Cập nhật: Thứ 6, 10/08/2018 | 06:55 GMT+7

Chung tay vì nạn nhân chất độc da cam

(QT) - Cách đây tròn 57 năm, ngày 10/8/1961 chuyến bay đầu tiên phun rải chất độc hóa học (CĐHH) do máy bay Mỹ thực hiện tại Quốc lộ 14, nằm ở phía bắc thị xã Kon Tum và từ đó đến năm 1971, quân đội Mỹ tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải hơn 80 triệu lít CĐHH, 61% trong đó là chất độc da cam xuống gần 26.000 thôn, bản; bằng 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam, trong đó có 86% diện tích bị phun rải 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần.

Trao quà hỗ trợ cho người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở thị xã Quảng Trị. Ảnh: PV

Với một lượng CĐHH khổng lồ như vậy và được phun rải lặp đi, lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, đã khiến cho môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn, nhiều cánh rừng bị tàn phá, đa dạng sinh hoạt bị suy thoái, một số loài động vật, thực vật bị tuyệt chủng. Đặc biệt nguy hiểm là CĐHH đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam gây ra bao thảm cảnh đau lòng. Hàng trăm ngàn nạn nhân đã chết, hàng trăm ngàn người đang hằng ngày vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, đang chết dần, chết mòn bởi những căn bệnh quái ác, nhiều phụ nữ không còn cơ hội làm vợ, làm mẹ, hàng trăm ngàn trẻ em sinh ra không đủ hình hài, không được quyền sống, quyền làm người. Nghiêm trọng hơn, ở Việt Nam CĐHH đã truyền qua thế hệ thứ 4 (theo thống kê chưa đầy đủ hiện cả nước có hàng trăm ngàn người thuộc thế hệ thứ 2, hơn 35.000 người thuộc thế hệ thứ 3, hơn 2.000 người thuộc thế hệ thứ 4 ). Tất cả là do di chứng CĐHH/dioxin gây ra.

Giải quyết hậu quả CĐHH, hàn gắn vết thương chiến tranh vừa là lương tâm, vừa là trách nhiệm đối với những người đã chiến đấu vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, vừa là vấn đề xã hội, nhân đạo đối với đồng bào bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin. Do vậy, mặc dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Chính phủ rất quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách để khắc phục hậu quả CĐHH. Từ tháng 10/1980, Chính phủ thành lập Ủy ban đặc biệt điều tra hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Ngày 1/3/1999, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Thông báo kết luận số 292/BBT-TW về việc giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC là vấn đề vừa lâu dài, vừa quan trọng, cấp bách hiện nay. Ngày 14/5/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 43/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Quảng Trị là địa bàn chịu hậu quả CĐHH rất nặng nề. Theo điều tra của ngành Lao động- TB&XH vào năm 1999, toàn tỉnh có 8.208 hộ với 15.485 nạn nhân chất độc da cam; trong đó nhiễm trực tiếp là: 8.208 người, gián tiếp là 7.277 người. Trong 8.208 hộ thì hộ có 1 nạn nhân là 3.243 hộ, hộ có 2 nạn nhân là 3.613 hộ, hộ có 3 nạn nhân là 874 hộ, hộ có 4 nạn nhân là 254 hộ và hộ có 5 nạn nhân trở lên là 224 hộ. Để góp phần bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần, giúp các nạn nhân da cam vươn lên hòa nhập cộng đồng, ngày 9/5/2006, Hội Nạn nhân da cam/dioxin tỉnh được UBND tỉnh Quảng Trị ra Quyết định thành lập (nay là Hội NKT, NNDC, Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị ).

Kể từ năm 1998 đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã 3 lần thông qua pháp luật ưu đãi người có công, Chính phủ ban hành 11 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 12 Quyết định; các Bộ, ban, ngành liên quan ban hành hơn 30 hướng dẫn thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đối với nạn nhân chất độc da cam. Theo đó, đối tượng tham gia kháng chiến nhiễm CĐHH được hưởng trợ cấp hằng tháng như người có công với nước; đối với con đẻ nhiễm CĐHH cũng được hưởng chế độ trợ cấp, chế độ BHYT, miễn giảm học phí, phục hồi chức năng và các chế độ ưu đãi khác. Tính đến nay đã có hơn 400.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng, riêng Quảng Trị đã giải quyết chế độ cho hơn 4.500 người tham gia kháng chiến nhiễm CĐHH. Đối với người dân và các đối tượng khác bị nhiễm CĐHH cũng được nhà nước có chính sách theo nhóm xã hội về bảo trợ xã hội như người khuyết tật, người nghèo, như trợ cấp xã hội hằng tháng, trợ cấp đột xuất, hỗ trợ nhà ở, các phương tiện đi lại, hỗ trợ học văn hóa, học nghề và tìm kiếm việc làm.

