{title}
{publish}
{head}
Trong niềm vui hân hoan của những ngày đầu lập lại tỉnh, ngày 13/7/1989, báo Quảng Trị xuất bản số báo đầu tiên. Kể từ đó, bạn đọc không chỉ dõi theo quá trình xây dựng, phát triển tỉnh nhà qua báo Quảng Trị, mà người dân còn tìm đến báo để phản ánh, kiến nghị nhiều vấn đề nảy sinh trong đời sống, với mong muốn báo chí làm “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân, đồng thời góp tiếng nói bảo vệ công bằng, lẽ phải, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho Nhân dân. Trong phạm vi bài báo chúng tôi không đề cập được nhiều, chỉ phác họa những nét cơ bản và vài chuyện “khó quên” của công tác đơn thư bạn đọc Báo Quảng Trị trong 35 năm qua.
Sau 6 bài đăng trên báo Quảng Trị, các hộ dân định cư từ 30 năm trước ở thôn Phương Lang, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - Ảnh: L.M
“Thượng vàng hạ cám” đều phản ánh với báo!
Có thể không còn nhớ lá đơn đầu tiên mà người dân gửi đến Báo Quảng Trị tính từ khi lập lại tỉnh, nhưng trong quãng thời gian dài đó đã có hàng ngàn đơn thư, thông tin từ người dân, doanh nghiệp, các tổ chức gửi đến báo qua đường bưu chính, điện thoại, email, zalo hoặc trực tiếp đến tòa soạn trình báo.
Nội dung đơn thư rất đa dạng, như phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo khi có vướng mắc, thiếu thống nhất hoặc tranh chấp giữa: người dân - chính quyền; người dân - người dân; người dân - doanh nghiệp; doanh nghiệp - doanh nghiệp; doanh nghiệp - chính quyền.
Khi xảy ra sự việc, bên không đồng ý với kết quả sẽ tìm đến báo để phản ánh, với mong muốn báo vào cuộc làm rõ, để sự việc được giải quyết thỏa đáng, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, tuy không trực tiếp xung đột lợi ích nhưng người dân cũng chủ động cung cấp nhiều thông tin cả về tiêu cực lẫn tích cực để báo tìm hiểu, phanh phui sự việc, đấu tranh, phê phán thói hư tật xấu trong xã hội; hoặc viết bài tuyên truyền những việc làm tốt, làm được để biểu dương, nhân rộng; hay cả những hoàn cảnh khó khăn cũng tìm đến báo nhờ thông tin nhằm vận động cộng đồng chung tay giúp đỡ.
Nhìn chung, các vấn đề phản ánh đến báo rất đa dạng và trên các lĩnh vực. Nhớ hồi mới lập lại tỉnh, nguyên Tổng Biên tập Trần Trọng Tốn có lần nói: Cái gì dân cũng “kêu” với báo, nói chung “thượng vàng hạ cám” đều đến Báo Quảng Trị để trình báo, nhờ lên tiếng, giúp đỡ - đó là điều đáng mừng, thể hiện niềm tin của Nhân dân đối với tờ báo của Đảng bộ tỉnh.
Không chỉ người dân mà chính quyền, doanh nghiệp cũng chủ động cung cấp thông tin để báo cùng vào cuộc nhằm giải thích, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương, pháp luật, tạo thuận lợi để thực hiện tốt nhiệm vụ, hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc định hướng dư luận xã hội.
35 năm với hàng ngàn vụ việc đủ muôn màu sắc, trong đó có những sự việc thường chúng ta ít khi nghĩ tới, nhưng thực tiễn vốn phong phú, như một số trường hợp dưới đây.
Anh T., một thanh niên người dân tộc thiểu số, thay mặt bà con viết đơn phản ánh với báo tình trạng chi tiền hỗ trợ ruộng nước bị bồi lấp do lũ lụt thiếu minh bạch, không công bằng, cán bộ gợi ý rồi nhận tiền của dân hỗ trợ “uống nước”. Đơn có đoạn viết: “Bà con Nhân dân xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa rất mong muốn Báo Quảng Trị vào cuộc điều tra làm sáng tỏ sự việc để bà con Nhân dân an tâm và luôn tin tưởng vào Đảng và Nhà nước”.
Hai hộ dân ở huyện Hải Lăng xây dựng công trình lều quán trái phép trên đất hành lang an toàn đường bộ, thế nhưng họ không tự tháo dỡ mà còn ra “điều kiện” với chính quyền. Trước tình hình đó, địa phương đã chủ động cung cấp thông tin để báo tuyên truyền người dân chấp hành, đồng thời phóng viên trực tiếp vận động người dân tháo dỡ nếu không sẽ bị cưỡng chế và còn phải mất thêm chi phí cưỡng chế.
Một doanh nghiệp không thể lấy được khoản nợ từ khách hàng mặc dù đã có bản án của tòa. Doanh nghiệp này cho rằng do cơ quan thi hành án chưa tích cực thực hiện nhiệm vụ nên có đơn gửi báo đề nghị bảo vệ quyền lợi.
