Cập nhật: Thứ 6, 24/05/2019 | 06:40 GMT+7

Tạo dựng niềm tin từ vốn vay tiết kiệm thôn bản

(QT) - Sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình tiết kiệm vốn vay thôn bản với sự hỗ trợ ban đầu của Tổ chức Plan tại Quảng Trị, từ chỗ 7 xã đầu tiên thực hiện thí điểm, đến nay huyện Đakrông đã triển khai đồng loạt mô hình tại 14 xã, thị trấn trên địa bàn. Nhờ đồng vốn tiết kiệm, nhiều hội viên phụ nữ, đặc biệt là hội viên đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát nghèo và giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no.

Các thành viên tham gia đóng tiền tiết kiệm vào quỹ của nhóm​

Năm 2009, xã Tà Rụt là một trong 7 xã của huyện Đakrông được Tổ chức Plan hỗ trợ triển khai mô hình tổ tiết kiệm vốn vay thôn bản. Chị Hồ Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Rụt nhớ lại, ban đầu được Hội LHPN huyện và dự án Plan chọn làm đơn vị xây dựng mô hình tiết kiệm vốn vay thôn bản, hầu như hội viên phụ nữ xã Tà Rụt chưa định hình được phải làm gì và làm như thế nào. Đây cũng là điều dễ hiểu đối với phụ nữ vùng cao, bởi lâu nay đồng tiền của họ làm ra gần như không đủ cho chi tiêu hằng ngày nên chuyện tiết kiệm là rất xa vời. Một khó khăn nữa khi bắt đầu triển khai là nhiều chị không biết đọc và đếm được số tiền lớn thì làm sao tham gia được hoạt động tiết kiệm. Bắt đầu từ những cái khó tưởng chừng không tháo gỡ được, nhưng với sự chỉ đạo sâu sát của của Hội LHPN huyện và cấp uỷ đảng, sự hỗ trợ của cán bộ trong Ban quản lí dự án Plan, Ban Chấp hành Hội LHPN xã đã tích cực tuyên truyền, vận động thành lập nhóm tiết kiệm cho chị em phụ nữ tại các thôn bản. Thời gian đầu mới triển khai thành lập nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều chị em chưa hiểu về mô hình tiết kiệm, lo lắng sợ mất tiền, thậm chí một số chị em chồng không cho tham gia.

Năm 2009, từ 3 tổ ban đầu với gần 70 hội viên, sau 10 năm triển khai mô hình, đến nay xã Tà Rụt có 55 tổ tiết kiệm vốn vay thôn bản với 1.139 hội viên, trong đó có hai tổ ở thôn Tà Rụt 1 và thôn A Đăng có sự tham gia của nam giới. Giờ đây, khái niệm tham gia tiết kiệm vốn vay thôn bản không còn xa lạ với hội viên phụ nữ. Tổ chức Plan hỗ trợ mỗi tổ tiết kiệm một két sắt nhỏ với ba ổ khóa và do ba người giữ chìa khóa. Một người khác được tín nhiệm giao giữ két sắt này. Mỗi tháng nhóm tổ chức sinh hoạt 2 lần, tại các buổi sinh hoạt, tùy theo điều kiện kinh tế gia đình, mỗi hội viên có thể tiết kiệm 20.000 đồng, 40.000 đồng, 60.000 đồng, 80.000 đồng, tối đa là 100.000 đồng vào quỹ này. Cứ 20.000 đồng tương đương với một con dấu, có nhiều nơi hội viên đã tăng mức đóng quy định 50.000 đồng với một con dấu. Việc sử dụng con dấu là để giúp người không biết chữ cũng có thể tham gia được. Chị Hồ Thị Hằng cho biết: “Đến nay mô hình này đã thu hút 100% hội viên tham gia với đủ các lứa tuổi. Ngoài việc hỗ trợ thành lập nhóm, tổ chức tập huấn, hỗ trợ bộ dụng cụ cho các nhóm sinh hoạt thì xã Tà Rụt còn được dự án Plan hỗ trợ triển khai mô hình sinh kế chăn nuôi dê quay vòng theo nhóm và các hội viên đã thực hiện hiệu quả”.

