Cập nhật: Thứ 6, 18/11/2011 | 08:19 GMT+7

Ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh, 5 năm nhìn lại

(QT) - Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học (CNSH) là nhiệm vụ trọng điểm được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Mở rộng ứng dụng và phát triển CNSH nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa, phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường là một trong những mục tiêu trọng tâm của tỉnh Quảng Trị. Ngày 4/8/2006, Tỉnh uỷ Quảng Trị có Chỉ thị số 06/CT-TU về việc “Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp CNH,HĐH”. Ngày 11/4/2008 UBND tỉnh phê duyệt Quyết định số 658/QĐ-UBND về “Đề án Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2015”. Qua 5 năm thực hiện, việc nghiên cứu và ứng dụng CNSH tại Quảng Trị đã được các ngành, các địa phương triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định. Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành NN&PTNT đã tham mưu cho tỉnh nhiều chủ trương, chính sách để ứng dụng và phát triển giống cây trồng,vật nuôi. Đối với công tác giống cây trồng, đã nghiên cứu, khảo nghiệm và đã chọn được bộ giống lúa, lạc, ngô, sắn cho năng suất, chất lượng cao, ổn định, ít sâu bệnh và thích nghi với điều kiện sinh thái và cơ cấu mùa vụ ở địa phương, góp phần tích cực bảo đảm an ninh lương thực của tỉnh liên tục nhiều năm. Đối với cây công nghiệp dài ngày, đặc biệt là cây cao su (cây công nghiệp chủ lực của tỉnh), với việc ứng dụng các giống mới như PB235; PB260; RRim600 đã đưa năng suất cao su từ 9,3 tạ/ha năm 2000 lên 15,3 tạ/ha năm 2005 và 15,9 tạ/ha năm 2010, tạo giá trị thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng/ha.

Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô trong nhân giống cây trồng nông, lâm nghiệp - Ảnh: TTH

