Cập nhật: Thứ 4, 06/09/2017 | 05:39 GMT+7

Chông chênh đường đến giảng đường

Quyết tâm nhập học dù rất khó khăn

(QT) - Em Trần Thị Thể (SN 1999), ở thôn Đơn Quế, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng vừa trúng tuyển vào Trường Đại học Ngoại ngữ Huế, chuyên ngành tiếng Nhật với 24 điểm. Khi hay tin con đỗ vào ngôi trường đại học từng mơ ước, vợ chồng anh Trần Đình Toàn (46 tuổi) và chị Hồ Thị Hiếu (42 tuổi), bố mẹ em Thể rất vui mừng. Và dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng anh Toàn vẫn quyết tâm cho con nhập học để thực hiện giấc mơ giảng đường.

Em Trần Thị Thể tranh thủ học bài trước lúc đi làm thêm

Ngày vào trường nhập học, Thể chỉ mang theo 4 triệu đồng. Đó là số tiền không lớn nhưng bố mẹ Thể phải đôn đáo, ngược xuôi vay mượn nhiều ngày mới đủ. Hiện nay, sau khi hoàn thành các khoản thu nộp, tàu xe, chi phí cho việc ở trọ, Thể chỉ còn một ít tiền để trang trải sinh hoạt. Gia đình em Thể có hoàn cảnh khá thương tâm. Nhà có 5 người nhưng chỉ duy nhất Thể lành lặn, khỏe mạnh. Bố của Thể bị gai cột sống đã khá lâu và hầu như không thể lao động nặng được, mẹ em cũng bị đau khớp gối từ 8 năm nay.

Cô em gái Trần Thị Quỳnh Như (SN 2005) mắc bệnh động kinh, đứa em trai út Trần Đình Quốc Bảo (SN 2013), bị bệnh tim bẩm sinh từ nhỏ. Để chăm lo cho gia đình, nhiều năm qua, chị Hiếu phải gắng gượng mưu sinh. Ngoài việc làm 3 sào ruộng 2 vụ/năm và chăn nuôi lợn, gia cầm nhỏ lẻ, chị thường xuyên kiếm việc làm thêm để thuốc thang cho chồng con. “Mấy năm qua, để chữa trị bệnh, thuốc thang đều đặn cho chồng và các con đã khiến kinh tế gia đình tôi kiệt quệ dần. Nay vì thương con hiếu học lại chăm ngoan nên gia đình cũng đành liều cho con thực hiện ước mơ giảng đường.

Giờ vợ chồng tôi còn khỏe thì còn gắng gượng mưu sinh được, nay mai sợ bệnh tình nặng hơn, không làm gì được thì không biết lấy đâu ra tiền mà trang trải việc học cho con”, chị Hiếu trầm ngâm chia sẻ. Mặc dù đã nhập học nhưng với hoàn cảnh gia đình khó khăn, ước mơ theo đuổi giảng đường đại học mà Trần Thị Thể ấp ủ bấy lâu vẫn còn nhiều chông chênh.

Cậu học sinh nghèo hiếu học

Lê Duy Quang (SN 1999), trú tại thôn An Lợi, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong nhận tin báo trúng tuyển vào Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) với tổng điểm 25 mà lòng nặng trĩu lo âu. “Mẹ mất khi em 3 tuổi, chị gái lúc đó cũng chưa bước chân vào trường tiểu học nhưng bao năm qua một mình cha vẫn nỗ lực vượt khó để nuôi chị em em ăn học. Hiện nay, chị gái Lê Thị Thảo My (SN 1997) đang là sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, em cũng vừa đỗ vào trường đại học mình mơ ước. Gia đình em rất vui mừng nhưng cũng rất lo lắng bởi thương cha một mình vất vả...”, em Lê Duy Quang tâm sự.

Với Lê Duy Quang, việc học luôn là niềm đam mê

Thương con chịu khó lại hiếu học, anh Lê Văn Linh (46 tuổi), bố của Quang đã chạy vạy khắp nơi để mượn tiền nhập học cho con. Mượn khắp nơi không có, anh đành cắm sổ đỏ vay ngân hàng 50 triệu đồng để cho con trai nhập học và dành một phần trang trải cho cô con gái đang học năm thứ 3. “Cuộc sống của tôi bây giờ có quá nhiều khó khăn khi phải chăm lo cho bố đã ngoài 80 tuổi và chi phí học tập của 2 con. Dẫu khó khăn đến đâu tôi cũng sẽ cố gắng hết sức để 2 con được học hành, có như vậy ở dưới suối vàng mẹ các cháu mới an lòng”, anh Linh chia sẻ.

