Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động
* Đồng chí ĐẶNG NGỌC TÙNG, UVTƯ Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trả lời phỏng vấn - Thưa đồng chí! có quan điểm cho rằng “Công đoàn không có chức năng đại diện cho người lao động một cách độc lập”, xin đồng chí cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
 |
- Từ trước tới nay, các văn bản của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X), Kết luận số 09-KL/TW ngày 16/9/2011 của Bộ Chính trị, Bộ luật Lao động hiện hành, Luật Công đoàn hiện hành và các văn bản pháp luật khác đều quy định công đoàn có chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động và trong thực tế, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp công đoàn đã và đang thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân, viên chức, lao động. Mặt khác, về lý luận, chức năng đại diện là chức năng bẩm sinh của công đoàn. Công đoàn sinh ra là để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động. Công đoàn không chỉ là tổ chức có chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, mà còn phải đồng thời cùng với cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, cần tiếp tục khẳng định chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, công chức, viên chức và người lao động là một trong các chức năng quan trọng của tổ chức Công đoàn Việt Nam và cần phải đưa vào Luật Công đoàn (sửa đổi). - Ở Việt Nam, đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hàng năm rất nhiều doanh nghiệp được thành lập. Vậy, tổ chức công đoàn gặp những khó khăn gì khi thành lập công đoàn cơ sở ở đây? - Hiện nay, ở Việt Nam trên 90% số doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó số doanh nghiệp có dưới 20 lao động chiếm trên 80% tổng số doanh nghiệp. Vì vậy, việc thành lập tổ chức công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước gặp rất nhiều khó khăn do phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, đồng thời, người sử dụng lao động cũng chưa tạo điều kiện để tổ chức công đoàn vận động người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn. Trong những năm qua, các cấp công đoàn đã có nhiều nỗ lực cố gắng tập trung cho việc phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở. Nhưng chủ yếu cũng mới chỉ thành lập tổ chức công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước (đạt tỷ lệ 51,39%) có từ 20 lao động trở lên và đang phấn đấu đến cuối năm 2011 có 100% số doanh nghiệp có từ 50 lao động trở lên có tổ chức công đoàn cơ sở. Để có cơ sở pháp lý nhằm tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn thành lập công đoàn cơ sở; Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) Điều 6 quy định: Chậm nhất 6 tháng kể từ ngày luật này có hiệu lực hoặc kể từ ngày cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đi vào hoạt động thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên phải thành lập công đoàn để đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. - Trong dự thảo Luật Công đoàn, hệ thống tổ chức công đoàn có bao nhiêu cấp cơ bản và tên gọi của từng cấp có gì thay đổi so với hiện tại? - Trong dự thảo Luật Công đoàn (Điều 8) quy định: Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất, có 4 cấp cơ bản như sau: 1. Cấp cơ sở: Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn. 2. Cấp trên trực tiếp cơ sở: Liên đoàn Lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; công đoàn ngành địa phương; công đoàn cấp tương đương (Công đoàn các khu công nghiệp, công đoàn khu công nghiệp, công đoàn khu kinh tế, công đoàn khu công nghệ cao, công đoàn tổng công ty...). 3. Cấp tỉnh: Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; công đoàn ngành Trung ương; công đoàn cấp tương đương; 4. Trung ương: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
 |
Công đoàn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động - Ảnh: V.Q |
Qua thảo luận, có nhiều ý kiến đồng tình với 4 cấp cơ bản như trên, nhưng họ đề nghị là nên thống nhất tên gọi của các cấp là “Công đoàn” chứ không nên nơi thì gọi “Liên đoàn Lao động”, nơi thì gọi là “Công đoàn” và đề nghị thống nhất 4 cấp cơ bản như sau: 1. Cấp cơ sở: Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn. 2. Cấp trên trực tiếp cơ sở: Công đoàn quận, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; công đoàn ngành địa phương; công đoàn cấp tương đương. 