Cập nhật: Thứ 5, 18/11/2010 | 09:53 GMT+7

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tham gia xây dựng Luật tại kỳ họp

(QT) - Trong chương trình kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XII sẽ thảo luận và thông qua Luật Tố tụng hành chính và Luật Viên chức. Đây là 2 dự án Luật mới đã được Quốc hội cho ý kiến từ kỳ họp thứ 7. Đại biểu Phạm Đức Châu, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia phát biểu thảo luận về 2 dự án Luật này. Sau đây là lược ghi ý kiến phát biểu của đại biểu. Về Luật Tố tụng hành chính: Thứ nhất , về khái niệm hành vi hành chính. Dự thảo quy định “hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước...” Như vậy, có những người đứng đầu, ví dụ như người đứng đầu đơn vị sự nghiệp, là công chức nhà nước, hoạt động của họ thực chất là hoạt động quản lý nhà nước, tức là thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước thì khi họ ra quyết định hoặc các hành vi hành chính của họ thì có thuộc đối tượng điều chỉnh của luật này hay không? Vì vậy, cần sửa lại hành vi hành chính của cá nhân là hành vi của người có thẩm quyền khi thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công cụ của Nhà nước theo qui định của pháp luật. Thứ hai , liên quan đến quyết định kỷ luật buộc thôi việc, Khoản 3, Điều 3, chỉ qui định áp dụng quyết định buộc thôi việc của công chức là không đầy đủ. Bởi vì thực tế viên chức cũng có hình thức kỷ luật buộc thôi việc và người ra quyết định buộc thôi việc có thể người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và cũng có thể là cấp trên đơn vị sự nghiệp công lập, tức là người có thẩm quyền quản lý nhà nước. Vậy, người bị buộc thôi việc là viên chức có được khiếu kiện theo qui định của luật này hay không? Nếu không áp dụng luật này mà áp dụng theo Luật Lao động thì rất vô lý, cần phải nghiên cứu lại qui định này. Điều 14 có qui định khi xét xử vụ án hành chính thì thẩm phán, hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là đủ, không cần có thêm ý thứ hai là: nghiêm cấm mọi hành vi cản trở thẩm phán, hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ. Bởi vì nếu nghiêm cấm thì không phải chỉ có hành vi cản trở mới bị nghiêm cấm, mà khi xét xử độc lập là đã bao hàm tất cả những hành vi làm mất tính độc lập của thẩm phán và hội thẩm nhân dân đều bị nghiêm cấm. Điều 38, nhiệm vụ của hội thẩm nhân dân ở Khoản 3 đã ghi “tham gia xét xử các vụ án hành chính”, tại Khoản 4 lại ghi thêm “biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền Hội đồng xét xử”, rõ ràng là rất thừa, đề nghị bỏ ý này. Điều 54, qui định về kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính, Khoản 3 quy định “Trường hợp người bị kiện là người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức mà cơ quan, tổ chức đó hợp nhất, chấm dứt hoạt động hoặc sáp nhập với cơ quan, tổ chức khác... Qui định này chỉ đúng khi mà khiếu kiện về quyết định hành chính. Còn đối với hành vi hành chính mà người đó không tồn tại nữa thì không thể cơ quan đó hoặc người khác không thể kế thừa, đề nghị nghiên cứu lại qui định ở khoản này. Điều 55, về người đại diện, đề nghị cần phải bổ sung một qui định là người bị khiếu kiện hành vi hành chính không được cử người đại diện. Bởi vì người bị khiếu kiện về hành vi hành chính thì trực tiếp người đó phải có mặt tại phiên tòa, người khác không thể thay họ được. Điều 67 quy định về “trách nhiệm do yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng”. Tên điều chỉ quy định trách nhiệm do yêu cầu không đúng, trong khi đó nội dung thì lại áp dụng đối với cả Tòa án. Mặt khác, cần phải quy định thêm trách nhiệm của Tòa án khi không áp dụng biện pháp khẩn cấp gây thiệt hại cho người yêu cầu. Vì vậy, đề nghị sửa lại tên điều này là “Trách nhiệm do yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng, không áp dụng hoặc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng” để thể hiện rõ các vấn đề: trách nhiệm của người yêu cầu, trách nhiệm của Tòa án do không áp dụng hoặc áp dụng không đúng. Điều 94, Khoản 3 quy định một loại văn bản tố tụng không nên có trong văn bản tố tụng đó là giấy mời, đề nghị chỉ có giấy triệu tập vì đã là giấy mời thì không mang tính bắt buộc, người được mời có thể đến hoặc không đến, như vậy không đảm bảo tính nghiêm túc của phiên tòa. Về Luật Viên chức Đại biểu Phạm Đức Châu cho rằng về khái niệm “viên chức” trong Luật quy định “viên chức được tuyển dụng theo chế độ hợp đồng” là không chính xác, bởi vì tuyển dụng là việc lựa chọn người vào làm việc trong đơn vị sự nghiệp và tuyển dụng thông qua thi tuyển và xét tuyển. Sau thi tuyển, xét tuyển thì có quyết định tuyển dụng. Như vậy, về trình tự thì tuyển dụng có trước, là một sự kiện pháp lý có trước việc kí kết hợp đồng lao động. Không thể cái có trước lại theo cái có sau. Ở đây chỉ có thể nói làm việc theo chế độ hợp đồng lao động chứ không thể nói tuyển dụng theo chế độ hợp đồng lao động. Về khái niệm hợp đồng làm việc, dự thảo ghi khái niệm “hợp đồng làm việc là hợp đồng lao động” là hoàn toàn không đúng và còn nhiều vấn