Cập nhật: Thứ 5, 16/03/2023 | 17:55 GMT+7

UBND tỉnh Quảng Trị làm việc với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia

QTO - Hôm nay 16/3, đoàn công tác của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia do Phó Chủ tịch Đặng Văn Bài làm trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh về thực hiện khuyến nghị của UNESCO với di sản phi vật thể đại diện của nhân loại và bảo vệ, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, bảo vệ bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam làm việc với đoàn.

UBND tỉnh Quảng Trị làm việc với Hội đồng Di sản văn hóa quốc giaPhó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam phát biểu tại buổi làm việc-Ảnh: N.T.H

Tỉnh Quảng Trị có di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”; 4 di tích quốc gia đặc biệt thuộc loại hình di tích lịch sử (Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Hệ thống đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Trị); 4 bảo vật quốc gia (Hai bức Phù điêu lá nhĩ Trà Liên, Tượng Uma Dương Lệ và Trống đồng Trà Lộc).

Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cũng như từ các nguồn xã hội hóa, các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đã từng bước được đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp và phát huy giá trị. Thời gian qua, HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa.

UBND tỉnh Quảng Trị làm việc với Hội đồng Di sản văn hóa quốc giaDu khách tham quan di tích quốc gia Hệ thống khai thác nước cổ Gio An - Ảnh: N.T.H

Tuy nhiên, việc xã hội hóa hợp tác với nhà đầu tư để đầu tư tôn tạo, khai thác, phát huy giá trị di tích còn gặp vướng mắc do các quy định của Chính phủ về vấn đề này chưa rõ ràng; các di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia chưa được đầu tư tạo ra các sản phẩm du lịch xứng tầm và phát huy giá trị thúc đẩy KT-XH của địa phương cũng như sinh kế của người dân.

Tại buổi làm việc, các thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia tham gia nhiều ý kiến về đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị để di sản văn hóa trở thành sức mạnh mềm, sức mạnh văn hóa góp phần nâng cao sinh kế của người dân, gắn kết di sản với phát triển du lịch, thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển.

Các ý kiến cho rằng, tỉnh Quảng Trị có hệ thống di tích lịch sử cách mạng đồ sộ, là vùng đất mang đậm dấu ấn hành trình mở cõi về phương Nam của các Chúa Nguyễn và sự hòa hợp, giao thoa văn hóa giữa người Việt với người Chăm, nhưng trên Con đường di sản miền Trung còn thiếu mắt xích Quảng Trị.

Việc bảo tồn di sản văn hóa phải kết hợp với phát huy giá trị di tích, vì vậy khuyến nghị tỉnh nên tập trung đầu tư bảo tồn di tích tạo điểm nhấn ở nơi trọng điểm và phần còn lại thì số hóa, chuyển đổi số để giới thiệu di sản.

Đối với di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi cần liên kết với các di sản văn hóa phi vật thể khác trong vùng và hội nhập với đời sống đương đại, tạo ra không gian văn hóa bài chòi, thu hút sự quan tâm của giới trẻ.

Nên nghiên cứu sâu về tập quán sinh sống cư dân cổ Chăm, giá trị phi vật thể hàm chứa trong di tích và kinh nghiệm dò tìm, khai thác, sử dụng nguồn nước để lập báo cáo trình UNESCO công nhận di sản văn hóa đối với Hệ thống khai thác nước cổ Gio An. Ứng dụng CNTT, số hóa di sản và chuyển đổi số để khai thác làm cho di sản văn hóa vươn ra tầm thế giới.

Tỉnh cũng cần nghiên cứu đầu tư xây dựng một bảo tàng lịch sử cách mạng đúng tầm để gây ấn tượng mạnh cho du khách trong nước và quốc tế đến xem, diễn tả lại cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của cả dân tộc tại vùng đất Quảng Trị, trong đó tích hợp cả 4 di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh.

Các sản phẩm du lịch phải xuất phát từ di sản, xây dựng không gian lễ hội Thống nhất non sông và lễ hội Vì hòa bình làm điểm nhấn kết nối, liên kết với các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu như di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Bài chòi và thắng cảnh đẹp của tỉnh.

Bảo tồn di sản văn hóa mục đích lớn nhất phải làm thế nào phát huy được giá trị trong đời sống, gắn sinh kế, kinh tế học trong di sản. Khuyến khích hợp tác công tư, thành lập trung tâm kết nối khai thác di sản văn hóa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có giá trị, qua đó động viên, đưa ra định hướng mới khai thác tiềm năng giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời mong muốn sau chuyến thăm và làm việc, khảo sát các di tích, di sản văn hóa tại Quảng Trị, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia có văn bản tư vấn cho tỉnh các bước đi để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian tới.

Trong đó, đề nghị Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia quan tâm hướng dẫn cho tỉnh Quảng Trị xây dựng hồ sơ để đưa di tích quốc gia đặc biệt “Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh” và di tích quốc gia “Hệ thống khai thác nước cổ Gio An” vào danh mục dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới, tạo dấu ấn và sản phẩm du lịch độc đáo tiêu biểu cho tỉnh Quảng Trị kết nối Con đường di sản miền Trung và Hành lang kinh tế Đông - Tây, đưa du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Cho ý kiến thêm về chủ trương xây dựng Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị xứng tầm với di tích quốc gia đặc biệt và cuộc chiến đấu vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh.

Trong chương trình chuyến thăm và làm việc tại Quảng Trị, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia sẽ đi khảo sát, tìm hiểu thực tế tại các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh đến hết ngày 17/3/2023.

Thanh Hải


Thanh Hải

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Thời tiết

26°C - 36°C
Ít mây, trời nắng nóng
  • 25°C - 33°C
    Có mây, không mưa
  • 26°C - 34°C
    Có mây, có mưa rào và dông
POWERED BY
Việt Long