Cập nhật: Thứ 3, 04/07/2017 | 05:28 GMT+7

Thận trọng với dông sét

(QT) - Những ngày qua, cuộc sống của nhiều hộ dân ở xã Gio Mai, huyện Gio Linh bị xáo trộn. Mỗi khi ra đồng, lên đồi hay làm vườn, người dân luôn phập phồng âu lo. Hễ thấy chuẩn bị trở trời, mưa gió, một số người quyết định ở nhà dẫu công việc rất bộn bề. Ngay trâu bò cũng ít được người dân chăn thả rông ở ngoài đồng hay trên đồi như trước mà chỉ luẩn quẩn gần nhà. Mọi chuyện nảy sinh từ khi các vụ sét đánh liên tục xảy ra trên địa bàn gây thiệt hại đáng kể về người và vật nuôi.

Hội Chữ thập đỏ huyện Gio Linh thăm hỏi một nạn nhân bị sét đánh

Vào cuối tháng 5, trong khi đang thu hoạch lúa trên đồng, ông Nguyễn Văn C., một người dân xã Gio Mai bất ngờ bị sét đánh. Rất may là ông C. chỉ bị thương ở vùng đầu và đã xuất viện sau những ngày dài điều trị. Không lâu sau sự việc này, hai vụ sét đánh liên tiếp lại xảy ra trên địa bàn xã khiến đàn trâu của gia đình ông Nguyễn Chính D. (trú tại thôn Xuân Lâm) và ông Tạ Văn T. (trú tại thôn Mai Xá) bị chết. Tầm 16 giờ chiều 8/6/2017, trong khi lùa đàn trâu đi ăn từ đồi cát trở về, một tia sét đánh thẳng xuống làm 4 con trâu của gia đình ông D. chết ngay tại chỗ. Trong 4 con trâu này, có 2 trâu mẹ và 2 nghé, tổng trị giá khoảng 50 triệu đồng.

Cũng chung nỗi xót xa vì mất “đầu cơ nghiệp” như ông D., gia đình ông Tạ Văn T. chỉ biết than trời khi sét đánh chết ba con trâu, gồm 2 trâu mẹ đang có chửa và một con nghé. Ông Trương Hữu Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Gio Mai chia sẻ: “Liên tiếp các vụ sét đánh xảy ra trong thời gian ngắn khiến bà con rất hoang mang, lo lắng. Ai cũng mong giai đoạn giao mùa, thời tiết diễn biến thất thường này qua mau để an tâm lao động, sinh hoạt”.

Ở xã Đakrông, huyện Đakrông, đến nay, sự việc đau lòng xảy ra đối với anh Hồ văn B. (sinh năm 1984, trú tại thôn Chân Rò) vẫn được mọi người nhắc đến. Mới đây, trong lúc trời mưa to kèm theo dông sét, anh B. điều khiển thuyền máy chở vợ và chị vợ đi làm cỏ sắn về. Khi đến đoạn sông thuộc thôn Chân Rò, một tia sét lao thẳng từ trên trời xuống thuyền. Anh B. bị sét đánh cháy nửa người ở phía trên, tử vong tại chỗ, người vợ và chị vợ anh B. may mắn thoát nạn. Anh B. qua đời để lại người vợ trẻ và hai con thơ khiến ai cũng thương cảm. Gia đình anh B. thuộc diện đặc biệt khó khăn ở xã, ước vọng vươn lên thoát nghèo mà hai vợ chồng ấp ủ bấy lâu giờ đây có lẽ khó thành hiện thực.

Theo thông tin từ Đài Khí tượng - Thuỷ văn tỉnh, ở Quảng Trị, dông có thể xuất hiện ở bất cứ thời gian nào trong năm. Tuy nhiên, tần suất xuất hiện nhiều nhất là vào giai đoạn chuyển mùa. Có thể hình dung, khi xảy ra sự xáo trộn không khí, nói cách khác là khối không khí lạnh và không khí nóng gặp nhau thì cơn dông sẽ xuất hiện. Trường hợp khác là sau những ngày nắng nóng, cuối ngày cũng có thể xảy ra các cơn dông do bức xạ mặt trời thiêu đốt trái đất tạo ra những đối lưu mạnh. Vì thế, thông thường, các cơn dông này không chỉ mạnh mà còn đi kèm nhiều hiện tượng nguy hiểm khác như: Sét, gió mạnh, lốc, lốc xoáy, mưa đá...

Nếu ban ngày trời đang quang đãng, đột nhiên tối sầm lại thì chứng tỏ một cơn dông mạnh đang hình thành hoặc chuẩn bị di chuyển đến. Vào ban đêm, có thể quan sát được dông đến thông qua việc thấy có sét đánh hoặc là tia sét in thành từng vệt trên nền trời. Một biểu hiện khác báo hiệu cơn dông là tự nhiên trời đang gió chợt ngừng hẳn lại… Trước thực trạng đó, việc trang bị những kiến thức, kỹ năng phòng chống dông nguy hiểm kèm theo sét, mưa đá, tố lốc, mưa lớn cục bộ… cho người dân trên địa bàn là hết sức cần thiết.

