Cập nhật:  GMT+7

Con chuồn chuồn đậu trên nhánh ớt

Ông ngoại thèm ăn ớt. Hình dung nếu có cuộc thi ăn ớt ở mình, có khi ông phải vô vòng chung kết chớ chẳng chơi. Không phải ăn kiểu nhắm vài ba trái cho the miệng ngon cơm như người ta, ông có thể ăn nguyên chén ớt như đám con nít ăn bịch kẹo. Thói quen, sở thích này làm cả đời bà ngoại lao đao khi sống với ông.

Con chuồn chuồn đậu trên nhánh ớt

Minh họa: LÊ DUY

Xứ mình, ớt có thể trồng quanh năm. Vườn nhà ngoại, đủ thứ rau trái, nhiều nhất dĩ nhiên là đám ớt. Mấy hồi bà ngoại ốm, mẹ lên viện chăm, tôi ở nhà nấu cơm cho ông, giã ớt làm mắm mà chảy nước mắt. Nên thằng cháu là tôi, thù trái ớt tợn. Nhất là những bữa lỡ tay làm ớt văng trúng mặt hay dính tay nóng rát, tôi khó chịu và cay cú vô cùng. Mùi hăng hắc của trái ớt nhiều khi ám ảnh tôi vào giấc ngủ.

Có lẽ, ông ngoại cũng bị ám ảnh bởi mùi ớt. Tôi đoán vậy. Có bữa đang ngồi uống nước trà, ông ngó nghiêng ra vườn rồi xỏ dép đứng dậy ra thăm đám ớt. Ông lựa cây bụ bẫm sai trái nhất, lá xanh um nhất rồi vun vào chậu, đem đặt cạnh bậc thềm bên hiên. Năm đó, ai vô nhà ngoại cũng ngạc nhiên, kiểu tết nhất người ta chưng bông cúc, bông thọ mà nhà ngoại lạ đời, lại chưng chậu ớt.

Ớt thì có vị cay, hiển nhiên vậy. Nhưng ông ngoại bảo, cay chỉ là cảm giác, nó chưa bao giờ được thừa nhận là vị giác. Khi ta ăn ớt hoặc tiêu, một hóa chất không màu không mùi sẽ kết hợp với thụ thể thần kinh ở lưỡi, đánh lừa cơ thể, tạo cảm giác nóng rát như lửa đốt. Kỳ thực, trên đời có năm vị: đắng, mặn, ngọt, chua và một vị cuối cùng có tên gọi là umami.

Vị có thể trôi qua và tan nhanh ở đầu lưỡi nhưng cảm giác thường là cái đọng lại lâu, đôi khi hơi phiền và gây nghiện. Tôi ngạc nhiên với những điều ông ngoại nói nhưng cũng thắc mắc thêm, người ta nghiện thứ gì đó ắt phải có lý do, căn nguyên rõ ràng chứ. Ông cười, bảo sau này lớn, tôi sẽ hiểu .

Dù có lớn bao nhiêu, tôi vẫn không hiểu lắm về con người của ông ngoại. Ông hiểu biết nhiều, luôn nhẹ nhàng với đứa cháu ngoại là tôi nhưng lại vô cùng khó tính, khắt khe với bà ngoại. Cảm giác ông bao dung đối đãi với tất cả mọi người, trừ người bên cạnh mình. Bà ngoại làm gì cũng không vừa ý của ông.

Hồi còn trẻ, lúc đi buôn có tiền, ông giành dụm được bảy cây vàng. Bà ngoại nói lấy chừng đó mua miếng đất ở trên đường lộ, sau này biết mô con cái lớn, cho nó làm của hồi môn. Còn không, về già bán lấy tiền mà sống. Ông nói, đất có ăn được mô.

Ông lấy bảy cây vàng sắm chiếc Dream màu đỏ đô, đem về chưng trong nhà, thiếu điều móc mùng cho chiếc xe cưng. Bà ngoại bước lên xe phải nhẹ nhàng, bước lên ùi ụi sẽ bị la vì ông sợ hư xe. Thành ra, bữa sau đi mô, ngoại kêu, tau đi bộ cho khỏe chân, nhờ ông bây chở thêm phiền.

