Cập nhật: Chủ nhật, 25/09/2016 | 22:58 GMT+7

Từ nạn nhân đến “đại sứ bom mìn”

(QT) - Dẫu không được hỗ trợ thù lao, lộ phí nhưng thời gian qua, các thành viên nhóm Người vận động vẫn miệt mài đến những miền quê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị để tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn. Từ sâu thẳm, họ không muốn ai mang nỗi đau mà mình đã và đang gánh chịu. Chung một nỗi đau Một buổi chiều cuối tuần, trong khi phần lớn mọi người đang vui vẻ với kế hoạch nghỉ ngơi, thư giãn thì các thành viên nhóm Người vận động lại hội ngộ tại Trung tâm Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn. Theo lịch hẹn, vào 14 giờ hôm ấy, họ sẽ chuyện trò với các em nhỏ đến từ một trung tâm Anh ngữ. Đúng 13 giờ 30 phút, các thành viên trong nhóm đã có mặt, họ phân công nhau từng công việc cụ thể. Dăm phút sau, phía ngoài Trung tâm Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn vang lên tiếng nói cười giòn giã. Các thành viên trong nhóm Người vận động rời ghế, đứng thành hàng, chìa những cánh tay không còn lành lặn chào đón học sinh. Giờ học bắt đầu bằng lời bộc bạch chân thành của ông Phạm Quý Thí: “Bác là nông dân. Bom mìn không cho bác có cuộc sống bình yên. Không chỉ cướp đi một phần thân thể, nó còn làm dang dở rất nhiều ước mơ, dự định của bác. Từ tâm, bác không muốn bom mìn gieo nỗi đau vào bất kỳ ai nữa, đặc biệt là các cháu”.

Các thành viên nhóm Người vận động chụp ảnh lưu niệm với bà Cáit Moran, Đại sứ Ai Len

Quả thật, nếu không bị tai nạn bom mìn, cuộc đời ông Thí sẽ bình lặng như nhiều nông dân chất phác khác. Ngày ngày vác cuốc ra đồng, tối đến, ông có thể an yên chìm vào giấc ngủ, không còn hoang hoải với giấc mơ rền vang tiếng bom và đỏ rực màu máu. Năm 1977, vụ tai nạn bom mìn khiến ông Thí vĩnh viễn mất đi tay phải và nặng mang hàng chục vết thương trên thân thể. Đồng cảnh ngộ với ông Thí, bom mìn cũng khiến ông Hoàng Xuân Phương không còn đôi tay lành lặn để cuốc cày. Trong nhóm Người vận động, chàng trai Nguyễn Xuân Tuấn phải mất một thời gian dài mới lấy lại thăng bằng khi bỗng nhiên trở thành người tàn tật. Về phần vợ chồng ông Lê Kiến, nỗi đau bom mìn chưa bao giờ nguôi ngoai. Không chỉ làm ông Kiến mất đôi chân lành lặn, bom mìn còn khiến ông bà không còn được nhìn thấy gương mặt, nụ cười của đứa con xấu số. Tỉnh dậy trong bệnh viện với những vết thương trên thân thể, thành viên nhóm Người vận động bắt đầu đối mặt với chuỗi ngày tận cùng khó khăn. Là trụ cột trong gia đình nhưng ông Thí và ông Kiến không còn sức vóc để cáng náng mọi công việc. Mỗi khi trái gió, trở trời, vết thương cũ lại hành hạ họ. Ông Hoàng Xuân Phương lâm vào cảnh bữa đói, bữa no vì không còn ai gọi đi làm thuê, cuốc mướn. Về phần mình, anh Tuấn đành tạm gác ước mơ đèn sách. Nhớ lại những ngày ấy, Tuấn chia sẻ: “Việc mất đi đôi tay lành lặn và không thể đến trường khiến em ngày càng mặc cảm, tự ti. Đôi khi em muốn chết đi cho xong nhưng định thần lại, em nghĩ, thân thể này là do ba mẹ sinh ra, dù bom mìn có làm nó không lành lặn thì cũng phải nâng niu, gìn giữ”.

