{title}
{publish}
{head}
“Chào các anh chị, năm nay tui được Ban chủ nhiệm khoa phân công chủ nhiệm lớp Văn K10 của các anh chị, tên tui là Phan Đăng”.
Đó là một buổi sáng cuối tháng 10 năm 1986, lớp Văn K10 chúng tôi được gặp thầy. Gần bốn mươi năm trôi qua, khi những đứa sinh viên 18 - 20 tuổi lúc ấy nay đã ngấp nghé tuổi 60, đi gần trọn vòng hoa giáp đời người chợt nhận ra chúng tôi đã may mắn nhường nào khi được thầy dạy dỗ trong những năm đại học, và hơn thế, có được thầy chủ nhiệm sau hai năm học đầu tiên.
Thầy Phan Đăng (thứ tư từ phải qua) trong một lần dẫn sinh viên khoa Văn đi thực tế
Những năm sau đó, thầy không còn chủ nhiệm lớp nhưng ở cương vị mới Chủ nhiệm khoa Văn thì chúng tôi vẫn luôn được gắn bó cùng Thầy cho đến những ngày cuối cùng của đời sinh viên. Cả sau này ra trường, trong rất nhiều công việc liên quan đến nghề nghiệp chúng tôi vẫn còn được gặp thầy, may mắn được thầy sẻ chia cho những kiến thức uyên thâm về vùng đất quê hương mà ngoài thầy ra ít ai có được. Trở lại với buổi sinh hoạt lớp đầu tiên của thời sinh viên.
Sau khi giới thiệu tên mình, chắc là nghĩ học trò trong lớp đến từ nhiều vùng miền không nghe rõ tên mình, thầy cầm lấy viên phấn đứng dậy ghi lên bảng chữ Phan Đăng rồi quay xuống nói với chúng tôi: “Thật ra tên ông già tui đặt cho tui là Đang chứ không phải Đăng. Khi tui bắt đầu đi học, ông thầy đồ nghe tên tui như vậy, bèn nói: Này trò, để thầy thêm cho cái dấu “á”, tên trò Đang sẽ là Đăng, nghe hay hơn, đều trò về hỏi ông già là tên nớ có kiêng cử chi không, nếu không thì tên trò sẽ là Đăng. Tui về hỏi thì ba tui đồng ý, rứa là tui có cái tên Đăng như anh chị thấy trên bảng”.
Mà không chắc chi tui được thầy sửa tên đâu nghe. Trong lớp tui có một anh tên là Lê Cu, học rất giỏi, chắc anh chị biết rồi, ngày xưa cha mẹ có phải ai cũng hay chữ đâu, cứ con trai là Cu, con gái là Bẹp, cái anh Lê Cu nớ thì ông thầy ông nói luôn: Trò ni tên Cu thì để thầy sửa lại, thầy cho thêm một cái râu nghe, chữ U mà thêm cái râu là thành chữ Ư, thầy đổi thành Lê Cư nghe. Cái anh bạn tui tên Lê Cu được đổi thành Lê Cư đó sau này thành đạt lắm.
Tui kể với anh chị mấy chuyện ni để làm chi ? Là để anh chị thấy cái tên gắn với cả cuộc đời con người ta nhưng thời của tui đi học ông thầy có thể thay đổi được, để cho trò mình hay hơn, tốt hơn, đẹp hơn. Mà đó là thầy của ngày xưa, còn thầy bây chừ, nhất là ở bậc đại học, rồi anh chị sẽ từ từ biết.
Buổi thầy trò gặp nhau lần đầu ấy, không hiểu sao gần 40 năm qua vẫn cứ mới nguyên trong ký ức chúng tôi như vừa mới hôm qua. Cũng hôm đó nhân nói tới những khó khăn mà sinh viên sẽ gặp phải, không chỉ chuyện ăn uống, sinh hoạt, mà chuyện học cụ, sách vở. Thầy kể: Nếu anh chị có vở để viết là may rồi. Thời tui đi học, mỗi đứa được ba mẹ nhờ ông thợ mộc đóng cho cái khay bằng gỗ. Khi học viết thì đổ cát vào khay, dùng tay gạt phẳng, thầy dạy chữ nào thì lấy ngón tay viết lên mặt cát, viết đi viết lại cho thuần thục mặt chữ thì cầm cái khay lắc cho mặt cát phẳng lại, tập viết lên đó chữ khác...
Thầy Phan Đăng và tác phẩm “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” được giải sách hay quốc gia năm 2022
Mấy hôm nay, sau khi được tin thầy Đăng của chúng tôi ra đi, hàng chục thế hệ sinh viên học trò của thầy đã từ nhiều vùng miền về Huế, về bên ngôi nhà nhỏ bên dòng An Cựu (Huế) để thắp nén nhang tiễn biệt. Trên trang facebook của những học trò là vô vàn tiếc thương dành cho người thầy kính quý.
Nhà báo Đinh Như Hoan, sinh viên Văn K7, nguyên Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân nhắc về hai người thầy ở khoa Văn “Dân Văn khoa Tổng hợp Huế ngày ấy vẫn chưa quên câu: Chữ “Đức” học thầy Thảng, chữ “Nhân” học thầy Đăng”. Chữ Nhân của thầy Đăng dành cho sinh viên của mình mỗi đứa giữ một niềm riêng.
