Cập nhật: Thứ 6, 12/08/2022 | 12:22 GMT+7

Triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023

QTO - Sáng nay 12/8, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo hội nghị.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị - Ảnh: N.T.H

Năm học 2021- 2022 là năm đầu tiên ngành GD&ĐT triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, năm thứ hai triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Tuy nhiên, COVID-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động của ngành, gần 20 triệu học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường và chuyển sang học trực tuyến trong nhiều tháng liền; trên 70 nghìn sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước.

Trước tình hình đó, ngành GD&ĐT đã chuyển trạng thái thích ứng với dịch bệnh, đổi mới thể chế, đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, tăng cường đầu tư để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung. Kết quả, đã hoàn thành mục tiêu kép tạm dừng đến trường không dừng học, vừa phòng chống dịch hiệu quả và hoàn thành chương trình năm học. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn nâng lên, được quốc tế đánh giá cao, xếp thứ 59 các quốc gia tốt nhất về giáo dục, tăng 5 bậc so với năm 2020.

Đặc biệt, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, đến nay tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 cấp mầm non 91,7%; tiểu học 74,8%; trung học cơ sở 86,1%; trung học phổ thông 99,9%.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được tăng cường để đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục. Cả nước có 459.100 phòng học các cấp, trong đó phòng học kiên cố đạt 85%. Bộ GD&ĐT đã ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu để mua sắm phục vụ dạy học, ưu tiên các lớp triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn ngành với mục tiêu đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hằng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học.

Tham luận của đại biểu tại hội nghị kiến nghị, nhiệm vụ thời gian tới ngành GD&ĐT cần chọn điểm nhấn để thực hiện, tìm điểm nghẽn để tháo gỡ chứ không nên đề ra các giải pháp “tăng cường”, ‘nâng cao”, “đẩy mạnh” chung chung.

Đã đến lúc chọn xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học và nhà công vụ giáo viên làm điểm nhấn để thực hiện, từ đó tạo công bằng trong tiếp cận giáo dục và nâng cao chất lượng dạy học, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tập trung đổi mới quản trị nhà trường, đánh giá thực chất chất lượng GD&ĐT và vấn đề áp lực thi cử…

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, năm học 2022 - 2023 vẫn là năm vượt khó đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Trân trọng những đóng góp của đội ngũ cán bộ, giáo viên; chia sẻ những khó khăn của ngành giáo dục là không có thẩm quyết định cơ sở vật chất và biên chế, tuy nhiên Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu ngành giáo dục cần nhìn thẳng sự thật chất lượng đội ngũ giáo viên và chất lượng đào tạo còn thấp là do chính ngành. Trong đó quan trọng nhất là ngành chưa trung thực trong giáo dục, nên vẫn phải loay hoay câu chuyện thi cử, dạy thêm học thêm, sách giáo khoa, bệnh thành tích.

Giáo dục phải thực hiện sao cho thực chất việc dạy và học để phát triển toàn diện cả Đức - Trí - Thể - Mỹ. Thật sự quyết liệt đổi mới quản lý nhà nước, đổi mới quản trị nhà trường, làm tốt xây dựng môi trường văn hóa và dân chủ trường học từ bậc phổ thông trở lên, từ đó làm cơ sở để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Đề nghị các địa phương, hệ thống chính trị và toàn xã hội quan tâm hơn nữa cho GD&ĐT, xem đây là quốc sách hàng đầu. Đối với ngành giáo dục, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải trung thực trong giáo dục để cánh cửa vào đại học là tự do không cần thi cử, nhưng đánh giá chất lượng đầu ra phải thực chất theo chuẩn trình độ.

Tăng giá dịch vụ giáo dục nhưng phải phân biệt với đóng học phí của gia đình học sinh ở bậc phổ thông là không tăng và hướng đến giảm, miễn học phí. Theo đó, ngân sách nhà nước phải bù vào đảm bảo tính đúng, tính đủ giá dịch vụ giáo dục, đảm bảo đời sống của giáo viên để giáo dục được cải tiến.

Thanh Hải



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Triển khai nhiệm vụ năm học 2022- 2023
11:29 18/08/2022

Chiều nay 18/8, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2021- 2022; triển khai nhiệm vụ năm học 2022- 2023. Phó Chủ tịch Thường ...

Triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024
06:08 18/08/2023

Hôm nay 18/8, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh ...

Thời tiết

18°C - 23°C
Có mây, có mưa rào
  • 20°C - 25°C
    Có mây, không mưa
  • 18°C - 25°C
    Có mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long