Cập nhật: Thứ 5, 09/08/2018 | 06:52 GMT+7

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

(QT) - Năm 2018 là thời điểm tăng tốc để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế- xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI đề ra. Tuy nhiên trong 13 chỉ tiêu cơ bản được xác định trong Nghị quyết có 5 chỉ tiêu quan trọng, cốt lõi của nền kinh tế gồm: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP); cơ cấu ngành kinh tế; thu nhập bình quân đầu người; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội dự báo sẽ khó đạt nếu không có sự quyết tâm, nỗ lực lớn và các giải pháp hữu hiệu.

Sản phẩm gỗ ghép thanh, một thế mạnh về công nghiệp chế biến của tỉnh

Tạo đột phá trên từng lĩnh vực, đề án trọng điểm

Trong điều kiện nội lực còn hạn chế, tỉnh Quảng Trị đã huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tập trung vào một số chương trình, đề án, lĩnh vực trọng điểm mang tính đột phá được xác định trong nghị quyết đại hội. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng GRDP dự kiến năm 2018 đạt 7,3%; bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt 6,9%/năm (mục tiêu 2016-2020 đạt 7,5-8%). GRDP bình quân đầu người dự kiến năm 2018 đạt 42,6 triệu đồng (mục tiêu đến năm 2020 gấp 2 lần năm 2015). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn dự kiến năm 2018 đạt 2.597 tỷ đồng; tổng thu giai đoạn 2016-2018 là 7.254 tỷ đồng (mục tiêu 2016-2020 đạt 18.000-19.000 tỷ đồng). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2018 ước thực hiện là 15.040 tỷ đồng, tổng vốn giai đoạn 2016-2018 là 38.196 tỷ đồng (mục tiêu 2016-2020 đạt trên 100.000 tỷ đồng).

Từ những số liệu nêu trên cho thấy những chỉ tiêu quan trọng giúp tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh rất khó đạt nếu không kịp thời triển khai các giải pháp một cách quyết liệt và hiệu quả. Những năm trở lại đây, tỉnh Quảng Trị đã xác định Khu kinh tế (KKT) Đông Nam là hướng mở giúp tỉnh sớm ra khỏi tình trạng địa phương chậm phát triển. Từ đó tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp từ xây dựng quy hoạch, huy động các nguồn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng…Đến nay đã được Trung ương hỗ trợ thực hiện dự án Đường trung tâm dọc KKT Đông Nam Quảng Trị với số vốn 630 tỷ đồng, hỗ trợ rà phá bom mìn 49,275 tỷ đồng, xây dựng 2 khu tái định cư 333,938 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 dự án trọng điểm tại KKT Đông Nam là Cảng biển Mỹ Thuỷ, riêng Nhà máy nhiệt điện than 1.320 MW đang chuẩn bị đàm phán Hợp đồng BOT và bảo lãnh Chính phủ, Hợp đồng mua bán điện. Đồng thời xúc tiến việc triển khai thực hiện một số dự án tiềm năng như Dự án vận chuyển, sản xuất và sử dụng khí từ mỏ Báo Vàng của Tập đoàn Gazprom (CHLB Nga); Hệ thống cấp nước KKT Đông Nam Quảng Trị; Dự án đầu tư CSHT Khu Công nghiệp của Công ty TNHH C&N Vina Hàn Quốc...

Trên lĩnh vực công nghiệp đã phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Sản phẩm công nghiệp tương đối đa dạng, phong phú, nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Một số sản phẩm công nghiệp duy trì được sức cạnh tranh, thị trường tiêu thụ ổn định có mức tăng trưởng cao như bia, gỗ MDF, gỗ rừng trồng, tinh bột sắn, phân bón, săm lốp các loại, dầu nhựa thông, gạch xây dựng... Một số dự án công nghiệp đi vào hoạt động ổn định như nhà máy bia Hà Nội Quảng Trị, nhà máy xi măng Bỉm Sơn, nhà máy tinh bột sắn An Thái, nhà máy phân bón Bình Điền, nhà máy may Gio Linh (KCN Quán Ngang), nhà máy dệt may Vinatex Quốc tế Tom (KCN Diên Sanh), nhà máy may Hòa Thọ (giai đoạn 2), nhà máy sản xuất dụng cụ du lịch Jinquan Việt Nam, các nhà máy thủy điện nhỏ, nhà máy sản xuất viên nén năng lượng, sản xuất gạch không nung, sản xuất gỗ MDF...

