
{title}
{publish}
{head}
1.Quá nửa ché rượu Fanthong cay nồng chất men ủ lá rừng bên bếp lửa hồng, dưới mái nhà sàn ấm cúng của già bản Xeng Ly như gột rửa bớt cảm giác mệt mỏi còn đọng lại trên từng phần thân thể của tôi. Từng giọt rượu róc rách thấm vào da thịt làm tan chảy mười hai ngày quần quật trần lưng dưới cái nắng oi bức đến cháy da thịt của mùa khô trên đất Lào để phát từng bụi cây, nhấc từng tảng đá lần tìm lối lên hang Chích Nụ, mong kiếm tìm nắm tro xương của đồng đội cha tôi còn gửi lại trên lưng chừng núi Pha Thí.
Bên cạnh tôi, già bản Xeng Ly nghiêng cần rít nhẹ cho dòng rượu trôi xuống vòm cổ đỏ au màu đồng thau rồi buông cần cất lên thanh âm thổ mộ khúc truyện thơ Lăm Lường chảy trôi trong du dương tiếng sáo Khui của người con trai ngồi bên cạnh để tặng các “tà hán” Việt Nam. Tiếng hát của già bản Xeng Ly trầm ấm, hoà nhịp cùng tiếng sáo thánh thót của người con trai như âm dương dẫn nhập vẳng tan vào thinh không của đêm lạnh vắng mà gọi về linh hồn xưa cũ của bao người bản Ma Dút đang ẩn náu hay lưu lạc nghìn năm dưới tán rừng u tịch của đại ngàn Trường Sơn. Đêm nay, có linh hồn người Ma Dút lưu lạc nào trở về đây theo câu hát Lăm Lường của già bản Xeng Ly trong hương thơm dịu nhẹ, tinh khiết của loài hoa Chămpa. Có linh hồn nào nóng lòng muốn về bản Ma Dút trước lễ Bun Khao Padapdin tưởng nhớ người đã mất được tổ chức vào tháng chín hàng năm để quây quần bên linh hồn các “tà hán” Việt Nam ngã xuống trên đất Lào được già bản Xeng Ly, dân bản Ma Dút đã không ngần ngại bỏ qua tục lệ lưu cữu trong máu huyết bao đời mà cho mang tro cốt vào bản để khói hương cho khỏi lạnh hương hồn.
Hát xong khúc Lăm Lường, già bản Xeng Ly bảo con trai mang thêm rượu Fanthong cùng món nộm chay Tam Maak Hung được làm từ dưa muối, đu đủ, đậu đũa, cà dĩa giã rồi trộn chung với nhiều loại gia vị khác để đãi các “tà hán” Việt Nam. - “Tà hán” Dũng này. Chúng mày đến bản Ma Dút đã mấy ngày rồi nhỉ? - Dạ! Chúng con đến đây đã gần nửa tháng rồi già ạ!. - Ừ. Cũng lâu rồi đấy. Bây giờ chúng mày đã thành con của bản Ma Dút bởi chúng mày được dân bản buộc chỉ cổ tay theo tục lệ Pục Khén của người Lào. - Dạ. May nhờ già bản thương bộ đội Việt Nam chúng con mà cưu mang, nếu không chắc bọn con phải dựng lán trại ngủ ngoài rừng chứ đâu được ăn ngon, ngủ ấm trong nhà của già. Ngày bọn con mới đến đây, già định phạt bọn con ba con lợn béo cúng ma khiến bọn con sợ đến xanh mặt đấy. - Ừ. Cũng là do “tà hán” Việt chúng mày chưa hiểu tục lệ của người bản Ma Dút thôi. Người bản Ma Dút cũng như các bản người Lào không bao giờ cho người lạ mang tro, cốt người chết vào bản đâu. - Dạ. Bọn con không hiểu tục lệ nên mới làm thế. - Thôi. Đừng nhắc đến chuyện đó nữa. Ngày mai, tao cùng dân bản Ma Dút lên chùa thỉnh sư thầy Chăm Pha Mon về tụng kinh cầu nguyện cho linh hồn các “tà hán” Việt mà chúng mày mới quy tập được từ hang Chích Nụ. - Được vậy, chúng con cám ơn già bản lắm. Chúng con vượt rừng núi sang đến đây cũng