Cập nhật: Thứ 2, 18/07/2011 | 12:54 GMT+7

Tự túc kinh phí thi đoạt huy chương vàng quốc gia

(QT) - Chị Lê Thảo Hiền, nhân viên thu phí cầu phao Triệu Thuận (Triệu Phong, Quảng Trị) kiên quyết từ chối thu lệ phí khi biết chúng tôi sang sông làm việc với đội tuyển đua thuyền của thôn Đại Lộc B. Chị nói: “Nghe tin hai đội tuyển mang chiến thắng trở về, cả xã kéo nhau ra tận bờ sông nghênh đón. Hôm nay cầu phao miễn phí hai chiều cho bà con”. Đây là giải đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia tổ chức tại vịnh Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Thành tích mà hai đội đạt được là 4 HCV, 2 HCB, 3 HCĐ, xếp thứ Nhì toàn đoàn. Trong đó đội tuyển nam đoạt 1 HCV, 2 HCB, 3 HCĐ. Thành tích này của đội tuyển nam là một sự cố gắng nỗ lực cả tinh thần lẫn vật chất đối với mỗi vận động viên (VĐV) bởi họ tự vay mượn kinh phí để lên đường chinh phục giải đấu mang vinh quang về cho tỉnh Quảng Trị. Vay nóng tiền làm kinh phí, giật HCV quốc gia Người dân xã Triệu Thuận không ai không biết chuyện các VĐV đội tuyển đua thuyền nam thôn Đại Lộc B chạy đôn đáo vay mượn hàng chục triệu đồng làm kinh phí tham gia giải đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia tổ chức tại vịnh Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Ông Trung giới thiệu thành tích của đội tuyển đua thuyền nam.