Lớp tôi (Văn K10) có bạn Phan Quang Mười, bạn bị thương tật do hậu quả chiến tranh. Khi chuẩn bị tốt nghiệp, thầy gặp riêng Mười rồi bảo: hoàn cảnh em, chắc xin việc không dễ dàng, thầy chẳng có chi để giúp, thôi để thầy bàn với khoa, trường, giữ em lại, bố trí một việc gì đó, giáo vụ chẳng hạn”. Dù Mười không ở lại khoa với công việc mà thầy có thể tạo điều kiện, nhưng ân tình ấy, chữ “nhân” ấy của thầy sẽ đi mãi với cuộc đời của bạn. Bây giờ Mười đang là trưởng phòng tổ chức hành chính của báo Quảng Nam.
Một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất của thời sinh viên thế hệ chúng tôi có lẽ là...đói. Tiêu chuẩn cơm sinh viên đã đẻ ra các thuật ngữ “ canh toàn quốc”, nước mắm “ đại dương”. Đã đói như vậy mà gặp phải những giờ giảng lê thê thì cái đói còn tăng gấp bội. May sao những giờ học với thầy Đăng luôn khiến cho chúng tôi háo hức chờ đợi và mong...lâu hết giờ! Không chỉ vì lượng kiến thức được thầy nén vào trong bài giảng cho chúng tôi mà còn là cái cách thầy truyền đạt, nghiêm nghị mà lại rất hóm hỉnh, thông tuệ mà lại rất bình dân, im lặng mà đầy vang động.
Nhà nghiên cứu Phan Đăng (Phan Hứa Thụy) Quê quán: Đông Hà, Quảng Trị Đã học Đại học Văn khoa, ĐHSP Huế Tu nghiệp ở Đại học Harvard (Mỹ) Giảng viên Đại học Sư phạm Huế, Đại học Tổng hợp (Khoa học) Huế, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế * Sách đã in: - Thơ văn Nguyễn Cư Trinh - Thơ văn Tự Đức, tập I, II (hiệu chỉnh) - Thơ văn Tự Đức, tập III, -Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca (phiên âm, chú thích, giới thiệu) - Đại Nam hội điển sự lệ (đồng chỉnh lý biên tập) - Hoàng Việt địa dư chí (dịch, chú thích, giới thiệu) - Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (dịch, chú thích, giới thiệu, in lần thứ nhất - 2005) - Ô châu cận lục, cùng Văn Thanh (dịch, chú thích, giới thiệu) - Văn bản Hán Nôm Việt Nam (giáo trình Đại học) - Việt sử diễn nghĩa (phiên âm, chú thích, giới thiệu) * Một số tác phẩm viết chung và nhiều bài nghiên cứu tham luận khoa học trong và ngoài nước |
Hai năm trước, khi thầy được trao giải A cho tác phẩm “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” trong giải thưởng Sách Quốc gia lần V năm 2022 (do Bộ TT&TT, Hội Xuất bản Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức vào tối 3-10-2022 tại Hà Nội), học trò của thầy khắp nơi hân hoan chia sẻ niềm vui, gọi điện thông báo tin mừng cho anh em cựu sinh viên khoa.
Sau lễ vinh danh, Lê Thanh Hà (lớp Văn K13 -nay là Giám đốc Nhà xuất bản Thanh niên ở Hà Nội) mời thầy và cô đi ăn khuya, rồi Hà gửi cho bạn bè hình ảnh ấm áp của mấy thầy trò trong đêm trên một góc phố cổ. Chỉ là chia sẻ niềm vui với thầy thôi, nhưng tôi nghe ra trong đó bao nhiêu là nghĩa tình ấm áp riêng có của những đứa học trò từ thầy mà chọn cho mình con đường chữ nghĩa!
Quan sát những mảng nghiên cứu, dịch thuật của Thầy sau này, ngoài lĩnh vực văn hóa Phật giáo mà Thầy luôn được các chuyên gia trong lĩnh vực này hết sức nể trọng thì câu chuyện về chủ quyền quốc gia trong thư tịch cổ luôn được thầy quan tâm. Khi thầy dịch lại bộ sách “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” của Lê Quang Định, đây được xem là bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn, viết ngay sau khi vua Gia Long đăng quang.
Tác phẩm có ý nghĩa rất lớn đối với công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng triều đại của nhà Nguyễn. Lãnh thổ dài rộng từ Nam chí Bắc được chép trong đó là một biểu thị về sự hùng mạnh của Việt Nam vào thời kỳ ấy. Trong lần ra mắt sách tại Huế, thầy cho biết do đây là tác phẩm địa chí nên có rất nhiều từ địa danh, nhân danh, tên gọi các thổ sản, vừa chữ Hán vừa chữ Nôm nên khá khó khăn trong dịch thuật.