chỉ với tâm nguyện mang tro cốt các liệt sĩ về an táng trên quê hương để khói hương cho khỏi lạnh linh hồn. Ngày mai, chúng con sẽ tiếp tục lên hang Chích Nụ để tìm kiếm, quy tập thêm tro cốt các liệt sĩ, chứ để sót lại dù chỉ là nắm đất có chứa phần xương thịt của các liệt sĩ thì chúng con cũng không yên lòng mà trở về Việt Nam. - Thôi. Uống rượu đi. Đêm càng về khuya, khí lạnh từ rừng núi toả ra như làn sương len lỏi thấm vào từng ngôi nhà của bản Ma Dút. Mọi người trong gia đình của già bản Xeng Ly cũng như anh em trong Đội quy tập hài cốt liệt sĩ bắt đầu cuộn chăn thiu thiu ngủ trong ấm nồng men rượu Fanthong. Bên bếp lửa chỉ còn lại tôi cùng già bản Xeng Ly ngồi lặng im nhìn ra khoảng tối trước sân nhà. Già bản Xeng Ly bỗng quay ánh nhìn u uẩn, trầm ngâm xuống thanh củi rừng đang tí tách cháy trong bếp lửa và như chợt nhớ ra điều gì, già bản Xeng Ly quay sang hỏi tôi: - Mày có tin đêm nay có người con gái trở về bản Ma Dút không?. - Con không hiểu. Mà ai vậy già?. - Sa Thar. Từ khi chúng mày đến bản Ma Dút để quy tập hài cốt các “tà hán” Việt về nước thì Sa Thar bắt đầu trở về trong làn hương hoa Chămpa. - Sa Thar ?! - Sa Thar đã chết cách đây bốn mươi năm. Bốn...mươi... năm...người Ma Dút có thể quên nhưng với riêng tao thì không được quên...bởi Sa Thar là vết cắt ứ máu của quá khứ đau buồn, lầm lạc đời tao. Nhiều lúc tao cố quên nhưng không thể nào quên được. Ngày chúng mày đến đây thì quá khứ tưởng đã im vắng trong lòng tao lại quay về trong nhiều đêm mất ngủ... - Dạ. - “Tà hán” Dũng này. Mày có muốn nghe tao kể không?. - Dạ. - Chuyện xảy ra vào mùa khô năm một nghìn chín trăm sáu mươi tám. Lúc bấy giờ tao đang là lính của tướng Vàng Pao đóng quân ở căn cứ Lat Houang gần bản Ma Dút. Già bản Xeng Ly cúi xuống với tay lấy thêm củi rừng cho vào bếp. Dòng ký ức ảo mờ tựa sương khói trở về đậu trên mái tóc bạc trắng chảy xuống khuôn mặt già nua của già bản Xeng Ly. 2. Buổi sáng mùa khô trở về trên đất Lào bằng cái nắng hầm hập như đổ lửa hoà vào cơn gió nóng bức tràn qua căn cứ Lat Houang. Xeng Ly trở dậy trong tiếng còi hú báo động khẩn cấp cùng rầm rập tiếng đế giày nện xuống mặt đất khô khốc. Mặc vội bộ áo quần rồi khoác khẩu súng lên vai, Xeng Ly chạy đến nơi tập hợp. - Tất cả...Nghiêm...iêm...iêm...Chuẩn bị hành quân đến cánh rừng cạnh bản Ma Dút. Lên đường. Xeng Ly không hiểu chuyện gì xảy ra nên vừa đi, vừa hỏi người bên cạnh. - Có chuyện gì mà hành quân gấp vậy?. - Có tin mật báo ở cánh rừng cạnh bản Ma Dut có Đội Công binh của Bắc Việt đang mở đường lên điểm cao Pha Thí. Vậy thôi. Làm thằng lính như bọn mình đã nhận lệnh đi đến đâu thì cứ đến đó mà đánh chứ hỏi gì nhiều thế. Nhanh lên không ăn đạn bây giờ đấy. Vừa đến cánh rừng cạnh bản Ma Dút, Xeng Ly đã thấy máy bay quần thảo như muốn băm nát cánh rừng. Khói bom bốc lên từng cột ám đen bầu trời. Súng nổ tràng dài váng động cả núi rừng. Dưới chân Xeng Ly, cây cối gãy đổ ngã nghiêng bên hố bom nồng nặc, khét lẹt mùi thuốc súng.
