{title}
{publish}
{head}
Tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng diễn biến phức tạp, gây ra những rủi ro, hệ lụy như đánh cắp thông tin khách hàng, lấy cắp tiền trong tài khoản ví điện tử... Thực trạng này đặt ra nhiều thách thức đối với việc quản lý và bảo đảm an ninh, an toàn trong lĩnh vực thanh toán. Liên quan đến nội dung này, phóng viên Báo Quảng Trị đã phỏng vấn Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh Quảng Trị NGUYỄN ĐỨC ĐỒNG.
-Thưa ông, hiện nay các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được khách hàng quan tâm. Đề nghị ông cho biết tình hình tăng trưởng của các hình thức thanh toán này trên địa bàn tỉnh?
-Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt luôn là một trong những ưu tiên của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về phổ biến tài chính toàn diện và triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ về vấn đề này, ngành ngân hàng đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, nhu cầu thanh toán thông suốt, an toàn cho tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế.
Số lượng khách hàng mở và sử dụng tài khoản thanh toán liên tục tăng qua các năm. Toàn tỉnh có 705.759 tài khoản cá nhân đang hoạt động (tăng 40% so với cuối năm 2022). Hơn 69% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán, trong đó mở tài khoản bằng phương thức eKYC tăng 114% so với cuối năm 2022. Dịch vụ thẻ ngân hàng phát triển, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) đã bổ sung và tích hợp thêm các tính năng thẻ ngân hàng, cho phép sử dụng để thanh toán và các dịch vụ tại các đơn vị cung ứng khác. Toàn tỉnh có hơn 769.000 thẻ đang lưu hành (tăng 32% so với cuối 2022).
Các TCTD luôn chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thuận lợi cho khách hàng thông qua việc phát triển về số lượng, chất lượng và quy mô mạng lưới máy giao dịch tự động (ATM), thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (quẹt thẻ thông qua máy POS). Đến nay, toàn tỉnh đã có 115 máy ATM, trong đó có 10 máy ATM đa chức năng (cho phép khách hàng rút, nộp tiền, gửi tiền tiết kiệm trực tiếp tại máy 24/7); 762 máy POS (tăng hơn 10% so với năm 2022).
Thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại một cửa hàng ở TP. Đông Hà -Ảnh: TÚ LINH
Có hơn 21.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR code (tăng 129% so với năm 2022) được đặt tại các doanh nghiệp, cơ sở/chuỗi phân phối, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học... Mạng lưới QR code được phủ sóng gần như toàn bộ các huyện, thị, thành phố. Thanh toán qua mobile banking với phương thức quét mã QR code tăng trưởng rất mạnh mẽ vì tính tiện ích của nó (tăng 468% về số lượng và 731% về giá trị so với năm 2022 (cao hơn giá trị bình quân cả nước 471,13%).
Thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ POS tăng 99% về số lượng và 67% về giá trị so với năm 2022. Đặc biệt, giao dịch nộp tiền qua máy đa chức năng như CDM, CRM trên địa bàn đạt 134.989 món, tương ứng giá trị hơn 1.018 tỉ đồng. Việc chuyển tiền qua internet banking, mobile banking, POS có xu hướng tăng cả về số lượng và giá trị (tăng 28% về số lượng và 23% về giá trị so với năm 2022). Tỉ trọng thanh toán số so với tổng phương tiện thanh toán trên địa bàn đạt gần 80%.
-Xin ông cho biết những khó khăn gặp phải trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho khách hàng với việc thanh toán không dùng tiền mặt?
-Cùng với việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thì tình trạng lừa đảo trực tuyến, tội phạm công nghệ, tội phạm trên không gian mạng tấn công vào hệ thống và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng gia tăng trên quy mô toàn cầu, toàn quốc, không có ranh giới, không loại trừ đối với khách hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Việc lừa đảo diễn ra với nhiều cách thức, thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng. Các đối tượng chủ động lừa đảo, lấy cắp thông tin tài khoản của khách hàng (tên đăng nhập, mã xác thực...) thông qua mạng xã hội như facebook, zalo, instagram..; hoặc mua, bán, thuê, mượn tài khoản thanh toán để thực hiện giao dịch cho mục đích bất hợp pháp, rửa tiền, trốn thuế, gian lận, lừa đảo...
Một số hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay khách hàng cần chú ý tránh để đảm bảo an toàn tài sản.
Thứ nhất, các đối tượng xấu giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, thuế, bảo hiểm xã hội... để yêu cầu chủ tài khoản, thẻ cài đặt các ứng dụng giả mạo trên điện thoại. Sau đó, chúng sử dụng công nghệ thực hiện giao dịch chuyển tiền để chiếm đoạt.
Thứ hai, các đối tượng xấu tuyển cộng tác viên bán hàng online, phát triển đơn hàng, kêu gọi đầu tư chứng khoán... Sau khi chủ tài khoản, thẻ chuyển tiền, các đối tượng chiếm đoạt, thông qua tiền ảo chuyển ra nước ngoài hoặc chuyển tẩu tán qua rất nhiều tài khoản khác gây khó khăn cho việc truy vết đường đi của dòng tiền.
Thứ ba, các đối tượng xấu lập website, giả mạo nhân viên các ngân hàng, công ty tài chính đăng bài quảng cáo cho vay thủ tục nhanh, gọn... nhưng yêu cầu nộp các loại phí để chiếm đoạt tài sản. Thứ tư, các đối tượng xấu dùng các thủ đoạn mới của công nghệ AI để giả mạo khuôn mặt, giọng nói rồi liên hệ người thân, bạn bè nhờ chuyển tiền.