Rồi một công ty hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ pháp luật có văn bản gửi báo nhắc rằng, hơn 2 năm trước báo Quảng Trị đã thông tin bảo vệ một người dân bị xã cấm xây nhà ở, sau đó tòa án hai cấp xử người dân thắng kiện, nhưng cơ quan nhà nước vẫn chưa hướng dẫn thủ tục xây dựng nhà ở, đề nghị báo tiếp tục phản ánh sự việc để giúp dân.
Hay để giải quyết tình trạng khan hiếm đất vật liệu xây dựng, 5 doanh nghiệp đề nghị báo kiến nghị tỉnh đưa các mỏ đất mới trúng đấu giá vào khai thác mà không chờ quy hoạch chung của tỉnh, vì làm vậy thì còn lâu mới xử lý được tình trạng khan hiếm đất vật liệu.
Khó khăn và rủi ro, nguy hiểm
Trong hoạt động nghiệp vụ báo chí thì mảng tiếp nhận, xử lý thông tin cung cấp qua đơn thư, đường dây nóng rất phức tạp, vì thường liên quan đến những bất cập, sai phạm, tiêu cực hoặc tranh chấp, khiếu kiện dai dẳng nhiều năm.
Nội dung phản ánh đa dạng, cả đúng, sai, tích cực, tiêu cực đều có. Người gửi đơn chỉ đưa ra những thông tin có lợi, giấu đi điều bất lợi cho mình. Đối tượng liên quan thì luôn tìm cách đối phó, né tránh, che giấu sự thật với nhiều thủ đoạn, kể cả vi phạm pháp luật. Vì vậy, bài viết mảng đề tài này thường phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, kiến thức về lĩnh vực liên quan và luôn có những rủi ro rình rập, như rủi ro về pháp lý, về sự trả thù theo kiểu “luật rừng” và tính “nhạy cảm” của thông tin.
Trên thực tế, nhiều trường hợp phóng viên bị đối tượng ngăn cản tác nghiệp bằng cách “né” tiếp xúc, hù dọa, mua chuộc, xin gỡ bài trên báo điện tử..., bởi không ai muốn những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của mình bị đưa ra công luận.
Bên cạnh đó còn có trường hợp báo bị “phản pháo” bởi viết đúng bản chất sự việc, chứ không theo ý chí của đối tượng gửi đơn đến báo. Xin chia sẻ cùng bạn đọc một số tình huống mà cơ quan và phóng viên Báo Quảng Trị từng gặp.
Trên đường đến hiện trường vụ khai thác đất trái phép, một đối tượng “xăm trổ” đã tiếp cận phóng viên với thái độ hăm dọa nhưng không khuất phục được, liền chuyển sang năn nỉ, “xin” đừng viết báo để còn làm ăn. Hoặc khi báo đăng bài về cần minh bạch trong làm đường giao thông nông thôn ở một địa phương, phóng viên nhận được điện thoại của người liên quan với thái độ gay gắt, xưng mày tao và chửi phóng viên tới tấp.
Rồi chuyện một người dân không đồng ý với kết quả giải quyết của chính quyền trong tranh chấp mảnh đất bồi thường tái định cư, nên tìm đến báo đề nghị bảo vệ lợi ích của mình, nhưng sau đó lại khiếu nại báo đến 3 lần do báo không viết bài theo ý của họ (bài báo phản ánh đúng thực chất sự việc).
Đơn người dân gửi báo thường là phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, nhưng cũng có nhiều trường hợp đề nghị báo viết bài về các hoàn cảnh khó khăn nhằm kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng. Tuy nhiên, cũng có lần báo “làm ơn, mắc oán”. Đó là bài báo viết về trường hợp cháu bé bị bại liệt bẩm sinh sống với ông bà ngoại, bởi bố mẹ đã chia tay và không ai nuôi dưỡng cháu. Khi bài vừa đăng thì mẹ của cháu đang sinh sống ở xa biết được nên không đồng ý, yêu cầu gỡ bài nếu không sẽ kiện báo, dù cho chúng tôi giải thích là viết theo thỉnh cầu của ông bà ngoại cháu.
Ngoài việc gây khó khăn, cản trở tác nghiệp, thì còn có những trường hợp báo phản ánh sai phạm, đối tượng liên quan xin gỡ bài trên báo điện tử nhằm hạn chế sự lan tỏa thông tin. Tuy nhiên, chuyện “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” có thể xảy ra ở đâu đó, riêng với Báo Quảng Trị thì tuyệt đối không!
Và những lời cảm ơn chân thành
Sau khi tiếp nhận phản ánh, việc đầu tiên là phải nghiên cứu kỹ, phân loại đơn thư, thông tin có được, các tài liệu kèm theo, vấn đề thuộc lĩnh vực và liên quan đến đơn vị nào, đã được giải quyết hay chưa, đúng sai, vì sao không đồng ý... từ đó mới có cách xử lý đối với từng trường hợp cụ thể.