Toán quân của Xeng Ly có nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài nên đến quá trưa, Xeng Ly mới đến được hang Chích Nụ nằm ở lưng chừng núi Pha Thí. Cửa hang Chích Nụ lố nhố đám lính Mỹ lăm lăm súng trên tay đang nhả đạn, phun chất độc vào trong hang. Trong hang im ắng, chỉ có làn khói đen khăn khẳn toả ra dày đặc. Xeng Ly lò dò đến gần cửa hang và cảm thấy có luồng khí lạnh chạy qua sống lưng làm Xeng Ly rùng mình. 3. Một tháng sau. Tại căn cứ Lat Houang với trại lính được bảo vệ bằng hệ thống lô cốt xây dựng kiên cố bao bọc bên ngoài nhiều lớp hàng rào bùng nhùng kẽm gai tua tủa như hàm răng quái vật in bóng lên trời chiều. Ăn vội nắm cơm nếp chấm mắm Muok, Xeng Ly được lệnh cùng Bun Hơn đến hỏi cung tên bộ đội Pathét Lào vừa mới bị toán quân của Bun Hơn bắt được tại bản Ma Dút.
Xeng Ly lầm lũi theo chân Bun Hơn đến nơi giam giữ tên bộ đội Pathét Lào. Giữa khoảng sân, một người con gái bị trói vào cọc sắt chôn chặt xuống nền đất. Mái tóc đen dài của cô gái rủ xuống khuôn mặt chằng chịt vết bầm tím vì bị đánh. Thấy có người đến, cô gái quay ánh nhìn giận dữ, căm hờn hắt về phía Xeng Ly và Bun Hơn. Dưới chiếc váy Phaa sin nhàu nát, đôi chân bị đạn găm lỗ chỗ đang ri rỉ máu. Bun Hơn đến bên người con gái nắm tóc giật mạnh và nghiến răng hỏi. - Mày tên gì?. - Sa Thar. - Mày là bộ đội Pathét Lào?. - Tao là người của bản Ma Dút. - Mày còn cãi à. - ... - Tại sao mày lại nuôi dưỡng, che dấu tên bộ đội Bắc Việt. Sao mày không đem nó đến nộp cho bọn tao?. - Anh ta bị thương nặng rất cần đến sự chăm sóc của tao. - Nó tên là gì?. - Nghĩa. - Sao mày dám che đạn của bọn tao để cho nó chạy thoát. - ... - Mày có biết bọn nó đến đây để làm gì không?. - Họ đến đây đánh Mỹ và bọn khốn nạn chúng mày để cùng quân Pathét Lào bảo vệ bản Ma Dút. Họ không đốt nhà, giết người, cướp bóc như chúng mày. - Này thì đốt nhà... Này thì giết người... Này thì cướp bóc... Này thì che dấu Vừa nói Bun Hơn vừa cầm báng súng nện vào đầu, vào người Sa Thar. Máu chảy lênh láng trên mặt đất khô cong dưới chân Xeng Ly. Sa Thar đổ oặt người xuống vắt vẻo trên chiếc cọc. Xeng Ly chụp lấy báng súng của Bun Hơn và hét lên. - Đủ rồi. - Buông tao ra. Mày muốn chết phải không?. - Mày định giết nó đấy à... - Mày có biết chút nữa là tao nhận viên đạn của tên bộ đội Bắc Việt bắn trả. Tao phải giết nó. Đồ chó cái láo xược... Khuôn mặt Bun Hơn hằn lên từng tia máu đỏ rựng. Bàn tay hộ pháp, rắn chắc như thép nguội của hắn tiếp tục đánh bình bịch vào thân hình hầu như không còn sự sống của Sa Thar. 