Cập nhật: Thứ 6, 31/07/2020 | 06:31 GMT+7

Tìm giải pháp cho những vấn đề cấp thiết

QTO - Tại kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VII được tổ chức mới đây, một số vấn đề cấp thiết liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội đã được đại biểu HĐND tỉnh, các ngành chức năng và lãnh đạo tỉnh trao đổi, đưa ra các giải pháp tháo gỡ.

Giải phóng mặt bằng đang là khâu khó trong triển khai các công trình, dự án. Ảnh: HN

Gỡ khó cho công tác giải phóng mặt bằng

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, một trong những rào cản chính khiến giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý trong 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt khoảng 24% so với kế hoạch năm là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Đây là thực tế đang diễn ra phổ biến nhiều địa phương, đơn vị khi mà không ít công trình, dự án có tiến độ thi công chậm chạp hoặc bị đình trệ do không có mặt bằng.

Tìm giải pháp cho vấn đề được xem là nan giải nhất trong đầu tư xây dựng cơ bản, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Chí Trung nêu thực tế, vướng mắc cơ bản trong GPMB là do cơ chế, chính sách còn có một số bất cập và chưa phù hợp với thực tế; người dân chưa đồng thuận về chính sách đền bù cùng với đó là sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có lúc, có nơi chưa tích cực. “Để giải quyết những rào cản này, UBND tỉnh cần tăng cường chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức rà soát, đánh giá toàn diện và tổng hợp những vấn đề còn vướng mắc của từng dự án để báo cáo UBND tỉnh xem xét, đưa ra các giải pháp tháo gỡ dứt điểm. Nếu chỉ báo cáo chung chung thì sẽ rất khó giải quyết. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị và chủ đầu tư trong quá trình triển khai công tác GPMB cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, nhất là trong giải quyết các vấn đề phát sinh”, ông Trương Chí Trung đề xuất.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy cho rằng, GPMB gặp nhiều khó khăn có nguyên nhân từ việc chủ đầu tư khi thực hiện các bước chuẩn bị cho dự án chưa đánh giá, nghiên cứu kỹ những tác động của vấn đề này đối với dự án. Vì vậy, khi bị yếu tố GPMB “cản” tiến độ thi công thì lúng túng trong giải quyết. Có chủ đầu tư lại thiếu quan tâm việc công khai, minh bạch dự án đầu tư khiến người dân thiếu thông tin, dẫn đến chưa đồng thuận. Tỉnh cũng chưa tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tổng thể công tác GPMB tác động như thế nào đối với tiến độ triển khai các dự án, dự án nào không thành công, từ đó có giải pháp khắc phục cũng như thông tin để Nhân dân biết. Cùng quan điểm này, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Văn Phụng cho hay, GPMB gặp khó còn có nguyên nhân từ công tác quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý đất đai chưa đến nơi đến chốn, tính công khai, minh bạch từ khâu đầu đến khâu cuối của công tác GPMB còn có vấn đề. Giải quyết được những vấn đề này sẽ góp phần giúp công tác GPMB thuận lợi hơn và củng cố niềm tin của Nhân dân vào các chủ trương đầu tư, triển khai các dự án trên địa bàn.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng gợi mở, vướng mắc trong GPMB là việc khó tháo gỡ từ nhiều năm nay. Để giải quyết rốt ráo vấn đề này, nên chăng UBND tỉnh và các ngành chức năng cần nghiên cứu thành lập một trung tâm GPMB cấp tỉnh. Đây là một đơn vị sự nghiệp công, tự đảm bảo thu chi, có chức năng, nhiệm vụ là cơ quan đầu mối triển khai thực hiện các công việc liên quan đến GPMB phục vụ thi công các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh… Ý tưởng của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh là rất đáng lưu ý khi mà công tác GPMB lâu nay thường được giao cho các địa phương, chủ đầu tư triển khai thực hiện. Thực tế này đã làm nảy sinh các vấn đề này như đã đề cập ở trên cùng với đó là tình trạng “mạnh ai nấy làm”, thiếu sự thông tin, phối hợp.

“Giải khát” cho TP. Đông Hà và vùng phụ cận

Trước thực tế, trong mấy năm gần đây cứ vào mùa nắng hạn cao điểm thì tình hình cung cấp nước sinh hoạt cho TP. Đông Hà và một số vùng phụ cận gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, dẫn đến sự vào cuộc giải quyết khá vất cả của các ngành chức năng và lãnh đạo UBND tỉnh, nhiều đại biểu đã đưa ra hướng giải quyết.