3. Cấp tỉnh: Công đoàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; công đoàn ngành Trung ương; công đoàn cấp tương đương; 4. Trung ương: Tổng Công đoàn Việt Nam; - Tại sao trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) là doanh nghiệp có từ 300 lao động trở lên thì có cán bộ công đoàn chuyên trách, còn dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) thì quy định là doanh nghiệp có từ 500 lao động trở lên mới có cán bộ công đoàn chuyên trách? - Việc bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách ở doanh nghiệp là cần thiết, sẽ tạo điều kiện cho công đoàn cơ sở hoạt động có hiệu quả hơn, nhất là ở các doanh nghiệp lớn, có đông lao động, nhưng vấn đề đặt ra là doanh nghiệp có bao nhiêu lao động thì mới có thể bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách cho phù hợp, vì phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoan nghênh Ban soạn thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã đưa quy định ở các doanh nghiệp có từ 300 lao động trở lên cần bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách. Nhưng sau khi cân nhắc, tính toán với điều kiện thực tế thì nguồn kinh phí của tổ chức công đoàn (nếu thu đủ như quy định tại Điều 26) chi phục vụ cho phong trào công nhân và hoạt động công đoàn là chính, chỉ sử dụng một phần để chi trả lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách. Theo tính toán của tổ chức công đoàn, doanh nghiệp có từ 500 lao động trở lên thì nguồn thu mới có thể bảo đảm chi cho các hoạt động của tổ chức công đoàn và chi trả cho một suất lương công đoàn chuyên trách. - Thưa đồng chí, việc thu kinh phí công đoàn 2% và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trích nộp đã có từ lâu và nội dung này có được đưa vào trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) lần này không? - Nguồn thu kinh phí công đoàn gắn với nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp đã được pháp luật quy định mang tính lịch sử từ Sắc lệnh số 108 – SL ngày 5/11/1957 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Luật Công đoàn đã quy định rõ tại Khoản c, Điều 21: “Tiền trích hàng tháng trong quỹ của xí nghiệp nhà nước, cơ quan, trường học, chủ xí nghiệp tư bản tư doanh dành cho công đoàn bằng một tỷ lệ nhất định của tổng số lương cấp phát cho toàn thể công nhân, viên chức” và được cụ thể hoá vào Nghị định số 118-TTg ngày 9/4/1958 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ban hành. Trong đó, Điều 19 quy định: “Để góp phần vào quỹ công đoàn, giám đốc xí nghiệp nhà nước, thủ trưởng cơ quan, trường học, chủ xí nghiệp tư bản tư doanh, hiệu trưởng trường tư thục hàng tháng nộp vào quỹ công đoàn thuộc tài khoản của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ở Ngân hàng Quốc gia Việt Nam một số tiền gọi là kinh phí công đoàn bằng hai phần trăm (2%) tổng số tiền lương cấp phát trong tháng cho toàn thể công nhân, viên chức, không phân biệt trong hay ngoài biên chế”; và trên thực tế tổ chức công đoàn thu kinh phí công đoàn 2% từ đó đến nay đã trải qua 53 năm thực hiện đang phát huy tác dụng và hiệu quả to lớn trong việc bảo đảm điều kiện cho công đoàn tổ chức các hoạt động thực hiện chức năng đại diện, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động và thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó, đóng góp không nhỏ vào quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Nguồn kinh phí này được tính vào chi phí của doanh nghiệp, được hạch toán vào giá thành sản phẩm. Như chúng ta thấy, trong Luật Công đoàn năm 1957 cũng như Luật Công đoàn năm 1990 chỉ quy định các đơn vị, doanh nghiệp trích kinh phí công đoàn một tỷ lệ nhất định trên tổng quỹ tiền lương trả cho người lao động, chứ không nêu cụ thể tỷ lệ bao nhiêu, mà được quy định tỷ lệ hai phần trăm (2%) tổng số tiền lương cấp phát trong tháng cho toàn thể công nhân viên chức, lao động không phân biệt trong hay ngoài biên chế dưới nghị định, hiệu lực pháp lý thi hành chưa cao, nên có doanh nghiệp ngoài nhà nước tìm mọi cách không thực hiện, gây thiệt hại cho người lao động và tổ chức công đoàn. Chính vì vậy, Ban soạn thảo đề nghị đưa kinh phí công đoàn 2% vào Luật Công đoàn (sửa đổi) (Khoản 2, Điều 26). - Tại sao hiện tại doanh nghiệp trong nước trích nộp kinh phí công đoàn 2%, còn doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trích nộp kinh phí công đoàn 1%? Dự kiến sắp tới có thay đổi không? - Trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 53/1999/QĐ-TTg, việc thu kinh phí 2% trên tổng quỹ tiền lương ở doanh nghiệp FDI và cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam là như nhau. Trong những năm 1997, 1998, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế khu vực châu Á, tình hình đầu tư vào Việt Nam bị giảm sút. Để thu hút các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam, ngày 26/3/1999, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký ban hành Quyết định số 53/1999/QĐ-TTg về một số biện pháp khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó tại Khoản 3, Điều 4 quy định: “Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, không áp dụng chế độ trích nộp kinh phí công đoàn từ quỹ lương’’. Đồng thời giao cho Bộ Tài chính