Càng lớn tuổi, ông càng khó tính hơn, thêm tật lãng tai và cầu kỳ, chỉn chu trong mọi thứ. Có bữa dọn cơm ra, mâm cơm thiếu trái ớt tươi, ông đùng đùng thả đũa đứng dậy. Thường thì ớt sẵn trong vườn, trước khi dọn cơm, ngoại sẽ ra hái tầm dăm trái vô cho ông, ngoài một chén nước mắm đầy ớt có sẵn. Bữa đó đau chân, đầu óc nghĩ chuyện đâu đâu nên ngoại quên bẵng.

Lần khác, bà ngoại giặt đồ xong quên cất cái thau, để chình ình ngay giếng nước, ông đi ra, đá bể luôn thau. Bảo lần sau nhớ mà bỏ cho đúng chỗ. Lạ lùng, người lơ đãng như bà lại ở với người khó kỹ là ông.

Có điều, ông nói thì bà im lặng nên chẳng có cãi nhau ồn ã bao giờ, lời tuôn ra từ phía một người và chấm hết từ chính người đó. Hệt như mắc nợ, bà ngoại luôn khúm núm trước tất cả đành hanh khó chịu của chồng.

Bà ngoại không bao giờ ra khỏi nhà trừ lúc đi chợ và đi đám giỗ. Lỡ bữa nào bà vắng nhà hơi lâu, thể nào về, ông cũng la dấm dẳng. Tôi chỉ chứng kiến sơ sơ vài ba chuyện về nết ăn ở khó ưa của ông.

Chợt nghĩ chẳng biết giới hạn chịu đựng của bà ngoại rốt cuộc lớn đến mức nào mà chưa bao giờ nghe bà kêu ca trách móc hay oán thán một lời. Mạ tôi nói, hồi đó, nhìn thấy vậy đã chẳng thiết tha lấy chồng. Hai người đó bên nhau nhưng một người như ban ơn, người kia như chịu tội.

Hai bảy tháng Chạp năm tôi mười lăm tuổi, mẹ tôi nói ông ngoại bỏ đi rồi. Tôi nhớ dáng ngồi của bà ngoại lúc hay tin, bần thần, hụt hẫng nhưng không hề than trời van đất, không kể lể khóc gào.

Cứ như bà biết rằng ngày này trước sau chi cũng tới hay là chuyện này cũng thường thôi. Ngoại ngồi yên lặng tới trưa, mặc vài người bà con hay tin, đến nhà hỏi han, xôn xao đặt nhiều nghi vấn. Như có chắc ông ngoại bây bỏ đi hay ăn tất niên nhà nào đó rồi say nằm vạ vật đâu rồi. Có khi ngủ ở bờ ruộng hay cạnh con mương nào đó, ai mà biết.

Thế nhưng, cuộc bỏ đi của ông ngoại có nhân chứng hẳn hoi nên chẳng ai nghi ngờ chi được. Nhân chứng là tôi. Sớm đó, ông ngoại vuốt tóc tôi rồi nói bây ở nhà lo nhà cửa, ông đi đây có việc, đừng tìm.

Ngó quanh nhà, bà ngoại tự trách mình ăn ở kiểu chi mà lúc bỏ đi ông chẳng thiết tha đem theo món đồ nào, cả bộ đồ mới mua bận tết mà ông cũng không cầm theo. Đi với người ta, mặc đồ nhăn nhó họ cười cho.

Mẹ tôi nói ngoại khờ, ông đi rồi thì khỏe, mấy mẹ con bà cháu ở với nhau yên ả, không có ông già đó càm ràm. Là mẹ nói cứng miệng vậy thôi, chứ buổi trưa lại lật đật nhờ mấy chú trong làng nhắn hỏi xem ông đi hướng nào, có ai thấy tăm dạng. Tết năm đó, cả nhà chẳng ai hào hứng vui vẻ nổi. Hũ ớt dầm thơm nức ngoại ngâm sẵn cho ông phải đổ đi bởi không ai đụng vào.

