Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo(*)
(Trích tham luận của đồng chí HOÀNG ĐỨC THẮM, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị) Để phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, khắc phục những mặt hạn chế, yếu kém, tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thúc đẩy sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh phát triển vững chắc trong thời gian tới, chúng ta tập trung thực hiện một số nhóm giải pháp trọng tâm sau:
 |
|
1.Giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. 1.1. Tăng cường quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Tiếp tục đổi mới về tư duy và cách thức tổ chức quản lý của các cơ quan quản lý giáo dục các cấp và các trường học. Tập trung chỉ đạo nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo nhất là về công tác nhân sự, tài chính, chuyên môn; thực hiện cơ chế phân cấp quản lý đồng bộ trong toàn tỉnh theo hướng nâng cao trách nhiệm, và tạo động lực, tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục và đào tạo. 1.2. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo yêu cầu đổi mới. Rà soát, sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với vị trí làm việc, đảm bảo sự cân đối, hợp lý về số lượng, chất lượng giữa các cấp học, ngành học, giữa các vùng miền trên phạm vi toàn tỉnh. Tiếp tục triển khai thực hiện việc khảo sát năng lực chuyên môn của giáo viên ở tất cả các cấp học, ngành học trong toàn tỉnh nhằm đánh giá đúng thực trạng chất lượng đội ngũ, làm căn cứ để xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, đồng thời để thúc đẩy ý thức, ý chí tự học, tự rèn của cán bộ, giáo viên nhằm bảo đảm chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo ở từng cấp học, ngành học và trình độ đào tạo theo quy định của Bộ GD&ĐT. 1.3. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo theo hướng coi trọng phẩm chất và năng lực của người học. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh xác định rõ và công khai mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng cấp học, ngành học, chương trình và chuyên ngành đào tạo. Coi đó là cam kết bảo đảm chất lượng của từng cơ sở giáo dục và đào tạo, của cả ngành; là căn cứ giám sát, đánh giá chất lượng giáo dục. Khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết đáp ứng yêu cầu dạy và học theo nội dung, chương trình giáo dục đổi mới. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường kiểu mẫu đối với từng cấp học theo mục tiêu đề ra. Tiếp tục quán triệt chủ trương của tỉnh, thực hiện việc giảm sĩ số học sinh/lớp thấp hơn mức quy định tối đa để đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục. Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học. Triển khai trên diện rộng việc dạy tiếng, dạy chữ Bru- Vân Kiều cho học sinh dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có điều kiện học tập tốt hơn, đồng thời góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh. 1.4. Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng giáo dục mở, học tập suốt đời. Thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh; thực hiện có kết quả việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Quán triệt thực hiện tốt Nghị quyết số 20/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, sắp xếp lại hệ thống các trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 theo hướng ở mỗi xã có ít nhất một trường mầm non, một trường tiểu học và một trường THCS; quy hoạch lại hệ thống trường THPT trên địa bàn tỉnh; phát triển trường PTDT bán trú ở vùng điều kiện KT-XH khó khăn. Tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh và các trường trung cấp để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH của tỉnh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng xã hội học tập tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, học tập suốt đời của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. 2. Giải pháp huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho giáo dục. Mục tiêu của công tác xã hội hóa giáo dục là huy động sự tham gia của xã hội vào sự nghiệp giáo dục nhằm tăng cường sự gắn bó hữu cơ giữa ngành giáo dục với cộng đồng, tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo Để huy động tốt các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, cần đổi mới tư duy nhận thức về công tác xã hội hóa giáo dục để bắt kịp với nền giáo dục “mở”; có các giải pháp đồng bộ để tuyên truyền và huy động sự tham gia của xã hội cho sự nghiệp giáo dục. Nghiên cứu để tham mưu cho tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, đề án huy động nguồn lực xã hội để đa dạng hóa các hình thức giáo dục và các loại hình nhà trường; huy động nhiều lực lượng xã hội bao gồm các tổ chức hội, đoàn thể và cộng đồng tham gia quản lý giáo dục, chăm sóc, giáo dục học sinh, làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, cung ứng các dịch vụ giáo dục, xây dựng xã hội học tập nhằm thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Có giải pháp huy động ngày càng nhiều hơn các tổ chức phi chính phủ, tổ chức hội, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân… đóng góp nguồn tài chính, cơ sở vật chất để phát triển giáo dục. Tiếp tục đầu tư và huy động các lực lượng xã hội đóng góp các nguồn lực để mở rộng hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú ở những địa bàn có học sinh dân tộc, trong đó chú trọng vào hoạt động nuôi dưỡng học sinh bán trú. Xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi để huy động các nguồn lực trong xã hội đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học; trong đó ưu tiên các nguồn lực để đầu tư cho các trường kiểu mẫu, trường chất lượng cao, đặc biệt là trường học ở địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. 3. Giải pháp phát triển giáo dục ngoài công lập. Hệ thống các trường dân lập, tư thục hiện có ở tỉnh Quảng Trị chủ yếu tập trung ở ngành học mầm non và khối các trường trung cấp chuyên nghiệp (Toàn tỉnh có 10 trường mầm non, 1 trường phổ thông đa cấp và 2 trường trung cấp chuyên nghiệp dân lập, tư thục). Hiện nay, các trường mầm non tư thục phát triển khá mạnh. Toàn tỉnh có 10 trường mầm non và 60 nhóm lớp độc lập tư thục, huy động khoảng 10% trẻ trong độ tuổi đi học; tuy nhiên một số trường điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo; cần tiếp tục đầu tư để tăng cường cơ sở vật chất và công tác quản lý, chỉ đạo để nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ. Hệ thống trường phổ thông và khối đào tạo, dạy nghề dân lập, tư thục còn ít. Chất lượng đào tạo, điều kiện và cơ sở vật chất phục vụ dạy học của các cơ sở này phần nào chưa đảm bảo yêu cầu. Để thúc đẩy sự phát triển khối các trường dân lập, tư thục phổ thông và đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của con em địa phương, cần tăng cường kêu gọi đầu tư và tạo cơ chế thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia mở trường lớp. Đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo hiện đang hoạt động, cần tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học kết hợp với việc đẩy mạnh triển khai, hoàn thiện công tác đảm bảo chất lượng đào tạo, tiến tới việc các cơ sở này được kiểm định chất lượng. ------------ (*) Đầu đề do Tòa soạn đặt