Cập nhật: Thứ 3, 11/05/2010 | 05:35 GMT+7

Chuyện một gia đình cựu tù

(QT) - Chúng tôi đến thăm gia đình cựu tù chính trị, thương binh hạng 1, Nguyễn Thị Vân Toàn. Ngôi nhà đơn sơ nằm thấp thoáng sau mảnh vườn xanh tươi cây trái. Cuộc sống gia đình bà luôn ngập tràn hạnh phúc, dù rằng cuộc chiến tranh đã gây nên nhiều vết thương khó phai theo năm tháng. Quê bà Nguyễn Thị Vân Toàn ở xã Hải Tân, Hải Lăng (Quảng Trị). Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng nên bà được giác ngộ sớm. Năm 1968, mới 13 tuổi, bà tham gia vào Ban chấp hành xã đoàn Hải Tân. Năm 14 tuổi, Vân Toàn vào du kích làm đội công tác chính trị kiêm Trưởng ban kinh tế xã Hải Tân. Vào những năm đó, giặc tăng cường các cuộc đàn áp đẫm máu nhằm khủng bố tinh thần cách mạng. Bà và người anh trai đều là những du kích dũng cảm gây cho giặc nhiều tổn thất lớn. Không may, trong một trận càn, địch xăm trúng hầm nơi bà ẩn nấp. Vân Toàn đốt tài liệu rồi bật nắp quăng lựu đạn, gây thương vong cho địch, nhưng chúng cũng bắt sống được bà. Cũng thời điểm đó, nữ du kích xã Hải Tân, chị Trần Thị Lệ Hoa cũng bị bắt.

Hạnh phúc bên cháu.

