Cập nhật: Thứ 4, 22/04/2009 | 10:52 GMT+7

Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa

Suốt từ thế kỷ XVII đến khi Pháp và Việt Nam ký Hiệp ước bảo hộ năm 1884 (thực chất là Pháp buộc triều Nguyễn ký Hiệp ước này, chính thức khai tử chủ quyền đối ngoại của nhà vua), Việt Nam là nước duy nhất chiếm giữ, cai quản hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Do vậy, sau khi thiết lập chế độ thuộc địa tại Việt Nam, chính phủ Pháp phải bảo vệ chủ quyền của triều đình Huế đối với hai quần đảo này. Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đề nghị với nước Pháp cho xây dựng một hải đăng tại đảo Hoàng Sa (Pattle) trong quần đảo Hoàng Sa để hướng dẫn các tàu biển qua lại vùng này, nhưng không thực hiện được vì bấy giờ nước Pháp thiếu ngân sách. Trong tình hình người Pháp đang gặp khó khăn như vậy, năm 1909 Đô đốc Lý Chuẩn theo lệnh của Tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Nhân Tuấn đưa 3 pháo thuyền đổ bổ chớp nhoáng lên đảo Phú Lâm (Ile Boisée) đánh dấu sự thay đổi đột ngột và Trung Quốc bắt đầu tranh cãi chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - vùng lãnh hải mà cách đó không lâu họ đã thừa nhận không phải lãnh thổ Trung Quốc (Trong hai năm 1895, 1896 hai chiếc tàu La Bellona và Imeji Maru bị đắm gần Hoàng Sa. Những người đánh cá ở Hải Nam bèn thu lượm đồng từ hai chiếc tàu bị đắm. Các công ty bảo hiểm của hai chiếc tàu này phản đối chính quyền Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc trả lời rằng Trung Quốc không chịu trách nhiệm bởi lý do là Hoàng Sa không phải là lãnh thổ của Trung Hoa). Cuộc tranh chấp về Hoàng Sa năm 1909 liên quan đến Pháp và Việt Nam (mà Pháp đại diện từ 1884) và Trung Quốc, nước duy nhất tranh cãi chủ quyền của Pháp và Việt Nam. Lúc mà sự thủ đắc của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa đã hoàn thiện và nó là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam. Hành động của Lý Chuẩn rõ ràng là sự vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

