Cập nhật: Thứ 4, 16/04/2008 | 21:08 GMT+7

Chuyện làm rau ở Đông Thanh

Mấy năm gần đây, phường Đông Thanh được biết đến như là một trong những nơi cung cấp nguồn rau sạch cho thị trường, chủ yếu là thị xã Đông Hà. Nhưng từ một vùng đất lúa có truyền thống thâm canh cao, nông dân Đông Thanh lại chuyển sang nghề trồng các loại rau màu, đó là cả một quá trình chuyển biến về nhận thức, phản ánh tư duy làm ăn nhanh nhạy, thích ứng và hiệu quả của người dân vùng ven đô này.

Địa bàn Đông Thanh trải dọc theo bờ bắc sông Hiếu, kéo một vệt từ mé chân cầu Đông Hà tới giáp thôn Mộc Đức, Trương Xá của xã Cam Hiếu, Cam Lộ. Do đặc thù cận giang nên cứ mỗi mùa lũ về, nước sông Hiếu tràn vào đồng bãi, xóm làng, gây ngập úng, có khi rất dài ngày. Nước rút, phù sa ở lại. Phù sa đắp bồi cho đất đai nơi đây năm này qua năm khác, luôn có độ phì nhiêu, tơi xốp. Cây cối gieo trồng trên đất phù sa, không cần chăm bón nhiều vẫn tươi tốt quanh năm. Người dân Đông Thanh nổi tiếng cần cù, chịu khó, khéo tay, hay làm. Đông Thanh là đất trăm nghề. Cái thế cận thị, cận giang đã góp phần tạo nên tính năng động trong cung cách làm ăn của người dân nơi đây. Làm giá đỗ, bún bánh, ngành nghề, dịch vụ, chăn nuôi, làm lúa...đủ cả. Mà làm nghề gì cũng để lại "thương hiệu" khó quên. Giá đỗ chẳng hạn. Nhiều vùng làm giá đỗ, những giá đỗ Đông Thanh không nơi đâu bì kịp. Riêng về làm lúa, nông dân Đông Thanh rất có kinh nghiệm thâm canh, năng suất cũng luôn ổn định ở mức cao. Vậy nhưng vài năm trở lại đây, nông dân trên địa bàn lại chuyển dần sang trồng rau màu, chuyên tâm rau sạch, rau an toàn. Tôi hỏi ông Phạm Văn Tường, Chủ nhiệm HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Đông Thanh: - Chuyển dần từ làm lúa sang làm rau, ông vận động bà con thế nào? -Không vận động bằng lời nói, mà thuyết phục nông dân thông qua hiệu quả kinh tế đích thực- ông Tường mau mắn. Chỉ cần làm một bài toán thống kê là sẽ có câu trả lời ngay sau đây: Nông dân chúng tôi làm một sào màu, đầu tư trung bình 5 tạ phân chuồng, 20 kg phân NPK, 10 kg phân đạm, 5 kg kali hết khoảng 300 ngàn đồng. Chi phí tiền điện 50 ngàn đồng. Tổng cộng là 350 ngàn đồng. Người trồng rau bỏ ra 20 công, kể cả làm đất, chăm bón, thu hoạch với cường độ lao động không cao. Khi thu hoạch, một sào rau (như rau cải chẳng hạn) được xấp xỉ 1000 bó. Một bó bán ra 1500 đồng. Một sào sẽ thu được 1,5 triệu đồng. Một năm thời tiết thuận lợi có thể làm tới 4-5 lứa rau. Thu nhập của người trồng rau sẽ có từ 7- 8 triệu đồng trong một năm. Đối chứng với trồng lúa. Chi phí vật tư cho một sào lúa gồm 10 kg phân đạm (90 ngàn đồng), 5 kg kali (45 ngàn đồng), 10 kg phân NPK (90 ngàn đồng), thuốc trừ cỏ, trừ sâu (20 ngàn đồng), công làm đất (70 ngàn đồng), công gặt (100 ngàn đồng), công tuốt và vận chuyển (30 ngàn đồng), thủy lợi phí một sào 10 kg lúa (50 ngàn đồng). Tổng cộng chi phí để làm một sào lúa khoảng 500 ngàn đồng, chưa kể giống má và công chăm sóc. Sau khi trừ toàn bộ chi phí, mỗi sào lúa còn lãi được không quá 500 ngàn đồng. Trong lúc đó một năm nếu mưa thuận hòa cũng chỉ thâm canh được 2 vụ lúa, thu được xấp xỉ 1 triệu đồng trên một sào canh tác... Tôi tìm đến nhà anh Hồ Tất Tăng, một người trồng rau nổi tiếng ở Đông Thanh. Căn nhà xây khang trang vắng bóng người. Láng giềng cho biết, 2 đứa con của anh đang học đại học, một đứa út học phổ thông trung học. Tiền làm nhà, tiền nuôi con, nhờ cả vào rau. Trò chuyện bên ruộng rau, anh Tăng cũng vẫn làm việc không ngơi tay. Anh cho biết, nhà làm 4 sào rau. Nhờ tìm hiểu kỹ thuật kỹ càng, từ khâu làm đất, bón phân, thiết kế hệ thống phun sương, chọn lựa giống rau, mùa nào thức ấy, đã làm là đầu tư đủ độ, chuyên tâm và cần mẫn mới có thu nhập. Tính ra, một sào rau nhà anh Tăng thu được 8 triệu đồng, 4 sào cho số thu trên 30 triệu đồng một năm. 30 triệu là nguồn thu không nhỏ đối với một gia đình nông dân vùng đất chật, người đông. "Nếu có đất, làm rau sẽ mau giàu hơn làm lúa", anh Tăng quả quyết. Chủ nhiệm Phạm Văn Tường cho rằng, thâm canh rau sạch, rau an toàn là đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và bức thiết của người tiêu dùng. Đó là bán ra cái thị trường cần, chứ không bán ra cái mà nông dân đang có. Lại nữa, vấn nạn ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ nguồn rau trôi nổi trên thị trường đã làm cho người tiêu dùng lo lắng, quan ngại. Sản xuất ra loại rau sạch, rau an toàn trước hết là vì sức khỏe cộng đồng, sau nữa cũng chính vì sức khỏe của người trồng rau. Người trồng rau bây giờ không còn tiếp xúc trực tiếp với các loại hóa chất độc hại nữa. Bên cạnh nhiều lợi ích kinh tế do rau sạch đem lại, yếu tố đảm bảo sức khỏe cũng là một lý do khiến cho người dân chuyển nghề từ làm lúa năng suất thấp sang làm rau sạch, rau an toàn ngày càng nhiều. Nói chuyển sang làm rau là quá trình chuyển biến về nhận thức là vậy đó.

