Cập nhật: Thứ 5, 26/11/2009 | 13:05 GMT+7

Thuốc chữa bỏng từ dược liệu thiên nhiên

(SK&ĐS) - Thông thường, khi bị bỏng ta hay lấy nước vôi trong, lòng trắng trứng, mật ong hoặc mỡ penicillin để bôi. Sẵn có cây cỏ mọc hoang ngoài đồng ruộng, trên đồi nương, quanh nhà và những dư phẩm động vật, ta có thể tận dụng để chữa bỏng.

Xin giới thiệu với bạn đọc những bài thuốc chữa bỏng dưới các dạng bào chế sau:

Cây tươi hoặc cây khô

Mỡ trăn chữa bỏng rất hiệu quả.
Lá cây thuốc bỏng để tươi, rửa sạch, giã nát, đắp hoặc ép lấy nước bôi. Thân rễ cây ráy cắt bỏ rễ con, cạo bỏ vỏ ngoài, rửa sạch, giã nhỏ đắp vào vết bỏng. Dùng riêng hoặc phối hợp với quả dứa xanh, liều lượng bằng nhau. Thân rễ cây ráy 15g còn phối hợp với củ nghệ già 15g, cạo sạch vỏ, giã nát nhuyễn, cho vào dầu lạc hoặc dầu vừng 30ml, nấu sôi 30 phút. Lọc bỏ bã, cho sáp ong 20g, đun lại, đánh đều cho tan sáp. Để nguội mà dùng. Thuốc có tác dụng đặc hiệu với những vết bỏng đã trầy da. Lá sung có tật 100g phơi khô, sao vàng, tán bột, rây mịn, trộn với mỡ lợn hoặc mỡ chó 100g, bôi hằng ngày.

Nước sắc

Lá dung sạn 100g, rửa sạch, sắc với 400ml nước còn 50ml. Để nguội, tẩm vào băng gạc, đắp ngày một lần. Qua hơn 10 năm nghiên cứu và ứng dụng để chữa bỏng, Khoa bỏng - Viện Quân y 103 đã kết luận nước sắc lá dung sạn có tác dụng với trực khuẩn gram âm và tụ cầu khuẩn, làm lành các vết bỏng nhiễm khuẩn. Dùng lá dung sạn thấy vết bỏng khô, không có mùi hôi và chóng lên da non.

Cao lỏng

Từ lá sim, lá sến, cây rau má, vỏ cây xoan trà, vỏ bồ hòn (mỗi thứ dùng riêng), ta có thể chế cao theo phương pháp thống nhất như sau: dược liệu lấy về, nếu là vỏ thân thì cạo bỏ vỏ ngoài, rửa sạch, cắt nhỏ cho vào nồi nhôm (không dùng nồi tôn hay sắt). Đổ nước cho ngập dược liệu. Đun sôi trong 1 – 2 giờ. Gạn lấy nước thứ nhất. Thêm nước, đun tiếp để lấy nước thứ hai. Trộn hai nước sắc lại, lọc kỹ rồi cô nhỏ lửa đến khi thành cao lỏng hơi sánh là được. Khi dùng, lấy bông tẩm thuốc bôi lên vết bỏng. Sau 10 – 15 phút, thuốc khô lại sẽ tạo thành màng bền, dai, che kín vết thương, không cần băng, tránh nhiễm khuẩn, không gây loét và lây lan, không gây xót và mùi hôi, làm giảm đau nhanh, không dính chặt vào vết thương, dễ dàng khi thay thuốc. Mỗi ngày thay thuốc một lần. Nếu bị bỏng nhẹ, chỉ làm vài lần là khỏi.

Cao lá sim đã điều trị nhiều trường hợp bỏng nước sôi ở độ 1, 2, chỉ trong 6 ngày và trường hợp bỏng xăng độ 2 cũng sau 17 ngày điều trị là lành hẳn. Cao này còn được ứng dụng ở Quảng Trị thời chiến tranh và được dùng ở bệnh viện tỉnh Quảng Ninh, Móng Cái và Bệnh viện Công ty xây lắp luyện kim.