Linh đảo Trường Sa nhận hàng. Ảnh: Tl
Vào thời điểm này, do công cuộc bình định Bắc Việt Nam gặp nhiều khó khăn, chưa đủ sức vươn ra Hoàng Sa nên người Pháp chưa phản ứng kịp thời và đúng mức về cuộc hành quân của Đô đốc Lý Chuẩn. Nhưng sau đó, vào các năm 1932, 1937 và 1947, Chính phủ Pháp đã ba lần đề nghị với Chính phủ Trung Quốc lựa chọn hoặc là một giải pháp hữu nghị, hoặc là một giải pháp trọng tài. Phía Chính phủ Trung Quốc đều khước từ. Trước thái độ đó, nhà cầm quyền Đông Dương đã tăng cường sự bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo đang bị đe doạ xâm chiếm. Pháp đã cho lực lượng vũ trang chiếm hữu Trường Sa và chính thức thông báo cho các quốc gia khác, đồng thời đưa tàu tuần tra, khảo sát, lập đơn vị hành chính và cho quân ra đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa. Năm 1925, Viện Hải dương học Nha Trang cử tàu De Lenessan ra khảo sát ở quần đảo Hoàng Sa về hải dương học, địa chất và sinh vật. Năm 1927, tàu Lenessan ra khảo sát khoa học quần đảo Trường Sa. Kể từ đó, liên tục trong nhiều năm người Pháp đưa tàu ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 17/11/1928, Toàn quyền Đông Dương gửi Công hàm số 2276 cho Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp đề nghị việc quản lý và khai thác tài nguyên ở Hoàng Sa, Công hàm viết rõ: "Đã đến lúc chúng ta phải đi trước và khẳng định các quyền hình như đã được thừa nhận bằng các tài liệu lịch sử cũng như thực tế địa lý" Năm 1929, phái đoàn Perrie - De Rouville đề nghị đặt 4 cây đèn biển ở 4 góc của quần đảo Hoàng Sa. Từ 13/3/1930 đến 12/4/1933, Chính phủ Pháp cử các đơn vị hải quân ra đóng ở các đảo Trường Sa, An Bang, Ba Bình, nhóm Song Tử, Loại Ta, Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa) và sau đó thông báo cho Chính phủ Nhật biết về hành động này. Ngày 21/12/1933, Thống đốc Nam Kỳ Krauthemer ký Nghị định sáp nhập các đảo Trường Sa, An Bang, nhóm Song Tử, Loại Ta, Thị Tứ vào địa phận tỉnh Bà Rịa. Tháng 10/1937, nhà chức trách Pháp cử kỹ sư Gauthier ra quần đảo Hoàng Sa nghiên cứu chỗ xây dựng đèn biển, lập bãi phi cơ và nơi đóng quân cho lực lượng bảo an. Ngày 15/6/1938, Toàn quyền Jules Brévié lập một cơ quan địa lý hành chính tại Hoàng Sa. Năm 1938, Pháp xây dựng bia chủ quyền tại đảo Hoàng Sa (Pattle); xây dựng một hải đăng, hai trạm khí tượng OMM số 48860 ở Hoàng Sa và 48859 ở Phú Lâm; xây dựng đài TSF trên đảo Hoàng Sa (thuộc quần đảo Hoàng Sa) và đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa). Cũng giữa năm đó, đơn vị bảo an Việt Nam tới Hoàng Sa. Năm 1939, Nhật chiếm quần đảo Trường Sa và ngày 4/4/1939, Pháp phản kháng nhưng vấn đề dừng lại vì chiến tranh thế giới đã đến gần. Ngày 5/5/1939, Toàn quyền Jules Brévié chia quần đảo Hoàng Sa ra thành hai đơn vị hành chính đóng trụ sở tại hai đảo Hoàng Sa và Phú Lâm. Thời kỳ chiến tranh thế giới, nhiều sự kiện ở Đông Dương và quốc tế trực tiếp tác động đến hai quần đảo. Ngày 11/10/1946, tại phiên họp Uỷ ban liên bộ về Đông Dương thuộc Chính phủ lâm thời Pháp quyết định cần khẳng định quyền của Pháp đối với quần đảo Hoàng Sa và thể hiện việc tái chiếm từ tay Nhật. Đầu năm 1947, Chính quyền Nam Kinh đưa quân chiếm đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) và ngày 17/1/1947 thông báo hạm Tokinois của Pháp được phái đến Hoàng Sa yêu cầu Trung Quốc rút quân. Phía Trung Quốc không chịu, Pháp cho đóng quân trên đảo Hoàng Sa. Đến tháng 4/1950, Đài Loan mới rút số quân chiếm đảo Phú Lâm về. Về phía Pháp, tiếp tục chiếm đóng các đảo Hoàng Sa, Trường Sa và thực hiện các chức năng nhà nước tại đó. Rõ ràng là trong suốt quá trình "bảo hộ", Pháp không hề một lần công nhận chủ quyền của Trung Quốc hay tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Về phía Chính phủ của Hoàng đế Bảo Đại, những nhân vật chủ chốt như Thượng thư Bộ Binh Thân Trọng Huề, Đổng lý Văn phòng Bửu Lộc và Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trần Văn Hữu cũng đã ba lần tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc phạm vi quản lý của Chính quyền Sài Gòn. Thừa lúc Pháp rút số quân đóng trên đảo Hoàng Sa, Sài Gòn chưa kịp ra thay thế, Trung Quốc đã đưa quân chiếm phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa Trong thời gian này, Chính quyền Sài Gòn đã luôn khẳng định và duy trì chủ quyền của mình một cách liên tục và hoà bình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các hoạt động nhà nước. Ngày 1/6/1956, Ngoại trưởng chính quyền Sài Gòn Vũ Văn Mẫu xác nhận lại chủ quyền của Việt Nam trên cả hai quần đảo. Ngày 22/8/1956, một đơn vị hải quân của chính quyền Sài Gòn cắm cờ trên quần đảo Trường Sa và dựng bia đá. Năm 1959, đã làm thất bại kế hoạch của Trung Quốc cho đổ bộ "ngư dân" lên các đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa và bắt được 82 "ngư dân", 5 thuyền vũ trang. Ngày 13/7/1961, chính quyền Sài Gòn ban hành Sắc lệnh ấn định: "Quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam. Một đơn vị hành chánh xã bao gồm trọn quần đảo này được thành lập và lấy danh hiệu là xã Định Hải trực thuộc quận Hòa Vang. Xã Định Hải đặt dưới quyền một phái viên hành chánh". Ngày 6/9/1973, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính quyền Sài Gòn thi hành Quyết định trước đó của Hội đồng Nội các, sáp nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Bình Tuy. Ngày 19/1/1974, quân đội Trung Quốc tấn công chiếm nốt phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Trước hành động xâm phạm này, ngày 26/1/1974, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam) đã ra bản tuyên bố phản đối hành động của phía Trung Quốc. Ngày 14/2/1974, chính quyền Sài Gòn ra tuyên cáo xác định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời gửi Thông báo cho Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Tổng thư ký Liên hiệp quốc cũng như các Chính phủ có quan hệ ngoại giao, các Chính phủ đã tham gia Định ước Paris ngày 2/3/1973 về Việt Nam về sự kiện Hoàng Sa. Bộ Ngoại giao chính quyền Sài Gòn cũng đã công bố sách trắng trình bày những chứng cứ lịch sử và xác định chủ quyền pháp lý của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tại Khoá họp thứ 2, Hội nghị lần thứ 3 về Luật biển tại Caracas, đại biểu chính quyền Sài Gòn đã tố cáo việc Bắc Kinh chiếm quần đảo Hoàng Sa; ngày 30/3/1974, Hội nghị kinh tế Viễn Đông tại Colombo, đại biểu chính quyền Sài Gòn đã phản đối Bắc Kinh đánh chiếm Hoàng Sa Từ sau năm 1975, một chính quyền thống nhất được thiết lập trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Ngày 9/12/1982, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định nói rõ quần đảo Trường Sa trước thuộc quận Đất Đỏ, tỉnh Bình Tuy được thành lập một huyện với tên gọi là huyện Trường Sa (thuộc tỉnh Đồng Nai). Đến ngày 28/12/1982, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định đưa huyện Trường Sa (tỉnh Đồng Nai) sáp nhập vào tỉnh Phú Khánh (nay thuộc địa phận tỉnh Khánh Hoà). Ngày 9/12/1982, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam lập quần đảo Hoàng Sa thành một huyện với tên gọi là huyện Hoàng Sa (thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng). Cùng với sự sắp xếp về mặt hành chính, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiều lần gửi Công hàm cho Trung Quốc hoặc ra tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; công bố sách trắng bác bỏ những lý lẻ không có căn cứ của các nước muốn khẳng định chủ quyền; đồng thời phản đối những hành động xâm phạm đến hai quần đảo này. Tiếc rằng, một số nước vẫn cố ý khước từ và xúc tiến mạnh mẽ chương trình tiến xuống biển Đông. Riêng Trung Quốc, từ sau 1988 đã nhiều lần đưa lực lượng tiến chiếm một số bãi, đảo trong quần đảo Trường Sa. Tình hình trên buộc Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam một mặt vừa đề nghị thương lượng trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau; một mặt củng cố vị trí và tăng cường hoạt động Nhà nước trong phạm vi toàn vẹn lãnh thổ của mình. Như vậy, mặc dù từ sau 1909 đến nay có sự tranh chấp giữa Việt Nam và một số nước về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng với những bằng chứng lịch sử và pháp lý, có thể khẳng định các quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là rõ ràng. Do hoàn cảnh lịch sử phải trải qua nhiều chế độ, thể chế chính trị nhưng Việt Nam đều kiên quyết bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với đầy đủ các yếu tố vật chất và ý chí. Nguyễn Hùng



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Thời tiết

16°C - 21°C
Có mây, không mưa
  • 17°C - 20°C
    Nhiều mây, có mưa, mưa rào
  • 16°C - 19°C
    Nhiều mây, có mưa nhỏ
POWERED BY
Việt Long