Cập nhật: Thứ 5, 18/10/2012 | 13:39 GMT+7

Cần quan tâm tháo gỡ khó khăn về xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc

(QT) - Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giúp người lao động có cơ hội thoát nghèo. Hiện nay tỉnh Quảng Trị có trên 2.280 lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Số lao động này có việc làm ổn định, có thu nhập cao hơn thu nhập lao động cùng ngành nghề ở trong nước. Bình quân mỗi năm lực lượng lao động xuất khẩu gửi về trên 100 tỷ đồng. Trong những năm qua thị trường lao động ở các nước và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, U.A.E, Ả rập Xê út, Qatar…luôn tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam với yêu cầu không quá cao về tay nghề, ngoại ngữ và phù hợp với lao động tỉnh Quảng Trị, trong đó Hàn Quốc là nước mà nhiều lao động Việt Nam muốn được đến làm việc. Riêng ở tỉnh Quảng Trị đã có 3.000 lao động hiện đang làm việc tại Hàn Quốc; ở huyện nghèo Đakrông đã có hơn 100 lao động xuất cảnh sang các thị trường Libya, Malaysia, U.A.E...thu nhập trung bình 4-6 triệu đồng/tháng, nhiều lao động đã có tiền gửi về cho gia đình, góp phần cải thiện đời sống cho nhiều gia đình ở miền núi. Năm 2011, toàn tỉnh có 504 người đi làm việc tại các nước và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Lào...Riêng qua kênh Trung tâm Giới thiệu việc làm có 353 người đi XKLĐ, trong đó 181 lao động làm việc tại Hàn Quốc và 54 lao động đi làm việc ở các nước khác. Ở những địa phương có nhiều người tham gia XKLĐ, đời sống của người dân đã chuyển biến tích cực, nhiều gia đình trở nên khá giả.

Thông tin về thị trường xuất khẩu lao động tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Quảng Trị