Theo ông Cao Văn Thành, Giám đốc Đài Khí tượng - Thuỷ văn tỉnh, cán bộ, nhân viên đài luôn khuyến cáo người dân quan tâm, theo dõi các bản tin dự báo thời tiết. Mỗi người cũng cần phải tập thói quen quan sát hiện tượng thiên nhiên. Thông thường, dông hay xuất hiện theo một chu kỳ nhất định là vào cuối mùa xuân và đầu mùa hè, từ xế trưa sang chiều tối. Cơn dông kéo đến rất nhanh trong vòng 15-30 phút và di chuyển với vận tốc 40km/giờ. Biết điều đó, ta hoàn toàn có thể tính được thời gian tìm đến nơi an toàn. Ông Cao Văn Thành khuyến cáo, thực tế ngay cả khi đang ở trong nhà, nguy cơ bị tai nạn do những cơn dông mạnh vẫn có thể xảy ra.

Vì vậy, người dân cần lắp đặt hệ thống chống sét tại nhà; đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt khi trời có dông; không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết; rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có dông gần xảy ra; tránh xa các đường dây điện thoại hay dây điện… Khi đang ở ngoài trời mà dông mạnh xảy ra, điều cần làm là: Tắt nguồn điện thoại di động; tuyệt đối không tránh trú dưới gốc cây, ở khu vực đỉnh, sườn núi; tránh xa nguồn nước, các vật dụng kim loại; kiếm vị trí càng thấp càng tốt; tay ôm cổ, phần tiếp xúc của người với mặt đất là ít nhất; không đứng thành nhóm người gần nhau…

Khi cảm thấy tóc bị dựng lên (như cảm giác điện khi sờ tay trước mặt ti vi), điều đó báo hiệu ta có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào. Vì thế, ngay lập tức, phải ngồi cúi xuống và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất. Cũng theo ông Cao Văn Thành, bên cạnh sự chủ động phòng tránh của người dân, các cấp, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu về những tác động của hiện tượng dông sét cũng như cách đối phó.

Cùng với đó, việc nâng cao năng lực, phương tiện đo đạc, xử lý để có được bản tin cảnh báo, dự báo với độ tin cậy cao là hết sức cần thiết. Các cơ quan chuyên môn và các cấp chính quyền địa phương cần phối hợp để đưa thông tin cảnh báo, dự báo về dông, tố lốc, mưa đá… đến với người dân một cách nhanh nhất, từ đó có kế hoạch ứng phó, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thời tiết gây ra. Về lâu dài, cần xây dựng số liệu về dông sét; bản đồ phân vùng mật độ sét; bản đồ ngày dông, giờ dông; bản đồ tổng lượng phóng điện qua vệ tinh… để chủ động phòng tránh hiện tượng thiên nhiên có thể gây chết người này.

Tây Long



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
23:09 23/10/2022

Những năm gần đây, thiên tai diễn ra ngày càng khốc liệt, dữ dội hơn. Mùa mưa bão năm nay miền Trung hứng chịu nhiều thiệt hại. Như mưa lũ vừa xảy ra ở TP. Đà ...

Người biết thương biển
01:40 13/05/2023

1 . Có lần Thạc bảo chị chẳng thương biển. Năm đó Thạc mười sáu, dạn dày nắng gió, nước da ngâm đen, bờ vai rộng, tóc húi cua. Làng nằm cuối bãi, hoang sơ và ...

Cánh đồng chiều của mẹ
00:50 08/08/2024

Tôi mới về quê ngoại trưa nay. Tháng Năm, mới chỉ hơn mười giờ đã thấy nắng chang chang bỏng rát. Lại thêm ngọn gió Lào hầm hập nên cái nắng nóng càng thêm gay ...

Gìn giữ cho mai sau
22:55 20/09/2024

Lâu nay, người dân ở huyện Hướng Hóa quen với hình ảnh người đàn ông dân tộc Vân Kiều lặng lẽ xuống nhiều bản, làng để sưu tầm hàng trăm hiện vật gắn bó mật ...

Lãng quên một di tích lịch sử cấp tỉnh ?

Lãng quên một di tích lịch sử cấp tỉnh ?
1:21 sáng qua

QTO - Dù đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh từ nhiều năm trước, nhưng việc bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử Vụ thảm sát Hướng Điền ở xã...

Chăm lo cho hội viên cựu chiến binh vùng biển

Chăm lo cho hội viên cựu chiến binh vùng biển
23:05 02/07/2017

(QT) - Những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Hải Lăng không ngừng chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên CCB trên địa bàn. Đặc biệt, trong thời...

Người cán bộ mặt trận tiêu biểu

Người cán bộ mặt trận tiêu biểu
23:04 02/07/2017

(QT) - Ông Nguyễn Dư Chánh, Chủ tịch UBMTTQVN thị trấn Hải Lăng, huyện Hải Lăng luôn được đồng nghiệp đánh giá là năng nỗ, nhiệt tình, trách nhiệm và gần gũi với nhân dân.

Dạy bơi miễn phí cho trẻ em vùng cao

Dạy bơi miễn phí cho trẻ em vùng cao
22:53 02/07/2017

(QT) - Mùa hè là dịp để trẻ em trong độ tuổi đến trường được nghỉ ngơi, vui chơi thỏa thích sau một năm học tập căng thẳng. Tuy nhiên nhiều em thường chọn các địa điểm gần...

Thời tiết

24°C - 34°C
Có mây, không mưa
  • 24°C - 33°C
    Có mây, không mưa
  • 25°C - 31°C
    Có mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long