Cập nhật: Thứ 4, 16/01/2013 | 11:16 GMT+7

Chủ động đưa hàng Việt về nông thôn trong dịp tết

(QT) - Qua hơn 3 năm triển khai, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có tác động sâu sắc đến tâm lý người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Hàng Việt trở thành sự ưu tiên hàng đầu đối với đa số người tiêu dùng trong quá trình mua sắm. Không chỉ ở thành thị, đông đảo người dân các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng có cơ hội để tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng cao thông qua chương trình đưa hàng Việt về nông thôn của các tổ chức, doanh nghiệp. Để đảm bảo cho người tiêu dùng nông thôn được tiếp cận với hàng Việt trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 sắp tới, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp liên quan đang nỗ lực thực hiện đưa hàng Việt về nông thôn. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với những tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia đưa hàng Việt về nông thôn. Đồng chí PHẠM VĂN MINH, Phó Giám đốc Sở Công thương: Chủ động triển khai đưa hàng Việt Nam về nông thôn trong dịp tết Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua Quảng Trị đã có nhiều hoạt động thiết thực, đặc biệt là chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong nước với chất lượng và giá cả phù hợp, từ đó góp phần thay đổi nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng trong nước về hàng hoá nội địa. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có cơ hội để mua các mặt hàng thiết yếu ngay tại địa phương với mức giá ổn định, thấp hơn hoặc bằng giá thị trường. Để thực hiện được điều này, Sở Công thương đã trực tiếp làm việc với các cơ quan chức năng, đặc biệt là các doanh nghiệp trên địa bàn như: Siêu thị Co.opmart Đông Hà, Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị...tổ chức phát động từng đợt chương trình quảng bá, khuyến mãi, tuyên truyền đối với người tiêu dùng trong ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tổ chức tốt nguồn hàng có chất lượng cao do trong nước sản xuất, có giá cả hợp lý về thị trường nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Một điểm bán hàng Việt Nam chất lượng cao ở miền núi