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Công Định thông tin, TP. Đông Hà và vùng phụ cận có trên 29.000 hộ dân đang được cấp nước bởi Nhà máy nước Tân Lương có công suất 15.000 m3 /ngày đêm, khai thác nước mặt sông Vĩnh Phước và Nhà máy nước Gio Linh, khai thác nước ngầm từ bãi giếng Gio Linh cấp bổ sung cho TP. Đông Hà với công suất 7.500 m3 /ngày đêm. 2 nguồn cung này cơ bản đáp ứng nhu cầu, việc thiếu nước chỉ diễn ra vào mùa nắng hạn gay gắt nhất. Để đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt ổn định cho Đông Hà và vùng phụ cận trong thời gian tới, các cơ quan chức năng đã có phương án bổ sung thêm 2 nguồn cung cấp từ thượng nguồn sông Hiếu và đập Trấm. Để thực hiện được công việc này cần huy động thêm nguồn lực từ doanh nghiệp bởi mức đầu tư rất lớn. Phương án huy động vốn như thế nào, cách thức triển khai dự án ra sao đang được tính toán rất cụ thể, khoa học và đảm bảo các căn cứ.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe nêu giải pháp, việc đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho Đông Hà và vùng phụ cận là rất quan trọng và cấp bách. Do vậy, cần có quy hoạch rất cụ thể cho từng giai đoạn bởi dân số, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khu vực này sẽ tăng nhanh qua từng năm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng cấp nước của Đông Hà nói riêng cũng như của cả tỉnh nói chung.

Đại biểu Nguyễn Đức Chính, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, để giải bài toán đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho TP. Đông Hà và vùng phụ cận trong mọi điều kiện thời tiết, trước đây UBND tỉnh đã xem xét nhiều yếu tố và triển khai các giải pháp. Vấn đề là hiện nay các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ để tham mưu UBND tỉnh kế hoạch huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng cho việc này gắn với xây dựng quy hoạch chung cung cấp nước sạch cho toàn tỉnh.

Thông tin từ Công ty cổ phần Nước sạch Quảng Trị cho biết, để đảm bảo nguồn cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho TP. Đông Hà và vùng phụ cận hiện doanh nghiệp đang tiến hành lập dự án cải tạo, nâng cấp Nhà máy nước Tân Lương từ 15.000 m3 /ngày đêm lên 30.000 m3 /ngày đêm, dự kiến triển khai trong năm 2020 - 2021; dự án cải tạo, nâng cấp Nhà máy nước Cam Lộ từ 2.000 m3 /ngày đêm lên 10.000 m3 /ngày đêm, dự kiến thực hiện từ năm 2023 - 2025. Cùng với đó, công ty đang nghiên cứu xây dựng một nhà máy nước mới tại đập Trấm trên sông Thạch Hãn với công suất giai đoạn 1 là 30.000 m3 /ngày đêm, giai đoạn 2 nâng lên 100.000 m3 /ngày đêm để phục vụ cho địa bàn các huyện Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và TP. Đông Hà với tổng kinh phí khoảng 600 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp Nhà máy nước Tân Lương và Nhà máy nước Cam Lộ sẽ đảm bảo cấp nước an toàn cho TP. Đông Hà và vùng phụ cận đến năm 2035… Giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch Quảng Trị Lê Văn Tư cho biết, giải pháp căn cơ, lâu dài là như vậy nhưng ở thời điểm hiện tại, tình hình cung cấp nước sinh hoạt cho TP, Đông Hà và vùng phụ cận đã cơ bản trở lại bình thường nhờ sự vào cuộc tích cực trong triển khai các giải pháp ứng phó của các cơ quan chức năng và chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh.

HN - TT - LA



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Sôi nổi phong trào tình nguyện hè

Sôi nổi phong trào tình nguyện hè
23:27 30/07/2020

QTO - Mặc dù mới khởi động nhưng các hoạt động, phong trào tình nguyện hè của tuổi trẻ Quảng Trị đã phát triển rộng khắp, sôi nổi trên địa bàn. Từ đây,...

Cựu chiến binh Hải Lăng làm theo lời Bác

Cựu chiến binh Hải Lăng làm theo lời Bác
23:20 29/07/2020

QTO - Thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với phong trào thi đua “Cựu...

Thời tiết

27°C - 34°C
Có mây, không mưa
  • 26°C - 35°C
    Ít mây, trời nắng nóng
  • 28°C - 35°C
    Ít mây, trời nắng nóng
POWERED BY
Việt Long