4. Đêm đã về khuya. Già bản Xeng Ly cho thêm củi vào bếp lửa. Ngọn lửa bốc cao soi tỏ từng góc cạnh khuôn mặt của già bản Xeng Ly. Trên gò má nhô cao của già bản Xeng Ly còn đọng giọt nước mắt. - Chứng kiến cảnh thằng Bun Hơn đánh đến chết Sa Thar, tao chợt tỉnh ngộ về những điều đạo đức giả sặc mùi lừa mị mà bọn Bun Hơn đã nhồi nhét vào đầu tao khi tham gia vào lực lượng Vàng Pao. - .... - Đêm đó, tao lặng lẽ ôm xác của Sa Thar mang đi...Cứ ngỡ Sa Thar đã chết nhưng không ngờ khi đến gần suối Tha Tăng thì Sa Thar còn lại chút hơi tàn đã thều thào trên vai tao trước lúc trút hơi thở cuối cùng. Sa Thar bảo tao hãy chôn cất Sa Thar bên suối Tha Tăng để sau này Nghĩa sẽ quay trở lại tìm cô ấy. Sa Thar khuyên tao đừng theo bọn Bun Hơn đốt phá bản làng nữa. Tao đã hứa với Sa Thar là tao sẽ trở thành bộ đội Pathét Lào. Sau này, nếu quê hương hoà bình tao sẽ trở về làm dân của bản Ma Dút để chăm sóc nấm mộ của Sa Thar. - Chôn cất Sa Thar xong, tao bỏ vào rừng sống lang thang, chui lủi như con thú hoang trong thời gian dài mới gặp Đại đội trưởng quân đội Pathét Lào là Bun Ny rồi được anh ấy cho vào Đại đội để trở thành bộ đội Pathét Lào đúng như lời hứa với Sa Thar.
Hoà bình lập lại trên đất Lào. Con suối Tha Tăng vơi đầy dòng nước theo sự luân chuyển từ mùa khô đến mùa mưa vẫn rì rào chảy mài miệt bên nấm mộ Sa Thar. Tao trở về làm dân bản Ma Dút và thay Sa Thar chờ đợi Nghĩa quay về, cho dù tao chưa một lần biết mặt Nghĩa. Tao luôn tâm niệm trong lòng rằng đến ngày Nghĩa quay trở lại tìm Sa Thar tao sẽ dẫn Nghĩa đến viếng mộ của Sa Thar. Tao bảo với Nghĩa đặt lên mộ Sa Thar nhành hoa Chămpa để linh hồn Sa Thar siêu thoát về cõi Phật. Chờ mãi cho đến tận bây giờ mà bóng dáng Nghĩa vẫn mịt mù bên kia dãy Trường Sơn ảo mờ bóng núi. Có lẽ... Nghĩa cũng đã hy sinh nên mới không quay trở lại tìm Sa Thar... Tôi lặng người trước câu chuyện của già bản Xeng Ly. Tôi không thể nào tin nổi cuộc sống lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên đến diệu kỳ. Điều trùng hợp đó đã làm sống dậy vẹn nguyên ký ức của tôi về người cha trong phút giây lâm chung cách đây mười năm 5. Buổi chiều khi tôi đang gói gém hành lý cùng đồng đội chuẩn bị lên đường sang Lào làm nhiệm vụ tại vùng Hủa Mường theo kế hoạch cất bốc hài cốt liệt sĩ trên đất bạn Lào mà Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giao thì nhận được tin cha ốm nặng. Tôi vội vã xin phép đơn vị về quê thăm cha. Vừa bước chân vào nhà đã thấy mẹ tôi ngồi bên cha run rẩy cầm tay cha trong giọt nước mắt ngắn dài.
