uỷ Đakrông (Quảng Trị) – đồng chí Trần Quang Chiến thẳng thắn: “Đây là khâu yếu nhất và cũng là nỗi băn khoăn lớn nhất của huyện miền núi chúng tôi. Với một đảng bộ giàu truyền thống cách mạng, nơi từng là chiến khu xưa, căn cứ địa của hai cuộc kháng chiến mà đến nay đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cơ sở vẫn còn hẫng hụt quả là một thiếu sót lớn”. Đakrông là một trong những huyện được đánh giá là huyện nghèo nhất nước, toàn huyện có 14 xã và thị trấn thì hầu như tất cả đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, nếu không khó khăn về địa hình, giao thông thì cũng khó khăn về đời sống, dân trí. Cho đến nay dù đường giao thông cơ bản đã đến trung tâm xã nhưng do địa bàn rộng, địa hình lại phức tạp nên việc tiếp cận cơ sở vẫn đang là một trở ngại lớn, nhất là vào những tháng mùa mưa. Bí thư Huyện ủy Trần Quang Chiến còn cho biết thêm: “Trừ các xã dọc đường 9 và một số xã, bản ven đường Hồ Chí Minh, hơn 70% thôn, bản còn lại của huyện đều thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa việc đi lại rất khó khăn, nhiều nơi chưa có phương tiện thông tin liên lạc do đó việc chuyển tải thông tin chỉ đạo từ huyện về cơ sở không hề dễ dàng. Vì lẽ đó, từ lâu khi đặt vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở, lãnh đạo huyện Đakrông đã nghĩ đến năng lực chủ động trong công việc của mỗi người”.

Phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở xã A Bung, huyện miền núi Đakrông.