Như đề nghị chính quyền, cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết, trả lời công dân qua báo; cử phóng viên điều tra, thu thập tài liệu viết bài nếu xét thấy việc xử lý chưa thỏa đáng, hoặc né tránh, đùn đẩy; phản ánh trên báo vấn đề xã hội quan tâm để chính quyền biết, giải quyết; phân tích, trao đổi giúp người dân hiểu rõ sự việc đã được giải quyết đúng pháp luật, khuyên họ rút đơn, không khiếu kiện kéo dài...
Với trách nhiệm làm “cầu nối” giữa Nhân dân với chính quyền, tất cả các nội dung tiếp nhận Ban biên tập đã kịp thời chỉ đạo xử lý và hồi âm để người dân, bạn đọc rõ. Không thể đề cập nhiều về kết quả đạt được của công tác đơn thư bạn đọc, chỉ xin trích đăng một số tin nhắn, lời cảm ơn chân thành gần đây của người dân dành cho phóng viên và cơ quan Báo Quảng Trị.
“Chiều tối qua em gọi anh mấy cuộc mà máy không liên lạc được. Anh T. à, cho bà con ở khu cách ly gửi đến các anh một lời cảm ơn chân thành nhất! Khoảng gần 17 giờ hôm qua điện, nước ổn định anh à... Nhờ tiếng nói của các anh mà bà con đi cách ly thoát được sự khổ vả”- tin nhắn của người dân sau khi việc thiếu điện, nước ở khu cách ly COVID-19 được khắc phục.
“...Trước khi nhờ đến các anh thì cũng đã báo cáo bằng điện thoại với UBND tỉnh, UBND huyện nhưng chủ đầu tư vẫn không làm, bây giờ nhờ báo Đảng của tỉnh. Khi phóng viên báo đến làm việc thì họ xin hứa là dọn ngay. Và đúng là họ đã đưa người, xe múc đến dọn ngay, họ làm rất tốt... Xin các anh đừng đăng báo nữa, tội họ!” - người dân cảm ơn báo, đồng thời xin báo bỏ qua cho doanh nghiệp trong vụ nhà thầu sau khi thi công hoàn thành công trình nhưng không thu dọn hiện trường làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
“Chú đọc rồi, như vậy là tốt! Thay mặt hợp tác xã và Nhân dân biết ơn sự quan tâm giúp đỡ của cháu nói riêng, cơ quan báo chí đã đem tiếng nói chung của người dân một địa phương trong hai cuộc kháng chiến có những đóng góp nhỏ bé...”- tin nhắn của người dân gửi phóng viên...
Nhìn lại 35 năm qua, tuy có khi kết quả chưa như mong muốn, nhưng khẳng định Báo Quảng Trị đã làm tốt công tác đơn thư bạn đọc; thực hiện tốt nhiệm vụ “cầu nối”, giúp chính quyền nắm bắt thông tin, giải quyết các vấn đề, sự việc mà người dân phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, mang lại niềm tin trong Nhân dân; là “diễn đàn” để Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng vững mạnh.
Báo Quảng Trị xem việc xử lý đơn thư, thông tin nhận được là trách nhiệm, nhiệm vụ quan trọng của người làm báo. Và luôn cảm ơn người dân, chính quyền, doanh nghiệp, các tổ chức đã tin tưởng cung cấp, phản ánh sự việc với báo, để báo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan báo Đảng.
Tùng Lâm
QTO - Phát huy những thắng lợi đã đạt được trong các thời kỳ cách mạng (1930 - 1931; 1936 - 1939), dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, phong trào đấu...
QTO - Những ngày này, cấp ủy, chính quyền, Nhân dân xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong nỗ lực lập thành tích cao nhất trong lao động sản xuất, trong học...
QTO - Những năm qua, phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT) trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Quảng Trị luôn được giữ vững và ngày càng phát triển sâu...
QTO - Xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh, thành phố vững chắc là chủ trương mang tầm chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng,...
QTO - Nhân đại hội thi đua quyết thắng lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2019 - 2024, Báo Quảng Trị Online trân trọng giới thiệu toàn văn bài...
QTO - Có một thế hệ người Mỹ từng sống với chiến tranh Việt Nam và để lại nhiều ký ức không thể nguôi ngoai. Sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hoá...
QTO - Sáng nay 10/7, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc kỳ họp thứ 26 để xem xét, quyết định các nội dung theo luật định. Báo...
QTO - 5 năm qua, trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là thiệt hại nặng nề về người và tài sản do thiên tai gây ra vào năm 2020,...
QTO - 50 năm qua, dù ở thời điểm nào, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Phùng, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị cũng luôn đoàn kết một lòng,...
QTO - Ngày 9/7/2024, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến...
QTO - Để góp phần làm tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng...
QTO - Đồng chí Ngô Thế Kiên, tên khai sinh là Ngô Tứ Chức, sinh ngày 13/8/1931, quê quán: xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, trú quán: số nhà...