Hiện đã có 5 dự án điện gió với tổng công suất 140MW, trong đó dự án nhà máy điện gió Hướng Linh 2 công suất 30MW đã hoàn thành đưa vào khai thác quý III/2017, dự án nhà máy điện gió Hướng Linh l công suất 30MW đã hoàn thành 60% khối lượng, các dự án còn lại dự kiến sẽ phát điện vào năm 2019, 2020. Ngoài ra còn có 24 dự án điện gió khác với tổng công suất khoảng 935MW do 10 nhà đầu tư đang nghiên cứu, khảo sát đo gió trên địa bàn huyện Hướng Hóa và Đakrông để lập hồ sơ bổ sung quy hoạch, trong đó có 5 dự án với tổng công suất 150MW của Công ty CP Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu đang được Bộ Công thương xem xét phê duyệt bổ sung quy hoạch. Đối với các dự án điện mặt trời hiện đã có Dự án Nhà máy điện mặt trời LIGQuảng Trị công suất 49,5MWp của Công ty CP Licogi 13 được Bộ Công thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh và UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, phía nhà đầu tư đang tích cực triển khai các thủ tục để dự án phát điện trước tháng 9/2019. Ngoài ra, còn có một số dự án điện mặt trời đang trình Bộ Công thương xem xét, phê duyệt.

Bên cạnh đó, một số công trình trọng điểm cần tập trung ưu tiên được đề ra trong nghị quyết đại hội đã được tỉnh tích cực vận động, tìm kiếm nguồn vốn triển khai. Đến nay một số dự án như cầu Thành Cổ; nâng cấp Quốc lộ 9 đoạn từ Quốc lộ l đi cảng Cửa Việt; nhà máy gỗ ván MDF tại KCN Quán Ngang, cầu cảng số 3 cảng Cửa Việt, điện gió Hướng Linh 2, thủy điện Khe Giông, Khe Nghi, nhà máy may Gio Linh... đã đi vào hoạt động. Một số dự án đang triển khai như kết cấu hạ tầng khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay, Dự án Phát triển đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông (GMS), dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp lưới điện... Đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung KKT Đông Nam Quảng Trị vào nhóm KKT biển được hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước; bổ sung đoạn từ Quốc lộ l đến cao tốc Cam Lộ- La Sơn vào công trình đường cao tốc Cam Lộ- La Sơn; hỗ trợ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để xây dựng đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà... Tập trung đầu tư xây dựng và phát triển trục kinh tế kết nối KKT Đông Nam với Hành lang kinh tế Đông-Tây; Khu KTTMĐB Lao Bảo với KKT cửa khẩu La Lay, Khu du lịch biển Cửa Việt-Cửa Tùng-đảo Cồn Cỏ đang được triển khai thực hiện từ nhiều nguồn vốn khác nhau.