Nhưng với chúng tôi, những đứa học trò của thầy hiểu rằng, với kiến văn của mình, tầm dịch thuật Hán Nôm của thầy đủ sức để làm cho một thư tịch chính thống khẳng định cương vực của quốc gia, vừa tỏ rõ ý thức độc lập, văn hiến của một dân tộc tự cường vào đầu thế kỷ XIX chính là cách đóng góp lặng thầm của thầy cho Tổ quốc.
Không chỉ có bộ sách “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí”, còn nhiều bộ khác thầy đang dụng công dịch lại đều liên quan đến chủ quyền quốc gia, chủ quyền biên giới biển đảo..., và rồi thầy đã không kịp hoàn thành, những ước nguyện ấy vẫn còn nằm im trong những cuốn cổ thư trên căn gác nhỏ của ngôi nhà nhỏ. Từ căn gác ấy, nhìn qua bên kia sông phía đối diện là bóng Cung An Định cùng soi bóng vào dòng An Cựu “nắng đục mưa trong”.
Thầy Phan Đăng phát biểu trong tọa đàm về di sản Phật giáo ở Quảng Trị diễn ra ở Chùa Sắc Tứ, huyện Triệu Phong
Cùng với thời gian, sau bao nhiêu mưa nắng đời người, qua bao nhiêu dặm đường xuôi ngược, rất có thể chúng tôi sẽ không nhớ hết những câu thơ thầy giảng, những tác phẩm được thầy lao tâm khổ tứ, nhưng chắc chắn trong chúng tôi, những học trò của thầy vẫn nhớ về hình ảnh của một kẻ sĩ thời hiện đại và cả những ký ức buồn vui khác mà không phải khi nào cũng có thể kể ra một cách dễ dàng.
May mắn là điều không phải ai cũng có được trong đời. Và nếu có một điều may mắn còn ảnh hưởng mãi lên nhiều thế hệ sinh viên Văn khoa chúng tôi thì đó là chúng tôi đã may mắn được HỌC với thầy, một chữ Học viết hoa vì không chỉ dạy chữ, thầy là biểu hiện sinh động nhất mà như cách ngày nay chúng ta hay nói, đó là: “Thân giáo”.
Và chúng tôi lại mượn lời của một đồng nghiệp đàn anh đã nhắc ở đầu bài khi nhớ về thầy: “Học Thầy, không chỉ một bề chữ nghĩa mà còn có cả học cách để làm Người. Bao nhiêu thế hệ học trò theo Thầy mà ngang ngay, sổ thẳng, trượng nghĩa, khinh tài. Và Thầy hoá thành ngọn cao sơn trong mỗi chúng em. Giờ, ngọn núi ấy đã khuất xa mãi mãi!”
Lê Đức Dục
VOV.VN - ĐT Việt Nam đến Singapore chiều 23/12 và được chào đón nồng nhiệt ngay tại sân bay Changi.
(GT) - MU thua Bournemouth 0-3 trên sân nhà, trong khi Liverpool giành chiến thắng ấn tượng 6-3 trước Tottenham tại vòng 17 Ngoại hạng Anh 2024-2025.
QTO - Buổi sớm thức dậy mơ màng thấy dải nắng xuân in trên mặt tường cũ, nhận ra ta đang thở giữa một ban mai quê nhà êm ả tựa áng thơ mới viết. Dẫu có...
VOV.VN - Kết quả bóng đá hôm nay 4/11, MU hòa Chelsea ở trận cầu đinh vòng 10 Ngoại hạng Anh 2024/2025, trong khi Tottenham thắng đậm 4-1 trước Aston Villa.
NDO - Tối 2/11, tại quảng trường đường Hùng Vương, thành phố Lạng Sơn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể...
QTO - Một chiều đầu hạ, trên bến xe thị trấn Cam Lộ, một ông già dáng người mảnh khảnh, cổ quấn chiếc khăn rằn đen, bước xuống một cách khó nhọc từ chiếc...
VOV.VN - Kết quả V-League hôm nay 2/11: HAGL thua trận trước Bình Dương trong khi Hà Tĩnh hòa 0-0 với Bình Định. Với những diễn biến này, giải đấu chỉ còn duy nhất Hà Tĩnh chưa...
VOV.VN - Kết quả vòng 10 Ngoại hạng Anh 2024/2025, Arsenal trắng tay tại sân của Newcastle khi thất thủ với tỷ số 0-1.
VOV.VN - Cập nhật bảng xếp hạng V-League 2024/2025, Hải Phòng lâm nguy sau trận thua Nam Định 1-2 ở vòng 6 diễn ra trên sân Lạch Tray.
VOV.VN - Lịch thi đấu và trực tiếp giải Futsal Đông Nam Á 2024, ĐT Futsal Việt Nam đặt mục tiêu giành chức vô địch.
QTO - Đỗ Hà Cừ sinh năm 1984, trong gia đình có bố là quân nhân bị nhiễm chất độc da cam khi chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị những năm 1972 - 1973. Do...
QTO - Đọc được thông tin trong cơn bão số 6, nhiều người dân bất chấp nguy hiểm ra ven sông Hiếu bắt tiên tiến, em họ tôi điện thoại réo rắt: Về quê Cam...