Ngày ra đi các anh hứa hẹn sẽ mang chiến thắng trở về, để khẳng định truyền thống của những người con sông nước của ngôi làng nằm bên sông Thạch Hãn, mảnh đất có hai đội tuyển đua thuyền từng đạt được nhiều thành tích cao ở các giải đấu. Sau nữa cũng để có tiền trả nợ vay nóng chi phí cho chuyến đi. Thế nên vợ một VĐV đang cồng kềnh xe đạp thồ hai sọt rau muống thật thà bộc bạch: “Mừng lắm các anh ạ, mừng vì chiến thắng của đội chẳng bỏ công bao tháng ngày luyện tập vất vả, mừng hơn là có tiền trả nợ mỗi người hơn 2 triệu đồng vay nóng của bà con trên chợ, chứ lỡ thua e họ xiết thuyền thì gia đình sống ở đâu”. Tâm sự của chị khiến chúng tôi cảm thấy nao lòng. Lộ trình tiến đến xã hội hoá thể dục thể thao đối với dân nghèo còn lắm gian nan. Chúng tôi đến nhà ông Phạm Quang Trung, đội trưởng đội đua thuyền nam. Ông Trung hoan hỉ: “Giải đấu lần này thắng to, cũng là cơ hội cho đội tuyển cọ xát. Đây là lần đầu tiên thi đấu trên biển nên ban đầu cũng hơi lúng túng. Thực tế các giải đấu từ trước đến nay thường diễn ra trên sông nên VĐV quen với chiến thuật nước êm. Lúc tập, thuyền của chúng tôi đã bị lật do không quen với sóng biển. Qua vài lần tập luyện, đội nhanh chóng rút ra kinh nghiệm phải rút nhanh mái chèo, cưỡi sóng đưa thuyền lên trước. Vì khác với ở sông, mái chèo của vận động viên trên thuyền có thể ở dưới nước vài giây nhưng ở biển như thế sóng sẽ đánh vào chèo, làm mất thăng bằng con thuyền rất khó tiến nhanh. Việc cưỡi sóng, hay đè sóng là tránh được sóng biển đánh ngang vào con thuyền làm chìm thuyền”. Ông Nguyễn Văn Mãnh, huấn luyện môn đua thuyền viên kiêm trưởng đoàn VĐV cho biết: “Theo kế hoạch, Ban huấn luyện chỉ lấy đội tuyển nữ tham gia thi đấu vì kinh phí hạn hẹp. Nếu như thế, đoàn Quảng Trị phải bỏ một số nội dung như: đua nam; nam nữ kết hợp 200 m, 500 m, 1.000 m, thành tích cũng ít hơn. Cũng nhờ có mặt đội thuyền nam nên đoàn không bỏ nội dung nào, thành tích lại rất cao”. Chị Nguyễn Thị Lựu, đội trưởng đội tuyển nữ cho biết thêm: “Khi biết đội nam quyết tâm tự túc kinh phí lên đường, đội tuyển nữ thống nhất cho nam mượn mỗi người 700 nghìn đồng. Đội nữ còn không may đồng phục mới để dành tiền chia sẻ một phần kinh phí với đội nam. Mấy ngày tập luyện ở Mũi Né với khó khăn mọi bề nhưng không ai nản lòng mà động viên nhau cố gắng vì thành tích cho quê hương. Sóng lớn quá anh chị em say sóng rạc người. Suất ăn cũng gánh thêm cho đội nam nên nhìn mâm cơm đôi lúc cũng tủi thân”. Ông Nguyễn Văn Mãnh xúc động: “Trong suốt thời gian thi đấu, áo của các VĐV hầu như không kịp khô vì phải thi đấu liên tục, trung bình một VĐV đoàn Quảng Trị thi đấu 4 trận trong một ngày trong lúc các đoàn khác quân số đông nên VĐV của họ mỗi ngày chỉ thi đấu một trận. VĐV các đoàn khác vì thế rất cảm phục tinh thần thi đấu của VĐV đoàn Quảng Trị. Họ kháo nhau, chỉ có người Quảng Trị anh hùng mới làm được như thế”. Làng có hai đội tuyển đua thuyền cấp tỉnh Chỉ tạm tính từ năm 2006 đến nay, hai đội thuyền nam, nữ của thôn Đại Lộc B đã mang về hơn 30 huy chương cấp quốc gia. Ông Nguyễn Văn Mãnh liệt kê: “Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 5 năm 2006 tổ chức tại Đà Nẵng, đội đua thuyền nữ thôn Đại Lộc B đoạt HCB; giải đua thuyền truyền thống quốc gia năm 2008 tại Cần Thơ, hai đội tuyển giành chức vô địch toàn đoàn; năm 2009 tại Quảng Trị, cả hai đội giành HCV tuyệt đối; Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 năm 2010 tại Đà Nẵng, cả đội thuyền nam, nữ đều giành HCV. Và năm 2011, bảng thành tích lại xếp dày thêm 4 HCV, 2 HCB, 3 HCĐ cấp quốc gia”. Chúng tôi được biết, hầu hết gia cảnh của các VĐV quá khó khăn, cái khó khăn tất yếu của những gia đình sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản. Gia đình VĐV Nguyễn Văn Sinh sống trong túp lều rách nát, thu nhập chính từ những mớ cá vụn vợ chồng đánh bắt trên sông Thạch Hãn mỗi ngày. Vậy mà hoàn cảnh anh Sinh xem ra khá hơn gia đình VĐV Nguyễn Văn Huấn. Anh Huấn không có tiền dựng nhà ở phải chen chúc nhau 5 người trên chiếc thuyền nhỏ tháng ngày mưu sinh trên các nẻo sông. Thế nhưng hoạt động đua thuyền lại gắn bó với họ như máu thịt nên dù khó khăn đến mấy họ cũng tìm cách tham gia thi đấu. Trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khoẻ, tăng cường thể chất cho nhân dân được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Hoạt động TDTT là một biệp pháp hiệu quả để tăng cường sức lực, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế công tác thực hiện Nghị quyết số 02/2007/ NQ-HĐND của HĐND tỉnh về xã hội hoá hoạt động văn hoá, thể dục thể thao tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2007- 2010 có bước khởi sắc. Chuyện người dân một thôn nghèo tự túc kinh phí đi thi đấu và đạt thành tích cao cho thấy Nghị quyết của Đảng đã thẩm thấu vào cuộc sống và đang phát triển mạnh mẽ trong nhân dân. Qua đây, chúng tôi cho rằng, xã hội hoá thể thao không chỉ tận dụng tối đa các nguồn lực xã hội mà bên cạnh việc giám sát, khuyến khích, Nhà nước cần đầu tư có trọng tâm, tạo nên những nền tảng vững chắc ban đầu. Như hai đội tuyển đua thuyền của thôn Đại Lộc B nếu được đầu tư hơn nữa thì không những thành tích của họ sẽ cao hơn mà phong trào xã hội hóa TDTT sẽ có sức lan toả rộng hơn trong nhân dân. Bài, ảnh: MINH TUẤN



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Dành trọn tâm huyết cho Rowing Quảng Trị
21:51 31/03/2023

Hơn 10 năm qua, HLV Phạm Thị Huyền (sinh năm 1985), ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh luôn dành trọn tâm huyết và tinh thần cống hiến để Rowing và ...

Cô học trò giỏi mắc bệnh hiếm

Cô học trò giỏi mắc bệnh hiếm
10:55 tối qua

QTO - Thời điểm các bạn cùng trang lứa đang háo hức bước vào năm học mới 2024-2025 thì cũng là lúc em Nguyễn Thị Lan Phương, học sinh lớp 9A, Trường Tiểu...

Viêm gan B ở trẻ sơ sinh

Viêm gan B ở trẻ sơ sinh
10:18 17/07/2011

(SK&ĐS) - Trong các loại viêm gan do virus thì viêm gan B là nguy hiểm nhất. Trẻ em và người lớn đều có thể bị nhiễm virus viêm gan B, đặc biệt trẻ sơ sinh khi bị nhiễm thì...

Tổn thương gan do dùng isoniazid

Tổn thương gan do dùng isoniazid
10:18 17/07/2011

(SK&ĐS) - Tôi năm nay 40 tuổi, vừa rồi đi khám và được chẩn đoán lao màng bụng, bác sĩ kê đơn điều trị trong số các thuốc đang dùng có isoniazid, sau dùng thuốc được một...

Thời tiết

23°C - 31°C
Có mây, không mưa
  • 23°C - 28°C
    Có mây, có mưa rào
  • 23°C - 27°C
    Nhiều mây, có mưa nhỏ
POWERED BY
Việt Long