Cha tôi khuôn mặt xanh xao đang nằm trên chiếc phản tre đặt ở giữa nhà. Thấy tôi, cha ra hiệu cho tôi đến bên rồi bảo tôi vào buồng lấy chiếc ba lô sờn rách mà cha mang về từ chiến trường. Chiếc ba lô là bí mật cả đời chinh chiến của cha mà tôi và mẹ tôi chưa bao giờ được cha cho phép chạm đến dù chỉ một lần. Cha thều thào. - Chắc cha không sống được nữa. Cha sắp đi gặp ông bà của con cùng đồng đội của cha. Con vào buồng lấy chiếc ba lô cho cha... - Dạ... Tôi lập cập vào buồng mang chiếc ba lô đến bên cha. Mẹ tôi đỡ cha dậy. Cha tôi run run mở nắp ba lô lấy ra một cuốn sổ ố vàng. Cha trao cuốn sổ cho tôi. - Con hãy gìn giữ và đọc nó. Cuốn sổ này là toàn bộ quãng đời chinh chiến đã thành quá khứ hào hùng đáng trân trọng của cha. Một người lính cầm súng vượt Trường Sơn đánh Mỹ để con hiểu sự gian khổ, khốc liệt mà cha và thế hệ của cha đã trải qua để quý trọng hơn cuộc sống thanh bình ngày hôm nay... - Dạ.. - Còn nữa. Khi nào đơn vị con cất bốc hài cốt anh em trên đất Lào, con phải cố gắng đưa đơn vị đến bản Ma Dút của huyện Hủa Mường cất bốc sáu mươi ba hài cốt đồng đội của cha còn đang nằm lại trong hang Chích Nụ. - Con hứa. Con sẽ cố gắng làm theo lời cha dặn. - Cha có lỗi với hai mẹ con vì khi trở về không lo được cuộc sống đủ đầy cho hai người. - Dạ... - Con ở lại thay cha chăm sóc thật tốt cho mẹ con. Mẹ con khổ nhiều lắm rồi. - Cha ơi... - Ông ơi.. Dặn dò xong, cha nhìn tôi trìu mếm. Trên đôi môi nứt nẻ ánh lên nụ cười mãn nguyện. Đêm đó, cha tôi trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của mẹ con tôi. 6. Đưa tang cha xong. Tôi thức trắng mấy đêm liền để đoc cuốn sổ cha trao. Từng dòng chữ mang tôi theo bước chân cha trên nhiều chặng đường hành quân dưới mưa bom, bão đạn. Tôi để mặc giọt nước mắt mình rơi lã chã xuống trang giấy thấm máu ghi lại sự kiện Đội Công binh của cha gâp rút mở đường cho quân ta tiến lên đánh chiếm điểm cao Pha Thí thì bị bọn Mỹ phát hiện, bủa vây phải rút vào hang Chích Nụ để chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. “Ngày 04/11/1968. Mình nhận được lệnh của cấp trên phải cấp tốc mở đường lên điểm cao Pha Thí. Điểm cao Pha Thí được bọn Mỹ mệnh danh là “con mắt thần” quan sát được động tĩnh của quân ta cũng như quân đội Phathét Lào trong phạm vị hàng chục kilômét của vùng Hủa Mường. Nghe anh Hiếu nói trên đó bọn Mỹ bố trí hệ thống lô cốt kiên cố đồng thời trang bị hoả lực mạnh. Lương thực, nước uống cùng mọi sinh hoạt cá nhân của bọn Mỹ đều được máy bay mang đến tiếp tế hàng ngày. Chắc vì sự lợi hại của điểm cao Pha Thí nên cấp trên mới quyết tâm tiêu diệt cao điểm này. Mình tự hào xiết bao khi tham gia chút công sức vào việc tiêu diệt điểm cao Pha Thí. “Mắt thần” ư. Chúng tao đang bắt đầu những nhát xẻng mở đường dưới chân chúng mày đây. Không lâu nữa chúng mày sẽ bị tiêu diệt thôi. Cứ chờ đây”. “Ngày 20/11/1968. Từ chiều hôm qua đã thấy máy bay OV10 bay lởn vởn như bóng ma trên đầu. Mình linh cảm có điều gì đó chẳng lành sắp xảy ra. Hay là bọn Mỹ đã phát hiên ra sự hiện diện của Đội Công binh bọn