Chúng tôi cũng đã có công văn gửi tới các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm bán hàng, an ninh trật tự để các doanh nghiệp đưa hàng Việt về phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa. Nhờ vậy, các doanh nghiệp đã tổ chức thường xuyên các chuyến hàng Việt Nam về nông thôn kèm theo các chương trình khuyến mãi, giảm giá, phục vụ tốt nhu cầu người tiêu dùng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như Công ty TNHH thương mại dịch vụ Sài Gòn-Đông Hà thực hiện chương trình “Tự hào hàng Việt”, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm do công ty sản xuất như tinh bột sắn, tiêu Cùa, gạo huyết rồng và tổ chức tốt các đợt bán hàng lưu động tại 2 huyện miền núi Hướng Hoá và Đakrông… Trong năm 2012, thông qua các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, Sở Công thương đã hỗ trợ trên 1,3 tỷ đồng giúp các doanh nghiệp cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đào tạo tay nghề cho đội ngũ cán bộ công nhân để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp…Tăng cường công tác tuyên truyền về sử dụng hàng Việt Nam trên các kênh thông tin của ngành như trang Công thương, trang Quản lý thị trường, tạp chí ngành Công thương…Phối hợp với các thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức của người dân trong dùng hàng Việt Nam… Tổ chức, vận động các doanh nghiệp tham gia 9 hội chợ có lồng ghép với chủ đề “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân ưu tiên bán hàng do Việt Nam sản xuất về các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đồng thời kết hợp với các chương trình quảng bá, khuyến mãi, chăm sóc khách hàng. Phối hợp với Hội Bảo vệ người tiêu dùng trong tỉnh cung cấp thông tin thị trường, chất lượng hàng hoá Việt Nam để người dân lựa chọn và thực hiện cam kết bảo vệ người tiêu dùng. Sở cũng giao trách nhiệm cho Chi cục Quản lý thị trường bám sát địa bàn, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng và các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hoá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Để đảm bảo nguồn hàng hoá Việt Nam chất lượng cao phục vụ thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ sắp tới, Sở Công thương đã đề xuất và đã được UBND tỉnh đồng ý cho 3 doanh nghiệp (Công ty TNHH thương mại dịch vụ Sài Gòn-Đông Hà; Công ty TNHHMTV Thương mại Quảng Trị và Công ty CPTM Hiền Lương) vay vốn ưu đãi 20 tỷ đồng không lãi suất để tổ chức đưa hàng Việt Nam về nông thôn để bình ổn giá. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có gần 20 doanh nghiệp, nhà phân phối bán lẻ hàng tiêu dùng với hơn 30 xe tải lớn nhỏ hàng ngày đưa hàng Việt Nam về tận các làng xã vùng sâu, vùng xa để phục vụ nhân dân. Phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức các hội chợ xuân có lồng ghép chủ đề “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ông HỒ XUÂN HIẾU, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị: Phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu người tiêu dùng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, những năm qua công ty chúng tôi đã có nhiều hoạt động nhằm đưa hàng Việt Nam đến với người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu, đưa nông sản địa phương đến với thị trường trong nước và thế giới. Đặc biệt, chương trình đưa hàng Việt Nam về nông thôn được công ty đặc biệt chú trọng thực hiện nhất là vào các dịp lễ, tết trong năm. Phụ trách địa bàn bán hàng tại các huyện Hướng Hoá, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh và thành phố Đông Hà, công ty đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo hàng đưa về nông thôn luôn có chất lượng cao, với giá cả hợp lý, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng, thông qua hai kênh bán hàng chủ yếu: điểm bán cố định gồm siêu thị Sêpôn và hệ thống các đại lý ở thành phố Đông Hà, chợ Hướng Phùng, chi nhánh Lao Bảo và trung tâm thương mại A Túc (Hướng Hoá). Hệ thống bán hàng lưu động là đoàn xe 4 chiếc với khoảng 1.000 mặt hàng nhu yếu phẩm các loại bán lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa, bình quân 1 xã bán 2 ngày. Điểm mới nhất của công ty thực hiện trong năm nay là tổ chức cho các xe bán hàng Việt Nam lưu động thường xuyên quanh năm tại các xã vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, công ty cũng kết hợp thu mua nông sản của người dân như bí ngô, măng rừng… đem về tiêu thụ tại miền xuôi. Để kiểm soát chất lượng hàng hoá và giá cả, tránh tình trạng hàng giả, hàng nhái, tại mỗi điểm bán hàng chúng tôi luôn mời đại diện chính quyền địa phương đến giám sát, kiểm tra chất lượng hàng hoá. Bên cạnh việc bán các mặt hàng do trong nước sản xuất, công ty cũng đặc biệt chú trọng giúp người tiêu dùng tiếp cận với các sản phẩm của địa phương như nước mắm Huỳnh Kế, tiêu Cùa, ớt dầm Câu Nhi, ném Đông Dương, gạo đỏ… Ngoài các nhu yếu phẩm, hiện tại công ty cũng đang hướng đến bán các sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng như rau, củ, quả. Cụ thể, chúng tôi đang hợp tác với các phường Đông Giang và Đông Thanh (thành phố Đông Hà), xã Triệu Thuận (Triệu Phong), Gio An (Gio Linh), thôn Bắc Bình (Cam Tuyền, Cam Lộ) để cung cấp các sản phẩm rau sạch. Mục tiêu chủ yếu mà chúng tôi đặt ra trong thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là tự tạo ra nông sản, gắn với các nông sản địa phương, qua đó tạo thêm đầu ra cho nông dân, từng bước tạo mối quan hệ bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua các sản phẩm vùng miền. Đến nay, các kênh bán hàng của công ty đã thực sự trở thành người bạn thân thiết của nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa, người dân đã chủ động đến mua sắm hàng hoá tại các điểm bán hàng. Đây chính là động lực lớn để doanh nghiệp tiếp tục triển khai các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn trong thời gian tới. Để phục vụ tốt nhu cầu người dân vùng sâu, vùng xa trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, ngoài các nông sản địa phương, công ty cũng đặc biệt chú trọng đến chất lượng các sản phẩm hàng hoá, đặc biệt ưu tiên hàng Việt Nam chất lượng cao. Trong giá cả, chúng tôi quyết tâm duy trì mức giá rẻ hơn thị trường từ 0-20% trên từng mặt hàng để phục vụ người dân. Để mọi người dân ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện mua sắm nhu yếu phẩm phục vụ tết, công ty cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương có thông báo cụ thể lịch và địa điểm bán hàng. Dự kiến công ty sẽ bán hàng phục vụ tết đến hết ngày 25 tháng Chạp. Đồng chí HỒ VĂN XANH, Chủ tịch UBND xã A Bung (Đakrông): Thị trường nông thôn rất cần hàng Việt Nam Theo tôi, chương trình đưa hàng Việt Nam về nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã phát huy hiệu quả tốt tại nhiều địa phương và người dân là người trực tiếp hưởng lợi từ chương trình này. Đặc biệt, với một xã vùng sâu, vùng xa như A Bung, việc các doanh nghiệp đưa hàng chất lượng cao về phục vụ nhu cầu của người dân đóng vai trò rất quan trọng. Trước đây, người dân trên địa bàn xã tiếp cận với hàng hoá, nhu yếu phẩm hàng ngày chủ yếu thông qua tư thương. Qua đó, hầu hết các nguồn hàng từ miền xuôi được vận chuyển lên phục vụ nhu cầu của bà con dân bản. Lợi dụng sự cả tin của người dân, một bộ phận tư thương đã đem những mặt hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hết hạn sử dụng…để buôn bán, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ và quyền lợi người tiêu dùng, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Những năm trở lại đây, thực hiện chương trình đưa hàng Việt Nam về nông thôn, nhiều doanh nghiệp lớn đã đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về địa phương thông qua những chuyến bán hàng lưu động. Nhờ vậy, người dân đã được tiếp cận với các sản phẩm tốt, giá rẻ. Đồng thời, qua các buổi mua sắm, người dân được cung cấp thêm các kiến thức về phân biệt hàng giả, hàng nhái. Đã trở thành thông lệ, khi có thông tin về các chương trình bán hàng lưu động, bà con trong xã rất hào hứng, sắp xếp công việc để tham gia các phiên mua sắm. Những năm trở lại đây, kinh tế xã A Bung đã có bước phát triển nhờ có sự chuyển đổi hợp lý cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đời sống bà con dân bản từ đó cũng được cải thiện đáng kể, nhu cầu mua sắm trong dịp tết tăng cao. Chúng tôi rất mong muốn các doanh nghiệp trong tỉnh tổ chức nhiều hơn nữa những chuyến bán hàng lưu động để đưa hàng Việt Nam về phục vụ người dân xã A Bung và các xã lân cận, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới để bà con có điều kiện mua sắm. Bài, ảnh: LỆ NHƯ