Bà ngoại trở nên lặng lẽ, chậm chạp, mẹ thì ít nói hơn trước. Sợ không khí trong nhà trầm lắng, đứa con trai là tôi phải nói cười chộn rộn suốt ngày. Ngoại không còn trồng ớt nhiều như trước, quanh năm chỉ trồng đúng một cây, giữ yên trong chậu rồi đặt bên hiên như bữa ông còn ở nhà. Hễ cây này rụi, ngoại lại vun lên cây khác. Thành ra, góc hiên nhà, mùa nào, tháng nào trong năm cũng hiện diện một cây ớt xanh tươi.

Có lần, bà ngoại thở dài, chẳng hay ông bây đi với người ta có được cho ăn ớt. Thật lạ, tôi không hiểu nỗi lòng bà ngoại, như người ta ắt hận thù giận dữ, đằng này, chồng mình bỏ đi với người đàn bà khác mà ngoại còn lo lắng, quan tâm. Hoặc là ngoại nên nhẹ bẫng, nhẹ nợ như lời mẹ tôi nói, đỡ phục vụ, đỡ nghe càm ràm nhăn nhó, thân mình thoải mái hơn chớ.

Mẹ tôi hay thắc mắc hồi đó mắc mớ chi bà ngoại thương ông. Trông ông chẳng phải đẹp trai lãng tử gì, ngó cách ăn ở với nhau cũng không hẳn là yêu thương đắm đuối lắm. Nhưng bà ngoại không nói lý do. Cho đến khi làng bên tổ chức hội cướp cù, bà ngoại nằng nặc bảo tôi chở đi xem. Hôm đó là mồng bảy tết.

Làng Cẩm đông vui, người người, nhà nhà chen chân nhau trên động cát mênh mông. Bà ngoại hỏi tôi sao không đăng ký vào chơi, thanh niên phải thử thách mình chứ. Tôi cười, bảo không thích mấy trò tranh giành này, biết vui đó nhưng thấy không khí hãi hùng lắm. Ngoại cười sảng khoái, kêu tính bây y như ông ngoại.

Lễ ném cù năm xưa, bà ngoại chấm một anh chơi cù giỏi nhất làng bên. Quả cù vô tay người thanh niên ấy thì không ai giành lại được. Vóc dáng rắn chắc, người cao ráo, khỏe mạnh. Không riêng gì ngoại, con gái trong làng hôm đó nhiều người cũng ưng mắt anh trai làng nọ, cả mấy ông bà già cũng chấm người thanh niên rắn rỏi, mạnh mẽ đó làm con rể. Thanh niên chơi cù xong thì diễn ra giao lưu văn nghệ, ăn bánh uống nước chè.

Bà ngoại ngày đó trẻ đẹp có tiếng trong làng, lại hát hay nên nhiều người để ý. Hồi ấy, phong trào giữ gái làng ta còn gay gắt lắm, đố ai đem được gái làng mình đi nơi khác. Thế nhưng, ngày lễ hội xuân đang giao lưu vui vẻ, anh thanh niên chơi cù xuất sắc làng bên cũng gây ấn tượng tốt với mọi người nên ai cũng trêu đùa, ghép cặp bà ngoại với người đó.

Đến khi bên nhà trai đem trầu cau qua, bà ngoại vẫn ngờ ngợ mình được hỏi cưới bởi người cướp cù giỏi nọ. Đâu ai biết người chơi cù giỏi có anh sinh đôi chính là ông ngoại bây giờ. Nhiều lý do nhưng không ai giải thích rõ ràng tại sao người nhà ông ngoại đi hỏi vợ cho người anh chứ không phải người em.