mình. Mình báo cáo tình hình với anh Hiếu nhưng anh Hiếu chỉ cưới rồi bảo mình đừng lo, bọn chúng bay quanh để “rung cây doạ khỉ” ấy mà. Mình vẫn thấy lo. Thôi đã đến giờ làm việc, mặc dù mình còn muốn viết nhiều nhưng đành phải gấp sổ lại ra mặt đường làm việc cùng anh em. Hai hôm nữa phải chuyển sang làm đêm chắc còn vất vả nhiều”. “Ngày 27/11/1968. Bây giờ mình mới cầm nổi cây viết để viết những dòng này trong đau đớn lặng lẽ. Tất cả là ác mộng mình mới trải qua hay sự thật. Một sự thật khủng khiếp. Mình không tin... Không thể nào tin nổi chỉ trong phút chốc tất cả Đội Công binh sáu mươi tư người chỉ còn lại mình ngồi đây. Trời ơi... Mình nhớ ra rồi.... Gần trưa ngày 20/11/1968, bọn Mỹ cho máy bay ném bom dữ dội. Anh Hiếu cho toàn Đội chạy vào hang Chích Nụ ẩn nấp tránh bom. Chỉ mấy phút sau đã thấy đạn bắn xối xả vào hang. Anh Hiếu vẫn bình tĩnh chỉ huy anh em bắn trả địch quyết liệt. Lòng hang tối, tiếng đạn nổ như xé tai, váng vất cả đầu. Đang bắn trả bọn Mỹ thì tự nhiên mình cảm thấy ngạt thở rồi gục xuống không biết gì nữa. Đêm hôm ấy, mình tĩnh lại và quờ tay xung quanh gặp rất nhiều xác anh em đã hy sinh. Mình chỉ còn biết cố trườn qua xác anh em để hướng ra khoảng sáng cửa hang. Trườn ra khỏi hang. Mình cứ mài miệt trườn đi trong đêm tối mặc cho gai cây rừng cào xé thân thể đến rách bươm. Cổ họng khô rát. Chân tay bải hoải nhiều lúc không nhấc lên được.
Trời tang tảng sáng thì mình trườn đến được dòng suối và ngất đi. Tỉnh lại đã thấy mình đang nằm trong căn chòi canh nương rẫy này đây. Bên cạnh mình lúc ấy có cô gái đang nhẹ nhàng rửa vết thương mưng mủ cho mình. Hỏi ra mới biết, cô gái tên là Sa Thar ở bản Ma Dút. Sa Thar bắt gặp mình ngất lịm bên suối Tha Tăng nên mang về đây chăm sóc, chữa chạy vết thương cho mình. Đến giờ này mình vẫn không tin là mình còn sống sót”. “Ngày 10/12/1968. Nhờ sự chữa chạy của Sa Thar nên mình đã bình phục hoàn toàn và có thể đi lại được. Sa Thar cùng mình trở lại hang Chích Nụ. Hang tối vắng lặng, âm u đến rợn người. Sa Thar tìm được chiếc ba lô, khẩu súng mà mình vứt bỏ lại ở cửa hang khi bị thương rồi trườn đi trong đêm tối. Mình không thể vào hang được vì mùi tử khí bốc ra quá nặng, mình chỉ biết đứng trước cửa hang cùng Sa Thar bái vọng anh em còn nằm lại trong hang đá lạnh. Anh Hiếu ơi...anh Nhơn ơi...Thành ơi...Tiến ơi...Hiền ơi...Đức ơi...đồng đội ơi...anh em ơi...sao không ai trả lời. Anh em đi đâu cả rồi...Về với tôi đi chứ...Sao lại bỏ tôi bơ vơ giữa canh rừng hoang vắng, lạnh lẽo này”. “Ngày 15/12/1968. Hôm trước, thấy mình lau khẩu súng, phơi phong chiếc ba lô, Sa Thar quay mắt đi để giấu giọt nước mắt đang chảy xuống khuôn mặt đẹp đến hoang dại. Mình không đành lòng. Không có Sa Thar chắc mình đã trở thành nắm xương khô giữa rừng rồi còn gì. Không. Không thể nán lại lâu hơn được nữa. Mình phải đi tìm đơn vị để tiếp tục cuộc chiến đấu gian khổ, ác liệt này” “Ngày 20/12/1968. Trời ơi chúng bắt được Sa Thar rồi. Mình là thằng hèn nhát. Mình đã không cứu được Sa Thar để mặc chúng bắt em đi ngay trước mặt