Ngoài ra, các đối tượng còn giả mạo dịch vụ lấy lại tiền đã bị lừa đảo hay lập doanh nghiệp “ma”, mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền đầu tư chứng khoán... sau đó chiếm đoạt tiền.
Việc ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, sim rác, “tài khoản ảo” còn chưa triệt để, tình trạng lộ, lọt thông tin và dữ liệu khách hàng, rao bán thông tin cá nhân cũng tạo kẽ hở cho các đối tượng xấu lợi dụng. Các đối tượng lừa đảo tổ chức mua những sim điện thoại đã kích hoạt sẵn, thuê người mở tài khoản ngân hàng bằng số điện thoại trên. Khi lừa được nạn nhân chuyển vào tài khoản này, chúng nhanh chóng rút, hoặc chuyển sang nhiều tài khoản khác, khiến cơ quan công an truy vết, thu hồi tiền gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài ra, để đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật dữ liệu khách hàng, sự đồng bộ của các quy định pháp lý liên quan về giao dịch điện tử, chữ ký, chứng từ điện tử, thì cần đẩy nhanh phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, chia sẻ dữ liệu và bảo mật thông tin khách hàng đối với thanh toán số, đây là nội dung hết sức cấp thiết.
-Thực tế đã xảy ra nhiều vụ vi phạm, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng do các đối tượng xấu gây ra. Vậy công tác phối hợp tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn được thực hiện như thế nào, thưa ông?
-Bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt thì đồng thời phải kiểm soát rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động ngân hàng số. Đây là vấn đề rất quan trọng luôn được NHNN các cấp quan tâm. Ngày 29/1/2024, NHNN có công văn số 648/NHNN-TT về việc tăng cường các biện pháp quản lý rủi ro đối với mở và sử dụng tài khoản thanh toán, ví điện tử. Trước đó, ngày 15/1/2024, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng.
Trên địa bàn tỉnh, Chi nhánh NHNN đã chủ động theo dõi, nắm bắt sát sao tình hình hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; chỉ đạo các TCTD chú trọng, quan tâm công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và thanh toán; tăng cường các biện pháp quản lý rủi ro đối với mở và sử dụng tài khoản thanh toán.
Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan để báo cáo, tham mưu, thông tin kịp thời cho UBND tỉnh, Thống đốc NHNN trong triển khai nhiệm vụ. Tăng cường phối hợp với các cơ quan và tổ chức liên quan trong công tác phòng, chống tội phạm về hoạt động thanh toán, cũng như ngăn ngừa việc lợi dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán cho các giao dịch bất hợp pháp; cập nhật thông tin, cảnh báo kịp thời phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm cho các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cũng như khách hàng để có biện pháp phòng, chống hiệu quả.
NHNN Chi nhánh tỉnh đã phối hợp, trao đổi chặt chẽ với Phòng Cảnh sát kinh tế, Phòng An ninh kinh tế, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Công an tỉnh để nắm thông tin cụ thể, kịp thời đối với những vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn hệ thống thanh toán, ví điện tử; đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Yêu cầu các TCTD tăng cường công tác giám sát số liệu hệ thống thanh toán, đồng thời kiểm tra, rà soát toàn bộ quy trình, thủ tục, quy định về hồ sơ và hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định nội bộ đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và tuân thủ quy định pháp luật. Chú trọng đào tạo, hướng dẫn cán bộ, nhân viên ngân hàng các kiến thức, kỹ năng về nhận biết giấy tờ tùy thân thật, giả; thực hiện hậu kiểm 100% đối với tài khoản thanh toán và thẻ ngân hàng đã mở theo phương thức eKYC.
Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông để đăng tải kịp thời các thông báo, hướng dẫn, cảnh báo tới khách hàng đầy đủ thông tin về các hành vi bị cấm, hành vi không được thực hiện trong quá trình mở, sử dụng tài khoản thanh toán dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao công tác đảm bảo phòng ngừa rủi ro cho khách hàng.
-Xin cảm ơn ông!
Tú Linh (thực hiện)
QTO - Năm 2024 được xác định là năm “tăng tốc, bứt phá và về đích” để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hải...
QTO - Nhờ chủ động vượt khó trong sản xuất, ở khu vực miền núi huyện Vĩnh Linh ngày càng nhiều hộ dân thử nghiệm thành công những cây trồng, vật nuôi mới,...
QTO - Trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án giao thông trọng điểm đang và sẽ được triển khai thực hiện như: Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông-Tây,...
QTO - Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, nhất là về điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai, Quảng Trị từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm...
QTO - Bắt tay vào khởi nghiệp, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vượt lên tất cả, các chị đã phát huy tính cần cù, chịu khó, tích cực lao động sản xuất đạt...
QTO - Sau một thời gian chậm tiến độ do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, những ngày đầu năm mới 2024, tỉnh Quảng Trị và nhà đầu tư khẩn trương hoàn thành các...
QTO - Quảng Trị có chung đường biên giới với 2 tỉnh Salavan, Savannakhet và gần tỉnh Sekong. Đây là những địa phương có trữ lượng than đá lớn của Lào đang...
QTO - Với nỗ lực và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong toàn tỉnh, năm 2023 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc...
QTO - Ngay sau khi khởi động dự án Cảng hàng không Quảng Trị vào tháng 12/2023, tỉnh Quảng Trị tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tích cực phối hợp với...
QTO - Kinh tế tập thể (KTTT) có vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân,...
QTO - Với trăn trở làm gì để tăng giá trị kinh tế cho cây ném quê nhà trên thị trường, chị Phạm Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Dương, huyện Hải...
QTO - Trên cơ sở những kết quả đạt được trong năm 2023, bước qua năm 2024, tỉnh Quảng Trị đặt ra mục tiêu tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình MTQG...