Cập nhật: Thứ 6, 10/06/2016 | 08:32 GMT+7

Triệu Phong phát triển mô hình rau chuyên canh, an toàn

(QT) - Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, những năm qua, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) khuyến khích mở rộng vùng rau màu chuyên canh theo hướng hàng hóa, nhằm tăng thêm thu nhập cho người dân. Cũng như nhiều hộ dân khác tại xã Triệu Long, nhiều năm nay gia đình chị Đoàn Thị Thanh ở thôn Đâu Kênh, ngoài làm ruộng còn tận dụng diện tích đất vườn gần 2 sào để trồng thêm các loại rau màu nhằm cải thiện thu nhập. Đầu vụ, chị đầu tư 5 triệu đồng để làm nhà lưới và mua giống các loại cây rau như ngò gai, mồng tơi, diếp cá… sau 3 tháng gieo trồng đã cho thu hoạch. So sánh với một số loại cây trồng khác như khoai lang hay sắn thì cây rau màu cho thu nhập cao gấp 4 - 5 lần, đặc biệt là có thể trồng và thu hoạch quanh năm. Chị Thanh cho biết: “Trước đây, vùng đất trồng rau này, gia đình tôi trồng lúa, nhưng do thiếu nước, năng suất lúa không cao. Khi được Hội Nông dân xã tập huấn hướng dẫn trồng rau màu nên tôi chuyển sang trồng các loại rau màu, thấy giá trị mang lại gấp nhiều lần trồng lúa mà công chăm bón, thu hoạch cũng nhẹ nhàng hơn”.

Thu hoạch rau màu - Ảnh: PV

Theo chân ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Long, chúng tôi đến tham quan một số vườn rau được người dân địa phương trồng đang lên xanh tốt, ngày nào người dân cũng có thu hoạch bán ra thị trường. Ông Lê Văn Sơn cho biết, xã đang chỉ đạo khai thác tiềm năng vùng đất ven sông Thạch Hãn để phát triển thêm diện tích rau màu. Địa phương đã rà soát lại toàn bộ diện tích đất trên toàn xã để quy hoạch vùng sản xuất thích hợp cho từng loại cây trồng. Triệu Long có diện tích khá lớn đất bãi bồi nằm dọc bờ sông Thạch Hãn, phù sa màu mỡ, thường xuyên có nước tưới thích hợp cho việc phát triển chuyên canh cây rau màu. Đến nay, toàn xã Triệu Long có trên 37 ha rau chuyên canh, thu hút khoảng 78 hộ dân tham gia. Ngoài ra, diện tích rau xen canh, gối vụ cũng được bà con ở đây canh tác với diện tích hàng năm gần 60 ha. Để giúp người dân phát triển các loại cây rau màu, Triệu Long đã phối hợp với các ban, ngành chuyên môn mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Theo tính toán của những người dân trực tiếp trồng rau, mỗi héc ta rau chuyên canh cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Nhờ đó, giúp các hộ gia đình có thu nhập, nuôi con cái ăn học, cải thiện cuộc sống. Nói về việc chuyển đổi cây trồng trên địa bàn xã, ông Lê Văn Sơn cho biết thêm: “Trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng của UBND huyện Triệu Phong, UBND xã Triệu Long đã chỉ đạo nông dân chuyển một số diện tích đất cao, không đủ nước tưới sang trồng màu nhằm tránh tình trạng đất bỏ hoang, đồng thời đảm bảo thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân”. Không những xã Triệu Long phát triển mạnh cây rau màu, mà nhiều địa phương trong huyện như HTX Nại Cửu (Triệu Đông), An Lợi (Triệu Độ), Đại Hào (Triệu Đại), An Trú (Triệu Tài), Đạo Đầu (Triệu Trung)... có diện tích trồng rau màu khá lớn. Việc hình thành các mô hình sản xuất rau chuyên canh ở các địa phương giúp huyện Triệu Phong đảm bảo được nguồn thực phẩm, phục vụ nhu cầu hàng ngày của nhân dân. Toàn huyện Triệu Phong có trên 1.800 ha đất chuyên canh rau. Nghề trồng rau mang lại cho người dân nguồn thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/ha. Để mô hình này mang lại hiệu quả cao hơn, đảm bảo tính bền vững, Hội Nông dân huyện Triệu Phong đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để người trồng rau áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Qua đó, khuyến cáo bà con sử dụng phân vi sinh giúp cải tạo đất, hạn chế các đối tượng sâu bệnh gây hại cây trồng. Ông Võ Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết thêm: “Thời gian tới, chúng tôi đề xuất với UBND huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông-Khuyến ngư mở thêm các lớp tập huấn cho hội viên. Qua đó, nhằm bổ trợ kiến thức, kỹ thuật cho nông dân để họ chủ động và tự tin hơn khi mở rộng mô hình này. Trên cơ sở đó, hội sẽ tổ chức tham quan, học hỏi các mô hình điểm để nhân rộng trên địa bàn”. Hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình chuyên canh rau an toàn đã minh chứng cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp ở Triệu Phong là đúng hướng. Sự chuyển đổi này không chỉ góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích mà còn từng bước hình thành vùng sản xuất rau sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. MINH KHA - HỒNG LĨNH



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Đẩy mạnh canh tác hữu cơ cây rau màu
22:45 16/11/2023

Rau màu là nhu cầu thực phẩm lớn đối với thực đơn hàng ngày của mọi người. Vì thế đảm bảo nguồn thực phẩm này sạch là bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng. Hàng ...

“Ốc đảo xanh” trên vùng rú Bạc

“Ốc đảo xanh” trên vùng rú Bạc
01:32 10/06/2016

(QT) - Ở vùng quê cát Phương Lang, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) khi nhắc đến ý chí của ông Võ Văn Tiến, 62 tuổi, chủ trang trại hoa màu rộng 5 ha trên vùng rú Bạc ai...

Nhân rộng điển hình phụ nữ ở vùng khó

Nhân rộng điển hình phụ nữ ở vùng khó
00:58 09/06/2016

(QT) - Những năm qua, Hội LHPN huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) luôn quan tâm đến công tác phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương khen thưởng các điển hình tập thể, cá nhân phụ nữ trên...

Thời tiết

17°C - 20°C
Nhiều mây, có mưa, mưa rào
  • 16°C - 19°C
    Nhiều mây, có mưa nhỏ
  • 16°C - 20°C
    Nhiều mây, có mưa, mưa rào
POWERED BY
Việt Long