Cập nhật: Thứ 6, 25/04/2014 | 06:55 GMT+7

Chủ động ứng phó với dịch bệnh sởi

(QT) - Mặc dù bắt đầu có dấu hiệu chững lại về số trường hợp mắc mới song dịch bệnh sởi vẫn đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn quốc. Ở Quảng Trị, bệnh sởi đã bắt đầu vào mùa với việc ghi nhận 2 ca dương tính đầu tiên. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị chu đáo cả về công tác dự phòng lẫn điều trị của ngành Y tế, đến nay, có thể nói Quảng Trị vẫn đang chủ động ứng phó hiệu quả với mọi diễn biến của bệnh sởi trên địa bàn. Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh sáng đầu tuần tất bật với việc thăm khám, xem xét hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc cho hơn 100 bệnh nhi đang điều trị nội trú tại khoa. Đối lập với không khí tất bật, hối hả đó là căn phòng đặc biệt dành cho bệnh nhi Đào Như Mạnh, chưa tròn 9 tháng tuổi, ở xã Trung Sơn, huyện Gio Linh. Bệnh nhi này đang được theo dõi, điều trị cách ly bởi những triệu chứng rất điển hình của bệnh sởi. Bác sĩ Bùi Thị Ngọc Oanh, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: “Cháu Mạnh nhập viện trong tình trạng sốt, ho, mắt kèm nhèm, chảy nước mắt, nước mũi và phát ban khắp cơ thể. Từ các biểu hiện lâm sàng rất điển hình của bệnh sởi ở bệnh nhi này, ngoài việc điều trị tích cực tại khoa, chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để lấy mẫu máu và mẫu dịch ngoáy họng gửi làm xét nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang và đang đợi kết luận trả lời về tình trạng bệnh”.