trích từ ngân sách nhà nước mỗi năm hơn 20 tỷ đồng để chi trả lương và phụ cấp lương cho cán bộ công đoàn ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Sau gần 9 năm thực hiện Quyết định số 53/1999/QĐ-TTg, hoạt động công đoàn ở các doanh nghiệp FDI gặp rất nhiều khó khăn vì không có kinh phí gây thiệt hại đến quyền lợi của người lao động và hoạt động công đoàn trong khu vực này, đồng thời tạo ra sự không bình đẳng giữa các doanh nghiệp của Việt Nam và doanh nghiệp FDI. Tại buổi làm việc giữa Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Thủ tướng Chính phủ ngày 7/3/2007, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ không thực hiện Khoản 3, Điều 4 Quyết định số 53/1999/QĐ-TTg (vì quy định như thế là vi phạm Luật Công đoàn). Trên cơ sở đề nghị đó và tham khảo ý kiến của các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí bãi bỏ Khoản 3, Điều 4, Quyết định số 53/1999/QĐ-TTg và thay bằng Quyết định số 133/2008/QĐ– TTg ngày 1/10/2008 về việc trích nộp kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh (FDI). Theo đó, quy định việc trích nộp kinh phí công đoàn bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công phải trả cho người lao động Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Như vậy việc trích kinh phí công đoàn ở các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn khác nhau và từ đó tạo ra sự không bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Để có sự thống nhất và bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, Khoản 2, Điều 26 dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) quy định: “Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng bằng 2% tổng quỹ lương thực trả cho người lao động”. - Luật Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động của Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội, vậy kinh phí hoạt động của tổ chức công đoàn hiện nay như thế nào? - Chúng ta đang thực hiện nghiêm Luật Ngân sách nhà nước. Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước, tại Tiết d, Khoản 2 (Chi thường xuyên về:), Điều 24 của nghị định này quy định: “Hoạt động của các cơ quan địa phương của UBMTTQ Việt Nam, Hội CCB Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh”. Không có quy định chi thường xuyên cho các hoạt động của LĐLĐ cấp tỉnh, LĐLĐ quận, huyện; công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, công đoàn ngành địa phương, công đoàn các khu công nghiệp, công đoàn giáo dục cấp huyện và công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn. Từ đó cho thấy, chi thường xuyên cho hoạt động của các cấp công đoàn không được ngân sách bảo đảm, mà chi bằng nguồn tài chính công đoàn thu được theo Luật Công đoàn, và điều đó đã tạo điều kiện cơ sở pháp lý cho tiếng nói của tổ chức Công đoàn Việt Nam phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch bên ngoài lập luận rằng Công đoàn Việt Nam là công đoàn của Chính phủ, chứ không phải là công đoàn của người lao động, không phù hợp với thông lệ công đoàn quốc tế. Thực hiện Khoản 1, Điều 16 Nghị định số 60/2003/NĐ-CP: “Ngân sách nhà nước bảo đảm cân đối kinh phí hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo nguyên tắc ngân sách nhà nước cấp chênh lệch giữa dự toán chi được duyệt theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cấp có thẩm quyền quy định và các nguồn thu của các tổ chức nêu trên theo chế độ quy định (đoàn phí, công đoàn phí, hội phí; các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật)”, ngân sách Trung ương, hàng năm, có phân bổ cho tổ chức Công đoàn Việt Nam nguồn kinh phí xây dựng cơ bản của toàn hệ thống và kinh phí để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. - Thưa đồng chí, quan điểm của Đảng và Chính phủ về vấn đề này như thế nào? - Quan điểm của Đảng ta về thu kinh phí công đoàn rất nhất quán từ trước đến nay, đặc biệt Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” ghi rõ: “Việc thu kinh phí công đoàn tại doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn và của Chính phủ; sử dụng cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, sinh hoạt văn hoá, thi đua, khen thưởng, phúc lợi xã hội và các hoạt động khác của công nhân tại chính doanh nghiệp đó, kể cả việc trả lương hoặc phụ cấp lương cho cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp”. Quan điểm của Chính phủ cũng rất rõ là cần thiết phải có kinh phí công đoàn. Tại Công văn số 189/CP-PL ngày 05/10/2011 của Chính phủ gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về góp ý kiến vào Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), tại khoản b, Điều 27 như sau: “Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng tối đa bằng 2% quỹ tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động”. - Xin trân trọng cảm ơn đồng chí! V.Q (thực hiện)