Hiện tại, Quang đã nhập học. Sau khi hoàn thành các khoản thu nộp, tàu xe gần 5 triệu đồng, Quang chỉ còn ít tiền để lo trang trải việc sinh hoạt. Quang cho biết, khi việc học hành đã ổn định thì sẽ kiếm công việc làm thêm nhằm giảm bớt gánh nặng cho gia đình và có thêm điều kiện để học tập. Về phần mình, anh Linh luôn nơm nớp lo âu về việc trả các khoản vay ưu đãi cho sinh viên và ngân hàng (tổng cộng gần 70 triệu đồng). “Tôi làm 5 sào ruộng, mỗi năm làm 2 vụ cũng đủ ăn chứ có dư dả gì đâu. Để có tiền chăm lo học hành cho các con và sinh hoạt gia đình, tôi phải vay mượn khắp nơi, làm thêm đủ việc. Thời gian tới, tôi dự định sẽ dành ít tiền trong đợt vay vừa rồi để đầu tư chăn nuôi, tăng nguồn thu cho gia đình. Với tôi, việc học hành của các con luôn được đặt lên hàng đầu”, anh Linh cho biết.

Nỗi lo của cô bé mồ côi

Mấy hôm nay, em Phạm Thị Hạnh (SN 1999) và bà nội Hoàng Thị Thí (85 tuổi), ở thôn Trúc Kinh, xã Cam An, huyện Cam Lộ luôn phân vân về quyết định đi học đại học của Hạnh. Cầm trên tay giấy báo trúng tuyển mà mắt Hạnh rưng rưng: “Em vừa trúng tuyển vào ngành Quản trị Du lịch và Lữ hành thuộc Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị với tổng điểm 3 môn là 21,25 điểm. Em rất sung sướng vì ước mơ của mình đã thành hiện thực nhưng nghĩ đến số tiền phải trang trải cho việc học trước mắt cũng như trong quá trình dài là em và bà nội lại ôm nhau khóc.

Em Phạm Thị Hạnh phụ giúp bà nội sắp xếp lại đống củi nhặt được từ rừng tràm

Có lẽ ước mơ giảng đường mà em ấp ủ bấy lâu đành phải...”, em Hạnh buồn bã tâm sự. Trong căn nhà nhỏ, chỉ rộng chừng hơn 20 m2 , bà Thí vẫn miệt mài với việc bó đống củi khô vừa nhặt được để bán kiếm tiền chi tiêu sinh hoạt hàng ngày. Ít ai biết rằng, chính công việc này đã góp phần nuôi sống 2 bà cháu trong mười mấy năm qua. Hàng ngày, ngoại trừ lúc ốm đau, công việc chủ yếu của bà Thí là dậy thật sớm rồi đi bộ đến những khu rừng trồng cách nhà chưa đầy 5 km để nhặt nhạnh từng nhánh củi khô về bán.

Ngoài giờ học, Hạnh lại chở bà nội bằng chiếc xe đạp cũ rong ruổi lên các khu rừng mót củi mưu sinh. Thương hoàn cảnh éo le, nhiều người trong thôn thường đến tận nhà của 2 bà cháu để mua củi với giá 10 ngàn đồng/bó. Mọi nguồn thu trong gia đình đều nhờ vào số tiền bán củi, 2 mảnh ruộng nhỏ, vài trăm nghìn đồng tiền trợ cấp xã hội của nhà nước nên cuộc sống của Hạnh và bà nội luôn gặp rất nhiều khó khăn.

Bà Thí kể lại: “Lúc cháu Hạnh khoảng 10 tháng tuổi, mẹ cháu đã bỏ đi biền biệt nên bố cháu bồng về đây giao cho tôi. Khi Hạnh vừa tròn 4 tuổi, con trai tôi (bố cháu Hạnh) vì mắc bệnh hiểm nghèo nên đã qua đời. Từ đó đến nay, trong căn nhà nhỏ này chỉ còn 2 bà cháu nương tựa vào nhau mà sống bởi người thân thích, ruột rà chẳng còn mấy ai. Thú thật, tôi chỉ dự định cho cháu học hết lớp 12 rồi khuyên cháu kiếm việc gì đó mà làm nhưng thấy cháu học giỏi nên cũng không đành. Để cháu bỏ lỡ ước mơ thì cũng tội nhưng cho cháu đi học đại học thì tôi cũng chẳng biết xoay xở thế nào”. Với hoàn cảnh khó khăn như bây giờ thì giấc mơ giảng đường mà Hạnh đã ấp ủ bấy lâu sẽ khó trở thành hiện thực...

(còn nữa)

Nhơn Bốn



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Chông chênh đường đến giảng đường
22:45 26/09/2023

Đỗ vào trường đại học, cao đẳng mà mình mơ ước nhưng vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên hành trình chinh phục giảng đường của các tân sinh viên còn lắm ...

Chông chênh giảng đường
23:25 07/11/2022

Thi đỗ vào trường đại học, cao đẳng mà mình mơ ước nhưng vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên hành trình chinh phục giảng đường của các tân sinh viên còn lắm ...

Có một ngày tháng Tư

Có một ngày tháng Tư
7 giờ trước

QTO - Một ngày đầu tháng Tư năm nay, tôi có chuyến đi cùng anh Phạm Quyến, 68 tuổi, người Quảng Trị là Việt kiều ở Mỹ. Đợt về nước lần này, anh Quyến nhờ...

POWERED BY
Việt Long