Vận động nguồn lực để giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của Hội NKT, NNDC, Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh. Hơn 12 năm qua, các cấp hội từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động, tích cực triển khai nhiều hình thức vận động như trực tiếp vận động, đăng thư ngõ, lời kêu gọi trên các phương tiện thông tin đại chúng; lập dự án kêu gọi các nhà tài trợ, vận động người dân, láng giềng, người thân, bạn bè, anh em dòng tộc trực tiếp giúp đỡ nạn nhân. Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, gia đình nạn nhân chất độc da cam là sứ mệnh nghĩa tình của tổ chức hội. Hình thức chăm sóc giúp đỡ ngày càng đa dạng, mang tính bền vững. Các hình thức áp dụng rộng rãi như thăm hỏi, tặng quà trợ giúp đột xuất, thăm khám cấp thuốc miễn phí, tặng nhà tình thương, tặng các dụng cụ sinh hoạt, phương tiện đi lại, hỗ trợ vốn làm kinh tế gia đình, hỗ trợ vốn nuôi bò cái sinh sản để nâng cao đời sống, xây dựng Trung tâm nuôi dạy, phục hồi chức năng cho các nạn nhân chất độc da cam. Tổng số tiền và hiện vật quy tiền trong 12 năm qua là hơn 30 tỷ đồng. Từ số tiền và hiện vật vận động được, các cấp hội từ tỉnh đến xã đã tặng hơn 35.000 suất quà, tặng hàng trăm nhà tình thương, hơn 500 chiếc xe lăn, xe lắc, xe đạp, hơn 500 con bò giống, lợn giống sinh sản để phát triển sinh kế. Đặc biệt đã xây dựng Trung tâm nuôi dạy NNDC và trẻ khuyết tật với quy mô nuôi dạy là 90 đối tượng. Từ ngày 1/1/2018 Hội NKT, NNDC, Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã bàn giao trung tâm lại cho Trường trẻ em khuyết tật tỉnh để nuôi, dạy chữ, dạy nghề và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật và cho các nạn nhân chất độc da cam có điều kiện, cơ hội học tập, phục hồi chức năng được tốt hơn. Tính riêng từ ngày hợp nhất hội đến nay vừa tròn 1 năm, Hội NKT, NNDC, Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã vận động quỹ của hội, kể cả hiện vật hơn 10 tỷ đồng để chăm lo cho NKT, NNDC và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cuộc sống.

Có được những kết quả đạt được hơn 12 năm qua, trước hết là nhờ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự quan tâm của các Bộ, ngành Trung ương, của Trung ương Hội Nạn nhân chất độc dacam/dioxin, của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, các tổ chức phi chính phủ; sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ VN tỉnh, các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh, các tổ chức, đơn vị, cá nhân và nhân dân tỉnh Quảng Trị đã đồng hành vì nạn nhân dacam/dioxin; tạo mọi điều kiện, ủng hộ tiền và vật chất để các cấp hội trong tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hy vọng trong thời gian tới, Hội NKT, NNDC, Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm của Trung ương Hội, lãnh đạo tỉnh, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước... nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NKT, NNDC và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Lê Văn Dăng



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Đồng hành với nạn nhân chất độc da cam
23:46 21/04/2024

Tiếp tục triển khai phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” và Chỉ thị 43/CT-TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối ...

Tấm lòng của một Việt kiều với quê hương

Tấm lòng của một Việt kiều với quê hương
23:47 07/08/2018

(QT) - Khi hay tin bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh, Việt kiều ở Mỹ qua đời, người dân làng An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong ai cũng thương tiếc. Ở làng An Cư, nhiều công trình...

Tấm lòng của một cô giáo vùng cao

Tấm lòng của một cô giáo vùng cao
22:15 06/08/2018

(QT) - Nhằm củng cố, bồi dưỡng thêm kiến thức cho học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, cứ vào dịp hè, cô giáo Nguyễn Thị Nga, giáo viên Trường Tiểu học Hướng Phùng,...

POWERED BY
Việt Long