Cập nhật:  GMT+7

Chuyện kể về một lão nông "ba nhất"

Đến Trà Liên Tây, chúng tôi ghé vào quán nước bên đường hỏi thăm nhà ông Bùi Lư, chị chủ quán vui vẻ: "Cô bốc thuốc hay tìm ông ấy hỏi cách làm ăn?", rồi người phụ nữ chỉ tay về phía đồng lúa cuối thôn: "Cứ đi vào đấy, hỏi nhà ông Lư "ba nhất" thì ai cũng biết". Ngoài 60 tuổi, ông Bùi Lư ở thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang, Triệu Phong vẫn giữ được phong thái ung dung, cứng cỏi của một lão nông dân thứ thiệt. Gấp vội cuốn sách thuốc nam, rít hơi thuốc lào nhả khói đặc quyện, ông Lư nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp. Trước đây, vợ chồng ông làm quần quật suốt ngày, hết đồng ruộng lại lên rừng đốn củi, mùa mưa lại đem lưới ra sông bắt cá bắt cua kiếm kế sinh nhai. Năm 1996, hợp tác xã huy động nhân dân trồng dâu nuôi tằm, mô hình trồng cây mới nên mọi người còn e dè không dám làm. Ông Lư dùng diện tích mấy chân ruộng thiếu nước, đấu thêm đất hoang của hợp tác để trồng dâu, thả tằm. Hồi hộp đợi chờ, chỉ sau vài tháng, ruộng dâu nhà ông đã cho màu xanh, rồi cho thu hoạch, sản phẩm dâu tằm được nhập cho nhà máy địa phương. Từ sự quyết đoán của mình, năm ấy gia đình ông có thu nhập cao từ nghề trồng dâu nuôi tằm, đưa gia đình thoát khỏi khó khăn. Từ đó, ông Lư được mọi người đặt cho biệt danh "ông Lư dâu tằm". Làm được gần 3 năm, nhà máy tơ tằm giải thể, không có đầu ra cho cây dâu tằm, ông Lư xoay chuyển hướng làm ăn. Thấy bà con nông dân làm ruộng nhiều nhưng cứ đến mùa "Con trâu đi trước, cái cày theo sau" nhiều lúc không kịp thời vụ, ông Lư gom góp tiền sắm chiếc máy cày, vừa cày ruộng cho gia đình, vừa phục vụ những bà con có nhu cầu. Nhờ biết tính toán làm ăn, mùa trước mùa sau ông liên tục sắm thêm máy xay xát, máy tuốt lúa, xe công nông rồi máy cưa xẻ gỗ. Ông "Lư dâu tằm" năm nào giờ lại trở thành người đầu tiên của xã Triệu Giang mang cơ giới hóa về với bà con nông dân. Năm 2003, khi bà con nông dân trong xã làm ăn giỏi lắm mỗi năm thu nhập được vài chục triệu thì sau khi trừ chi phí, "ông Lư cơ giới" bỏ túi trên 120 triệu đồng. Sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc, đêm đêm ông Lư tranh thủ đọc thêm sách, rồi đem cây thuốc nam về trồng trong vườn nhà. Trong những buổi ra đồng, ông tranh thủ kiếm thêm lá thuốc, đem sao vàng hạ thổ, bốc thành thang dự trữ trong nhà, khi bà con lối xóm hay trong gia đình ai bị đau đầu, mỏi gối có sẵn thuốc để điều trị. Các con ông ngày một lớn khôn, phụ giúp ông rất nhiều trong việc quản lý cơ ngơi mà ông gây dựng nên lại nhờ biết chắt chiu, tính toán, gia đình ông phát đạt trông thấy. Khi quy mô nhà xưởng, máy móc mở rộng, ông đảm bảo việc làm cho 12 lao động với mức lương 1-1,2 triệu đồng/ tháng. Trong gia đình, bà Trịnh Thị Sen vợ ông tận dụng đất trong vườn trồng thêm rau màu, nuôi thêm lợn nái, lợn thịt, gà, vịt mỗi năm cũng thu thêm từ 30-40 triệu đồng. Năm 2007, sau khi trừ chi phí, ông Lư thu lãi 191 triệu đồng, trở thành triệu phú nhà nông đầu tiên của địa phương. Với quyết tâm không để nghề gia truyền của tổ tiên mai một, ông có một tâm nguyện rất lớn là phải phát triển nghề thuốc nam sau đó truyền lại cho đời sau. Giờ tuổi đã cao, tạm gác lại những lo toan bươn chải