Ông Phạm Quý Thí chia sẻ với các em học sinh thông tin về những vùng đất còn mang nặng hậu quả bom mìn

Mang nặng nỗi đau, các nạn nhân bom mìn đều không muốn ai rơi vào cảnh ngộ như mình. Bản thân họ đều chung nguyện vọng góp tiếng nói cảnh báo mọi người về nguy cơ tai nạn bom mìn, vật liệu nổ. Thế nhưng, phần vì sự mặc cảm, phần vì không có điều kiện nên dự định của nhiều nạn nhân trở nên dang dở. Thông thường, họ chỉ tham gia những hoạt động, phong trào cho các cơ quan, đoàn thể, dự án tổ chức, rồi lại quay về với mảnh sân, góc vườn. Để không còn tiếng bom Mọi người trìu mến gọi ông Thí là “đại sứ bom mìn”. Từ năm 2004 đến nay, ông Thí đã có mặt ở hàng chục nước trên thế giới để vận động mọi người dừng sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và sử dụng bom mìn, vật liệu nổ. Cùng với đó, ông Thí cần mẫn đến nhiều miền quê để tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn. Trên hành trình dài, ông Thí luôn mong muốn có những người bạn đồng hành. Cơ duyên đã giúp ông Thí gặp vợ chồng ông Kiến, ông Phương và Tuấn. Họ nhanh chóng kết nối với nhau, thành lập nhóm Người vận động vào năm 2012. Thời gian qua, không chỉ kề vai, sát cánh trong các sự kiện lớn, thành viên nhóm Người vận động còn tự nguyện trở thành tuyên truyền viên mẫn cán về phòng tránh tai nạn bom mìn ở trường học, đơn vị, địa phương mình sinh sống. Chưa có “bề dày” như ông Thí, các thành viên khác trong nhóm Người vận động phải tập luyện, học hỏi rất nhiều để trở thành những “đại sứ bom mìn”. Ông Hoàng Xuân Phương, một thành viên trong nhóm chia sẻ: “Là nông dân, mình chỉ biết đến cái cuốc, cái cày, làm gì có cơ hội cầm micro, trò chuyện với mọi người nên mình phải trau dồi từ kiến thức về các loại bom mìn, nguy cơ sát thương đến cách xử trí tình huống…Mình cũng không ngại chia sẻ câu chuyện về nỗi đau mà bản thân từng trải qua vì mình hiểu, cái gì từ trái tim sẽ đi đến trái tim”. Thực tế, nhiều nạn nhân bom mìn có chung mong muốn cống hiến như các thành viên trong nhóm Người vận động. Tuy nhiên, không phải ai cũng vượt qua được những rào cản trong công việc cũng như cuộc sống. Sau vụ tai nạn, sức khỏe của hầu hết nạn nhân bom mìn đều giảm sút. Hễ trái gió, trở trời, những vết thương trên cơ thể họ lại tái phát, đau nhói. Bên cạnh vấn đề sức khỏe, phần lớn nạn nhân bom mìn nói chung và thành viên nhóm Người vận động nói riêng đều có hoàn cảnh khó khăn. Cuộc sống thiếu trước, hụt sau khiến việc bỏ tiền túi để tham gia các hoạt động xã hội trở nên không dễ dàng đối với họ. Cùng với đó, tâm lý mặc cảm, tự ti trở thành chướng ngại lớn. Để gắn bó nhiều năm với công việc, các thành viên nhóm Người vận động đã động viên, giúp đỡ nhau rất nhiều. Là nạn nhân bom mìn trò chuyện về nỗi đau, nguy cơ và cách phòng tránh tai nạn bom mìn, vật liệu nổ nên câu chuyện của các thành viên nhóm Người vận động dễ đi sâu vào lòng người. Bằng lối trò chuyện chân chất, mộc mạc, thành viên trong nhóm đã giúp nhiều đối tượng, đặc biệt là các em nhỏ hiểu “bom mìn không… hiền lành” và phải làm gì khi gặp nó. Mỗi chuyến truyền thông đều để lại những kỷ niệm khó quên trong lòng thành viên nhóm Người vận động. Có những ngày họ phải tiếp 4, 5 đoàn khách, xong việc, ai cũng mệt lử, cổ họng khô rang vì khát nhưng lòng lại cảm thấy phơi phới niềm vui. Là thành viên được giao nhiệm vụ trò chuyện với các đoàn khách quốc tế, anh Tuấn rất vui mừng khi chia sẻ của mình nhận được sự phản hồi tích cực từ những nhà hoạt động chính trị, cựu binh Mỹ, học sinh, sinh viên nước ngoài…Nhiều người trong số họ đã trở lại Quảng Trị để chung tay khắc phục hậu quả chiến tranh. Đặc biệt, thấy việc làm ý nghĩa của nhóm Người vận động, một số nạn nhân bom mìn khác đã bước qua nỗi mặc cảm để cùng đồng hành. Bản thân họ sẵn sàng đối diện với nỗi đau mà bom mìn gây ra. Đến giờ, ông Thí cùng đồng sự không thể nhớ hết số lần mình tham gia hoạt động tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn với thành viên trong nhóm Người vận động và tiến hành “độc lập tác chiến”. Theo thời gian, công việc tình nguyện lắm vất vả đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Thế nên, hễ dăm bữa không đứng trước đám đông trò chuyện, cảnh báo về tai nạn bom mìn là ai cũng cảm thấy bứt rứt, áy náy chẳng yên. Các thành viên trong nhóm Người vận động hứa với nhau, sẽ tiếp tục bước đi và cống hiến cho đến khi quê hương không còn hiểm họa bom mìn . Bài, ảnh: QUANG HIỆP