Những “rào cản” cần vượt qua

Khi xây dựng các chỉ tiêu kinh tế, tỉnh Quảng Trị đã đặt quyết tâm cao vào kết quả thực hiện các chương trình, đề án, lĩnh vực mang tính đột phá và kỳ vọng nhiều vào sự hình thành và phát triển của KKT Đông Nam gắn với việc thu hút đầu tư và triển khai thực hiện các dự án động lực. Vậy nhưng các dự án động lực như Nhà máy nhiệt điện l.320 MW, Cảng biển Mỹ Thủy, Hệ thống cấp nước sông Nhùng, Dự án khí của Tập đoàn Gazprom,...được kỳ vọng sẽ tạo ra sự phát triển bứt phá trong những năm tới nhưng đến thời điểm này, cho dù tỉnh Quảng Trị rất tích cực, quyết liệt và mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, gia tăng tần suất, nâng cao chất lượng và hiệu quả xúc tiến và vận động đầu tư nhưng vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi, làm ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện chỉ tiêu huy động vốn đầu tư toàn xã hội và tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Mặc dù đã có sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt để đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Trị những năm qua vẫn ở mức tương đối thấp (năm 2016 xếp thứ 43/63 tỉnh, thành; năm 2017 xếp thứ 54/63 tỉnh, thành). Đây là một thách thức rất lớn đối với việc thực hiện mục tiêu phấn đấu đưa PCI thuộc tốp 20 của cả nước và ảnh hưởng đến việc cải thiện môi trường đầu tư cũng như khả năng thu hút các nguồn lực đầu tư. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị Nguyễn Cảnh Hưng cho biết: “Việc thu hút đầu tư luôn gặp khó khăn vì điều kiện kinh tế, kết cấu hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chưa đủ mạnh; thủ tục hành chính tuy có cải cách nhưng chưa thực sự thông thoáng. Bên cạnh đó, một số dự án được cấp chủ trương đầu tư nhưng quá trình triển khai gặp khó khăn trong đền bù, GPMB, tiếp cận các nguồn vốn, đặc biệt là những yếu kém trong quản lý đất đai nên tiến độ triển khai rất chậm; thậm chí có nhiều dự án nhà đầu tư không thực hiện hoặc mới triển khai một vài hạng mục nhỏ gây bức xúc trong dư luận xã hội”.

Một lĩnh vực có vai trò quyết định đến tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đó là hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) nhưng mấy năm gần đây gặp nhiều khó khăn, kết quả thực hiện thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Trong chỉ tiêu mà nghị quyết đưa ra thu từ hoạt động XNK giai đoạn 2016-2020 khoảng 6.000 tỷ đồng, bình quân l.200 tỷ đồng/năm. Vậy nhưng trên thực tế doanh nghiệp kinh doanh XNK gặp khó khăn, thua lỗ do thay đổi chính sách xuất nhập khẩu hàng hóa vào Khu KTTMĐB Lao Bảo dẫn đến nhiều doanh nghiệp không có việc làm, doanh thu giảm sút (đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải, bốc xếp hàng hóa, dịch vụ khách sạn nhà nghỉ, kinh doanh điện máy,...). Một số mặt hàng nhập khẩu truyền thống chiếm tỷ trọng lớn như đồng tấm, gỗ, hàng điện tử gia dụng, xăng dầu, trái cây... đã giảm hẳn, đặc biệt mặt hàng gỗ nguyên liệu hầu như không nhập khẩu. Bên cạnh đó, từ ngày 1/9/2016, Khu KTTMĐB Lao Bảo không được hưởng ưu đãi đã giảm lượng hàng hóa, phương tiện qua lại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo nên nguồn thu phí cửa khẩu giảm mạnh, do đó nguồn thu từ hoạt động XNK đạt thấp, bình quân 2 năm (2016-2017) chỉ đạt 285 tỷ đồng/năm, bằng 24% chỉ tiêu nghị quyết đề ra, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu thu ngân sách của tỉnh giai đoạn 2016-2020.

Hiện nay khó khăn lớn nhất trong vận động, thu hút các dự án ODA mới là hạn mức dư nợ vay của tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước không còn nhiều. Các dự án ODA đều bắt buộc địa phương phải vay lại, không còn các dự án được cấp phát vốn ODA hoàn toàn. Trong khi đó, nguồn vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh bố trí thiếu, không kịp tiến độ làm ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch thực hiện theo như cam kết với các nhà tài trợ. Đó là chưa kể đến khả năng trả nợ và bố trí vốn đối ứng của chủ dự án một số dự án ODA vay lại còn hạn chế dẫn tới việc phải dừng hoạt động dự án, rút khỏi hiệp định vay. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Cảnh Hưng cho biết thêm: “Trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã có sự điều chỉnh lớn về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực ODA để phù hợp với thông lệ quốc tế và quan điểm tiếp cận của các định chế tài chính quốc tế và quy định trần nợ công đối với các địa phương theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015. Theo đó, tỷ lệ hỗ trợ vốn đối ứng đối với các dự án khởi công mới giai đoạn 2016- 2020 từ nguồn ngân sách trung ương từ 90% đã giảm xuống còn 80%, đồng nghĩa với việc nguồn vốn ngân sách địa phương phải điều chỉnh để gánh thêm 10% đối ứng so với giai đoạn 2011-2015. Đây là một thách thức và trở ngại rất lớn đối với các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn như Quảng Trị. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách địa phương hạn hẹp, tỉnh vừa không có khả năng để bảo đảm nguồn vốn đối ứng cũng như bị khống chế bởi trần nợ công nên không thể thực hiện được việc vận động các dự án ODA có quy mô lớn, góp phần tạo ra sự phát triển đột phá trong nhiệm kỳ 2015-2020 chính là trở ngại lớn không dễ gì vượt qua”.

Giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Từ thực tiễn tình hình và kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI trong thời gian qua đã cho thấy có 5 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu mà kết quả đạt được phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố “đầu vào” của nền kinh tế. Giữa 5 chỉ tiêu kinh tế quan trọng này có mối quan hệ chặt chẽ, hữu cơ, ảnh hưởng lẫn nhau và phụ thuộc rất nhiều vào các nhân tố tác động trực tiếp, gián tiếp đến hoạt động của nền kinh tế như: Vốn, tài nguyên, công nghệ, lao động, năng lực sản xuất, kinh doanh, quản trị, thể chế…trong đó nguồn vốn đầu tư là yếu tố vật chất “đầu vào” có ý nghĩa rất quan trọng. Riêng đối với chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người còn phụ thuộc vào tốc độ tăng dân số của tỉnh.

Khi xây dựng hệ thống các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu cũng như kịch bản tăng trưởng trong nghị quyết đại hội và kế hoạch 5 năm (2016-2020) tỉnh đã đặt quyết tâm cao để thực hiện các chương trình, đề án, lĩnh vực mang tính đột phá (các vùng, hành lang, khu kinh tế, các đề án trọng điểm; các ngành, lĩnh vực đột phá) và kỳ vọng rất nhiều vào sự hình thành và phát triển của KKT Đông Nam gắn với việc thu hút đầu tư và triển khai thực hiện các dự án động lực. Tất cả các nhân tố quan trọng đó có sức ảnh hưởng và chi phối đến kết quả thực hiện 5 chỉ tiêu kinh tế chủ yếu trên. Tại thời điểm hiện nay, việc tính toán các phương án thực hiện đối với 5 chỉ tiêu này phải dựa vào thực tiễn tình hình và khả năng thực hiện các chương trình, đề án, lĩnh vực mang tính đột phá đã xác định trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.

Vì vậy, khi đề cập đến các giải pháp mang tính đột phá trong định hướng kêu gọi đầu tư vào các đề án, lĩnh vực trọng điểm, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Trần Văn Đoàn cho biết: “Để kêu gọi được các dự án trọng điểm đầu tư vào khu kinh tế trước hết phải hoàn thành phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng của KKT Đông Nam. Tập trung tối đa, các nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương, vốn ODA để đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng tại KKT Đông Nam như: Đường trung tâm trục dọc KKT Đông Nam, các khu tái định cư; các dự án động lực trong khu kinh tế, hệ thống điện, cấp nước, cung cấp nước sạch và các hạ tầng thiết yếu khác, để cơ sở hạ tầng không còn là “nút thắt” trong thu hút đầu tư vào KKT Đông Nam. Về phía tỉnh cần rà soát, ban hành các chính sách của địa phương hỗ trợ về đền bù, di dời, GPMB; đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật đến tường rào nhà máy; hỗ trợ đào tạo lao động, nhà ở công nhân, nhà ở chuyên gia…”.

Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, kế hoạch để chủ động khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tập trung thu hút đầu tư để thực hiện các dự án trọng điểm, tạo sức bật mới. Cần quan tâm đặc biệt đến các quy hoạch mang tính chiến lược, tạo động lực cho phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh với các dự án như: Cảng biển Mỹ Thủy, nhà máy nhiệt điện, khu xử lý khí... Tiếp tục xây dựng phát triển Khu KTTMĐB Lao Bảo, các khu công nghiệp... gắn với khai thác có hiệu quả lợi thế Hành lang kinh tế Đông- Tây theo Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy. Xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án phát triển các ngành, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương, tập trung phát triển các ngành hàng mà tỉnh có lợi thế như: Chế biến nông, lâm, thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng...,tạo ra các liên kết bền vững giữa người trồng nguyên liệu và doanh nghiệp chế biến. Quan tâm phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn nhằm tạo việc làm và phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn.

