Giải trình, làm rõ những vấn đề cử tri và đại biểu HĐND tỉnh Quảng Trị quan tâm
(QT) - Kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Trị lần thứ 12, khóa VI diễn ra trong 3 ngày 23- 25/7/2014. Tại kỳ họp này, được sự ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã giải trình, làm rõ những vấn đề mà cử tri và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm. Phóng viên Báo Quảng Trị lược ghi những nội dung giải trình nêu trên. Trả lời ý kiến của cử tri về ngư trường của tỉnh bị xâm hại, nhiều đối tượng dùng chất nổ để khai thác hải sản, hủy diệt môi trường và vì sao hỗ trợ cho người dân sau bão số 10, 11 tiến hành chậm? - Đồng chí Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết: Vừa qua khi nghe ý kiến phản ánh của người dân về tình hình một số đối tượng đến địa bàn tỉnh dùng chất nổ để khai thác hải sản, hủy diệt môi trường, Sở Nông nghiệp-PTNT đã chỉ đạo các ngành liên quan tiến hành kiểm tra, giải quyết. Qua kiểm tra cho thấy có tình trạng này nhưng việc bắt giữ để lập biên bản là rất khó. Để giải quyết cần có sự phối hợp với Bộ đội Biên phòng cùng với Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Sở kiến nghị bà con địa phương không nên tiếp tay cho đối tượng xấu mà báo cho chính quyền và ngành chức năng khi phát hiện thấy đối tượng có sử dụng chất nổ. Về vấn đề hỗ trợ cho người dân sau cơn bão số 10, 11 năm 2013 tiến hành chậm là do các huyện tiến hành khảo sát, thống kê báo cáo số liệu gửi lên tỉnh rất chậm. Sau khi nhận được nguồn vốn phân bổ của Trung ương, trên cơ sở xem xét báo cáo thiệt hại của các địa phương, tỉnh đã phân nguồn vốn này về các huyện để xử lý, hỗ trợ những thiệt hại cho người dân nhằm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
 |
Đại biểu huyện Cam Lộ phát biểu thảo luận tại hội trường - Ảnh: PA |
Đại biểu huyện Cam Lộ nêu vấn đề thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc giao đất các lâm trường cho người dân sử dụng. Vừa qua Công ty TNHH MTV Lâm trường Đường 9 có giao cho huyện 6.481 ha nhưng huyện chưa nhận vì chưa được kiểm tra, đo đạc đầy đủ. Đề nghị các ngành liên quan thực hiện việc cắm mốc, phân giới rõ ràng, cung cấp hồ sơ, thông tin đầy đủ về các thửa đất giao cho huyện để thuận tiện trong việc quản lý và giao cho người dân sử dụng.
Tin, bài liên quan: |
>>> Khai mạc kỳ họp thứ 12 - HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VI >>> Nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri, phát huy dân chủ, trí tuệ để đóng góp nhiều ý kiến thiết thực cho kỳ họp(*) >>> Ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 12- HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VI: Nghe báo cáo và thảo luận tại hội trường, giải trình của các sở, ngành liên quan >>> Bế mạc kỳ họp thứ 12 - HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VI >>> Khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện các nghị quyết do HĐND tỉnh Quảng Trị ban hành (*) |