Cao vỏ cây xoan trà là loại thuốc dân gian chữa bỏng tại Việt Bắc đã được ứng dụng với kết quả tốt ở bệnh viện tỉnh Bắc Thái trước đây và nhiều cơ sở điều trị khác. Cao lá sến có tác dụng nhanh đối với những vết bỏng nông và được dùng thay thế băng gạc để bảo vệ vết khâu sau khi mổ. Cao rau má còn được pha chế thành biệt dược madecassol dưới dạng thuốc mỡ chứa 1% cao để điều trị các tổn thương bỏng nông, sâu xen kẽ.

Dầu

Ở dạng nguyên chất được dùng có dầu đài hái (nhân hạt giã nhỏ, đồ lên rồi ép nóng), dầu vừng đen (hạt ép sống), dầu trứng (lòng đỏ trứng gà đã luộc chín cho vào một bát hoặc muôi nhôm, đốt nóng sẽ được dầu chảy ra). Dầu gấc (ép từ màng hạt) được bào chế thành dạng thuốc mỡ 5 – 10%. Dầu mù u (ép từ nhân hạt) lại được pha loãng với tinh dầu tràm thành các chế phẩm như dầu calino, kem balsino và mỡ mecalin để dùng.

Dư phẩm động vật

Mỡ trăn sống trộn với ít muối và tỏi giã nhỏ, đựng trong lọ kín đến khi mỡ tan ra là được. Hoặc rán lấy nước mỡ như rán mỡ lợn mà dùng. Mỡ lợn rừng cũng có tác dụng chữa bỏng rất công hiệu.

Mai mực đốt thành than, trộn với dầu vừng hoặc dầu dừa thành một hỗn hợp sền sệt. Ngày bôi nhiều lần.

Vảy tê tê 40g, gạo cẩm 40g, rang cháy đen, tán nhỏ, trộn đều, rắc nhiều lần trong ngày.

Xương động vật nung cho đến khi được một khối có màu trắng, dễ vỡ, rồi tán thành bột mịn hoặc đốt xương thành than rồi tán mịn. Rắc bột xương lên vết bỏng đã được rửa sạch và lau khô, đặt một miếng gạc bông, băng lại. Ngày làm một lần. Nếu mới bị bỏng, có thể trộn đều và đánh nhuyễn bột xương với dầu lạc trung tính (liều lượng bằng nhau) mà đắp.

DS. Hữu Bảo



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Phòng và chữa gan nhiễm mỡ

Phòng và chữa gan nhiễm mỡ
06:04 26/11/2009

(SK&ĐS) - Đông y không có tên bệnh gan nhiễm mỡ, bởi vì các tên bệnh trong Đông y thường là tập hợp các hội chứng hoặc bệnh do rối loạn công năng các tạng phủ do nguyên...

Những siêu thực phẩm chống cúm A/H1N1

Những siêu thực phẩm chống cúm A/H1N1
06:04 26/11/2009

(SK&ĐS) - Khi mùa thu qua, đông tới và thời tiết lạnh cũng là mùa cao điểm của dịch cúm và cúm A (H1N1) trở nên nguy hiểm hơn cho dù không phải là nguy cơ đại dịch như đầu...

“Mái ấm” miền Tây

“Mái ấm” miền Tây
02:46 25/11/2009

(QT) - Đã gần hai mươi lăm năm nay, Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) luôn là nơi giáo dục, đào tạo, nuôi dưỡng biết bao thế hệ người con của đồng...

Già làng nói đi đôi với làm

Già làng nói đi đôi với làm
02:46 25/11/2009

(QT) - Lần nào cũng vậy, mỗi lần gặp ông Hồ Ăm Liêm, 51 tuổi, Chi hội trưởng Chi Hội Người cao tuổi, già làng khóm Khe Đá, thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) luôn để lại...

Biết đọc từ năm lên ba

Biết đọc từ năm lên ba
23:57 24/11/2009

(TPO) - Đó là bé Nguyễn Thị Hương Giang, con anh Nguyễn Quang Quyền và chị Nguyễn Thị Nguyệt ở tại thôn Bộc Nguyên, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Thời tiết

18°C - 23°C
Nhiều mây, không mưa
  • 17°C - 23°C
    Có mây, không mưa
  • 18°C - 23°C
    Có mây, có mưa rào
POWERED BY
Việt Long