làm kinh tế, ông Lư chuyên tâm vào nghề gia truyền. Người dân nơi đây đã quen thuộc với hình ảnh ông Lư bốc thuốc nam. Trừ những bệnh cấp tính phải đến bệnh viện, phải điều trị thuốc tây, còn cảm cúm, đau bụng hay nhức mỏi xương khớp, mọi người thường tìm đến với người "thầy thuốc nông dân" này để chữa bệnh, tiền vừa rẻ lại có tác dụng lâu dài. Là người chuyên đi sưu tầm những bài thuốc dân gian, ông dậy từ 4-5 giờ sáng đi tả lá thuốc, trời chập tối ông Lư mới trở về nhà. Những cây thuốc dân gian như: Lá lốt, mơ đỏ, rễ tranh, cỏ xước đỏ, xương rắn, táy tía, thảo đát, đu đủ, dương trầm, linh kiệt, trái dứa hoang, rễ chuối sứ...tất cả được ông sưu tập cẩn thận, đem về băm nhỏ, phơi nắng khô giòn, sao vàng hạ thổ, tùy theo bệnh tình của bệnh nhân để bốc thang phù hợp. Năm 2004, bà Sen bị thấp khớp nặng, uống những bài thuốc cũ không khỏi, ông lặn lội đem vợ vào thầy thuốc nam Huế. Những bài thuốc hoàn toàn mới xuất phát từ những cây cỏ tự nhiên đã chữa khỏi bệnh cho bà Sen. Phấn khởi khi vợ được chữa khỏi bệnh, và cũng chính từ đó, ông Lư nhận thấy mình cần phải học hỏi nhiều hơn nữa, ông muốn đem những bài thuốc ấy về chữa bệnh cho bà con quê ông bởi" bà con nông dân thường mắc chứng thấp khớp, nhất là những người lớn tuổi ở Huế". Cảm động trước tấm lòng của một "thầy thuốc làng", người thầy thuốc đã tận tình bày cho ông Lư cách chữa một số bệnh thường gặp từ những cây thuốc nam. Như được tiếp thêm sức mạnh, từ ngày đó, ông Lư mua thêm nhiều sách về nghề thuốc nam đọc, nghiên cứu, điều gì không rõ ông học hỏi thêm. Ngày đi hái thuốc cách nhà 20-30 km, đêm về miệt mài bên chồng sách về các cây thảo dược. Nhờ say mê tìm tòi, đến nay ngoài những bệnh thông thường, ông Lư còn bốc thuốc để chữa đái tháo đường, sỏi thận... hiệu quả từ những cây thuốc nam có sẵn ở địa phương. Vào những ngày hè, trời nắng là môi trường tốt để phơi lá thuốc khô, một phần ông sao làm nguồn thuốc dự trữ cho mùa đông sắp tới, còn phần lớn ông Lư đem nhập thuốc nam cho các nhà chùa ở Thừa Thiên Huế, tạo thêm thu nhập. Mỗi năm, riêng cây thuốc nam cũng đem lại thu nhập cho gia đình ông từ 10-15 triệu đồng. "Nếu có điều kiện, tôi sẽ theo học thêm về nghề thuốc nam này, tìm hiểu kỷ hơn về tác dụng của mỗi loại thảo dược, đồng thời nhân rộng mô hình trồng cây thuốc nam trên địa bàn toàn xã", ông Lư tâm sự. Hiện nay, ông đang tiếp tục nghiên cứu về phương pháp phòng và chữa một số bệnh ung thư từ cây thảo dược, với hy vọng rằng mình sẽ làm được một điều gì đó nhằm phát huy nghề truyền thống thuốc nam của tổ tiên. Bài, ảnh: Lệ Như



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Chuyện con tôm thẻ chân trắng ở Trung Giang

Chuyện con tôm thẻ chân trắng ở Trung Giang
2008-08-20 08:55:17

Ngồi trong trại tôm thấp lè tè và nóng bức, chỉ tay ra đầm tôm đang tung bọt trắng xóa bởi 3 guồng tạo ô xy chạy "lút ga", anh Nguyễn Văn Vệ nửa buồn nửa vui nói với tôi: "Đã...

Làm giàu từ mô hình RAC

Làm giàu từ mô hình RAC
2008-08-11 14:54:59

17 ha rừng, 2,5 ha ao cá, hàng trăm con lợn, gà... đó chính là cơ ngơi mà gần 20 năm nay, ông Trần Lương Cương xây dựng nên. "Quá trình làm giàu như người thợ rèn mài một thanh...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết