Cập nhật: Thứ 7, 31/01/2015 | 00:04 GMT+7

Ước nguyện của Kray Sức

(QT) - Trong 11 năm (từ năm 2004 đến nay) làm cán bộ chuyên trách văn hóa xã Tà Rụt (huyện Đakrông, Quảng Trị), Kray Sức đã băng rừng, lội suối để sưu tầm, ghi chép, biên soạn 25 kịch bản múa cồng chiêng, nghi thức lễ hội, phong tục, tập quán, các làn điệu dân ca dân tộc Pa Kô. Ngoài ra, Kray Sức cùng với các nghệ nhân cao tuổi của xã Tà Rụt trực tiếp truyền dạy cho 39 học viên trẻ của các xã A Bung, A Ngo, A Vao, Tà Rụt đánh cồng chiêng, đàn Âmpreh, Ta Lư, thổi kèn cũng như hát các làn điệu dân ca Pa Kô... Cách đây vài tháng, tôi lên công tác tại xã Tà Rụt. Khi biết tôi có ý định tìm hiểu công tác bảo tồn, lưu giữ văn hóa của đồng bào dân tộc Pa Kô, Kray Sức (sinh năm 1964) cười rồi bảo tôi muốn hiểu cặn kẽ việc lưu giữ, bảo tồn như thế nào thì cứ theo anh một chuyến là khắc biết. Dưới cái nắng buổi trưa mùa hè ong ong, ngột ngạt phủ lên núi rừng Trường Sơn, tôi rã rời chân tay mới theo kịp bước chân thoăn thoắt của Kray Sức băng qua mấy ngọn đồi cao chót vót để vào thung lũng A Vương. Hóa ra, nơi mà Kray Sức dẫn tôi đến là ngôi nhà sàn khang trang nhưng nằm lẻ loi giữa bốn bề núi cao, rừng sâu hoang vắng của nghệ nhân Mai Hoa Sen. Sau mấy chén rượu hiếu khách theo phong tục của người miền núi, tôi mới biết mục đích chuyến đi này của Kray Sức là tìm nghệ nhân Mai Hoa Sen để bổ sung, hoàn thành tài liệu tìm hiểu về các nghi thức của lễ hội Kăl năng Mương (hoàn ân thổ thần) mà Kray Sức đang sưu tầm, ghi chép thành văn bản để gìn giữ, lưu truyền lại cho thế hệ mai sau.

Kray Sức hát dân ca “Akay pân tưi” theo làn điệu Kăn Aun

Để tôi hiểu thêm các nghi thức trong lễ hội Kăl năng Mương của đồng bào dân tộc Pa Kô, Kray Sức cho biết, ngoài các lễ hội tổ chức hàng năm cũng như vài năm một lần như lễ hội Puh Boh (lễ giữ rẫy), lễ hội Aya (hội mùa), lễ hội Ariêu Piing (lễ bốc mả), vừa qua lễ hội Kăl năng Mương được tổ chức tại bản A Liêng (xã Tà Rụt) sau hơn 27 năm (được tiến hành từ năm 1987 tại bản A Liêng) để tạ ơn các vị thần liên quan đến đất đai đã che chở cho sự sống của loài người và muông thú, cỏ cây…Lễ hội diễn ra trong 3 ngày. Ngày đầu tiên là lễ cúng tẩy uế. Khi con dê được cột vào cây nêu cũng là lúc ông chủ cúng của bản huy động tất cả hội đồng già làng của từng họ trong làng đến tập trung ở khu đất trung tâm của bản. Mọi người đứng quanh cây nêu cùng lễ vật đã chuẩn bị sẵn như con gà luộc chín, rượu, tấm zeng, bát xôi, bát nước sạch, cái a xiéuq, cây kiếm, củ kiệu nguyên lá, tất cả đều được bỏ vào A Điên (mâm lễ), nhánh cây, 1 ống tre tiết lợn, 1 ống tre nước sạch đặt vào ngay cạnh cây nêu. Một con lợn làm thịt bỏ vào mâm đặt cùng chỗ với mâm lễ ở cây nêu. Sau đó, tất cả trưởng họ trong hội đồng già làng quay về nhà mình rồi đứng trước bàn thờ tổ tiên để trình bày sự việc sắp diễn ra và cầm cây axec quét khắp nhà, xung quanh nhà…Khi công việc đã xong thì cầm cây axec tới đặt ở cây nêu để bắt đầu tiến hành lễ cúng lợn. Vào lễ cúng, ông chủ cúng hô và đọc văn cúng đầu tiên rồi tất cả hội đồng già làng đồng thanh cúng theo với ý niệm là tẩy uế cho cả làng. Sau phần lễ tẩy uế cho những đôi nam nữ có quan hệ bất chính là đến lễ cúng dê phạt tội. Tất cả già làng tập trung tại cây nêu để tiến hành cúng trù. Ông chủ cúng cầm tấm zeng đứng trước con dê đọc bài cúng với ý nghĩa như là giao con dê cho thần mặt trời, ma quỷ đến ăn con vật hiến sinh…rồi cầm củ kiệu ném vào con dê. Con dê sẽ được làm thịt để dâng lên thần núi, thần thổ cư, tổ tiên cũng như ma quỷ. Xong lễ cúng dê phạt tội, thịt dê sẽ được đem chia cho cả bản để ăn uống...Ngày thứ 2 của lễ hội, địa điểm tiến hành là ở miếu Mương (tiếng Pa Kô là Tràm Mương) của bản A Liêng. Sáng sớm hôm sau, ông chủ cúng sẽ là người đầu tiên đến miếu bày trầu cau rồi trình bày với thần núi Pa Liing biết trước sự việc diễn ra trong lễ hội. Sau đó, cánh thanh niên của bản sẽ đưa con trâu hiến sinh vào cột ở cây nêu dựng trước miếu. Cùng lúc, tất cả dân bản tỏa ra xung quanh miếu để phát quang cây cối cho sạch sẽ, thoáng đãng. Xong công việc là bắt đầu vào lễ đón thần núi với lễ vật gồm một con gà, bát nước, bát xôi, chai rượu, một nồi đồng nước gội, cái lược, cây kiếm, tấm zeng…Ông chủ lễ ngồi ngoài cổng miếu khấn mời thần núi Pa Liing về chứng kiến lễ hội. Tất cả người dân bản đứng hai bên đường khua chiêng, đánh trống hò reo để đón thần Pa Liing. Ngày thứ ba của lễ hội là nghi lễ đâm trâu (giống nghi lễ đâm dê) với số lượng người đông đảo hơn...

Kray Sức tìm gặp các già làng để sưu tầm tư liệu về trình tự các nghi thức của lễ hội Kăl năng Mương

Các nghi thức lễ hội Kăl năng Mương là một trong nhiều nghi thức lễ hội của đồng bào dân tộc Pa Kô mà Kray Sức sưu tầm, ghi chép thành văn bản. Anh cho biết nếu không ghi chép thành văn bản, sau này khi các già làng, trưởng bản tuổi cao “khuất núi” hết thì không biết lấy gì lưu truyền lại cho thế hệ mai sau. Công việc ghi chép thành văn bản nghe có vẻ đơn giản nhưng đòi hỏi người sưu tầm phải kiên nhẫn và chịu khó. Kiên nhẫn lắng nghe già làng, trưởng bản kể rồi hình dung trình tự trước sau của từng phần nghi thức lễ hội để ghi chép. Chịu khó đến từng nhà già làng, trưởng bản bất kể ngày hay đêm chỉ để ghi chép một chi tiết mới trong nghi thức lễ hội mà họ chợt nhớ ra. Ngoài việc ghi chép lại nghi thức lễ hội của đồng bào dân tộc Pa Kô, Kray Sức thường xuyên đến các bản làng trong xã gặp các nghệ nhân để sưu tầm, ghi chép các làn điệu dân ca Pa Kô. Với cái vốn dân ca Pa Kô sưu tầm, ghi chép được, anh bắt đầu sáng tác lời bài hát, xây dựng kịch bản múa cồng chiêng cũng như các tiểu phẩm lồng ghép dân ca Pa Kô, như bài dân ca “ Lời nhắn gửi con cháu ” theo làn điệu Cha Chấp; “ Akay pân tưi ” theo làn điệu Kăn Aun; “ Mong trăng mãi ” theo làn điệu Xiêng; “ Tiếng ve trên đầu núi ” theo nhịp toong trên chòi; “ Tiếng gọi già làng ” theo làn điệu Kà Lơi - Cha Chấp; “ Đoàn kết ” theo làn điệu Lân lin; kịch bản múa cồng chiêng “ Ngày hội đoàn kết ”, “ Hội mùa ”, “ Lễ hội đâm trâu ”, “ Pa lư kloc Đung ”...Ngoài ra, Kray Sức đã ghi chép thành văn bản các phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Pa Kô như “ Tục xem chân gà ”, “ Kho thóc với đồng bào dân tộc Pa Kô ”, “ Peeng azưh trong hôn nhân ”, “ Đồng bào Pa Kô thờ hồn sống ”; hoàn chỉnh hồ sơ sưu tầm, tìm hiểu nguồn gốc tộc người Pa Kô; đề án “ Chỉ dẫn cho người Pa Kô đọc và viết ngôn ngữ của dân tộc mình ”; tiểu phẩm “ Tìm hiểu Nghị quyết 30a ”; tiểu phẩm tuyên truyền về an toàn giao thông “ Ba lần quên ”; tiểu phẩm về xây dựng làng văn hóa - gia đình văn hóa “ Cây bưởi ông nội ”… “Ước nguyện lớn nhất của tôi là làm sao để đồng bào dân tộc Pa Kô (nhất là học sinh bậc Tiểu học, THCS, THPT) không chỉ riêng xã Tà Rụt mà nhiều xã khác trên địa bàn huyện Đakrông được học chữ viết Pa Kô-Ta Ôi. Đó cũng chính là lý do mà tôi viết đề án “Chỉ dẫn cho người Pa Kô đọc và viết ngôn ngữ của dân tộc mình”. Trong đề án đó, tôi muốn sử dụng hệ chữ viết theo kiểu Latinh hóa ở vùng dân tộc Pa Kô - Tà Ôi đã được Ku Nô Hồ Ngọc Mỹ sáng chế dựa trên cách ghi âm của chữ Quốc ngữ nhằm dạy chữ và truyền tin cho đồng bào vùng giải phóng từ năm 1957. Năm 1983, Viện Ngôn ngữ học thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) đã cử ông Nguyễn Văn Lợi vào huyện A Lưới để cùng Ku Nô Hồ Ngọc Mỹ hoàn chỉnh lại bộ chữ ông soạn làm hệ thống chữ chính thức cho người Pa Kô - Tà Ôi. Đến năm 1986, công trình được công bố với tên gọi “Sách học tiếng Pa Kô - Tà Ôi”. Hiện tại, ở huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) đã đưa “Sách học tiếng Pa Kô - Tà Ôi” vào giảng dạy ở bậc học Tiểu học trở lên. Mong rằng các ngành chức năng tỉnh Quảng Trị cũng lưu tâm đến việc đưa “Sách học tiếng Pa Kô - Tà Ôi” vào giảng dạy cho con em đồng bào dân tộc Pa Kô. Một khi đồng bào dân tộc Pa Kô đọc và viết thành thạo ngôn ngữ dân tộc mình thì đó là nền tảng vững chắc cho việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc Pa Kô được sâu bền, mãi mãi...” - Kray Sức đã tâm sự với tôi như vậy. Chính những nỗ lực của Kray Sức cùng nhiều nghệ nhân cao tuổi xã Tà Rụt đã thổi bùng lên “ngọn lửa” lưu giữ, bảo tồn văn hóa vốn làm nên hồn cốt của dân tộc Pa Kô từng một thời có nguy cơ bị mai một… Bài, ảnh: SỸ HOÀNG



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

“Giữ lửa” cho đại ngàn
23:04 14/10/2022

Miền đất xa xôi A Vao, Tà Rụt của huyện Đakrông hiện vẫn còn bảo tồn, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, lễ hội, nghề truyền thống độc đáo của ...

Giữ gìn cho mai sau...
00:15 24/12/2022

Nỗ lực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nhiều nghệ nhân người dân tộc thiểu số ở miền Tây Quảng Trị đã dành tâm sức gìn giữ nét đẹp, sự độc đáo ...

Ấm áp tình người

Ấm áp tình người
09:24 24/01/2015

(QT) - Câu chuyện về chị Căn Ling thôn Tăng Cô, A Túc, Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vượt lên định kiến về giới, bước qua các hủ tục lạc hậu để thay đổi cuộc đời bằng con chữ, làm...

Người họa sĩ tài hoa

Người họa sĩ tài hoa
17:15 17/01/2015

(QT) - Với họa sĩ Phạm Phi Trường, niềm đam mê hội họa chưa bao giờ nguội lạnh dù năm nay ông đã bước sang tuổi 70. Bây giờ, trong căn gác nhỏ của ngôi nhà cũ kỹ hướng ra mặt...

Trường Sa nơi đầu sóng ngọn gió (Bài cuối)

Trường Sa nơi đầu sóng ngọn gió (Bài cuối)
17:47 15/01/2015

(QT) - Con tàu HQ 561 chở đoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền thông ra thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa bắt đầu rời quân cảng Cam Ranh, băng băng lướt sóng ra khơi. Bên...

Trường Sa nơi đầu sóng ngọn gió (Bài 2)

Trường Sa nơi đầu sóng ngọn gió (Bài 2)
01:12 15/01/2015

(QT) - Con tàu HQ 561 chở đoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền thông ra thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa bắt đầu rời quân cảng Cam Ranh, băng băng lướt sóng ra khơi. Bên...

Trường Sa nơi đầu sóng ngọn gió (Bài 3)

Trường Sa nơi đầu sóng ngọn gió (Bài 3)
01:09 15/01/2015

(QT) - Con tàu HQ 561 chở đoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền thông ra thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa bắt đầu rời quân cảng Cam Ranh, băng băng lướt sóng ra khơi. Bên...

Trường Sa nơi đầu sóng ngọn gió (Bài 1)

Trường Sa nơi đầu sóng ngọn gió (Bài 1)
00:03 13/01/2015

(QT) - Con tàu HQ 561 chở đoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền thông ra thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa bắt đầu rời quân cảng Cam Ranh, băng băng lướt sóng ra khơi. Bên...

Thời tiết

24°C - 34°C
Có mây, không mưa
  • 24°C - 33°C
    Có mây, không mưa
  • 25°C - 31°C
    Có mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long