đề đáng bàn thêm vì lý do: Thứ nhất , nếu nói hợp đồng làm việc là hợp đồng lao động thì tại sao không ghi là hợp đồng lao động ? Thứ hai , hợp đồng lao động theo khái niệm trong Bộ luật Lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công... (chứ không phải là hưởng lương theo ngân sách). Như vậy, khi hầu hết đơn vị sự nghiệp công lập và viên chức làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước trả lương và mọi chế độ thực hiện theo quy định của Nhà nước (trừ một số đơn vị sự nghiệp tự chủ 100%) thì hợp đồng lao động quy định theo Luật này hoàn toàn là hình thức khi đặc trưng cơ bản nhất của hợp đồng là sự thỏa thuận thì không thỏa thuận được. Giữa người sử dụng lao động và người lao động không thể thỏa thuận gì khác ngoài các chế độ theo quy định của Nhà nước, nhất là đối với đơn vị sự nghiệp không tự chủ. Thứ ba , về việc viên chức sự nghiệp công lập, nhất là đối với hầu hết đơn vị sự nghiệp không tự chủ được Nhà nước trả lương và bảo đảm mọi chế độ chính sách thì hợp đồng làm việc chẳng có ý nghĩa gì, là một quy định nửa vời vì người chủ lao động không có thỏa thuận về trả lương, trả công và một số qui định ở trong luật từ việc tuyển dụng cho đến các điều động biệt phái, nâng lương, xếp chức danh... là đều theo qui định Nhà nước, đều do cơ quan có thẩm quyền quyết định, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp này cũng không thực hiện được theo ý chí của họ. Nhất là trong tình hình hiện nay khi mà đội ngũ viên chức, đặc biệt các nhà khoa học, các y, bác sĩ, giáo viên... những người có rất nhiều đóng góp cho đất nước và nhân dân mà chuyển họ qua một chế độ hợp đồng, phân biệt giữa họ với công chức nhà nước thì sẽ làm cho họ giảm sút ý chí và tâm huyết. Đặc biệt, hiện nay, nếu theo Luật Bảo hiểm xã hội, tất cả mọi trường hợp hợp đồng lao động đều phải đóng bảo hiểm xã hội, nhưng trong thực tế thì các đơn vị sự nghiệp việc đóng bảo hiểm thất nghiệp và hợp đồng rất khác nhau. Các đơn vị sự nghiệp ở trong các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội hầu như chưa thực hiện chế độ này tạo ra sự bất bình đẳng trong đội ngũ viên chức. Mặt khác, nếu thực hiện chế độ hợp đồng làm việc thì mọi viên chức trong mọi tổ chức đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, của Đảng, đoàn thể và các viện nghiên cứu... đều phải ký mới hoặc ký lại hợp đồng làm việc và phải đóng bảo hiểm thất nghiệp mà trong thực tế thì việc thất nghiệp của viên chức xảy ra rất ít nhưng hàng năm Nhà nước và người lao động phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn để đóng bảo hiểm thất nghiệp, vì vậy, cần phải xem xét lại qui định này. Có nhiều ý kiến đề nghị viên chức làm việc trước năm 2003 không ký lại hợp đồng lao động, nhưng như vậy sẽ không thống nhất trong đội ngũ viên chức, mà ký thì rõ ràng dẫn đến một tình trạng rất phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư và nguyện vọng của viên chức. Thứ tư , trong thực tiễn pháp luật Việt Nam chúng ta thấy các quy định pháp luật có liên quan đến vấn đề xác lập và chấm dứt các quan hệ pháp luật, để tránh những rủi ro khi chấm dứt các quan hệ pháp luật thì luật quy định rất chặt chẽ về mặt trình tự, thủ tục và cơ quan giải quyết. Ví dụ, Luật Hôn nhân quy định kết hôn thì UBND cấp xã, nhưng ly hôn thì phải Tòa án, nuôi con nuôi cũng vậy. Còn quy định tại Luật này, đối với viên chức muốn xác lập quan hệ lao động thì vừa phải được tuyển dụng, vừa phải ký hợp đồng lao động và phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc ủy quyền cho đơn vị sự nghiệp công lập ký. Nhưng khi chấm dứt quan hệ này thì rất đơn giản, chỉ do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định. Như vậy liệu quy định này có đảm bảo được quyền lợi cho viên chức hay không? Về biệt phái viên chức được quy định tại Điều 37 không quy định rõ ai có thẩm quyền biệt phái và chế độ, chính sách đối với người được biệt phái, cần phải quy định rõ hơn. Điều 46, quy định viên chức không được hưởng chế độ thôi việc trong 3 trường hợp tại Khoản 2. Theo quan điểm của đại biểu, khi đã đóng bảo hiểm xã hội thì đề nghị sẽ được hưởng các chế độ bảo hiểm dù là chấm dứt làm việc theo hình thức nào. Về việc kéo dài thời gian nâng lương khi bị kỷ luật. Theo quy định luật này (và cả Luật CB,CC) quy định thời điểm kéo dài thời gian nâng lương tính từ khi quyết định có hiệu lực là không chính xác, mà thời điểm kéo dài phải tính từ thời điểm nâng lương tiếp theo. Vì nếu tính từ thời điểm quyết định có hiệu lực thì có khi thời hạn kéo dài thời gian nâng lương đã hết mà vẫn chưa đến thời gian nâng lương, cho nên cần phải được tính từ thời điểm nâng lương tiếp theo. Kết thúc bài phát biểu, đại biểu Phạm Đức Châu rất mong Quốc hội xem xét kỹ khi thông qua luật này, kể cả phạm vi điều chỉnh như nhiều đại biểu phát biểu, chế độ hợp đồng lao động và các quy định liên quan đến quyền của các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc thực hiện đối với viên chức. PHẠM HỒNG NAM (thực hiện)



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

POWERED BY
Việt Long