-Đồng chí Nguyễn Thanh Lợi, Giám đốc Sở TN-MT cho biết: Trong số diện tích hơn 6.900 ha đất của Công ty TNHH MTV Lâm trường Đường 9, bao gồm 6.481 ha được bàn giao cho địa phương trên địa bàn huyện Cam Lộ theo Quyết định 2471, ngày 20/12/2006 của UBND tỉnh do Sở Nông nghiệp-PTNT rà soát, tham mưu và 500 ha tại các tiểu khu 769, 770, 765 để bố trí cho dân vùng sụt lún theo đề nghị của UBND huyện tại Văn bản số 118, ngày 4/9/2013. Đối với 6.481 ha đất sau chuyển đổi bàn giao cho địa phương, Sở TN-MT đã có Văn bản số 1548, ngày 25/9/2013 gửi Thường trực HĐND, UBND tỉnh báo cáo tình hình bàn giao đất của các ban quản lý rừng, các công ty lâm nghiệp, trong đó kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp-PTNT chủ trì phối hợp cùng Sở TN-MT đề xuất UBND tỉnh xử lý vấn đề bàn giao đất cho huyện Cam Lộ. Riêng đối với diện tích 500 ha mà huyện đề xuất, đề nghị UBND huyện chủ trì chỉ đạo UBND cấp xã xây dựng phương án cụ thể trình UBND tỉnh xem xét giải quyết. Trả lời ý kiến của đại biểu huyện Vĩnh Linh về giải quyết di dời Nhà máy chế biến sâu sản phẩm quặng ti tan ra khỏi khóm Vĩnh Bắc, thị trấn Hồ Xá. Đồng chí Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Thanh Lợi cho biết: Việc di dời Nhà máy chế biến quặng ti tan vừa là ý kiến nhân dân địa phương cũng là nguyện vọng của nhà máy, của Công ty khoáng sản. Vừa qua đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đi kiểm tra, xem xét cấp đất cho Công ty cổ phần khoáng sản để chuyển nhà máy chế biến ti tan và đã thống nhất chuyển nhà máy tới cụm công nghiệp Bắc Hồ Xá. Còn cơ sở của công ty hiện tại giao cho huyện quản lý. Một số đại biểu HĐND tỉnh trong thảo luận ở tổ nêu vấn đề các khoản nợ tạm ứng vốn đầu tư XDCB, nợ vay tạm ứng vốn nhàn rỗi Kho bạc Nhà nước (KBNN) đang ở mức cao, đề nghị UBND tỉnh làm rõ và có hướng giải quyết trả nợ. -Đồng chí Trần Đức Tâm, Giám đốc Sở KH- ĐT giải trình: Thực hiện Chỉ thị số 27, ngày 10/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước, Trái phiếu Chính phủ (TPCP), ngày 25/12/2012, tỉnh đã có Văn bản số 4031/UBND-TM về việc báo cáo tình hình nợ đọng XDCB gửi Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, theo đó tính chung toàn tỉnh đến ngày 30/6/2012, có 45 dự án do tỉnh quản lý có nợ đọng xây dựng cơ bản, với tổng số nợ 113,878 tỷ đồng. Tuy nhiên, do một số công trình đang làm thủ tục quyết toán nên các chủ đầu tư chỉ báo cáo số liệu ước thực hiện nên nợ đọng XDCB đến 30/6/2012 đã được cập nhật lại là 108,032 tỷ đồng (giảm 5,846 tỷ đồng so với số nợ đọng UBND tỉnh đã báo cáo Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính). Để khắc phục tình trạng nợ đọng XDCB kéo dài, giải quyết một phần khó khăn cho các doanh nghiệp; đồng thời thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã xem việc bố trí vốn để xử lý nợ đọng XDCB là một chỉ tiêu bắt buộc trong quy trình tổng hợp, bố trí và giao kế hoạch vốn đầu tư. Do vậy, trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư XDCB năm 2013 và năm 2014, UBND tỉnh đã chỉ đạo bố trí thanh toán, xử lý nợ đọng XDCB đến 30/6/2012 của các công trình, dự án do tỉnh quản lý là 69,34 tỷ đồng, chiếm 64% tổng số nợ đọng. (Theo Báo cáo của Chính phủ trình tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2013, Quảng Trị là một trong những tỉnh có số nợ đọng XDCB thấp nhất cả nước). Như vậy, tổng nợ đọng XDCB đến thời điểm 30/6/2012 của các công trình, dự án do tỉnh quản lý chỉ còn lại 38,692 tỷ đồng, dự kiến sẽ được xử lý dứt điểm trong kế hoạch năm 