Cập nhật:  GMT+7

Cầu nối việc làm cho đoàn viên

Dù cần nhau nhưng thời gian qua, nhiều doanh nghiệp và lao động trẻ trong tỉnh vẫn chưa tìm thấy tiếng nói chung về vấn đề việc làm. Nhận thức rõ thực tế ấy, các cấp bộ đoàn, hội trong tỉnh đã vào cuộc với những nỗ lực cụ thể, đáng ghi nhận.

Cầu nối việc làm cho đoàn viên

Đoàn viên huyện Gio Linh gửi gắm những câu hỏi liên quan đến nghề nghiệp, việc làm - Ảnh: T.L

Dẫu được tổ chức với hình thức online vào buổi tối nhưng chương trình Talk show với chủ đề: “Cơ hội nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên” do Tỉnh đoàn phối hợp với Hội LHTN Việt Nam tỉnh tổ chức vẫn thu hút sự theo dõi của đông đảo người dân.

Không chỉ lắng nghe, nắm bắt thông tin cần thiết, nhiều người còn tích cực tương tác với chương trình. Sau Talk show, một số người dân còn chủ động liên lạc với Ban tổ chức, khách mời để đặt thêm câu hỏi. Điều đó đủ để thấy chủ đề nghề nghiệp, việc làm đang thu hút sự quan tâm lớn của mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ.

Tín hiệu tích cực kể trên khiến chị Nguyễn Thị Ái Loan, Trưởng Phòng Lao động việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, là khách mời của Talk show rất vui mừng. Theo chị Ái Loan, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân, đặc biệt là đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Nhiều giải pháp cụ thể đã được triển khai. Nhờ thế, hằng năm, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho hơn 12.000 lao động.

Riêng năm 2023, số lao động được tạo việc làm tăng, đạt khoảng 14.000 . Trong 9 tháng đầu năm 2024, có hơn 10.300 lao động Quảng Trị đã tìm thấy việc làm, đạt 86,12% kế hoạch năm.

“Với việc các khu kinh tế, khu công nghiệp hình thành, đi vào hoạt động, dự báo thời gian tới, thị trường lao động Quảng Trị sẽ chuyển biến tích cực hơn. Đây chính là cơ hội lớn cho các bạn trẻ”, chị Loan nói.

Vui mừng trước điều đó nhưng chị Ái Loan và những người thực hiện Talk show với chủ đề: “Cơ hội nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên” vẫn còn trăn trở khi một nghịch lý đang xuất hiện. Hiện nay, số lượng lao động trong tỉnh nói chung, lao động trẻ nói riêng thiếu việc làm khá nhiều. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại vất vả tìm nguồn lao động.

Toàn tỉnh hiện hơn 3.000 doanh nghiệp. Theo khảo sát 6 tháng đầu năm 2024, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong tỉnh lên đến hơn 6.800 vị trí việc làm, tập trung ở các lĩnh vực: may mặc, xây dựng, thương mại, dịch vụ... Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu ấy còn tiếp tục tăng.

Thực tế, không phải đến Talk show với chủ đề: “Cơ hội nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên”, các cấp bộ đoàn, hội trong tỉnh mới ghi nhận nghịch lý kể trên. Đó là lý do mà thời gian qua, các cán bộ đoàn trăn trở, suy nghĩ, tổ chức đa dạng hoạt động, phong trào giúp thanh niên giải quyết những khó khăn, vướng mắc về việc làm. Từ lâu, đoàn, hội đã trở thành nhịp cầu đưa lao động trẻ đến với các đơn vị, doanh nghiệp. Đặc biệt, từ sự tiếp sức của đoàn, nhiều ĐVTN đã mạnh dạn mở lối, tìm thấy cơ hội việc làm phù hợp ở nhiều nước trên thế giới.

Theo lời giới thiệu của cán bộ Tỉnh đoàn, chúng tôi tìm hiểu nỗ lực giải quyết việc làm cho ĐVTN ở huyện Gio Linh. Chuyện trò với phóng viên, Bí thư Huyện đoàn Gio Linh Nguyễn Hồng Quân thông tin, huyện đoàn vừa phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và UBND huyện Gio Linh tổ chức chương trình giao lưu, đối thoại về việc làm cho ĐVTN, người lao động.