Với phương châm chỉ đạo xuyên suốt đó, trong quá trình đổi mới công tác tổ chức cán bộ, những năm qua, Huyện uỷ Đakrông mạnh dạn đề bạt những cán bộ trẻ, năng động lên nắm giữ những trọng trách ở địa phương. Thực tế đã chứng minh tính đúng đắn của việc làm này tại một số xã vùng sâu nơi có đông đồng bào dân tộc ít người sinh sống, nơi mà lâu nay quan niệm “lão làng” của một số cán bộ lâu năm đã dung dưỡng cho tư tưởng địa phương cục bộ, bảo thủ trì trệ hoành hành và trở thành lực cản của quá trình phát triển. Tuy nhiên để giải quyết vấn đề này hoàn toàn không đơn giản. Khó khăn lớn nhất trong quá trình trẻ hoá đội ngũ cán bộ cơ sở ở Đakrông không chỉ dừng lại ở tư tưởng bảo thủ, mà còn nằm ngay trong đội ngũ cán bộ sẽ trở thành nguồn kế cận. Đó là sự hạn chế về mặt văn hoá, non kém về trình độ chuyên môn, hời hợt trong nhận thức lý luận chính trị. Nếu nhìn trên bình diện chung thì trong những năm qua, Đảng bộ Đakrông là một trong những đảng bộ có số lượng đảng viên mới được kết nạp khá cao, nhưng trong số đó, đảng viên mới ở vùng bản chiếm một tỷ lệ rất ít, bởi lẻ tiêu chuẩn về trình độ văn hoá hết THCS là một “cửa ải” khó vượt qua của những thanh niên tích cực ở vùng bản. Trình độ văn hoá hạn chế tất yếu dẫn đến trình độ chuyên môn không có. Theo chúng tôi được biết, dù đã nỗ lực rất lớn trong việc đổi mới công tác cán bộ nhưng hiện nay số cán bộ cơ sở ở các xã vùng bản ở đây có trình độ chuyên môn khá, được đào tạo bài bản chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này thật dễ hiểu vì trong 10 năm qua, chỉ có chưa đến 100 con em đồng bào các dân tộc ít người trong huyện được gửi đi đào tạo theo dạng cử tuyển, cộng với một số rất ít sinh viên thi đỗ vào các trường đại học và cao đẳng tốt nghiệp ra cũng chưa đủ bổ sung cho đội ngũ cán bộ chuyên môn cấp huyện thì nói gì đến việc tăng cường cho cấp xã. Trước yêu cầu bức xúc của nhiệm vụ đổi mới công tác tổ chức cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ sở, thực hiện cơ chế phối hợp giữa địa phương với lực lượng bộ đội biên phòng, một số xã có biên giới của huyện được tăng cường cán bộ biên phòng về làm phó bí thư, rồi việc thực hiện luân chuyển cán bộ, tăng cường cán bộ chuyên môn của phòng, ban cấp huyện cho các xã vùng sâu, vấn đề thiếu hụt cán bộ cơ sở ở đây bước đầu đã được giải toả. Nhưng thực ra đây cũng chỉ là giải pháp tình thế và không có tính lâu dài, bởi lẽ rồi đây khi lực lượng cán bộ tăng cường rút đi thì vấn đề thiếu hụt cán bộ lại tái diễn vì nguồn cán bộ từ cơ sở không được chuẩn bị. Để giải quyết căn cơ vấn đề này, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV và các nghị quyết của Huyện ủy luôn xác định công tác tổ chức cán bộ phải luôn được đặc biệt coi trọng, phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ sở để sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp, lấy công tác cán bộ làm khâu đột phá trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đảng, củng cố bộ máy chính quyền và các tổ chức, đoàn thể ở địa phương, không ngừng đổi mới, sàng lọc, bổ sung để xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức và lối sống lành mạnh, không quan liêu tham nhũng, lãng phí, có tư duy đổi mới, sáng tạo, có kiến thức chuyên môn phù hợp đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, có tinh thần đoàn kết, hợp tác và phong cách lề lối làm việc khoa học, việc xem xét đề bạt cán bộ của huyện luôn gắn với trình độ đào tạo và khả năng thực thi nhiệm vụ, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước công việc được phân công. Từ nhận thức đó, những năm qua, công tác quy hoạch cán bộ đã được phê duyệt, huyện đã thực hiện công tác luân chuyển, điều động và bổ nhiệm cán bộ vào những vị trí thích hợp, trong đó kiện toàn, củng cố và thay mới nhiều cán bộ cơ sở là một bước đi táo bạo và thực tế đã đánh giá tính tích cực, hiệu quả của công tác đổi mới cán bộ ở địa phương. Bây giờ nếu có dịp đến các xã của huyện Đakrông, điều dễ dàng cảm nhận là tình hình kinh tế - xã hội của huyện miền núi này đã có nhiều thay đổi rất cơ bản, bộ mặt làng bản đổi mới toàn diện, cơ sở hạ tầng không ngừng được cải thiện, đời sống người dân từng bước được nâng cao, nhưng điều đáng mừng hơn cả là những đổi mới trong phong cách, lề lối làm việc và tinh thần trách nhiệm trước công việc của đội ngũ cán bộ cơ sở. Bí thư Huyện ủy Trần Quang Chiến cũng nói thêm: Cán bộ cơ sở bây giờ đã “biết việc”, gần dân hơn và coi trọng dân hơn. Điều này không dễ gì có được nếu huyện không tập trung đổi mới công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ bằng việc không ngừng trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa và công khai hóa công tác cán bộ. Mục tiêu đổi mới công tác cán bộ của huyện Đakrông đặt ra từ nay đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 là đội ngũ cán bộ chuyên trách (đến năm 2015) phải đảm bảo 95% đạt chuẩn về trình độ văn hóa phổ thông trung học, 40% đạt chuẩn về trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trong đó đội ngũ cán bộ chủ chốt phải đạt 50%, trình độ lý luận chính trị đạt 100% từ trung cấp trở lên, 95% cán bộ chuyên trách phải có nghiệp vụ quản lý nhà nước và thành thạo vi tính. Đội ngũ công chức cấp xã phải có 100% đạt trình độ văn hóa trung học phổ thông, 95% có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên. Và định hướng đến năm 2020, chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã phải được nâng cao lên một bước mới, bên cạnh các tiêu chuẩn về năng lực, phẩm chất đạo đức, dứt khoát không bố trí những người chưa tốt nghiệp phổ thông trung học và không qua đào tạo nghiệp vụ chuyên môn vào các vị trí chủ chốt cũng như công chức cơ sở. Bài, ảnh: HOÀNG ĐỨC



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Thực hiện công ước khung kiểm soát thuốc lá

Thực hiện công ước khung kiểm soát thuốc lá
04:11 22/11/2011

(QT) - Trước những tác hại nghiêm trọng của việc hút thuốc lá, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến khích các quốc gia chú trọng thực hiện một trong những giải pháp quan trọng để...

Thắm tình quân dân miền biên giới

Thắm tình quân dân miền biên giới
23:29 20/11/2011

(QT) - Hơn 10 năm qua, mối quan hệ giữa Hội LHPN huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) và các đồn biên phòng trên địa bàn luôn bền chặt, thắm thiết. Thông qua nhiều hoạt động chung, vai...

Thời tiết

25°C - 35°C
Có mây, không mưa
  • 29°C - 36°C
    Ít mây, trời nắng nóng
  • 28°C - 34°C
    Có mây, có mưa rào và dông
POWERED BY
Việt Long