2015, đảm bảo theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ về thời gian xử lý nợ đọng XDCB. Tuy nhiên, xuất phát từ điều kiện thực tế khách quan của tỉnh, mặc dù UBND tỉnh đã nghiêm túc chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện theo đúng kế hoạch vốn được bố trí, không để phát sinh nợ đọng XDCB; đồng thời bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư hàng năm để trả nợ nhưng tổng số nợ đọng XDCB đến 31/12/2013 (phát sinh sau khi có Chỉ thị số 27/TTg) là 120,188 tỷ đồng, trong đó đã được xử lý trong 6 tháng đầu năm 2014 là 35,029 tỷ đồng, còn lại 85,159 tỷ đồng. Nguyên nhân phát sinh số nợ đọng XDCB nói trên chủ yếu là do điều kiện khách quan, cụ thể: Một số dự án thực hiện từ nguồn vốn ODA bắt buộc phải thực hiện các hạng mục như chi lập dự án, GPMB, rà phá bom mìn... (các hạng mục này thuộc trách nhiệm vốn đối ứng của dự án) theo đúng cam kết với nhà tài trợ, nhưng phần vốn đối ứng 90% của Trung ương chưa được cân đối đủ, phần đối ứng 10% thuộc trách nhiệm của tỉnh lại chưa được bảo đảm theo quy định để thanh toán khối lượng đã thực hiện nên nợ đọng XDCB của các dự án sử dụng nguồn vốn ODA lên đến 49,868 tỷ đồng, chủ yếu là rà phá bom mìn và GPMB. Trong điều kiện ngân sách của một tỉnh đang gặp nhiều khó khăn như Quảng Trị, vấn đề vốn đối ứng cho các dự án ODA lại bị rơi vào vòng luẩn quẩn. Cụ thể: UBND tỉnh đã có Văn bản trình và được Bộ Tài chính đồng ý tại Văn bản số 5318, ngày 24/4/2014 cho tỉnh Quảng Trị được ứng trước vốn đối ứng 140 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương cho các dự án ODA đang triển khai, trong đó có một phần để xử lý nợ đọng XDCB, nhưng Bộ KH-ĐT chưa đồng ý với lý do yêu cầu tỉnh phải bố trí đủ 10% thuộc trách nhiệm địa phương theo Quyết định số 60 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay ngân sách tỉnh chưa bố trí đủ nên việc ứng trước ngân sách Trung ương chưa thực hiện được, vì vậy nợ đọng XDCB chậm được xử lý. Một số dự án cấp bách, hoàn thành yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện để bàn giao đưa vào sử dụng nhưng vốn bố trí không đủ để hoàn thành hay phải tạm ứng từ ngân sách tỉnh để thực hiện. Một số công trình còn nợ sau khi quyết toán (vốn quyết toán hàng năm chỉ bố trí 3-4 tỷ đồng nhưng tổng hợp nhu cầu vốn quyết toán của các công trình đã được UBND tỉnh phê duyệt quyết toán đến thời điểm này là 12 tỷ đồng). Một số công trình thực hiện từ nguồn vốn TPCP do thay đổi chính sách tiền lương, giá vật tư, vật liệu làm tăng tổng mức đầu tư nhưng không được Bộ KH-ĐT đồng ý bố trí bổ sung từ nguồn vốn TPCP trong khi nguồn lực của địa phương hạn chế nên không thể xử lý dứt điểm được. Như đã trình bày ở trên, tính đến tháng 6/2014, tổng số nợ đọng XDCB của các công trình, dự án do tỉnh quản lý là 123,851 tỷ đồng (bao gồm: số nợ trước Chỉ thị số 27/TTg đã được xử lý còn lại là 38,692 tỷ đồng và số nợ phát sinh sau Chỉ thị số 27/TTg là 85,159 tỷ đồng). Trên cơ sở đánh giá, phân loại các khoản nợ đọng cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư; khoản nợ đọng nào thuộc trách nhiệm tỉnh quản lý thì Sở KH-ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh bố trí trong kế hoạch năm 2015 và những năm tiếp theo để