Chủ nhiệm Phạm Văn Tường cho biết: Diện tích rau quả các loại ở Đông Thanh có biến động qua từng năm, nhưng bao giờ hiệu quả đem lại cũng khá cao. Từ năm 2004, diện tích gieo trồng cả năm riêng về rau quả các loại là 37 ha. Bình quân giá trị thu nhập từ 1 ha rau màu là 39,62 triệu đồng/năm. Năm 2005, diện tích rau quả các loại là 42 ha. Bình quân giá trị thu nhập 1 ha rau quả đạt 46,19 triệu đồng/ năm. Đến năm 2006 toàn HTX thâm canh 56 ha rau quả các loại. Bình quân giá trị thu nhập 1 ha rau quả đạt 48,6 triệu đồng/ năm. Năm 2007 vừa qua, ngoài việc duy trì diện tích rau quả, rau màu hiện có, HTX phối hợp với các khu phố chỉ đạo thực hiện chương trình sản xuất rau an toàn, chuyển giao KH-KT, tập trung chỉ đạo thực hiện 2,5 ha tại khu phố 7,8,9. Đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới, vườn ươm, bể lắng lọc, thành lập tổ sản xuất, tiêu thụ, từng bước xây dựng thương hiệu rau an toàn. Từ vùng sản xuất rau an toàn này, bước đầu đã đạt mức thu nhập bình quân 90 triệu đồng/ ha/ năm. -Trăn trở nhất của chúng tôi hiện vẫn là việc xây dựng thương hiệu và đưa rau an toàn tiếp cận với thị trường, với người tiêu dùng- Ông Phạm Văn Tường bộc bạch. Mỗi ngày có xấp xỉ 3 tạ rau an toàn từ Đông Thanh xuất bán ra thị trường, nhưng cung không đủ cầu. Chúng tôi nhận thức được rằng, để xây dựng thương hiệu rau an toàn của Đông Thanh thì bên cạnh tuân thủ nghiêm túc quy trình sản xuất, kiểm định chất lượng, phải có hệ thống phân phối được tổ chức hợp lý, tiện dụng, tiếp cận nhanh nhạy với người mua, chứ không duy trì kiểu người mua mua sỉ tại ruộng và đưa đi bán ở đâu, không rõ. Như vậy thì từ rau sạch, người bán có thể để lẫn lộn với nguồn rau chưa được kiểm định, gây lo lắng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên hiện vấn đề này còn khá ách tắc. Chúng tôi đã tổ chức nhiều chuyến khảo sát các chợ chính như chợ Lê Lợi, chợ phường 5, chợ phường 3... nhưng đáng buồn là không chợ nào còn chỗ để bố trí quầy rau một cách đắc địa. Hầu như tất cả diện tích chợ đã có chủ, không chen "chân" vào được. Chợ Đông Hà cũng nằm vào hoàn cảnh tương tự. Rau sạch Đông Thanh cũng chưa vào được siêu thị Quảng Hà...

Quả thật, tưởng giản đơn nhưng chỉ riêng trồng rau, bán rau ở Đông Thanh vẫn đang là một câu chuyện dài...

Bài và ảnh: Đào Tâm Thanh

Tìm chỗ đứng cho rau an toàn

"Trồng rau, mau giàu hơn lúa"



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Giá nhiều loại rau, củ tăng mạnh do mưa rét
22:40 28/12/2022

Khác với mọi năm, vụ đông, đông xuân là thời điểm rau, củ các loại không chỉ tươi ngon, phong phú về chủng loại, mà giá luôn ổn định do nguồn cung dồi dào. Thế ...

Khẩn trương thu hoạch lúa vụ đông xuân
22:30 24/04/2024

Vụ đông xuân năm nay toàn tỉnh gieo cấy được gần 26.000 ha lúa. Nhờ thời tiết ấm hơn mọi năm nên cây lúa phát triển thuận lợi và rút ngắn thời gian sinh trưởng ...

Hăng hái làm giàu từ đồng đất ven đô
22:20 14/05/2023

Khai thác lợi thế về đất đai của vùng ven đô, những năm qua nhiều hộ nông dân ở phường Đông Giang, TP. Đông Hà đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu ...

Thời tiết

27°C - 37°C
Ít mây, trời nắng nóng gay gắt
  • 27°C - 36°C
    Ít mây, trời nắng nóng
  • 26°C - 36°C
    Ít mây, trời nắng nóng
POWERED BY
Việt Long