Về công tác giống chăn nuôi, thực hiện có hiệu quả chương trình cải tạo đàn bò bằng công tác thụ tinh nhân tạo, sử dụng tinh bò đực giống Zebu thụ tinh nhân tạo với bò cái vàng địa phương, đưa tỷ lệ đàn bò lai chiếm gần 30% so với tổng đàn, góp phần quan trọng vào việc tăng sản lượng, sản phẩm ngành chăn nuôi. Thực hiện thành công chương trình nạc hóa đàn lợn, đưa giống mới thuần ngoại như Landrace, Yorkshire vào nuôi thích nghi tại địa bàn tỉnh, để làm tươi máu các dòng lợn cũ, đưa tỷ lệ lợn lai trên tổng đàn chiếm 90%, rút ngắn chu kỳ nuôi từ 6-7 tháng xuống 3-4 tháng, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn cho người chăn nuôi. Chuyển giao và ứng dụng có hiệu quả nhiều giống gia cầm có năng suất chất lượng tốt vào thực tiễn sản xuất như gà Lương Phượng, gà Kabir, vịt siêu trứng siêu thịt... Bảo tồn và phát triển một số giống gia cầm, gia súc địa phương có hiệu quả như lợn Vân Pa, gà ri, vịt cỏ... Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhiều chế phẩm sinh học đã được sử dụng trong sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản. Các chế phẩm sinh học vừa giúp cho quá trình sản xuất giống và nuôi trồng đảm bảo giống sạch bệnh, giảm chi phí và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Trung tâm Giống Thuỷ sản đã ứng dụng thành công qui trình sản xuất tôm giống bằng công nghệ vi sinh và đưa công nghệ này vào sản xuất tại Trại sản xuất tôm giống ở xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Linh, mỗi năm cung ứng hàng chục triệu con tôm giống ra thị trường, đưa năng suất nuôi tôm từ 19,2 tạ/ha năm 2005 lên 49 tạ/ha năm 2010. Ngoài ra, Trung tâm cũng đã nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao thành công các giống mới có năng suất, chất lượng cao như cua xanh; cá chép lai 3 máu; cá rô phi đơn tính dòng GIFT; cá trê lai... Đối với giống lâm nghiệp, đã ứng dụng, chuyển giao và sản xuất các giống cây lâm nghiệp bằng CNSH như bạch đàn, keo lai, bời lời... góp phần thúc đẩy nhanh việc trồng rừng thâm canh, đưa năng suất gỗ rừng trồng bình quân từ 60 m3/ha năm 2005 lên 110 m3 /ha năm 2010, tăng nhanh hiệu quả và giá trị sản xuất lâm nghiệp. Về lĩnh vực y tế và sức khỏe cộng đồng, hiện nay ngành y tế tiếp tục sử dụng có hiệu quả 17 loại vaccine, trong đó có 9 loại vaccine thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng phòng chống bệnh trẻ em và đã tiếp cận chuyển đổi một số loại vaccine thế hệ mới. Sử dụng các loại men trong điều trị loạn khuẩn đường ruột. Ứng dụng phản ứng gắn kết men trong chẩn đoán một số bệnh virut: viêm gan siêu vi B, HIV. Ứng dụng các KIT chẩn đoán và thiết bị sinh hóa máu phục vụ chẩn đoán bệnh kịp thời. Trong lĩnh vực môi trường, các đơn vị, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua đã áp dụng CNSH vào thực tế sản xuất, chế biến tại cơ sở sản xuất và xử lý chất thải sản xuất nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các nhà máy chế biến mủ cao su (Công ty Cao su Quảng Trị, Trường Anh, CP Nông sản Tân Lâm); Nhà máy chế biến cà phê (Thái Hòa); Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa; Nhà máy chế biến gỗ MDF sử dụng phương pháp hồ sinh học và các chế phẩm vi sinh trong xử lý nước và mùi hôi; các bệnh viện đa khoa huyện Cam Lộ, Triệu Phong; khu nghỉ dưỡng/ resort (Hoàng Đức); siêu thị Co.opmart Đông Hà sử dụng công nghệ thiết bị hợp khối Biofast, công nghệ vi sinh bám dính để xử lý nước thải... Thông qua các dự án thuộc Chương trình“Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2006- 2010”, tỉnh được đầu tư một phòng thí nghiệm nuôi cấy mô tế bào thực vật có công suất sản xuất được 1 triệu cây giống lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô và giâm hom trên một năm; một dây chuyền sản xuất giống và một cơ sở nuôi trồng, chế biến nấm ăn và nấm dược liệu với công suất 100 tấn/ năm. Ngoài ra, một số cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ khác cũng đã được đầu tư như phòng lạnh chuyên dùng cho sản xuất và bảo quản hoa chất lượng cao. Nhiều quy trình công nghệ thuộc các lĩnh vực nhân giống in-vitro, phân lập và nhân giống vi sinh đã được các cơ sở nghiên cứu trung ương chuyển giao và ứng dụng có hiệu quả ở địa phương. Trong 5 năm qua, ứng dụng và phát triển CNSH tại Quảng Trị đã có những tác động nhất định đến phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên công tác nghiên cứu, ứng dụng CNSH trong 5 năm qua còn tồn tại nhiều khó khăn. Trước hết, cơ sở vật chất kỹ thuật và tiềm lực phục vụ nghiên cứu, ứng dụng CNSH còn nhiều hạn chế. Đội ngũ cán bộ KHCN còn thiếu và chậm được bổ sung. Chưa có những đầu tư nghiên cứu-phát triển và ứng dụng CNSH vào các lĩnh vực nhằm tạo ra các sản phẩm CNSH đặc thù và thế mạnh của địa phương. Thứ hai, sự huy động các nguồn kinh phí chưa hiệu quả, manh mún cũng là vấn đề cần quan tâm trong việc đẩy mạnh ứng dụng và triển khai CNSH tại tỉnh. Sự hỗ trợ trong đầu tư phát triển sản xuất từ các chương trình, dự án chưa thống nhất. Nguồn vốn hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất còn hạn hẹp, thời gian thực hiện của mô hình trình diễn chưa đủ để đánh giá kết quả. Vì vậy, việc đánh giá hiệu quả của mô hình khảo nghiệm chưa thực sự sát đúng. Thứ ba, người dân còn mang nặng tâm lý hoài nghi CNSH nên chưa mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, ảnh hưởng đến kết quả triển khai và ứng dụng CNSH. Ngoài ra, về mặt quản lý và cơ chế chính sách, sự phối hợp giữa các ngành trong triển khai ứng dụng CNSH chưa thực sự kết hợp đồng bộ. Chưa có chương trình, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc lĩnh vực CNSH. Để ứng dụng CNSH có hiệu quả và rộng rãi hơn vào thực tiễn, thực hiện tốt Chỉ thị 06/CT-TU của Tỉnh ủy và Quyết định 658/QĐ-UBND của UBND tỉnh, trong thời gian tới cần phải xây dựng và áp dụng chương trình thu hút, bồi dưỡng, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực CNSH cũng như thu hút, đa dạng hoá các nguồn đầu tư trong nước và ngoài nước cho nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm CNSH. Tăng cường hợp tác với các tỉnh thành trong nước và khu vực để từng bước hình thành hoặc tiếp nhận, làm chủ được một số CNSH hiện đại, ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất, phù hợp với điều kiện địa phương; Các cơ quan ban ngành chức năng cần hoạt động đồng bộ, phối hợp chặt chẽ từ cấp tỉnh đến các huyện, thị, các đơn vị, doanh nghiệp, các trung tâm KHCN, người dân... nhằm đẩy mạnh triển khai ứng dụng và phát triển CNSH trên các lĩnh vực. TRẦN THỊ HÂN (Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH và CN Quảng Trị)



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Hội thảo trao đổi thông tin về bệnh lao

Hội thảo trao đổi thông tin về bệnh lao
00:13 18/11/2011

(QT) - Ngày 17/11/2011, tại thành phố Đà Nẵng, Chương trình chống lao quốc gia (CTCLQG)-Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức hội thảo trao đổi thông tin về bệnh lao giữa CTCLQG và...

Triệu Phong: Gặp mặt cựu giáo chức

Triệu Phong: Gặp mặt cựu giáo chức
00:12 18/11/2011

(QT) - Chào mừng kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày 17/11/2011, Hội Cựu giáo chức huyện Triệu Phong (Quảng Trị) tổ chức gặp mặt các cựu giáo chức và tổng kết công tác Hội năm...

Du học sinh Việt tại Mỹ tăng 14%

Du học sinh Việt tại Mỹ tăng 14%
23:34 16/11/2011

TT - Theo Open Doors 2011, bản báo cáo thường niên về biến động trong giáo dục quốc tế ở Hoa Kỳ do Viện Giáo dục quốc tế xuất bản với sự hỗ trợ của Vụ Văn hóa và giáo dục thuộc...

POWERED BY
Việt Long