Tiêm chủng là giải pháp tối ưu để ngăn ngừa bệnh sởi
Được biết, trước đó, 2 trường hợp dương tính với bệnh sởi trong số 11 trường hợp phát ban dạng sởi khác trên địa bàn tỉnh đều đã được điều trị khỏi hoàn toàn và chặn được nguồn lây. Với chủ trương phát hiện sớm và tránh bỏ sót các trường hợp nghi mắc sởi cũng như kịp thời ngăn chặn nguồn lây cho cộng đồng, ngành Y tế đã triển khai đồng bộ các giải pháp phối hợp giữa công tác dự phòng chủ động và điều trị tích cực. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là tăng cường hiệu quả công tác tiêm chủng và nâng cao năng lực điều trị của mạng lưới y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Đồng chí Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Chúng tôi đã tăng cường chỉ đạo trong công tác tiêm chủng mở rộng, trong đó có tiêm chủng sởi mũi 1 và tiêm vét mũi 2. Trong đợt tiêm vét sởi mũi 2 vừa qua, Quảng Trị đạt tỷ lệ 87%, đứng thứ 2 toàn miền Trung sau Phú Yên, tuy nhiên mục tiêu hướng tới của chúng tôi là tiếp tục tuyên truyền vận động người dân, nhất là người dân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đưa con em trong độ tuổi đi tiêm phòng sởi, đưa tỷ lệ tiêm phòng sởi trong tỉnh lên 95% nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ bằng tiêm chủng cho cộng đồng. Bên cạnh đó, công tác điều trị cũng được chúng tôi hết sức chú trọng nhằm chủ động ứng phó một khi dịch sởi đã xảy ra. Chúng tôi đã chỉ đạo tất cả cơ sở điều trị từ tuyến tỉnh đến cơ sở nắm bắt lại các nội dung kiến thức về bệnh sởi và công tác điều trị bệnh sởi theo các bước hết sức cụ thể. Đối với cộng đồng, khi có người mắc sởi, chúng tôi khuyến cáo nên điều trị ngay tại tuyến đầu, cụ thể là tuyến trạm. Vì tuyến trạm cũng đáp ứng tốt việc điều trị bệnh sởi, tại đây, cán bộ y tế sẽ theo dõi, điều trị và sẽ phân tuyến phù hợp dựa trên tình trạng bệnh. Một khi đã được điều trị tốt ngay ở tuyến đầu thì người bệnh không cần lên tuyến trên, vừa tránh tình trạng quá tải không đáng có vừa tránh nhiễm chéo hoặc lây lan mầm bệnh cho cộng đồng. Thực tế ở Quảng Trị cho thấy, những trường hợp dương tính với bệnh sởi vừa qua đều là do mang mầm bệnh từ nơi khác về, lúc bệnh khởi phát ở địa phương, các cơ sở y tế chúng ta đã điều trị dứt điểm ngay và khống chế không để bệnh sởi phát sinh trong vùng đó”. Sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có các biểu hiện lâm sàng dễ nhầm lẫn với các dạng bệnh phát ban khác nếu người mắc không được cán bộ y tế khám tầm soát kỹ. Dấu hiệu đầu tiên của bệnh sởi thường là sốt cao, chảy nước mũi, ho, đỏ mắt, chảy nước mắt, giai đoạn đầu có thể xuất hiện các đốm trắng nhỏ bên trong má. Sau vài ngày, xuất hiện phát ban, đầu tiên là trên mặt và cổ, sau đó lan rộng khắp cơ thể, cuối cùng đến tứ chi. Phát ban kéo dài 5-6 ngày, sau đó bay dần và để lại các đốm phấn trắng rất đặc trưng của bệnh sởi. Bệnh sởi có thể diễn tiến nặng hơn với trẻ nhỏ được nuôi dưỡng kém, đặc biệt là những người thiếu vitamin A hoặc hệ miễn dịch yếu. Phần lớn các ca tử vong do sởi là do các biến chứng của bệnh. Các biến chứng thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, người lớn trên 20 tuổi. Các biến chứng nghiêm trọng nhất gồm mù, viêm não, tiêu chảy nặng, mất nước, nhiễm trùng tai hoặc nhiễm trùng hô hấp nặng như viêm phổi. Phụ nữ mang thai bị nhiễm bệnh cũng có nguy cơ bị biến chứng nghiêm trọng dẫn tới sẩy thai hoặc sinh non. Bệnh sởi rất nguy hiểm song tùy theo mức độ bệnh, đây cũng là một loại dịch bệnh hoàn toàn có thể tự chăm sóc khỏi tại cộng đồng nếu người dân phối hợp tốt với ngành Y tế để có được những lời khuyên, hướng dẫn phù hợp về cách chăm sóc, điều trị bệnh tại nhà đề phòng các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Bệnh sởi do vi rút gây ra nên người bệnh thường bị suy giảm miễn dịch rất nhiều, do đó, cần nâng cao thể trạng cho người bệnh và dùng các kháng sinh phù hợp theo chỉ dẫn của cán bộ y tế để phòng bội nhiễm. Chế độ chăm sóc và dinh dưỡng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong giai đoạn bệnh nhân bị phát ban. Có thể phòng tránh một số biến chứng nghiêm trọng của bệnh sởi thông qua chăm sóc tốt, đảm bảo đủ dinh dưỡng, cho trẻ uống nước, nước hoa quả, sữa hoặc các dung dịch điện giải thường xuyên để dự phòng mất nước. Chú ý bổ sung vitamin A để dự phòng tổn thương mắt như tình trạng viêm kết mạc và mù. Việc bổ sung vitamin A cho những bệnh nhân mắc sởi hết sức có ý nghĩa vì giảm đến 50% số ca tử vong do sởi gây ra. Bệnh sởi là bệnh nguy hiểm và rất dễ lây lan qua ho, hắt hơi, tiếp xúc gần gũi hoặc trực tiếp với dịch mũi, họng chứa mầm bệnh. Hiện không có phương pháp điều trị kháng vi rút đặc hiệu cho bệnh sởi. Cách bảo vệ tối ưu trước nguy cơ mắc bệnh sởi hiện nay vẫn là chủng ngừa. Cần nhớ rằng, trẻ nhỏ chưa được chủng ngừa có nguy cơ mắc sởi cao nhất và các biến chứng có thể dẫn tới tử vong. Phụ nữ mang thai chưa được tiêm vắc-xin, những người chưa được tiêm vắc-xin hoặc đã được tiêm nhưng không phát triển miễn dịch cũng có thể bị nhiễm bệnh. Để đề phòng nguy cơ mắc bệnh sởi, mọi người dân nên chủ động đưa trẻ từ 9- 24 tháng tuổi đi tiêm phòng vắc-xin sởi, tăng cường vệ sinh cá nhân như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sát khuẩn mũi họng bằng nước muối khi chăm sóc trẻ và tăng cường vệ sinh môi trường sống... Bài, ảnh: PHƯƠNG THẢO



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Có một ngày tháng Tư

Có một ngày tháng Tư
0:20 sáng nay

QTO - Một ngày đầu tháng Tư năm nay, tôi có chuyến đi cùng anh Phạm Quyến, 68 tuổi, người Quảng Trị là Việt kiều ở Mỹ. Đợt về nước lần này, anh Quyến nhờ...

Người cán bộ công an liêm khiết

Người cán bộ công an liêm khiết
01:07 23/04/2014

(QT) - Với phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ CAND, thực hiện nghiêm túc cuộc vận động “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”, Đại...

POWERED BY
Việt Long