mình mà mình không làm gì được chúng. Sa Thar ơi... chúng giết em mất thôi. Sao em lại đẩy tôi ngã xuống đồi để hứng lây làn đạn từ phía bọn lính Vàng Pao. Tôi chỉ còn kịp nhìn thấy em lần cuối khi em phải lết đôi chân bị thương giữa đám lùm bụi trống trải không đủ sức che chở cho em...Sa Thar...cầu trời cho em được bình an. Tôi biết làm gì đây đê cứu em” 7 Già bản Xeng Ly lay gọi tôi trở dậy khi làn sương núi bắt đầu tan dần dưới ánh nắng chói chang soi chiếu xuống bản Ma Dút nằm tựa lưng vào núi Pha Thí. Tất cả mọi người trong Đội đã ăn sáng xong chuẩn bị cuốc, xẻng lên hang Chích Nụ tiếp tục tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ. - Đêm qua, thấy “tà hán” Dũng thức khuya nên sáng nay tao đã xin phép cho mày ở nhà. Với lại tao cũng có chút việc muốn mày đi cùng tao. - Dạ có việc gì già cần đến con ạ... - Cứ đi đánh răng, rửa mặt rồi vào ăn sáng đi. Chỉ là tao đưa mày ra thăm mộ Sa Thar thôi mà. - Già chờ con một chút. Tôi theo già bản Xeng Ly ra thăm nấm mộ Sa Thar bên dòng suối Tha Tăng. Nấm mộ nằm trên gò đất xanh non màu cỏ. Suối Tha Tăng mùa này nước cạn nhìn thấy được từng viên sỏi dưới đáy. Già bản Xeng Ly đưa chuỗi hoa Chămpa cho tôi đặt lên mộ Sa Thar và đứng trầm ngâm như tượng đá. Đang cúi xuống đặt chuỗi hoa Chămpa cùng cuốn sổ mà cha tôi trao lại cho tôi lên nấm mộ Sa Thar, chợt bên tai tôi văng vẳng tiếng cười của người con gái. Tôi ngơ ngác nhìn quanh nhưng chỉ thấy ngọn gió thổi miên trường qua tán rừng lao xao. HOÀNG TIẾN SỸ
Cuối tháng Chạp, cậu con trai xách cái ba lô xuống thềm nhà, ngó quanh một chút, rồi đi. Bốn cái Tết nay, cậu chẳng ở nhà. Và cu cậu cũng chẳng cần báo cho cha ...
VOV.VN - Kết quả bóng đá hôm nay 26/5: Chelsea, Man City giành vé dự Cúp C1 châu Âu sau những chiến thắng ở vòng cuối cùng của Ngoại hạng Anh.
QTO - Từng là vận động viên (VĐV) Đội tuyển Karate quốc gia, Nguyễn Thị Kim Thi (sinh năm 1987) ở Khu phố 7, Phường 3, TP. Đông Hà, đã tham gia thi đấu...
(TT&VH) - Chưa hẳn các CĐV Chelsea đang sống trong cảm giác thấp thỏm trước ngày ra mắt của Guus Hiddink. Nhưng rõ ràng, vẫn sẽ có những sự háo hức nhất định, khi phù thủy...
(TPO) - Cuối cùng thì ông Calisto gánh cả nhiệm vụ dẫn dắt đội Olympic Việt Nam. Trọng trách “2 trong 1” đưa nhà cầm quân người Bồ vào thế làm không kịp thở, thậm chí có thể ví...
Đó cũng là thông điệp BTC World Cup muốn gửi đến tất cả những người quan tâm rằng World Cup 2010 chắc chắn sẽ diễn ra ở Nam Phi. Tất cả các CĐV sẽ có thời gian từ nay tới cuối...
(TT&VH Cuối tuần) - Trong khi các đại gia đều xộc xệch và vào cuộc thật khó khăn thì Đồng Tháp lại lên đỉnh rất sớm. So với Hải Phòng năm ngoái thì Đồng Tháp năm nay lên...
(TPO) - HLV Nigel Clough của Derby County cho rằng, với sức mạnh của đội hình rất hoàn hảo như hiện nay, MU đang trên đường giành được cả 5 chiếc cúp bóng đá, khi mùa giải 2009...
(VnExpress) - Bức tượng mạ vàng nhỏ xíu được cả thế giới biết đến với tên gọi Oscar đã trở thành biểu tượng của Hollywood hơn 80 năm qua, nhưng khởi nguồn của cái tên đó không...