Hồi đó thương nhau làm chi có hẹn hò như bây chừ. Từ lúc gặp ở lễ hội xuân đến ngày dạm hỏi mới thấy mặt nhau lấp ló. Bà ngoại tới lúc cưới về mới biết mình bị hớ. Cả ông ngoại cũng nhận ra người mình thương nhớ hóa ra thương nhớ người khác. Có lẽ, tại vậy nên cả đời ông bà ngoại luôn im lặng trước nhau, bởi quá bẽ bàng.

Đối diện với những nhầm lẫn, bà ngoại chọn cách im lặng, ông ngoại lại không. Bữa cơm, ông khó chịu khi nghĩ người ngồi ăn cơm với mình đây nhưng tâm tưởng để cho người khác. Hẳn rằng, bắt đầu từ hồi ấy ông ngoại tập nhai ớt để làm át đi cảm giác gì đó. Lúc về ở với nhau được hai năm, bà có đi xem hội cướp cù một lần nữa.

Sau bữa đó về nhà đã chẳng thấy ông. Ông đi đâu không rõ, vài tháng sau mới trở về, hai người lại im lặng sống với nhau. Khi có mẹ tôi, ông mới ở nhà, không rời đi khi mùa hội đến, bà ngoại cũng chẳng dám đi xem hội làng lần nào nữa. Ngoại nói năm nay chân cẳng còn mạnh thì đi, chớ mai mốt biết đâu chừng. Người ta chân khỏe họ còn dắt díu nhau đi xa được.

Người bỏ đi cùng ông ngoại là bà Đông bên làng Bàu. Mẹ nghe thì biết vậy chứ chẳng tin, vì chưa nghe ông ngoại và bà Đông quen biết nhau từ trước, cũng chưa nghe chuyện hai người có tình ý chi xưa nay.

Người làng cũng khó hiểu, bảo có khi ông ngoại dính bùa, bà Đông nghe đâu hồi trước có theo hội bói toán, làm bùa chúa gì đó. Nhưng vô lý, nếu bỏ bùa mắc mớ chi bà đi bỏ bùa ông già hom hem khó tính là ông. Chuyện người lớn là một mớ bòng bong khó hiểu. Mẹ tôi nói đi ngoài đường nhiều khi không dám dừng xe lại, người ta ngó thấy mình lại bàn tán vô ra .

Không hề báo trước, giáp tết năm tôi mười tám tuổi, ông ngoại đột ngột trở về. Vậy là ông đi đúng ba năm. Lạ lùng, hình như cũng mất chừng đó thời gian người đàn bà kia mới nhận ra mình nhầm người, y như bà ngoại năm xưa.

Bữa đó về, ông đứng chừng chừng ở bậc tam cấp bên hiên nhà, ngó chăm chăm cây ớt chỉ thiên trái chín thơm với bộ dạng thèm rớt nước miếng. Bà ngoại loay hoay đứng dậy, mang dép trật chiếc này chiếc nọ, lúng túng vuốt lại áo quần tóc tai rồi nói vọng ra cửa, rửa ráy mà vô ăn cơm. Ông ngoại đứng bần thần một lúc rồi ngoắt tôi lại gần, nói nhẹ nhàng như không, coi con chuồn chuồn đậu trên nhánh ớt ơi bây.

Năm đó, vừa hay tôi mười tám tuổi, ông ngoại bảo thanh niên trai tráng, sức vóc dồi dào rồi, mai mốt mồng bảy Tết, ra làng đăng ký chơi cướp cù ông xem...

Diệu Ái


Diệu Ái

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Thổi hồn vào tre

Thổi hồn vào tre
2024-12-07 05:45:00

QTO - Bằng đôi tay khéo léo và đầu óc sáng tạo, một cựu nhà giáo đã sáng chế ra nhiều sản phẩm độc đáo và hữu dụng từcây tre. Các sản phẩm thú vị từtre do...

Cảm hứng mới cho đề tài bất tận

Cảm hứng mới cho đề tài bất tận
2024-12-02 08:35:00

QTO - Đề tài lực lượng vũ trang (LLVT) và chiến tranh cách mạng (CTCM) vẫn luôn chiếm vị trí quan trọng, có sức hấp dẫn văn học nói riêng, các loại hình...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long