Từ mô hình của 7 xã đầu tiên gồm: A Bung, Mò Ó, A Ngo, Tà Rụt, Hướng Hiệp, Tà Long, Đakrông, Hội LHPN huyện đã chủ động nhân rộng đến 7 xã còn lại. Đến nay, toàn huyện Đakrông có 288 tổ tiết kiệm vốn vay thôn bản, thu hút sự tham gia của 4.812 thành viên với tổng số vốn huy động được trong 10 năm lên đến hơn 31 tỉ đồng, đã và đang cho vay số tiền hơn 20 tỉ đồng. Từ nguồn vốn này, các hội viên đã vay để phát triển kinh tế gia đình hoặc đầu tư cho các con học hành. Chị Hồ Thị Lan, ở thôn A Rồng, thị trấn Krông Klang có hoàn cảnh khó khăn, chị là lao động chính trong gia đình, nuôi ba con nhỏ và bố mẹ chồng già yếu, chồng không có việc làm ổn định. Nhờ tham gia tiết kiệm vốn vay thôn bản, chị được vay vốn để mua dê chăn nuôi, có thêm thu nhập. Chị Lan nói: “Chương trình này đã dạy cho chúng tôi làm thế nào để tiết kiệm được tiền, sử dụng tiền có hiệu quả và tiết kiệm nhất. Mọi người đều được học cách tính toán, từ đó giúp chúng tôi có được khoản tiền đầu tư cho sản xuất, mua sắm áo quần, sách vở cho các con đến trường… ”.

Để gắn kết tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong hội viên, phụ nữ trong chi hội, các thành viên trong tổ tiết kiệm vốn vay bản còn đóng góp thêm nguồn quỹ xã hội để thăm hỏi thành viên lúc ốm đau, hoạn nạn. Qua 10 năm thực hiện, tổng số tiền quỹ xã hội mà các hội viên đóng góp lên đến 564 triệu đồng. Đồng thời, tại các buổi sinh hoạt, nhóm trưởng đã lồng ghép các nội dung hoạt động hội như tuyên truyền về cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, xây dựng gia đình hạnh phúc, cách làm kinh tế hiệu quả... để hội viên tham gia cùng nhau trao đổi và chia sẻ những cách làm hay, có thêm nhiều kiến thức bổ ích.

Đánh giá về hiệu quả của chương trình tiết kiệm và vốn vay thôn bản, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đakrông Lê Thị Lệ Huyền cho biết: “Trước đây, phụ nữ ít được tham gia vào các hoạt động xã hội và mặc dù là lực lượng lao động chính tạo ra phần lớn của cải vật chất, nhưng việc cầm tiền, tính toán chi tiêu trong gia đình còn rất xa lạ với chị em, đặc biệt là ở các thôn, bản. Khi tham gia vào nhóm, hằng năm các thành viên được tập huấn về chương trình tiết kiệm và vốn vay thôn bản. Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện cũng tổ chức các khóa tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho các thành viên tham gia, tổ chức các hội thi vào các dịp 20/10, 8/3… tạo điều kiện cho các thành viên giao lưu học hỏi lẫn nhau. Qua 10 năm triển khai thực hiện và nhân rộng mô hình, đến nay mô hình tiết kiệm vốn vay thôn bản đã trở nên gắn bó và hữu ích đối với các hội viên phụ nữ, cái được lớn nhất là đã hình thành cho hội viên thói quen tiết kiệm, tính toán chi tiêu vay vốn đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, ổn định cuộc sống”.

Thanh Trúc



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Phát triển kinh tế từ nguồn tích lũy nhỏ
22:50 05/11/2024

Cuộc sống của nhiều hội viên phụ nữ vùng cao Đakrông đã đổi thay tích cực kể từ khi tham gia mô hình tiết kiệm vốn vay thôn, bản (TKVVTB). Chị em biết cách ...

“Bệ phóng” giúp người dân Đakrông giảm nghèo

“Bệ phóng” giúp người dân Đakrông giảm nghèo
23:37 23/05/2019

(QT) - Đakrông là huyện miền núi duy nhất của tỉnh Quảng Trị được hưởng lợi từ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP (gọi tắt là Nghị quyết 30a) về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh...

Cam Chính, miền quê đáng sống

Cam Chính, miền quê đáng sống
23:01 22/05/2019

(QT) - Sau 5 năm bắt tay xây dựng nông thôn mới (2011-2016) và gần 2 năm nâng chuẩn xây dựng thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ trở thành miền quê đáng...

Thời tiết

26°C - 35°C
Ít mây, trời nắng nóng
  • 28°C - 35°C
    Ít mây, trời nắng nóng
  • 27°C - 36°C
    Ít mây, trời nắng nóng
POWERED BY
Việt Long