thanh toán. Riêng đối với nợ đọng XDCB của các dự án ODA, về phần vốn 90% thuộc ngân sách Trung ương, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở KH-ĐT đeo bám và hiện nay đã được Bộ KH-ĐT trình Chính phủ (Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã đồng ý cho nợ phần đối ứng 10% của ngân sách tỉnh đến cuối năm 2014); về phần vốn đối ứng 10% thuộc ngân sách tỉnh, Sở KH-ĐT đã có Văn bản số 680, ngày 14/7/2014 trình UBND tỉnh báo cáo Thường trực HĐND tỉnh cho chủ trương bố trí đối ứng cho các dự án ODA (phần 10%) thuộc trách nhiệm của tỉnh (bao gồm các dự án thực hiện năm 2014 là 11,019 tỷ đồng và kế hoạch năm 2015 là 18,816 tỷ đồng) từ nguồn vượt thu ngân sách địa phương năm 2014 và từ nguồn tăng thu trong dự toán ngân sách địa phương năm 2015 của tỉnh để xử lý. Về phần trả nợ, trong năm 2013, UBND tỉnh đã bố trí 20 tỷ đồng từ nguồn vốn thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ để hoàn trả, còn lại 130 tỷ đồng và đã được Bộ Tài chính đồng ý cho gia hạn đến ngày 31/12/2014. Mặc dù đã được giải trình cụ thể tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa VI, tuy vậy, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 22/4/2014, Sở KH -ĐT đã tổ chức hội nghị liên ngành với Sở Tài chính, KBNN tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, có sự tham gia giám sát của Trưởng ban KTNS - HĐND tỉnh và phản biện xã hội của đại diện lãnh đạo UBMTTQVN tỉnh. Sau khi phân tích, đánh giá tình hình, xét thấy do điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn chưa thể cân đối để trả nợ được nên hội nghị đã thống nhất đề nghị UBND tỉnh trực tiếp làm việc với Bộ Tài chính để tiếp tục xin gia hạn đến năm 2015. Đồng thời UBND tỉnh đã giao Sở KH-ĐT chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện tái cấu trúc các dự án, rà soát quy mô dự án và tiếp tục làm việc với các bộ, ngành Trung ương để đưa các công trình đã được bố trí vốn từ nguồn vốn tạm ứng KBNN vào đầu tư trong kế hoạch 2016-2020 để vừa bố trí vốn tiếp tục đầu tư vừa có nguồn bố trí để trả nợ tạm ứng vốn nhàn rỗi KBNN và vay theo Nghị quyết 02 của Chính phủ. Hiện nay, Sở KH-ĐT đang tích cực làm việc với Bộ KH-ĐT để đề nghị xin ứng vốn kế hoạch năm 2015 đối với các dự án đến 30/6/2014 có tỷ lệ giải ngân đạt 60-70% và bổ sung một số danh mục dự án mới, trong đó có dự án cầu Cam Hiếu với mức vốn xin ứng là 100 tỷ đồng. Khi được Chính phủ thông báo, sẽ thu hồi từ dự án này 40 tỷ đồng để bố trí trả nợ. Đối với khoản phí tạm ứng KBNN, ngày 20/11/2013, UBND tỉnh đã có Văn bản số 3935/UBND-CN giao các chủ đầu tư phối hợp với nhà thầu chịu trách nhiệm nộp các khoản phí theo quy định của KBNN. Trả lời ý kiến của đại biểu huyện Hướng Hóa về trường hợp 159 học sinh, sinh viên vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn của huyện nộp hồ sơ chậm, có được nhà nước hỗ trợ miễn giảm học phí theo Nghị định 49/2010 của Chính phủ? -Đồng chí Nguyễn Duy Tân, Giám đốc Sở Tài chính cho rằng: Từ nhiều năm nay Nhà nước có chính sách hỗ trợ miễn giảm học phí cho con em vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách. Tùy theo trường hợp mà Sở GD-ĐT hay Phòng GD-ĐT, Phòng LĐ,TB&XH của huyện thống kê để báo với ngành tài chính cùng