Năm nay, chương trình diễn ra ở nhiều địa điểm, thu hút sự tham gia của đông đảo mọi người. “Đây là hoạt động thường niên của tuổi trẻ huyện Gio Linh. Tại những chương trình thế này, có nhiều bạn trẻ đã đến và tìm thấy cơ hội việc làm. Đó là lý do thôi thúc chúng tôi luôn nỗ lực tổ chức chương trình năm sau bài bản, hiệu quả hơn năm trước”, anh Quân nói.

Tại huyện Hải Lăng, thời gian qua, cán bộ huyện đoàn cũng đã nỗ lực vào cuộc giải quyết bài toán việc làm cho ĐVTN. Nhiều hoạt động đã được tổ chức như: nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của ĐVTN; kết nối các bạn trẻ với doanh nghiệp uy tín; hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp; tìm đầu ra cho các sản phẩm thanh niên...

Mới đây, Huyện đoàn Hải Lăng vừa tổ chức chương trình truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, được cán bộ, người dân trên địa bàn đánh giá cao.

“Đến với chương trình, nhiều câu hỏi về nghề nghiệp của ĐVTN được giải đáp. Em rất mong những hoạt động ý nghĩa như thế này sẽ tiếp tục được tổ chức”, một đoàn viên tham dự chương trình cho biết.

Không chỉ sôi nổi ở các cơ sở đoàn, hoạt động hỗ trợ thanh niên tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp, việc làm cũng nhận được sự quan tâm của cán bộ, hội viên Hội Doanh nhân trẻ tỉnh. Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Phạm Trường Sơn cho biết, từ công tác đoàn, phong trào thanh niên, thời gian qua, nhiều chủ doanh nghiệp là thành viên của hội đã tìm thấy nguồn lao động trẻ, giàu sáng tạo, nhiệt huyết.

“Hội Doanh nhân trẻ luôn ủng hộ, đồng hành tích cực với ĐVTN. Hiện tại, chúng tôi đang tập trung hỗ trợ các bạn trẻ thông qua việc cung cấp thông tin về thị trường; kết nối cung, cầu về lao động, việc làm; trang bị kiến thức, kỹ năng; tìm kiếm nguồn vốn, nguồn nguyên liệu, đầu ra cho sản phẩm thanh niên...”.

Những nỗ lực của các cấp bộ đoàn, hội đã góp phần tích cực, giúp nhiều ĐVTN giải bài toán khó về nghề nghiệp, việc làm. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, toàn Đoàn đã tổ chức 145 hoạt động hướng nghiệp, 30 hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 7.000 ĐVTN, bộ đội xuất ngũ, trong đó giới thiệu việc làm mới cho gần 3.600 đoàn viên.

Nhờ có công việc ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của các bạn trẻ nâng lên đáng kể. Từ đây, ĐVTN có điều kiện thuận lợi để tham gia công tác đoàn, phong trào thanh niên và cống hiến nhiều hơn.

Vui mừng trước tín hiệu khả quan ấy, các cấp bộ đoàn, hội trong tỉnh vẫn không quên nghịch lý việc làm đang tồn tại giữa lao động trẻ và doanh nghiệp. Vì thế, ai cũng nêu cao quyết tâm, nỗ lực có thêm nhiều hoạt động, phong trào, qua đó tiếp sức một cách hiệu quả cho các bạn trẻ trong tỉnh.

Tây Long

Tin liên quan:
  • Cầu nối việc làm cho đoàn viên
    Những “cầu nối” tiêu biểu ở bản làng

    Phát huy vai trò của mình, đội ngũ người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua. Thông qua nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa, họ đã góp phần tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm thay đổi diện mạo các thôn, bản ở địa phương.

  • Cầu nối việc làm cho đoàn viên
    Nhịp cầu nối ngôn ngữ và yêu thương

    Tạo ra một đôi găng tay điện tử kết nối với chiếc điện thoại thông minh, em Trần Ngọc Long, lớp 11 Lý, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đã chuyển đổi thành công ngôn ngữ ký hiệu của người câm điếc sang chữ viết/tiếng nói (cả tiếng Việt và tiếng Anh) dưới dạng văn bản, âm thanh cho người bình thường hiểu, đồng thời “phiên dịch” ngôn ngữ dạng nói của người bình thường sang chữ viết cho người câm điếc đọc. Đề tài này không chỉ chuyển tải ngôn ngữ mà còn nối gần hơn những yêu thương và sẻ chia.


Tây Long

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long