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tìm thấy lẽ sống từ chính nỗi đau
22:55 14/03/2025

Ba sớm qua đời vì tai nạn bom mìn, anh Phạm Thành Trung (sinh năm 1982), nhân viên Dự án RENEW/NPA hiểu sâu sắc nỗi đau do hậu quả chiến tranh để lại. Không ...

Niềm vui nhân đôi

Niềm vui nhân đôi
8 giờ trước

QTO - Tại Trường THPT thị xã Quảng Trị những ngày này, niềm vui như được nhân đôi khi thầy trò nhà trường đang tưng bừng chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập...

Quảng Trị làm sao quên!

Quảng Trị làm sao quên!
8:14 sáng Thứ 2

QTO - Đã định ăn Tết Hà Nội trọn vẹn, sáng mồng Một Tết 2025, nhớ nhà quá, tôi lên xe khách về Hà Tĩnh. Vắng khách, tôi yêu cầu người lái xe mở cho nghe...

“Hai việc lớn” của Pả Thoong

“Hai việc lớn” của Pả Thoong
07:59 18/09/2016

(QT) - Trong câu chuyện với tôi dưới mái nhà sàn nằm cuối bản Xung, xã Thanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), Pả Thoong trải lòng với tôi rằng trong vô số công việc đã làm thì có...

Nghĩa trang ấm tình người

Nghĩa trang ấm tình người
11:05 11/09/2016

(QT) - 1.002 ngôi mộ vô chủ nằm rải rác ở góc vườn, góc ruộng, khe nước, nương vườn…đã được người dân thôn Kim Giao, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) tự nguyện tổ chức...

Dòng sông thắm đỏ

Dòng sông thắm đỏ
21:54 02/09/2016

(QT) - Hiếm có nơi nào trên đất nước ta, chỉ trong chu vi một vùng đất nhỏ hẹp bên cạnh dòng sông thơ mộng lại mở ra không gian sử thi với một chiều kích lớn lao. Những địa...

Thành danh nhờ các ca khúc về bóng đá

Thành danh nhờ các ca khúc về bóng đá
09:15 28/08/2016

(QT) - Với khả năng sáng tác, trình bày những ca khúc thể thao, đặc biệt là về bóng đá cùng trình độ chơi guitar điêu luyện, ca sĩ Cáp Anh Tài- người con của mảnh đất Quảng Trị...

Thị xã cổ kính

Thị xã cổ kính
05:12 21/08/2016

(QT) - Khi còn ở thị xã Quảng Trị, thỉnh thoảng vào những sớm mai đẹp trời, tôi thường bắt gặp hình ảnh một người phụ nữ rải bánh xe qua đường Ngô Quyền ven bờ sông Thạch Hãn....

Lão nông đặc biệt

Lão nông đặc biệt
05:05 21/08/2016

(QT) - Đã ngoài 70 nhưng ông Đỗ Duy Thảo (sinh năm 1943), ở thôn Tân Thủy, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) vẫn giữ được tác phong nhanh nhẹn, đầu óc minh mẫn. Vừa dẫn...

Thời tiết

20°C - 29°C
Nhiều mây, có mưa nhỏ
  • 20°C - 30°C
    Nhiều mây, có mưa nhỏ
  • 21°C - 27°C
    Nhiều mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long