cấp, trên cơ sở đó Sở Tài chính tổng hợp báo cáo trình Bộ Tài chính xem xét cấp kinh phí hỗ trợ. Trong những năm qua tỉnh đã cấp đủ kinh phí cho huyện Hướng Hóa, năm 2011, 2012 huyện sử dụng không hết kinh phí nên chuyển sang năm sau. Riêng trường hợp 159 học sinh, sinh viên, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 29/2010 thì hồ sơ miễn giảm học phí của học sinh, sinh viên năm học 2011- 2012 quy định hạn cuối là tháng 5/2012 phải nộp đầy đủ. Các cháu nộp chậm thì không được giải quyết. Song xét thấy các cháu là học sinh, sinh viên vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn nên đề nghị các ngành liên quan của huyện Hướng Hóa kiểm tra, rà soát hồ sơ thủ tục đầy đủ, sau đó gửi đến Sở, để Sở Tài chính trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết. Trả lời chất vấn vì sao cùng một đối tượng phạm tội xảy ra ở xã Ba Tầng, khi Tòa án huyện xét xử lưu động kết án bị cáo tù giam, sau đó Tòa án tỉnh xét xử phúc thẩm lại kết luận không có tội và thả tự do tại Tòa, làm cho người dân rất băn khoăn, hoài nghi. - Đồng chí Nguyễn Thị Hà, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho biết: Theo cáo trạng của Viện KSND huyện Hướng Hóa: Công ty cổ phần cao su Khe Sanh được UBND tỉnh cấp giấy phép chuyển đổi trồng cây cao su. Công ty giao nhiệm vụ cho 2 công nhân vào san ủi để thực hiện dự án tại thôn Hun, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa. Thấy vậy Hồ Văn Quang và Hồ Văn Rời cùng với một số người trong thôn đến hỏi: “Các anh san ủi cho ai?”. Hai công nhân trả lời: “Vấn đề này đã bàn bạc với thôn, xã rồi, chúng tôi chỉ là người thi hành công việc”. Quang và Rời nói: “Nếu không nói rõ làm cho ai thì dừng lại”. Thấy có sự cản trở nên hai công nhân bỏ về không làm nữa. Tháng 1/2013, Công ty cho công nhân vào làm tiếp, Quang và Rời gọi hai công nhân lại và ra điều kiện nếu tiếp tục làm thì phải san ủi 13 ha đất cho bà con trong thôn, làm đường cho thôn và phải đưa cho chúng 200 triệu đồng. Hai công nhân báo cáo, xin ý kiến của Tổng giám đốc Công ty cao su Khe Sanh, chúng liên tục gọi điện thoại đòi tiền. Sau đó Quang và Rời tới công ty gặp Tổng giám đốc và đòi 200 triệu đồng. Vì lo lắng, sợ bọn chúng gây khó khăn cho công việc nên lãnh đạo công ty đã thương lượng bớt xuống còn 50 triệu đồng, hẹn tuần sau quay lại nhận tiền. Ngày 30/3/2013, khi Quang và Rời đến Công ty cao su cà phê Khe Sanh nhận 50 triệu đồng thì công an bắt quả tang, lập biên bản. Tại bản án sơ thẩm số 52, ngày 24/9/2013 của Tòa án huyện Hướng Hóa xét xử lưu động tuyên hai bị cáo phạm tội cưỡng đoạt tài sản theo điểm d, khoản 2, Điều 135, Bộ luật Hình sự. Hồ Văn Quang bị tuyên án tù 36 tháng, Hồ Văn Rời 30 tháng tù giam. Sau đó hai bị cáo kháng án đề nghị xem xét nội dung bản án, lý do nêu ra là hành vi của chúng không phạm tội, bị cáo không đe dọa cưỡng đoạt tài sản. Ngày 18/12/2013, Tòa án tỉnh xét xử phúc thẩm vụ án trên. Qua hồ sơ, chứng cứ, Tòa án tuyên hai bị cáo không phạm tội cưỡng đoạt tài sản, sau đó Tòa án tối cao có quyết định kháng nghị số 28, ngày 9/5/2012 với nội dung đề nghị hủy hai bản án sơ và phúc thẩm để điều tra lại. Vụ việc hiện nay đang thực hiện theo kháng nghị của Tòa án tối cao… HOÀNG NAM BẰNG (lược ghi)