Tuy nhiên công tác XKLĐ ở Quảng Trị vẫn chưa mạnh và phát triển chưa đồng đều. Nguyên nhân chính là do nhận thức của người lao động, gia đình người lao động về công tác XKLĐ còn hạn chế, chưa nhận thức được lợi ích mà công tác XKLĐ mang lại nên chưa tích cực tham gia. Thời gian gần đây, một số thị trường như Malaysia, Qatar, Ả rập Xê-út...có mức thu nhập không cao, mức lương từ 4-7 triệu đồng/người/tháng nên thị trường XKLĐ ở những nước này đã không còn hấp dẫn đối với số đông lao động Quảng Trị. Để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm việc làm, trong mấy năm trở lại đây thị trường lao động Hàn Quốc đang là sức hút đối với lao động Việt Nam. Đây là một trong những thị trường luôn tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam với yêu cầu không quá cao về tay nghề và có mức thu nhập cao, khoảng từ 15 - 25 triệu đồng/người/ tháng, nếu được làm thêm giờ thì người lao động có thể kiếm được thu nhập trên dưới 30 triệu đồng/tháng sau khi trừ tất cả các chi phí cần thiết. Ngành nghề tuyển dụng ở Hàn Quốc gồm có 4 nhóm lĩnh vực chủ yếu: sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) và ngư nghiệp (nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản). Riêng 9 tháng đầu năm 2012, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đã tổ chức đào tạo trên 400 học viên học tiếng Hàn, hiện đã cấp chứng chỉ đợi phỏng vấn đi làm việc tại Hàn Quốc. Như vậy, thị trường Hàn Quốc sẽ dần dần đứng đầu danh sách những quốc gia mà lao động tỉnh Quảng Trị được nhập cảnh sang làm việc. Với tính cần cù, chịu khó, thật thà và chăm chỉ làm việc nên lao động Quảng Trị được các chủ sử dụng đánh giá cao và có nhu cầu tuyển dụng đông hơn so với các tỉnh khác. Mặc dù đã có bước chuyển tích cực về số lượng, tuy nhiên, XKLĐ sang Hàn Quốc ở tỉnh vẫn còn những hạn chế. Theo quy định, công dân Việt Nam từ 18 đến 39 tuổi, đủ sức khỏe để học tập và lao động, không vi phạm pháp luật, không bị Việt Nam cấm xuất cảnh và Hàn Quốc cấm nhập cảnh đều có thể đi XKLĐ sang Hàn Quốc. Khi các ứng viên có đầy đủ các tiêu chuẩn này thì có quyền học tiếng Hàn ở bất cứ một cơ sở nào theo Chương trình KLPT, sau đó được đăng ký hồ sơ dự kiểm tra tiếng Hàn tại Sở LĐ- TB&XH (hoặc Trung tâm GTVL tỉnh) tại địa phương nơi cư trú. Vậy nhưng, trên thực tế ở tỉnh Quảng Trị công tác đào tạo để dự nguồn lao động đi XKLĐ sang Hàn Quốc vẫn còn quá ít ỏi, cung vẫn chưa đáp ứng với cầu; nhu cầu dự tuyển đi Hàn Quốc là rất lớn, nhưng khả năng đào tạo tiếng Hàn để tạo nguồn dự tuyển sang nước này chưa đáp ứng so với nhu cầu xã hội. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh chỉ có duy nhất Trung tâm GTVL có tổ chức đào tạo tiếng Hàn. Hàng năm, số lượng lao động đăng ký học tiếng Hàn tại Trung tâm GTVL tỉnh rất đông, nhưng năng lực đào tạo của Trung tâm GTVL chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu. Bởi vậy, Sở LĐ-TB&XH phải xây dựng chỉ tiêu đào tạo, sau đó xét tuyển danh sách những người đăng ký. Chất lượng lao động qua đào tạo tiếng Hàn cũng là vấn đề cần phải quan tâm. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết mặc dù lao động Quảng Trị luôn được phía Hàn Quốc tiếp nhận nhưng khi nhập cảnh vào Hàn Quốc nhiều lao động gặp khó khăn trong các tình huống giao tiếp với chủ, thậm chí có những lao động không nói được một câu tiếng Hàn nào. Thực trạng này cho thấy năng lực đào tạo tiếng Hàn của Trung tâm giới thiệu việc làm còn hạn chế so với các địa phương khác. Khi mà công tác xuất khẩu lao động ở tỉnh Quảng Trị đang gặp phải khó khăn vì từ đầu năm đến nay toàn tỉnh chỉ có 504 lao động đi làm việc ở nước ngoài thì đầu tháng 10/2012, Chính phủ Hàn Quốc có chủ trương dừng tiếp nhận lao động mới của Việt Nam. Khi tiếp nhận thông tin này nhiều lao động đã tỏ ra hoang mang. Anh Nguyễn Đức Long, 29 tuổi ở thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt, Gio Linh cho biết: “Tôi bắt đầu đi học tiếng Hàn tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh từ đầu tháng 3/2012 và kết thúc vào tháng 6/2012. Học phí 3 triệu đồng, thêm các chi phí ăn ở, đi lại tổng cộng gần 10 triệu đồng. Khi học xong, Trung tâm giới thiệu việc làm cấp chứng chỉ và hẹn khi nào có đợt sẽ gọi đi nhưng đã 4 tháng vẫn chưa thấy gọi. Sợ không được đi vì đã bỏ nhiều thời gian và tiền bạc rồi, nay nghe tin tạm ngưng tiếp nhận lao động từ phía Hàn Quốc tôi rất lo lắng. Trong thời gian chưa đi XKLĐ tôi phải kiếm việc khác để làm và chờ đợi nhưng quả thật lúc này tâm lý rất hoang mang…” Còn đối với anh Nguyễn Việt Thảo, 27 tuổi cùng ở thôn Xuân Ngọc học tiếng Hàn từ năm 2010, đợi lịch và thi xong, đạt tiêu chuẩn đi XKLĐ nhưng gần 2 năm trôi qua mà vẫn chưa được đi. Hiện tại anh Thảo ở nhà thất nghiệp nhưng cũng không dám đi học nghề khác vì sợ khi gọi đi XKLĐ thì dở dang hết mọi việc. Xã Gio Việt (Gio Linh) là địa phương có nhiều lao động đi làm việc nước ngoài. Hiện tại có 60 người đi XKLĐ ở nhiều nước khác nhau, riêng Hàn Quốc là 14 người; số người đã học để đi XKLĐ Hàn Quốc là trên 20 người. Phó Chủ tịch UBND xã Trần Thanh Hải cho biết thêm: “Lao động của xã đi Hàn Quốc bắt đầu từ năm 2005. Người lao động đi Hàn Quốc về có cuộc sống khá giả hơn so với đi Đài Loan chi phí bỏ ra 150 triệu đồng nhưng thu nhập chỉ có trên 10 triệu đồng/tháng (đi 3 năm) nên phải mất ít nhất 2 năm mới hoàn được vốn nên người dân địa phương thường chọn Hàn Quốc. Vì mới biết thông tin phía Hàn Quốc ngưng tiếp nhận lao động nên xã vẫn chưa có động thái gì để giúp đỡ. Phần lớn lao động chưa được đi Hàn Quốc đang có việc làm (đa số làm nghề hấp cá). Địa phương mong muốn tỉnh, Sở LĐ-TB&XH và Trung tâm giới thiệu việc làm sớm có những giải pháp để giải tỏa sự hoang mang lo lắng của người dân khi họ đã bỏ ra nhiều thời gian tiền bạc, công sức học tiếng nước sở tại để tham gia XKLĐ mong kiếm được việc làm thu nhập, ổn định cuộc sống. Bài, ảnh: HỒ NGUYÊN KHA