Chúng trói quặt tay hai người vào chiếc cối đạp giã gạo nằm trước sân đình rồi dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, khảo tra vị trí hầm của cán bộ, du kích, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu và thái độ khinh bỉ. Bọn chỉ huy ra lệnh lính chuẩn bị bắn hai người để thị uy, nhưng cuối cùng chúng thay đổi ý định vì tin chắc hai cô gái yếu ớt này sớm muộn cũng khai. Đây là quãng thời gian khủng khiếp nhất của một đời người con gái. Bọn ác ôn ngày đêm tra khảo dã man hai nữ du kích nhưng không khai thác được điều gì. Lúc đó họ đều ở tuổi mười tám. Vào một buổi chiều ảm đạm, địch dùng loa thông báo cho bà con sẽ bắn hai nữ du kích vào sớm hôm sau. Nghe tin này, hai người lặng lẽ nhìn nhau. Chúng bắn mình chứng tỏ chúng phải rút, thế là cuộc càn "tát nước bắt cá" thất bại. Cơ sở sẽ được móc nối, đồng đội sẽ tiếp tục cuộc chiến đấu giải phóng quê hương. Chỉ tội ba mẹ và người thân, không biết mọi người chịu đựng nổi khi nhìn cảnh hai người bị giặc giết hay không. Nước mắt Vân Toàn dàn dụa, mẹ của chị bị bệnh đau tim, chị đã hứa ngày đất nước thống nhất sẽ đưa mẹ ra miền Bắc chữa trị. "Mẹ ơi đừng buồn mà gục ngã trước mặt quân thù, con gái của mẹ ngã xuống vì quê hương. Ngày đất nước thống nhất, anh con sẽ thay con đưa mẹ đi chữa bệnh". Trong đêm dài hun hút, hai nữ du kích lặng lẽ thả hồn vào dòng sông quê hương. Thoảng đâu đây hương ngào ngạt của đồng lúa đương thì con gái. Tên lính gác ôm súng ngủ ngon lành. Quanh chiếc cối, dưới chân hai bà đứng, bọn địch nằm la liệt vì mệt mỏi, chán chường, hoang mang. Vân Toàn khinh bỉ nhìn chúng, ánh pháo sáng lập loè soi rõ chùm lựu đạn M26 bóng loáng nằm ở thắt lưng tên lính. Tay thì bị trói không cử động được, nhưng chỉ cần nén đau xoãi chân là tới. Chị từng sử dụng loại này, tầm sát thương rất lớn mà chốt an toàn lại nhạy. Hai người nhìn nhau mắm môi... và một tiếng nổ đanh vang lên trong đêm tối, địch thương vong kêu váng cả một vùng. Vân Toàn thấy mình như đang bay lên rồi một thời gian sau tỉnh dậy trong bệnh viện Ái Tử với một cánh tay rách nát được băng sơ sài. Sau đó, bà mới hay tin bà Trần Thị Lệ Hoa hy sinh tại chỗ, lựu đạn đã làm hai tên lính bị chết và 8 tên khác bị thương nặng. Mặc dù bị thương nhưng bà vẫn liên tục bị khảo tra về nguyên nhân lựu đạn nổ. Vân Toàn một mực khai không biết gì hết. Bọn địch cưa đứt cánh tay bị thương của bà rồi đưa vào nhà giam Phú Tài, Quy Nhơn, sau đó đưa vào giam cầm tại nhà lao Cần Thơ. Trong nhà lao, Vân Toàn cùng đồng đội lao vào cuộc chiến đấu mới trên mặt trận mới. Bà luôn đứng đầu trong các cuộc đấu tranh chống chào cờ ba que, chống đúc bê tông xây lô cốt, chống ngược đãi tù nhân... Với chất giọng mượt mà, lại thuộc nhiều bài ca cách mạng, Vân Toàn được chị em trong tù bầu làm đội trưởng đội văn nghệ. Đêm đêm, lời ca tiếng hát ca ngợi cách mạng, Bác Hồ cứ vang lên. Vân Toàn lại dạy cho chị em học chữ bằng cách lấy nhọ nồi chùi nhiều lần lên tấm ván ép, lấy gạch mài nhẵn làm phấn. Một thời gian sau, chị em trong tù đều đọc và viết thành thạo. Vân Toàn được kết nạp Đảng ngay tại nhà lao, trong hầm than đá ở nhà lao Cần Thơ. Ngày 15/2/1973, bà và đồng đội được trao trả tại sân bay Lộc Tấn, Cần Thơ. Bà Nguyễn Thị Định đích thân đến đón và cảm động ôm chặt từng người. Sau này, bà thường kể lại chuyện xưa cho con cháu về truyền thống cách mạng của gia đình, tình yêu quê hương đất nước mà cố gắng phấn đấu học tập, công tác. Những lúc ấy, ông Nguyễn Văn Hiện lặng lẽ ngồi bên, nhẹ nhàng nâng niu phần cánh tay còn lại của vợ. Nhiều đêm bà bị vết thương hành hạ, ông thức trắng chăm sóc với mong muốn phần nào làm dịu bớt cơn đau của bà. Bởi ông cũng là một cựu tù, một chiến sĩ thanh niên xung phong chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt. Tấm gương dũng cảm của ông đến bây giờ vẫn được đồng đội nhắc đến như một người anh hùng. Đó là lần ông đưa đoàn cán bộ cao cấp vào Nam an toàn và quay về thì bỗng gặp máy bay địch. Vốn dày dạn kinh nghiệm, ông đã chọn một nơi ẩn nấp an toàn. Nhưng từ vị trí quan sát, ông phát hiện bộ đội sư đoàn 308 cũng đang hành quân mang theo nhiều khí tài và thương binh nặng. Họ sẽ bị địch phát hiện và tổn thất là khó tránh khỏi. Ông quyết định nhanh chóng huỷ tài liệu và lao khỏi nơi ẩn nấp chạy ngay trước mũi máy bay để đánh lạc hướng địch. Máy bay địch mắc mưu đuổi theo ông, đạn bắn như vãi trấu xung quanh. Mặc, đằng nào cũng hi sinh, nhưng kéo chúng càng xa đồng đội càng tốt, ông lại chạy càng nhanh hơn. Rồi ông bị trúng đạn và bị địch bắt, cũng bị tra tấn vào sống ra chết từ phòng thẩm vấn quân đội tại Ái Tử đến phòng Nhì Đà Nẵng. Ông một mực khai là dân công bị lạc đường. Chúng đưa ông ra nhà tù Phú Quốc cùng nhiều đồng chí khác. Cũng như Vân Toàn, ông thường đi đầu trong mọi cuộc đấu tranh tại Phú Quốc. Thân thể ông chằng chịt thương tích, quần áo không còn miếng lành lặn. Ông nhớ lại: "Lúc đó thấy tôi không có mảnh vải che thân, trong tù đã vận động mọi người lấy dây buộc quần của mình kết thành vải may quần mặc tạm. Gom góp được 38 đoạn dây, sau đó tháo màn tuynh làm chỉ khâu kết thành một cái quần lót đủ che đến bẹn. Từ đó anh em tù di chuyển phải một tay giữ quần vì không còn dây buộc. Chiếc quần đó hiện đang được trưng bày tại Viện bảo tàng Quốc gia, Hà Nội". Ngày 2/9/1972, ông Nguyễn Văn Hiện được tổ chức kết nạp Đảng ngay trong tù. Năm 1973, ông và đồng đội được địch trao trả tại sông Thạch Hãn. Năm 1975, hai người đã gặp nhau tại Khu an dưỡng Đồ Sơn, Hải Phòng và nên duyên vợ chồng. Lúc đó bà Vân Toàn là phát thanh viên chương trình thời sự của khu an dưỡng. Chiến tranh đi qua, họ lại trở về với cuộc sống đời thường. Căn nhà của gia đình cựu tù chính trị Nguyễn Thị Vân Toàn tại thôn Đường 9, xã Cam Hiếu, Cam Lộ không ngớt tiếng nói cười của trẻ thơ hiền ngoan. Tiếp nối truyền thống gia đình, ba người con của ông bà đã nỗ lực phấn đấu và trở thành kỹ sư, bác sĩ, giáo viên. Giờ đây, mỗi dịp lễ, ông bà lại cùng nhau đến thăm những người đồng đội cũ, để cùng nhau ôn lại những năm tháng chiến đấu hào hùng giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Bài, ảnh: Minh Tuấn