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Đồng hành với hàng Việt
22:48 08/03/2023

Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hưởng ứng ...

Để người Việt tin dùng hàng Việt
22:25 05/09/2024

15 năm, với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh ngày càng lan tỏa, đi vào ...

Nơi tận cùng biên giới

Nơi tận cùng biên giới
05:22 15/01/2013

(QT) - Bản Cù Bai (xã Hướng Lập, Hướng Hóa, Quảng Trị) nằm bên dòng Sê Băng Hiêng trong xanh. Con sông bắt nguồn từ những dãy rừng già phía sườn đông của dãy Trường Sơn chảy...

Thu nhập cao từ nghề chế biến cá hấp

Thu nhập cao từ nghề chế biến cá hấp
05:22 15/01/2013

(QT) - Là một trong những hộ đầu tiên mở lò hấp cá, đến nay kinh tế gia đình anh Hồ Văn Cẩn, 40 tuổi ở khu phố 3, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã trở nên khá...

Tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới

Tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới
05:30 14/01/2013

(QT) - Hưởng ứng phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” do Bộ Quốc phòng phát động, thời gian qua, Ban CHQS huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã tích cực hưởng ứng...

Làng chuối vào tết

Làng chuối vào tết
01:04 13/01/2013

(Dân Việt) - Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán này, hầu như dân cả xã Tân Long (Hướng Hoá, Quảng Trị) đều đi rẫy để thu hoạch chuối. Khách du lịch khi ghé qua xã Tân Long cũng...

Thời tiết

26°C - 35°C
Ít mây, trời nắng nóng
  • 28°C - 35°C
    Ít mây, trời nắng nóng
  • 27°C - 36°C
    Ít mây, trời nắng nóng
POWERED BY
Việt Long