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Triển vọng xuất khẩu lao động năm 2023
22:11 15/02/2023

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) năm 2022 ghi nhận những kết quả nổi bật so với kế hoạch đề ra; điều này cho thấy thị trường XKLĐ đang phục hồi mạnh mẽ sau một thời ...

Xuất khẩu lao động ở Quảng Trị tăng cao
11:27 22/02/2024

Hôm nay 22/2, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2023 tỉnh đã giải quyết việc làm cho 13.989 lượt lao động (đạt 116,6% kế hoạch), trong ...

Khởi sắc Tà Rụt

Khởi sắc Tà Rụt
10:45 tối qua

QTO - Mặc dù là địa phương ở vùng núi, phần đông dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhưng những năm gần đây, bức tranh KT-XH ở xã Tà Rụt, huyện...

Chung tay xây dựng nông thôn mới bền vững

Chung tay xây dựng nông thôn mới bền vững
10:35 tối qua

QTO - Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh, hình ảnh người phụ nữ không chỉ gắn liền với gian bếp, thửa...

Màu xanh Hướng Phùng

Màu xanh Hướng Phùng
06:37 18/10/2012

(QT) - Những cơn mưa đầu mùa đã khoác lên núi đồi miền tây một màu xanh mới, những vườn cà phê, hồ tiêu xác xơ sau một thời gian dài nắng hạn đã bật lên lớp lớp chồi non căng...

Xây dựng mô hình keo lưỡi liềm cho vùng cát

Xây dựng mô hình keo lưỡi liềm cho vùng cát
06:53 17/10/2012

(QT) - Đất cát vùng Bắc Trung Bộ có diện tích rất lớn là 334.740 ha, chiếm 12% tổng diện tích đất lâm nghiệp của cả vùng, trong đó 36,7 % diện tích còn bỏ hoang (Theo Tiến sĩ...

Kiểm lâm địa bàn cùng dân giữ rừng

Kiểm lâm địa bàn cùng dân giữ rừng
06:53 17/10/2012

(QT) - Được ví như chiếc cầu nối quan trọng, gắn kết hoạt động của cơ quan kiểm lâm với cơ sở, hơn mười năm qua, lực lượng kiểm lâm địa bàn (KLĐB) đã góp phần không nhỏ vào sự...

POWERED BY
Việt Long