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Gia đình đoàn viên công đoàn tiêu biểu
22:23 27/06/2023

Nhiều năm nay, vợ chồng ông Nguyễn Đăng Bảo - bà Lê Thị Hồng Vân ở Khu phố 2, Phường 5, TP. Đông Hà luôn phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia ...

Bên ni, bên nớ Hiền Lương

Bên ni, bên nớ Hiền Lương
4 giờ trước

QTO - Trong ngày nắng đẹp hiếm hoi của tháng chạp năm Giáp Thìn, tôi đi dọc theo con đường bê tông đê tả Bến Hải để tìm về những vùng đất anh hùng của Vĩnh...

“A, bê, xê” hay “a, bờ, cờ”?

“A, bê, xê” hay “a, bờ, cờ”?
22:15 10/05/2010

(TTO) - Trong khi ngành giáo dục vẫn giữ quan điểm phát âm hệ thống chữ cái theo “a, bờ, cờ” cho học sinh tiểu học dễ ghép vần thì nhiều nhà nghiên cứu lại cho rằng cần thống...

Thiếu giáo viên, chất lượng trường nghề thấp

Thiếu giáo viên, chất lượng trường nghề thấp
22:15 10/05/2010

(TPO) - Các trường và trung tâm dạy nghề ở ĐBSCL thiếu giáo viên trầm trọng. Nhiều trường “xé rào” quy định để tuyển dụng nhưng vẫn không đủ, giáo viên phải gồng mình dạy tăng...

Lão hóa răng miệng ở người cao tuổi

Lão hóa răng miệng ở người cao tuổi
22:14 10/05/2010

(SK&ĐS) - Ở người cao tuổi (NCT), bệnh lý toàn thân xuất hiện ngày càng nhiều ảnh hưởng đến răng miệng và ngược lại, những suy thoái ở răng miệng cũng tác động đến sức khỏe...

Chăm sóc “vùng kín” cho bé

Chăm sóc “vùng kín” cho bé
22:13 10/05/2010

(SK&ĐS) - Nếu có con, bạn sẽ thấy việc chăm sóc, vệ sinh cơ thể cho trẻ khá phức tạp. Những người may mắn có đủ “nếp lẫn tẻ” càng thấy bối rối hơn trước việc đó.

Thời tiết

16°C - 21°C
Có mây, không mưa
  • 17°C - 20°C
    Nhiều mây, có mưa, mưa rào
  • 16°C - 19°C
    Nhiều mây, có mưa nhỏ
POWERED BY
Việt Long