Để 5 chỉ tiêu kinh tế quan trọng đạt được theo đúng mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng 3 phương án tăng trưởng và đi đến thống nhất lựa chọn phương án tăng trưởng đã thể hiện được quyết tâm chính trị cao nhất. Đó là các chương trình, đề án, lĩnh vực mang tính đột phá được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, tạo ra những đổi thay có tính đột phá trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Đặc biệt, dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị được triển khai xây dựng và giải ngân với khối lượng vốn lớn, dự án Cảng biển Mỹ Thủy được khởi công thực hiện, các dự án đầu tư ngoài nhà nước trên các lĩnh vực công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch…nhất là các dự án đầu tư của Tập đoàn FLC được triển khai và đi vào hoạt động. Các dự án giao thông quan trọng trên địa bàn được triển khai như đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn, đường nối Cửa khẩu quốc tế La Lay và Cảng biển Mỹ Thủy-Quốc lộ 15D, đường tránh thành phố Đông Hà về phía Đông. Bên cạnh đó là những thay đổi mang tính hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách ở Khu KTTMĐB Lao Bảo, Hành lang kinh tế Đông- Tây…Như vậy dự báo tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 ước thực hiện là 7,74%, đạt mục tiêu đề ra ở mức độ cao hơn. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 61,6 triệu đồng, đạt mục tiêu nghị quyết đại hội đề ra. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và tốc độ tăng thu nội địa bình quân trong giai đoạn 2016-2020 đạt 15.541 tỷ đồng, bằng 85,2% mục tiêu nghị quyết đại hội. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm 2016-2020 là 89.142 tỷ đồng, trong điều kiện thuận lợi có thể đạt 100.000 tỷ đồng như mục tiêu đã đề ra.

Khẳng định nhất quán về quan điểm thu hút, kêu gọi các dự án đầu tư trọng điểm góp phần tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh, đặc biệt là hỗ trợ việc tăng trưởng 5 chỉ tiêu kinh tế quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính cho biết thêm: “Sau khi được Thủ tướng Chính phủ bổ sung KKT Đông Nam Quảng Trị vào nhóm các khu kinh tế ven biển trọng điểm được ưu tiên đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2018-2020, tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục tham vấn về cơ chế đặc thù cho KKT Đông Nam Quảng Trị. Chủ động, bám sát hoạt động xúc tiến đầu tư của các Bộ, ngành, đặc biệt là sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để kết nối, tham gia xúc tiến đầu tư tại các quốc gia trọng điểm như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan vào các lĩnh vực như xây dựng kết cấu hạ tầng, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao. Hạn chế tổ chức hoặc tham gia các đoàn xúc tiến đầu tư chỉ mang tính tuyên truyền chung, chỉ tham gia các đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại nước ngoài khi xác định rõ đối tác, dự án cụ thể. Tích cực mời gọi các nhà đầu tư đến nghiên cứu thực địa tại tỉnh. Chú trọng kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn có tiềm năng tài chính trong nước như: FLC, Vingroup, Trường Hải... đầu tư vào các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nông nghiệp nhằm tạo sự đột phá, đặc biệt là thu hút đầu tư vào vùng kinh tế động lực của tỉnh. Tỉnh Quảng Trị luôn cam kết rằng các dự án đã đầu tư trên địa bàn tỉnh phải tạo điều kiện hỗ trợ tối đa. Để thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư và khát vọng phát triển của tỉnh, điều quan trọng nhất hiện nay đã có sự thống nhất từ chủ trương đến hành động.”

Hồ Nguyên Kha



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Nghị lực của một chàng trai khuyết tật

Nghị lực của một chàng trai khuyết tật
23:38 08/08/2018

(QT) - Đang độ tuổi xuân phơi phới với bao ước vọng, hoài bão, bỗng sau một vụ tai nạn lao động, anh Lê Văn Tư (sinh năm 1977) mất đi cánh tay phải. Những tưởng tương lai sẽ...

POWERED BY
Việt Long